Bị cướp hai lần, nhà cửa tan hoang - Dân Làm Báo

Bị cướp hai lần, nhà cửa tan hoang

Đỗ Thành Nhân (Danlambao) - Chị sinh 1962, năm nay 57 tuổi, là giáo viên dạy tiếng Anh. Chị kể về những gì đã chứng kiến trong hơn 50 năm qua, mà chính chị là người trong cuộc. 

Dưới thời Việt Nam cộng hòa, chiến tranh, chết chóc triền miên; người dân nơm nớp lo lắng, không biết giẫm mìn, bị pháo kích, ném lựu đạn chết oan uổng lúc nào.

Đất nước thống nhất, tưởng đâu người dân sẽ có cuộc sống thanh bình; nhưng gia đình chị lại là nạn nhân của những vụ cướp đất, phần quan chức chiếm làm của riêng, phần nhà nước cưỡng chế lấy đất làm dự án và đền bù với giá rẻ mạt. Những đồng tiền đền bù bèo bọt của chị lại bị chiếm đoạt một lần nữa, chẳng khác gì bị cướp lần thứ hai. 

Chồng mất, nợ nần chồng chất. Một mình chị vừa lo cho hai con ăn học; vừa khiếu nại, tố cáo khắp nơi, cầu xin vào sự nhân đạo, bình đẳng của hệ thống nhà nước; tìm chút niềm tin ít ỏi làm tài sản cho các con của mình để tiếp tục sống. 

Bài viết dưới đây dựa trên tư liệu của chị cung cấp. 

1. Chuyện xưa: “người chết hai lần, thịt da nát tan” 

Có những người lớn tuổi lúc rảnh rỗi, ngồi quán cà phê vắng nghe nhạc Trịnh Công Sơn mà hồi tưởng lại ký ức chưa xa lắm. Lắng nghe bản nhạc “Ngụ Ngôn Mùa Đông”(1) của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, qua giọng hát của ca sỹ Khánh Ly; hiểu được lời bài hát mới cảm nhận được sự mất mát, nỗi đau quá lớn của con dân nước Việt. 

Các bạn trẻ sinh ra sau chiến tranh, mấy người hiểu được ca từ trong bản nhạc đau buồn: “...Một ngày mùa đông / Trên con đường mòn / Một chiếc xe tang / Trái mìn nổ chậm / Người chết hai lần / Thịt da nát tan...”

Thời đất nuớc còn chiến tranh, những kẻ khủng bố ẩn mặt chuyên gài mìn trên những con đường có người qua lại thường xuyên, với mục đích cố tạo ra tiếng nổ, sát thương, gây bất an lo lắng cho xã hội. Thậm chí trên những con đường mòn ở làng quê, chỉ có người dân sinh sống mà họ cũng gài mìn. Tưởng tượng cảnh kinh hoàng: xe đưa tang đi chôn, mìn nổ, quan tài banh ra, vậy là người chết hai lần, thịt da nát tan. Lại thêm đám tang tập thể cho chính người đưa tang. 

Người viết bài này cũng có người Mợ đi chợ tỉnh để lo đám cưới cho bà con ở quê, trên đường về chiếc xe lambro bị vướng mìn, chiếc xe nổ tung làm nhiều người chết, cạnh đám cưới có thêm đám tang, người Mợ chết tức tưởi để lại đứa con thơ chưa đầy 5 tuổi. 

“Người chết hai lần, thịt da nát tan” là một thực tế đã được cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn chuyển thành lời trong bản nhạc của mình. Những cảnh “người chết hai lần, thịt da nát tan” như: xe tang bị nổ mìn, ngôi mộ mới chôn bị pháo kích, bữa giỗ bị ném lựu đạn... là những cảnh đau lòng thường thấy. 

Những kẻ theo chủ nghĩa khủng bố, bằng mọi giá để cướp chính quyền, kể cả tàn sát lương dân, đã nắm chính quyền và dựng lên một chính quyền dựa trên một chủ nghĩa khủng bố man rợ không thua gì chủ nghĩa phát xít. 

Khi những người nắm quyền lực trên nền tảng của sự khủng bố; thì chính quyền sẵn sàng làm tất cả mọi việc dù bất nhân, tàn ác cỡ nào. Hết thời đạn bom, không còn thảm cảnh “người chết hai lần, thịt da nát tan”, nhưng những người “bị cướp hai lần, nhà cửa tan hoang” vẫn còn nhiều lắm. 

Chính quyền cướp, cướp trên mọi miền đất nước, thậm chí cướp cả di ảnh của một cháu bé chưa đầy 10 tuổi!. 

2. Chuyện nay: “Bị cướp hai lần, nhà cửa tan hoang” 

Người dân bị mất đất thì nhiều vô kể, chính vì vậy mà xã hội hiện đại đã hình thành một tầng lớp “dân oan” trên khắp cả nước, sống vất vưởng bên lề xã hội, gia đình tan nát tương lai con trẻ mờ mịt, có người chết oan ức, có dân đen vào chốn lao tù, thậm chí đang chờ án tử như người nông dân Đặng Văn Hiến (2). 

Cảnh người dân bị cưỡng chế thu hồi đất công khai không còn hiếm, nhưng chuyện âm thầm chiếm đoạt những đồng tiền đền bù vốn nhỏ nhoi của người dân bị mất đất, thì phải nói là tận cùng của sự khốn nạn; lương tâm của những kẻ này vứt đi đâu? hay phần lương tâm hữu hạn, ít ỏi của những người cộng sản thực thi công vụ đã dành chỗ cho những chuyên đề “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” rồi!. 

*** 

Đây là một câu chuyện dài, bài viết này tôi chỉ tóm tắt phần nội dung liên quan đến câu chuyện trong khuôn khổ bài báo. 

3. Bị cướp lần 1: cưỡng chế thu hồi đất với giá đền bù rẻ mạt 

Bà Nguyễn Thị On có thửa đất 632,4m2 nằm trên đường Chu Văn An, đường trung tâm thành phố Quảng Ngãi bị thu hồi để xây dựng Chi cục Kiểm lâm. Giá đất ở tại khu vực này hiện nay khoảng 2 tỷ đồng / lô 100 m2. 

Năm 2012, TP Quảng Ngãi ban hành quyết định đền bù hỗ trợ toàn bộ đất và tài sản với tổng số tiền là 233,5 triệu đồng. Bà On không đồng ý nhận số tiền quá ít ỏi nên đã làm đơn khiếu nại. Nhưng Thành phố vẫn chỉ đạo cho Trung tâm Phát triển quỹ đất nộp toàn bộ số tiền bồi thường, hỗ trợ vào tài khoản tiết kiệm cá nhân mang tên Nguyễn Thị On ngày 08/11/2012 và sau đó ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất. 

Bà On vẫn tiếp tục khiếu nại từ thành phố ra trung ương lên gần 60 đơn, nhưng cả hệ thống “cướp nay có đảng có đoàn hẳn hoi”(3) không ai giải quyết. 

Ông Nguyễn Tăng Bính, Chủ tịch UBND thành phố Quảng Ngãi lúc đó, vẫn quyết định cưỡng chế cho bằng được và nói bà On cứ tiếp tục khiếu nại rồi sẽ giải quyết sau theo quy định của Luật khiếu nại. 

Ngày chính quyền TP Quảng Ngãi tổ chức cưỡng chế, bà On chỉ biết đứng trên thửa đất của mình căng tấm băng rôn để chụp tấm ảnh làm kỷ niệm (hình 1)! 

Bà On phải bỏ bê việc dạy học để đeo đuổi khiếu nại trong vô vọng. Sức chịu đựng của người phụ nữ đơn thân có hạn, suốt hai năm ròng rã đơn gởi khắp nơi, từ Quảng Ngãi đến Hà Nội, đến khi sức khỏe suy sụp, tài chính kiệt quệ bà On chấp nhận đầu hàng, giao sổ đỏ để nhận tiền đền bù giải quyết các khó khăn cho gia đình. 

Đến nay Chi cục Kiểm lâm đã xây dựng xong. Lúc nhớ mảnh đất của mình, bà On đến đứng lặng nhìn ngôi nhà nguy nga được xây dựng bằng tiền thuế của dân, trên đất của dân với nhiệm vụ bảo vệ rừng. 

Chi cục Kiểm lâm được xây dựng trên mảnh đất của bà On

Nhưng rừng thì ngày càng giảm, gỗ rừng được chuyển đến làm nhà cho những quan chức ban hành quyết định thu hồi đất của dân xây dựng trụ sở kiểm lâm. 

Ngày càng nhiều những ngôi biệt thự như cung điện của quan chức được làm trên đất dự án từ thu hồi đất của dân, nội thất được làm từ gỗ quý của những cánh rừng mà cơ quan kiểm lâm ngày đêm bảo vệ. 

