Phạm Văn (Danlambao) - Vào lúc này những kẻ bảo thủ, đặc biệt những kẻ bảo thủ nhất của chế độ cộng sản giả hiệu, nửa dơi nửa chuột ở Việt Nam đang chuẩn bị kỷ niệm lớn 50 năm bản Di chúc của Hồ Chí Minh viết trước khi “đi gặp các cụ C. Mác, Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác” nơi địa ngục, trong đó có việc tổ chức các loại hội thảo “khoa học” về chủ đề này và về Hồ Chí Minh nói chung. Có lẽ nhiều người sẽ không hưởng ứng và ủng hộ hoạt động này, nhưng tôi thì ngược lại, hưởng ứng và hoàn toàn ủng hộ bằng một việc làm thiết thực là có một bài viết tham gia “hội thảo” trong tư cách một thành viên không được chào mời.
Những kẻ bảo thủ đang “cố dựng lại” thần tượng Hồ Chí Minh gồm cả cái xác chết. Nói là “cố dựng lại” vì theo tôi, thần tượng Hồ Chí Minh đã và đang sụp đổ thảm hại trong lòng phần nhiều người dân Việt Nam trong đó có những đảng viên và cả những cán bộ đang trong bộ máy cai trị cộng sản. Thực ra, những kẻ “cố dựng lại” này là những kẻ đã, đang có những quyền lợi bất chính thậm chí rất lớn, cùng với những sai lầm, tội ác, kể cả tội bán nước gắn chặt với chế độ này. Hơn rất nhiều người, chúng hiểu rõ chế độ của chúng chỉ tồn tại được khi đảng còn, mà đảng muốn tồn tại thì phải có tư tưởng, “linh hồn” trong khi nhân dân đã mất niềm tin vào chúng, khi bọn chúng như những kẻ vô hồn, thực sự không còn linh hồn, trái lại chỉ còn những thân xác bẩn thỉu, tanh tưởi. Vì thế, chúng cố bám lấy những gì có thể còn bám được như những cứu cánh, để tiếp tục tự lừa dối mình, lừa dối người dân để duy trì chế độ, trước hết là đảng của chúng. Bởi vậy, phải cho chúng thấy cả những cái chúng đang cố bám vào thực ra cũng đã quá mục nát, hủ bại rồi.
Như đã nói trong mục “Triết lý và triết lý giáo dục nói chung” của bài “Triết lý giáo dục Việt Nam hiện nay” (Phần 1. Thảm trạng vô minh của triết lý giáo dục Việt Nam) đã đăng trên Dân làm báo 29/7/2019 là tính chất vô minh của hệ thống triết lý là do tính chất vô minh của những triết lý nền tảng của nó quy định. Vì vậy, bàn về thảm trạng vô minh của triết lý giáo dục cộng sản Việt Nam cũng cần phải nói đến những triết lý vô minh nền tảng cụ thể, nhất là những triết lý vẫn được xem là “khuôn vàng thước ngọc” của giáo dục CS Việt Nam gắn với thần tượng Hồ Chí Minh. Xin lựa chọn một triết lý điển hình hay có thể nói là tiêu biểu nhất để xem xét.
Trong nhiều trường học thuộc hệ trung học cơ sở và phổ thông ở Việt Nam hiện nay người ta thường treo những tấm bảng khá lớn trong đó có viết-vẽ câu nói “nổi tiếng” của Hồ Chí Minh: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em” (“Thư Bác Hồ gửi các em học sinh nhân ngày khai trường”, tháng 9 năm 1945). Lời nói này được viết-treo ở nơi trang trọng nhất (ngay trước toà nhà hoặc ngôi nhà chính) của nhiều ngôi trường và thường kèm theo hình ảnh Hồ Chí Minh quàng khăn đỏ cho một em học sinh gái.
Câu nói trên thoạt nghe, như một lời huấn giảng rất cao quý, thiêng liêng về ý thức trách nhiệm đối với đất nước, dân tộc cho học sinh, sinh viên, đồng thời cho thấy mục tiêu của giáo dục Việt Nam. Trách nhiệm, mục tiêu ấy là “học để sau này làm cho đất nước, dân tộc Việt Nam trở nên tươi đẹp, hùng cường có thể sánh vai với các cường quốc năm châu”. Tất nhiên, giáo huấn này cho cả những người trong toàn bộ hệ thống giáo dục. Đây chính là một triết lý lớn, có tính nền tảng của giáo dục Việt Nam. Phải thừa nhận lời nói trên có một thời làm cho học sinh, giáo viên, tuổi trẻ và nhiều người Việt Nam nhớ nằm lòng do những ấn tượng, cảm xúc mà nó đem lại, nhất là khi nó được gắn với “lãnh tụ” vĩ đại, muôn vàn kính yêu, vời sự sùng bái thần tượng của chính con người-văn hóa Việt Nam.
Nhưng phải chăng đến giờ câu nói trên vẫn “còn nguyên giá trị”, vẫn được xem là chân lý, là minh triết còn mãi của giáo dục Việt Nam khi nó vẫn được trương lên một cách trang trọng ở những ngôi trường? Không, bây giờ khác rồi, người ta thấy câu nói trên đã được chứng minh là vô nghĩa-vô minh, nhất là khi đối chiều nó với một “sự nghiệp cách mạng” của đảng cộng sản Việt Nam do Hồ Chí Minh “sáng lập và rèn luyện” đã hoàn toàn thất bại. Nhưng điều muốn nói là dường như người ta vẫn cảm thấy câu nói kia vẫn đúng về “nội dung”? Vậy, chỉ xin phân tích, chứng minh tính chất vô minh của triết lý này ở nội dung của nó.
Thứ nhất, câu nói “nổi tiếng” của Hồ Chí Minh rất mơ hồ về mục tiêu giáo dục. Vì khi mong muốn tương lai dân tộc Việt Nam có thể trở thành một “cường quốc” như Anh, Pháp, CHLB Đức, Mỹ và Liên Xô v.v... (Hồ Chí Minh không nói cụ thể là những “cường quốc năm châu” nào, nhưng ta hoàn toàn có thể suy ra như thế), ông ta đã đồng nhất tùy tiện hai loại “cường quốc” với nhau, mà không thấy rằng ở đây có những cường quốc thực sự được tạo dựng nên từ một - những nền giáo dục Tự do - Dân chủ, và một loại “cường quốc” là sản phẩm của một nền giáo dục phi tự do, phản dân chủ, chính xác hơn là độc tài toàn trị.
Phải chăng khát vọng “cường quốc” của Hồ Chí Minh đã đánh trúng cái tâm lý của phần đông người Việt Nam dưới chế độ quân chủ gia trưởng phương Đông: “Trong đầu mỗi người dân Việt Nam đều có một ông quan”? Vì thế, nó lay động “tâm can” con người bất chấp sự thật là phải hiểu cho đúng bản chất của một cường quốc, nhất là phải hiểu thế nào là một cường quốc thực sự, mà chỉ cần được làm “quan” đứng lên đầu, chi phối kẻ khác là được.
Thứ hai, trong nội dung lời huấn thị của Hồ Chí Minh chứa đựng một mâu thuẫn lớn. Ở chỗ Nguyễn Ái Quốc chọn con đường “cứu nước, giải phóng dân tộc” khỏi chế độ thực dân theo tư tưởng cộng sản Mácxit, trực tiếp là tư tưởng Lênin, cho nên cái “công học tập của các em” mà ông ta nói đến chắn chắn là công học tập dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, nghĩa là theo phương thức giáo dục cộng sản Mácxit. Vì thế, điều này mâu thuẫn với mục tiêu giáo dục là đào tạo nên những con người có thể làm cho dân tộc Việt Nam trở thành “cường quốc” (gồm cả cường quốc tư bản chủ nghĩa vốn theo một phương thức giáo dục khác như đã nói?). Mâu thuẫn này càng cho thấy rõ hơn tính chất mơ hồ của mục tiêu giáo dục.
Thứ ba, mơ hồ về mục tiêu và mâu thuẫn giữa phương thức giáo dục (cộng sản-mácxit) và mục tiêu giáo dục (thực ra là mơ hồ) - sự kết hợp giữa chúng biểu hiện một sự thật, một điều lớn hơn là tính hoang tưởng trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Đừng nói Hồ Chí Minh không có tư tưởng. Ông ta chỉ định nói rằng mình “không có tư tưởng nào cả” theo nghĩa là không có học thuyết, nhưng ông ta có đầy đủ cảm xúc, tình cảm, khát vọng, những cảm quan về các chiều hướng, cơ hội lịch sử và cả ý chí để chết cho chúng (“chết cho tư tưởng”). Theo đó, hãy lưu ý đến việc Hồ Chí Minh “chia cái công” làm cho đất nước trở nên tươi đẹp, dân tộc Việt Nam thành cường quốc như sau: Đấy, “một phần lớn” là do công học tập của các em, còn lại một “phần nhỏ” hơn là do tôi (anh), đảng của tôi và những người đang chiến đấu “cho độc lập dân tộc”. Nghĩ cho kỹ, ta thấy tâm lý của kẻ đang khát thèm, “hướng lên” ai chẳng muốn “phần to”. Nhưng cái “phần nhỏ” kia mới thực sự là cái phần lớn, cơ bản và quan trọng, vì nó đặt nền tảng cho “cái phần lớn” ấy. Bởi vì, nếu không thì tại sao, các thế hệ nối tiếp nhau trên đất nước Việt Nam đau thương cho đến giờ vẫn bị bắt buộc phải ghi nhờ công lao trời biển của bác-đảng.
Cho nên, tính hoang tưởng của tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện ở triết lý nói trên là tin rằng con đường giành độc lập dân tộc từ tay thực dân theo đường lối cộng sản Mácxit chắc chắn là con đường duy nhất đưa non sông, đất nước trở nên tươi đẹp, dân tộc Việt Nam có thể “sánh vai với các cưởng quốc năm châu”. Vì thế, cái công học tập của học sinh, sinh viên Việt Nam chỉ có trên cơ sở nền độc lập mà cha anh họ đã giành được dưới sự dẫn dắt của đảng cộng sản do Hồ Chí Minh lãnh đạo. Ở đây xin được miễn bàn về thảm trạng của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa và thất bại của chế độ xã hội này hiện nay như thế nào.
Hoang tưởng của Hồ Chí Minh là hoang tưởng dựa trên những cảm quan sai lầm về những khả năng, những chiều hướng và cơ hội của lịch sử gắn chặt với những cảm xúc, ý chí và khát vọng ít nhiều phù hợp với nguyện vọng của người dân nô lệ Việt Nam trong chế độ thực dân tàn ác.
Thứ tư, sự lựa chọn sai lầm một sự nghiệp có nghĩa là sự nghiệp ấy không chính danh, là bất minh, cho nên sự bắt đầu của nó cũng nghĩa là sự bắt đầu của tính chất dối trá như một bản chất. Mơ hồ, mâu thuẫn, hoang tưởng là dối trá từ-trong tiềm thức và cả ở xu hướng, ở cái rốt cùng của nó. Tin vào những cảm quan sai lầm của mình về lịch sử có thể mới đầu chỉ là sự dối trá trong tiềm thức, nghĩa là có thể chưa được ý thức. Quyết tâm thực hiện đến cùng những điều sai lầm là sự dối trá có ý thức, thậm chí được chuẩn bị một cách công phu, chi tiết. Cho nên, “công lớn hơn của các em” nhưng thực ra là nhỏ hơn và không cơ bản so với “công của các anh”. Khỏi phải bàn thêm về lịch sử-tiến hóa của sự dối trá này.
Thiết nghĩ, chỉ ra được bốn yếu tố, tính chất và có lẽ còn hơn thế, chứng tỏ tinh chất vô minh của câu nói-triết lý giáo dục nền tảng trên đây đã là quá rõ, quá đủ. Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là biểu hiện ít nhiều cái khát vọng độc lập của dân tộc Việt Nam muốn thoát khỏi ách cai trị của thực dân Pháp xâm lược, nhưng bị chi phối nặng nề bởi truyền thống là chế độ quân chủ kiểu phương Đông Trung Quốc - chế độ quân chủ gia trưởng, một chế độ mà trong đó đại bộ phận nhân dân bị trói lại thành một cộng đồng bởi cái nguyên lý thống nhất mà chế độ này, nhất là nhà vua là yếu tố chi phối. Đó là một thứ cộng đồng hư ảo, giả tạo, không có sự phân chia nội tại, không có con người cá nhân. Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh còn tiêu biểu cho một cái học thiếu căn cơ, không đến nơi đến chốn. Cả về Đông học (nhất là Nho học, Lão học...) và Tây học, người này sao có thể “sánh vai” với Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, Ngô Tất Tố và nhiều người khác nữa. Về Tây học, ta thấy ở đây một lối nhận thức còn rất thiếu năng lực lý tính, tư duy logic, thay vào đó là lối cảm quan gắn chặt với những sự kiện lịch sử, đời sống trực tiếp.
Cho nên, có lẽ ngay từ đầu với khát vọng “tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc” Hồ Chí Minh đã không biết rằng con đường ông ta lựa chọn là con đường đưa một đất nước, một dân tộc ra khỏi chế độ nô lệ này (kiểu thực dân) để bước vảo một chế độ nô lệ khác (kiểu cộng sản chủ nghĩa, nhất là cộng sản kiều Tàu Cộng - một chế độ quân chủ đại hoặc siêu gia trưởng). Bởi thế, tính chất ngẫu hứng-tùy thời, thậm chí là “đu dây”, ít nhiều biểu hiện cái thông sang nào đó, là một đặc trưng tâm lý, tư tưởng, nhân cách nói chung của Hồ Chí Minh. Người xưa nói: “Người làm sao thì chiêm bao làm vậy”. Triết lý giáo dục trên kia hoàn toàn tương xứng với tầm vóc thực tế của Hồ Chí Minh và ngược lại.
Đừng nghĩ đơn giản là bài viết chỉ nhằm “hạ bệ thần tượng” vì như đã nói, thần tượng đã và đang sụp đổ thảm hại rồi. Điều quan trọng là hướng đến một nền minh triết nói chung, minh triết giáo dục nói riêng của Việt Nam. Cần thấy rằng giáo dục Việt Nam hiện nay dường như có tất cả những gì mới nhất, tiên tiến nhất của thời đại (xét về nội dung), nhưng nó vẫn theo một phương thức giáo dục sai lầm, căn bản ở chỗ do những triết lý nền tảng vô minh dẫn dắt gắn chặt với vai trò cai trị của đảng cộng sản, chế độ của nó. Chúng hiện diện ở nhiều nơi, nhất là trong những cơ sở trực tiếp của giáo dục mà những kẻ mạo danh người thầy, nhà giáo dục, cán bộ quản lý giáo dục, vẫn không dám từ bỏ chúng. Họ tin hay họ sợ? Đương nhiên, họ không tin vì tính chất mơ hồ, hỗn loạn và dối trá của chúng. Nhưng họ sợ, vì một phần nói chung do họ không có năng lực phản biện-bác bỏ, phần khác là do họ đã đưa hoặc bị ép đưa vào giáo dục những triết lý không phải của nó, đó là sự vụ lợi theo nghĩa rộng nhất bao gồm cả sự cơ hội, lưu manh chính trị (lưu ý: “vụ lợi” không phải là triết lý giáo dục), do đó những triết lý giáo dục nền tảng vô minh kia được lấy làm những cái khiên đỡ, những cái hang thần che đậy cho họ. Cho nên, nhiệm vụ tất nhiên của chúng ta là phải xóa bỏ những triết lý vô minh này để xác lập những triết lý-minh triết nền tảng mới.
Để kết thúc, xin được làm một phép so sánh-liên tưởng. Trong môn bóng chuyền có một lối đánh phổ biến để giành thắng lợi là “nêu và (để) đập”. Nhưng trong trường hợp rất đặc biệt này, kẻ nêu bóng thuộc một bên, còn kẻ đập bóng lại ở bên đối phương. Chế độ độc tài bảo thủ thối nát đang nêu những “quả bóng” dưới nhiều hình thức để cho chúng ta, những người Tự do - Dân chủ đập chúng. Vậy, lẽ gì không nắm lấy để đập cho chúng những đòn chí tử!
*
(Lưu bút: Nhân dịp kỷ niệm 9 năm ngày ra mắt trang Dân làm báo, cho phép tôi gửi đến các anh chị trong BBT, anh Vũ Đông Hà và toàn thể các anh chị cộng tác viên lời chào trân trọng-kính trọng. Tôi thực sự trân trọng, nể phục tính trung thực, thẳng thắn và rất quyết liệt của trang Dân làm báo. Tôi thành thực cảm ơn trang báo, nhờ các anh chị mà tôi đã thể hiện được tình cảm, tiếng nói của mình với Nhân dân, đất nước Việt Nam yêu dấu. Nếu không có trang báo này chắc chắn tôi không thể gửi đăng những bài viết của mình ở đâu khác được. Chúc các anh chị sức khỏe, hạnh phúc. Chúc sự nghiệp của chúng ta ngày càng thánh công và ngày thắng lợi cuối cùng càng đến gần!).
20.08.2019