CTV Danlambao - Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang - Nguyễn Thanh Nghị, con trai của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đã thành công trong việc yêu cầu ngưng phát triển Phú Quốc thành đặc khu kinh tế. Bộ Xây dựng đã có văn bản đồng ý với Kiên Giang tạm dừng quy hoạch “đặc khu” với lý do "lập quy hoạch hiện chưa đủ căn cứ và không phù hợp pháp luật".
Yếu tố không phù hợp với pháp luật ở đây được hiểu là các quan chức trung ương đã áp đặt và tiến hành việc phát triển Phú Quốc thành đặc khu trong khi Dự luật Đặc khu chưa được thông qua.
Tuy nhiên, qua đề nghị của Bộ Xây dựng người ta có thể thấy "chủ trương lớn" của Bộ Chính trị về Đặc khu Kinh tế vẫn là chủ trương và vẫn phải chuẩn bị để tiến hành trong tương lai: "đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức lập mới Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc theo ý kiến đồng ý về chủ trương của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 739/TTg-CN, theo định hướng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt..."
Trước đây vài ngày, viện dẫn lý do Kiên Giang / Phú Quốc dù đã thực hiện một số thủ tục lập quy hoạch nhưng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ sở pháp lý vì dự luật đặc khu chưa được thông qua. Vì vậy Nguyễn Thanh Nghị đã gửi văn bản chính thức đề nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận cho tỉnh tạm dừng việc phát triển Phú Quốc thành đặc khu kinh tế.
Xem thêm: Thấy gì qua việc Nguyễn Thanh Nghị đề nghị Nguyễn Xuân Phúc ngưng quy hoạch Phú Quốc thành đặc khu.
Phú Quốc là một trong 3 đặc khu (Vân Đồn, Bắc Vân Phong) được chọn làm nơi xây dựng đặc khu kinh tế. Bộ Chính trị CSVN muốn biến chủ trương này thành luật để có cơ sở pháp lý vững chắc cho âm mưu giao 3 địa bàn chiến lược này cho Bắc Kinh dưới danh nghĩa cho thuê 99 năm.
Mặc dù chưa công bố văn bản chính thức về dự luật nhưng vào cuối năm 2017, khi thông tin nội bộ cho biết Phú Quốc sẽ là một trong 3 đặc khu kinh tế thì thị trường bất động sản tại đảo này đã đụng trần. Phú Quốc trở thành cơ hội làm giàu cho các quan tham, đại gia qua việc đầu cơ tích trữ đất mua với giá rẻ ban đầu. Chỉ trong vài tháng giá đất tăng gấp 10 lần và tài sản của các quan tham và đại gia đỏ tăng theo.
Việc người dân khắp nơi xuống đường phản đối Dự luật Đặc Khu buộc Quốc hội phải tạm hoãn thông qua dự luật đã là một thất bại lớn cho Bộ Chính trị. Đối với Kiên Giang / Phú Quốc, việc tạm hoãn dẫn đến tình trạng chôn vốn vào đất đã đầu tư và cơ hội làm giàu bị khựng lại.
Đó là lý do Kiên Giang / Phú Quốc muốn thoát ra khỏi vòng kim cô Đặc Khu của tập đoàn Ba Đình - Bắc Kinh, để quan chức địa phương có thể bắt tay vào các dự án khủng làm giàu nhanh chóng và lấy lại thực lực của phe cánh Nguyễn Tấn Dũng.
14.08.2019