Những ngôi biệt thự của quan chức làm trên đất dự án, nội thất làm từ gỗ quý

4. Bị cướp lần 2: chiếm đoạt cả tiền đền bù 

Ngày 07/05/2014, bà Nguyễn Thị On đến nhận số tiền đền bù trong tài khoản tiết kiệm cá nhân mang tên mình, ngân hàng cho biết tổng số tiền là 259,7 triệu đồng; trong đó: tiền gốc 233,5 triệu và tiền lãi 26,2 triệu. Tuy nhiên, Trung tâm Phát triển quỹ đất chỉ cho bà nhận tiền gốc, còn tiền lãi là 26,2 triệu thì chiếm giữ. 

Bà On lại tiếp tục hành trình khiếu nại Trung tâm Phát triển quỹ đất về việc không thanh toán tiền lãi phát sinh từ số tiền đền bù gởi ngân hàng. 

Dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch thành phố Nguyễn Tăng Bính, Trung tâm Phát triển quỹ đất thông báo bằng văn bản số bản số 12/TT, ngày 16/3/2015, lý do chiếm giữ tiền lãi: “Trường hợp chủ đầu tư đã tạm ứng vốn cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vì lý do bất khả kháng chưa chi trả cho người thụ hưởng, nếu trước đây đã gửi tiền tại các tổ chức tín dụng có phát sinh lãi đề nghị thì nộp toàn bộ lãi phát sinh vào ngân sách nhà nước; đồng thời chuyển toàn bộ số tiền đã tạm ứng về tài khoản tiền gửi của Chủ đầu tư tại Kho bạc Nhà nước để thuận tiện cho việc kiểm soát thanh toán và thu hồi tạm ứng.” 

Khiếu nại đất đai không được giải quyết, bà Nguyễn Thị On lại bị cưỡng đoạt oan uổng số tiền đền bù rẻ mạt như sự bố thí của nhà nước từ hơn 5 năm nay, chẳng khác nào như bị cướp lần 2. 

So với giá trị đất thì số tiền không phải là lớn, nhưng đây là tiền từ mồ hôi nước mắt của vợ chồng bà từ thuở hàn vi, tích cóp để mua đất; nay chồng bà đã mất, bà quyết chống lại sự cướp đoạt trắng trợn của tà quyền, nên một lần nữa bà làm đơn tố cáo gởi cấp cao hơn: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi để tố cáo Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Quảng Ngãi chiếm đoạt tiền đền bù của dân (một phần đơn tố cáo trong hình dưới). 

Một phần nội dung đơn tố cáo của bà On

5. Bài viết chưa kết thúc! 

Khi bị “cướp lần 1” ông Nguyễn Tăng Bính làm Chủ tịch thành phố, đã chỉ đạo thu hồi, đền bù, cưỡng chế đất và chiếm đoạt tiền lãi đền bù của dân. Bị “cướp lần 2”, dân đen Nguyễn Thị On tiếp tục tố cáo lên tỉnh, thì ông Nguyễn Tăng Bính làm Phó Chủ tịch tỉnh (4). 

Nguyễn Tăng Bính bên phải - làm Phó chủ tịch tỉnh

Chưa biết tỉnh Quảng giải quyết đơn tố cáo của bà Nguyễn Thị On như thế nào, tiền chiếm đoạt từ những người dân mất đất chia chác ra sao không rõ. Nhưng chắc chắn một điều là những ngôi nhà, biệt thự, tài sản chìm nổi của các ông, như Chủ tịch tỉnh Trần Ngọc Căng, Phó Chủ tịch Nguyễn Tăng Bính được tích lũy từ những đồng tiền trong thời gian làm việc, suy nghĩ, tính toán để ký các quyết định đầu tư, quyết định thu hồi đất, … 

Trường hợp bị chiếm đoạt tiền như bà Nguyễn Thị On không phải đơn lẻ, mà còn rất nhiều người khác nữa, riêng dự án này là 7 người bị chiếm đoạt. Trong tâm lý người dân bị mất đất, cái mất lớn là đất đai lên đến hàng tỷ đồng đã chấp nhận, thì cái mất nhỏ thêm vài chục triệu, nếu có khiếu nại cũng không được gì, thôi thì đành chấp nhận cho qua. 

Nội dung tố cáo vi phạm, nạn nhân đã trình bày trong đơn (hình 4); tôi cố gắng tìm chút lương tâm còn rơi rớt lại của những kẻ được gọi là “người”. 

Thứ nhất: đánh tráo từ ngữ 

Trong toàn bộ hồ sơ đền bù, trong toàn bộ hồ sơ đền bù cho đến khi cưỡng chế thu hồi đất, thành phố Quảng Ngãi không có bất cứ chỗ nào ghi số tiền 233,5 triệu đồng là giá trị tạm tính hay tạm ứng, chi tạm ứng. Nhưng khi chiếm tiền của dân thì nói số tiền đó là “tạm ứng”. 

Nếu như số tiền 233,5 triệu đồng là “tạm ứng”; có nghĩa là thành phố Quảng Ngãi chưa hoàn thành việc “thanh toán” tiền đền bù cho người dân, nhưng lại tổ chức cưỡng chế lấy đất thì chẳng khác nào là “cướp đất”. 

Nếu đến năm 2014 mới thanh toán số tiền 233,5 triệu đồng thì tại sao không tính theo giá đất năm 2014 để thanh toán cho dân, mà vẫn lấy theo giá đất 2012. 

Số tiền nằm trong tài khoản tiết kiệm cá nhân của bà Nguyễn Thị On đương nhiên thuộc quyền sở hữu của bà Nguyễn Thị On, bao gồm cả tiền lãi và sự mất giá của đồng tiền. TP Quảng Ngãi chiếm đoạn tiền lãi, còn sự mất giá đồng tiền thì người dân phải gánh chịu. 

Thứ hai: cố tình chiếm đoạt 

Ai cũng biết là đồng tiền để yên sẽ bị mất giá, các quan chức đã được đào tạo quản lý nhà nước lại càng hiểu rõ hơn qua các báo cáo về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Thử tính trong trường hợp như bà Nguyễn Thị On sau 2 năm giá trị đồng tiền đền bù 233,5 triệu đồng sẽ mất bao nhiêu (xem bảng tính hình 6). 

- Tính theo CPI, năm 2013 tăng 6,6%, năm 2014 tăng 4,09% (số liệu Tổng cục thống kê), thì giá trị tiền mất đi là 23 triệu đồng (9,9%). 

- Tính hệ số chiết khấu r = 10% (tương đương với các dự án đầu tư, theo quy định nhà nước), thì giá trị tiền mất đi là 40,5 triệu đồng (17,4%). 

Vậy mà số tiền lãi 26,2 triệu đồng để bù vào phần mất giá đồng tiền cũng bị thành phố Quảng Ngãi “vận dụng sáng tạo” để chiếm đoạt một cách tàn nhẫn. 

Tính mất giá đồng tiền đền bù theo CPI và hệ số chiết khấu r.

Người dân bị mất đất với chính sách đền bù vô nhân đạo - như bị cướp lần 1. Tiếp tục những đồng tiền lãi lại bị chiếm đoạt - chẳng khác bị cướp lần 2. Thảm cảnh “bị cướp hai lần, nhà cửa tan hoang” vẫn còn nhiều lắm. 

Mở đầu bài viết này là bản nhạc “Ngụ Ngôn Mùa Đông”(1) trong giai đoạn chiến tranh của Trịnh Công Sơn. Kết thúc bài viết, mời các bạn lắng nghe bản nhạc “Đồng giao tháng bảy”(5) của Tuấn Khanh được viết trong thời hòa bình: tình cảnh của những người dân bị mất đất. 

“Hóa thân làm một cơn gió / Gió bay qua từng cánh đồng / Hỏi thăm những người nông dân / Đất quê sao lắm tội tình / Đất quê có giá phận người điêu linh.” 

Nói thêm, giai đoạn 2011-2014 ông Võ Văn Thưởng làm Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi, có thể với kinh nghiệm ở Quảng Ngãi, nên khi vào làm Phó bí thư thường trực thành phố Hồ Chí Minh, ông Thưởng đã mạnh dạn giao đất cho Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm") trong phi vụ thâu tóm khu đất "vàng" tại số 130 Hàm Nghi, phường Bến Thành, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. 

Kết luận số 318-KL/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về chủ trương chọn nhà đầu tư mới khai thác khu đất "vàng" tại số 130 Hàm Nghi, phường Bến Thành, quận 1, do Phó Bí thư Thường trực Võ Văn Thưởng đã ký ngày 14-7-2015, nguồn: 

Ghi chú: 

(1) Ngụ Ngôn Mùa Đông:

(2) Y án tử hình Đặng Văn Hiến 

(3) “Cướp nay có đảng có đoàn hẳn hoi” 

Thơ Nguyễn Duy: 

Bài viết: 

(4) Ông Nguyễn Tăng Bính giữ chức phó chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi: 

(5) Đồng giao tháng bảy: 





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo