Tù Nhân Lương Tâm hay Tù Nhân Chính Trị? - Dân Làm Báo

Tù Nhân Lương Tâm hay Tù Nhân Chính Trị?

Dân Oan Xuyên Thế Kỷ Lê Thị Kim Thu (Danlambao) - “Trong bóng tối trại giam, nơi cầm tù những người có tội. Nhưng trớ trêu tình đời - có những người đi tù vì quê hương.” (Nhạc Việt Khang). 

“Những người tù nặng tình non sông” này, đương nhiên, được chúng ta vinh danh là những “Người Tù Lương Tâm”, vì họ bị nhà cầm quyền gán ghép tội phản động và bị bắt bỏ tù bằng những lời lẽ luật lệ sặc mùi chính trị, như là tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”, “Chống phá cách mạng”,... Những người tù này có đấu tranh bạo động hay không, thì chưa khẳng định, nhưng nếu bị bắt bỏ tù bằng những luận điệu trên, thì chẳng khác nào nhà cầm quyền gắn cho họ cái mác “làm chính trị”. (1) Nếu như vậy, tại sao chúng ta không gọi họ là “Tù Nhân Chính Trị” cho đúng nghĩa? (2) Nếu gọi họ là TNCT, chúng ta cũng gián tiếp có thêm một hình thức đấu tranh mới mà không phải bỏ công sức, đó là việc cho thế giới biết VN có tù chính trị. (3) Còn mỹ từ TNLT nghĩa rộng của nó là gì và dành cho ai? Hãy tuần tự đối mặt với những sự thật sau, để có thể phân biệt được thuật ngữ TNLT và TNCT.

1. Khi bị bắt giam, một số người tù, thường bị nhà cầm quyền gán ghép là “Thành phần chống đối chế độ”; hồ sơ bao giờ cũng đóng dấu “Mật”; còn khi ra tòa thì bị buộc vào những tội “bạo động, khủng bố”; và khi lãnh án thì hết khung hình của điều luật. Hơn thế nữa, ở trong tù, họ thường bị biệt giam, bị phân biệt thành phần với hồ sơ “Án An Ninh Quốc Gia”. Thâm độc hơn, họ còn bị những “con rít” vây quanh để kiểm soát, hãm hại, tuyên truyền là tù chính trị để những người tù khác không dám đến gần sinh hoạt. Rồi ở làng xóm, gia đình họ cũng bị xách nhiễu cuộc sống bằng những luận điệu kỳ thị, gán mác “gia đình phản động” để hàng xóm tránh xa. Nếu thế, tại sao người bị tù không ngẫn mặt nhìn thẳng sự thật để tự nhận mình là “Tù Nhân Chính Trị”? Và tại sao chúng ta không trân quý gọi “những người nặng tình non sông” là những TNCT để tôn vinh xứng đáng với những hy sinh cao cả của họ? Một thiêng liêng dành tặng cho những người quên thân mình vì quê hương. 

2. Nếu không gọi họ là TNCT, thì chúng ta vô hình chung đồng lõa với nhà cầm quyền là ở VN không có tù chính trị, để nhà cầm quyền huyên hoang trên thế giới rằng nhà cầm quyền được người dân yêu mến. Nếu chúng ta khẳng định họ là TNCT cho đúng nghĩa để mọi người biết, là ta đã mở một mặt trận đấu tranh đánh tan luận điệu tuyên truyền của nhà cầm quyền, một cái tát vào mặt chế độ. Nếu là người tranh đấu cho dân chủ, sao ta lại thờ ơ với việc này, trong khi nó chẳng tốn công sức nào, chỉ việc gọi họ là TNCT. Nếu bỏ đi, không ít thì nhiều, sẽ làm nhẹ đi chính nghĩa chúng ta và đó cũng là những lời ru ngủ sau lưng chiến sĩ. 

3. Vậy thì gọi ai là người TNLT? Tôi sẽ dùng cái tôi của tôi trong những ngày đi đòi công lý để tìm ra những con người đáng được tôn vinh này. 

Thứ nhất, năm 2001, khi bước xuống ga Hàng Cỏ với hai hàng nước mắt của cô gái quê, tôi nhập cùng những nhóm dân oan có sẳn để hằng ngày “nộp đơn cầu xin cứu xét”. Thời gian sau, nhận thấy sự xin cho này không đúng ý nghĩa, cớ sao nhà đất bị cướp mà chúng ta lại đi xin? Thế rồi, tôi tự kẻ khẩu hiệu tố cáo các quan tham, đòi đất bị cướp, và đứng ngoài đường kêu gào công lý cho mọi người biết. 



Tôi không trực tiếp kêu gọi, nhưng hể sáng nào tôi cầm băng ron xuống đường là dân oan các tỉnh thành âm thầm đi theo với những biểu ngữ tự kẻ như tôi. Dần dà, những buổi xuống đường đòi đất đai bị cướp lớn mạnh, khuấy động và làm run rinh cả thành phố Hà Nội, cũng như trong và ngoài nước. 

Nhà cầm quyền biết tôi cầm đầu, khởi xướng những cuộc xuống đường và cũng là người gửi khoảng 95% hình ảnh, video, phỏng vấn và tin tức ra nước ngoài thời đó, nhưng không có bằng chứng buộc tội, họ đành bắt bớ, cấm đoán, sách nhiễu mọi người để dập tắt những phẫn nộ uất ức đang gia tăng hằng ngày. Nhưng quá trễ, những cuộc biểu tình đó đã biến thành “Phong trào dân oan đi đòi công lý”

Thứ nhì, nhờ các cuộc xuống đường của dân oan, những nhà đấu tranh dân chủ bắt đầu từ bóng tối bước ra nhập đoàn, ủng hộ, giúp đở, và để rồi chuyển hóa thành những cuộc biểu tình yêu nước. Từ đó, các cuộc biểu tình chống Trung Cộng, đòi Hoàng Sa Trường Sa thành hình và liên tục nhiều năm sau để ra đời mạng Xã Hội Dân Sự. Những sự việc này có liên quan gì đến “Tù Nhân Lương Tâm” không? Xin kể tiếp. 

Khi tiếp cận các nhà dân chủ và những dân oan khác, tôi mới biết ra rằng không chỉ có một mình mình bị oan ức, mà có rất và rất nhiều người dân thấp cổ bé miệng trên cả nước cũng cùng cảnh ngộ, và cũng ngộ thêm rằng có còn nhiều người đã và đang bị ở tù “bởi nặng tình non sông”. Cộng thêm việc phát hiện chuyện đất đai, biển đảo đã bị mất qua việc đọc được những kiến nghị của các vị “Cách mạng lão thành” gửi Bộ Chímh Trị. Vì thế, lòng tôi không còn nghĩ đến việc riêng mà nghĩ đến việc chung, tôi quyết định chọn lấy cho mình một con đường đi. 

Xin mở ngoặc kể chuyện bây giờ mới kể như sau: Khi lén lút nữa đêm vào nhà Đại tá Phạm Quế Dương, Tổng Biên tập báo QĐND, để trình bày việc đi đòi đất đai bị cướp, tôi tình cờ phát hiện nhiều kiến nghị và thư ngõ của các “Cách mạng lão thành” gửi Bộ Chính Trị, ngăn cản việc cắm cọc mốc giao đất liền cho Trung Cộng, tôi bèn gom hết tất cả đem về Sài Gòn, “bỏ” ở những gốc cây trong khu vực có nhiều dân oan đang khiếu kiện, ở 210 Võ Thị Sáu. Sau khi dân oan nhặt đem về đọc, thì hằng trăm công an bao vây khu vực, bắt một số dân oan điều tra, nhưng không tìm được ai người phát tán. (Trong kiến nghị có nói việc giao đất sẽ dẫn đến việc mất phố Kỳ Lừa và biển đảo Hoàng Trường Sa. Và việc cắm cọc giao đất được phân công cho ông Nguyễn Công Sự, chủ nhiệm VPCP, phụ trách và sau đó ông được về hưu hạ cánh an toàn.).

Còn việc khác nữa là việc tôi là người đầu tiên phát tán áo thun có hàng chữ HS-TS-VN ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng, Hà Nội, cuối năm 2009.


Công an huy động một lực lượng lớn tung khắp ngã đường để chặn bắt dân oan. Khi bị bắt, dân oan khai rằng họ lượm được áo dưới gốc cây và nghĩ rằng HS-TS-VN là Học sinh - Tiến sĩ - Việt Nam như tôi đã dặn họ trước. Khi họ bị bắt thì tin này và hình ảnh được tôi tung ra khắp nơi trên thế giới, buộc nhà cầm quyền phải thả họ ra. 

Qua những sự việc trên, dân oan là người đã sớm biết được chuyện mất đất đai biển đảo, trong khi hầu hết người dân cả nước chưa ai biết. Kể từ đó, tôi cùng dân oan đã sát cánh với các nhà dân chủ và làm nồng cốt trong những cuộc biểu tình với tấm lòng yêu nước. 

Cũng vì quá hăng say tham gia vào các công cuộc chung, nên một số lớn dân oan bị bắt tù âm thầm tại địa phương, nhiều khi bằng lệnh miệng mà ít ai biết. Bị mất đất mất nhà mà còn bị tù đày, thì chính họ mới là những người xứng đáng được tôn vinh là người “Tù Nhân Lương Tâm”

Thứ ba, trong những lần tù, tôi cũng nhận thấy được một số tù nhân rất có lương tâm đối với những người bị tù “bởi nặng tình non sông”. Nhà cầm quyền rất thâm độc, họ nhốt tôi chung với tù hình sự, để huyên hoang rằng VN không có tù chính trị. Nhưng thật ra, khi ở tù, họ liệt tôi vào “Đối tượng chính trị cần quan tâm đặc biệt”, đối xử rất phân biệt, và được quản lý bởi Bộ Công an, (một hình thức nhốt tù chính trị). Họ nhốt tôi vào khu mà trong đó ba phần tư bệnh SIDA, (HIV/AID), và họ cũng cho “ăn-ten nhiễm Sida” nằm chung hai bên hông tôi. Nhưng nhờ tôi cảm hóa họ về những việc đấu tranh của các nhà dân chủ và giúp họ đấu tranh cải thiện chế độ lao tù, nên một số lớn cảm mến và ra sức bảo vệ tôi thoát khỏi những âm mưu hãm hại của cai tù và thoát khỏi bị lây bịnh HIV. Vì vậy, sau những năm tù, tôi ra ngoài bình an. Vậy, những người tù này có lương tâm không? 

Kết: Tôi không biết ai, hoặc tổ chức nào, và vì duyên cớ gì mà chọn mỹ từ “Tù Nhân Lương Tâm” cho nhiều người đi tù bởi những tội danh sặc mùi chính trị?. Nhưng tôi vẫn tôn trọng và trân quý việc gọi những “những người nặng tình non sông” là những TNLT. Riêng tôi, mặc dầu là một dân oan đi đòi tài sản đất đai bị các cán bộ cướp dưới sự bảo kê của nhà cầm quyền và bị bắt tù đày, tôi luôn tự nhận mình là “Tù Nhân Chính Trị”, (bởi những đòi hỏi của người dân dưới bất cứ hình thức nào trong chế độ cộng sản cũng đứng trước nhà tù và họng súng). Thêm nữa, nhà cầm quyền luôn coi tôi là “Đối tượng chính trị”, bắt, điều tra, thẩm vấn, buộc tội và nhốt tôi với hình thức hoàn toàn là tù chính trị. 

Với hành động tự nhận mình là TNCT, tôi đã gián tiếp không cho nhà cầm quyền dối trá sự thật là VN không có tù chính trị, một cái tát cho chế độ cường quyền. 

Và mặc dù tôi chọn riêng cho mình con đường đòi công lý cho dân oan, vì thấy mình không đủ khả năng tham gia vào các phong trào khác, nhưng tôi cũng như dân oan đã làm nồng cốt trong các cuộc biểu tình yêu nước thuở ban đầu. Mặc dầu sau này, những cuộc đấu tranh của tôi cũng như dân oan không còn nghĩa lý gì với sự hy sinh của các thế hệ nối tiếp, nhưng chúng tôi đã là vết nhơ tàn độc không gột rửa được của đảng CSVN và là nhân chứng sống, minh chứng cho việc bất công trong việc cướp đất của đảng CSVN trong dòng lịch sử của dân tộc Việt. Vì vậy tôi phải luôn tự nhận mình là TNCT. 

Sau cùng, tôi xin được ngưỡng mộ, cảm ơn và mong muốn dành danh dự TNLT cho các dân oan; các người “tù có lương tâm”; và các “nhà dân chủ đấu tranh bất bạo động” đã hy sinh trong thời gian gây ra những phong trào yêu nước. 







10.08.2019



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo