Hoa Kỳ tuần qua (15/9-22/9) - Dân Làm Báo

Hoa Kỳ tuần qua (15/9-22/9)

Dân Làm Báo xin gửi đến các bạn trong thôn, cập nhật các tin tức đáng chú ý của Hoa Kỳ trong tuần qua. Các phát ngôn, quyết định có liên quan đến tình hình chính trị - xã hội nước Mỹ, căng thẳng gia tăng tại khu vực Trung Đông, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, tình hình ngoại giao giữa các quốc gia khác và Hoa Kỳ.

Tổng thống Mỹ ra lệnh tăng cường cấm vận Iran

Ngày 18.9, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp đặt thêm nhiều lệnh cấm vận mới chống lại Iran sau khi nước này bị Washington cáo buộc đứng sau vụ tấn công hai nhà máy lọc dầu ở Ả Rập Xê Út.

“Tôi đã chỉ đạo Bộ trưởng Tài chính áp đặt thêm nhiều lệnh cấm vận chống lại Iran”, ông chủ Nhà Trắng viết trên Twitter.

Chính phủ Mỹ đang tiến hành chiến dịch “gây áp lực tối đa” với hàng loạt lệnh cấm vận làm tê liệt nền kinh tế Iran, nhất là xuất khẩu dầu thô sau khi Tổng thống Trump hồi 2018 rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Tehran.

"Chúng tôi vừa trừng phạt ngân hàng quốc gia Iran. Đó là biện pháp trừng phạt nặng nề nhất từng được áp dụng với một quốc gia", Tổng thống Mỹ Donald Trump nói trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm nay, khi tiếp Thủ tướng Australia Scott Morrison cùng phu nhân.

Trump không nêu cụ thể các biện pháp trừng phạt nhằm vào Ngân hàng Trung ương Iran, Nhà Trắng cũng từ chối bình luận về thông tin này.

Khi được hỏi về khả năng tấn công quân sự Iran để đáp trả, Trump tuyên bố Mỹ luôn sẵn sàng và tấn công quân sự luôn là một lựa chọn. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ khẳng định ông muốn có một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột.

Iran tuyên bố không liên quan tới vụ tấn công vào hai nhà máy dầu khí của Arab Saudi ngày 14/9. Trong cuộc họp báo ngày 18/9, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Arab Saudi cho biết 18 máy bay không người lái cùng 7 tên lửa hành trình được phóng vào hai nhà máy dầu và Iran là bên "bảo trợ" vụ tấn công.

Tổng thống Trump muốn tập hợp 55 tàu chiến tại vịnh Ba Tư để kiềm chế Iran

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang lên kế hoạch thành lập một sứ mệnh do thám hàng hải quốc tế với sự tham gia của 55 tàu dọc theo tuyến hàng hải then chốt ngoài khơi Iran vào tháng 11.

Kế hoạch này, tên chính thức là Chiến dịch Sentinel, được tiết lộ trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Mỹ - Iran theo sau vụ tấn công hai cơ sở dầu mỏ quan trọng của Ả Rập Xê Út.

Tuy nhiên, Washington đang đối mặt với thách thức lớn vì đến nay chỉ có Úc, Bahrain, Anh, Ả Rập Xê Út và mới nhất là Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) đồng ý tham gia Chiến dịch Sentinel, được Mỹ công bố hôm 16.9 tại Bahrain.

Mỹ cũng vận động những nước khác tham gia liên minh để gia tăng áp lực đối với Iran, nhưng Nhật Bản tỏ ra dè dặt trước lời mời của đồng minh.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Iraq hôm 19.9 cho hay sẽ không gia nhập sứ mệnh do Mỹ dẫn đầu, đồng thời phản đối sự gia nhập nếu có của Israel vì công tác bảo vệ an ninh tại đây thuộc về trách nhiệm của các nước vùng Vịnh.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif cảnh báo bất kỳ động thái tấn công nào của Mỹ hoặc Ả Rập Xê Út đều sẽ thổi bùng chiến tranh toàn diện với Iran.

Mỹ - Ả Rập cân nhắc mọi phương án tại vùng Vịnh

Mỹ đã thảo luận với Ả Rập Xê Út và các đồng minh vùng Vịnh về các phương án đáp trả Iran sau vụ hai nhà máy lọc dầu bị tấn công, mà Washington cáo buộc là do Tehran gây nên.

Sau cuộc hội đàm với Thái tử Mohammed bin Salman của Ả Rập Xê Út, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố trên Twitter sẽ ủng hộ “quyền phòng vệ chính đáng” của Riyadh và nhấn mạnh Washington “không dung thứ” cho hành vi của Tehran.

Về khả năng đáp trả bằng quân sự, ông Faisal bin Farhan al-Saud, Đại sứ Ả Rập Xê Út tại Đức, xác nhận “chúng tôi cân nhắc mọi phương án”. Trước các thông tin trên, Ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif cảnh báo chỉ cần nước này trúng đòn tấn công bất kỳ từ Mỹ hoặc Ả Rập Xê Út, “chiến tranh toàn diện sẽ bùng nổ”, theo Reuters.

Các quan chức Mỹ tiết lộ bằng chứng xác thực nhất là các bức ảnh chụp từ vệ tinh vẫn chưa được công bố, cho thấy lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đang chuẩn bị cho vụ tấn công tại căn cứ. Trong khi đó, Đài CBS News hôm 18.9 dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho rằng chính lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei của Iran đã phê chuẩn vụ tấn công hai nhà máy lọc dầu của Ả Rập Xê Út. Theo nguồn tin trên, lãnh tụ Khamenei đã đồng ý với một điều kiện: Iran phải được loại trừ khả năng bị phát hiện có dính líu đến chiến dịch này.

Trong một diễn biến liên quan, quân đội Kuwait tuyên bố đã nâng mức độ sẵn sàng tác chiến và triển khai các cuộc tập trận, theo AFP.

Ông Trump công bố tên cố vấn an ninh quốc gia mới

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố sẽ đề cử nhà đàm phán con tin Robert O'Brien giữ ghế cố vấn an ninh quốc gia thay cho ông John Bolton vừa ra đi. "Tôi vui mừng công bố sẽ đề cử ông Robert C. O’Brien, hiện đang là đặc phái viên đặc biệt của tổng thống về các vấn đề con tin tại Bộ Ngoại giao, làm cố vấn an ninh quốc gia mới của chúng tôi. Tôi đã làm việc lâu dài và gắn bó với ông Robert. Ông ấy sẽ làm tốt nhiệm vụ!". Đề cử cho ghế cố vấn an ninh quốc gia sẽ không cần phải được Thượng viện phê chuẩn. Theo đó, ông O’Brien sẽ trở thành cố vấn an ninh quốc gia thứ tư dưới thời ông Trump, sau 3 người tiền nhiệm đã ra đi là các ông Michael Flynn, H.R. McMaster và John Bolton.

Theo Hãng tin Reuters, ông O'Brien là người có thời gian làm việc nhiều năm với giới hoạt động về chính sách đối ngoại của Đảng Cộng hòa. Ông Trump công bố tân cố vấn an ninh quốc gia mới chỉ một tuần sau khi nói ông đã sa thải cố vấn quốc gia John Bolton. Tuyên bố cũng được đưa ra vào thời điểm chính quyền tại Washington đang cân nhắc về phản ứng trước các vụ tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào 2 nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia.

Ông Trump nói không cần đạt thỏa thuận với Trung Quốc trước bầu cử

Phát biểu trước báo giới ngày 20-9, ông Trump cho biết ông muốn có một thỏa thuận toàn diện với Trung Quốc và không chấp nhận một thỏa thuận chỉ giải quyết được vài điểm khác biệt giữa hai nước. "Tôi không tìm kiếm bản thỏa thuận một phần, tôi tìm một thỏa thuận toàn diện", ông Trump nói trong cuộc họp báo cùng Thủ tướng Úc Scott Morrison ngày 20-9.

Trong hơn một năm qua, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn "sa lầy" trong các bế tắc đàm phán thương mại cùng nhiều đợt tăng phạt thuế qua lại giữa hai bên. Ông Trump cho rằng cử tri Mỹ hiểu rất rõ xung đột này giữa hai nước và khẳng định cuộc chiến thương mại đang diễn ra sẽ không cản trở cơ hội tái đắc cử của ông. Tuy nhiên ông cũng thừa nhận việc đạt được một thỏa thuận "có thể sẽ tích cực" với chiến dịch tranh cử của ông.

Ông Trump tiếp tục mô tả một bức tranh đen tối về nền kinh tế Trung Quốc trước vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung nối lại trong tháng tới tại Washington. Các nhà đàm phán hai nước trong hai tuần tới sẽ thảo luận để chuẩn bị mọi vấn đề nền tảng cho phiên đàm phán tháng 10 tại Mỹ.

Đoàn đàm phán thương mại Trung Quốc đột ngột rời Mỹ sớm hơn dự kiến

Đoàn đàm phán Trung Quốc đột ngột thay đổi kế hoạch, hủy chuyến thăm trang trại tại Mỹ và kết thúc sớm đàm phán thương mại tại Washington. Đoàn Trung Quốc không hề đưa ra đề xuất mới nào về các vấn đề cốt lõi của thương chiến.

Từ ngày 19 đến 20-9, đoàn đàm phán thương mại cấp thứ trưởng giữa Trung Quốc và Mỹ nhóm họp tại Washington. Cuộc họp được cho là chuẩn bị cho vòng đàm phán thương mại cấp cao giữa hai bên tại Washington vào đầu tháng 10. Bà Nicole Rolf, giám đốc phụ trách các vấn đề quốc gia của Cục Nông trại Montana, cho biết ngày 20-9 (giờ địa phương), đoàn đại biểu Trung Quốc bất ngờ thay đổi lịch trình và quay về nước sớm hơn dự kiến vài giờ.

Theo lịch trình, các quan chức Trung Quốc sẽ thăm các trang trại tại Montana và Nebraska ở Mỹ vào tuần sau. Đây là việc làm mang tính biểu tượng cho sự thiện chí, nhưng cuối cùng bị hủy vào phút chót. Những thay đổi dạng này thông thường mang tới cảm giác cuộc họp có gì đó không trơn tru. Nhưng chỉ vài giờ sau đó, Tân Hoa xã ngày 21-9 đưa tin đàm phán thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ "có tính xây dựng". Cũng theo hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc, hai nước đã đồng ý tiếp tục đối thoại về các vấn đề liên quan, cũng như bàn thảo chi tiết về vòng đàm phán thương mại cấp cao sắp tới vào đầu tháng 10 ở Washington. Tuy nhiên, Tân Hoa xã không nêu cụ thể nội dung được bàn bạc trong cuộc đàm phán vừa qua.

Trung Quốc lọt vào tầm ngắm của ông Trump về nhân quyền vào tuần tới

Tuần tới, Tổng thống Donald Trump sẽ có bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc về vai trò lãnh đạo của Mỹ và cách ứng phó với những thách thức toàn cầu, trong bối cảnh Washington đang tìm cách huy động sự phối hợp của các nhà lãnh đạo thế giới nhằm trừng phạt Iran và phơi bày tình trạng lạm dụng nhân quyền của Trung Quốc, theo Reuters.

Theo kế hoạch, Tổng thống Trump sẽ tổ chức sự kiện thúc đẩy quyền tự do tín ngưỡng vào thứ Hai (23/9), sau đó ông sẽ phát biểu trước Đại hội đồng LHQ vào thứ Ba, và thảo luận về tình hình Venezuela vào thứ Tư.

Hiện chưa rõ Tổng thống Trump và cấp phó của ông - Phó Tổng thống Mike Pence có đề cập cụ thể đến thực trạng vi phạm tự do tín ngưỡng vào thứ Hai hay, nhưng nguồn tin cho biết Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Sullivan sẽ tổ chức một sự kiện tiếp theo vào thứ Ba về “cuộc khủng hoảng nhân quyền ở Tân Cương”, Trung Quốc.

Diễn biến tuần tới của chính quyền Trump nhắm thẳng vào những bê bối của chính quyền Trung Quốc về vi phạm nhân quyền, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng. Hồi tháng 8 năm ngoái, LHQ đã công bố báo cáo cho thấy chính quyền Trung Quốc đã bắt giam hơn 1 triệu người dân tộc Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi vào các trại tập trung ở Tân Cương. Mặc dù không đề cập cụ thể đến bài phát biểu của Tổng thống Trump, vị quan chức trong chính quyền cho biết ông chủ Nhà Trắng sẽ khẳng định “vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trong một hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ và cần phối hợp chung trong cộng đồng toàn cầu để giải quyết các thách thức toàn cầu”. 

Chính quyền Trump viện trợ 4 tỷ đô cho nông dân Mỹ

Bộ Nông nghiệp Mỹ xác nhận nông dân nước này đã nhận được 4,07 tỷ USD tiền viện trợ từ kể từ ngày 16/9 do chịu ảnh hưởng từ thương chiến với Trung Quốc.Đây là lần giải ngân đầu tiên sau khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump hồi tháng 7 tuyên bố sẽ viện trợ 16 tỷ USD cho những người nông dân bị mất doanh thu do thuế quan của Trung Quốc áp lên các sản phẩm nông nghiệp.

Năm ngoái, ông Trump cũng cam kết gói viện trợ trị giá 12 tỷ USD cho nông dân Mỹ.

Trong một sự kiện tại Nhà Trắng với nông dân và chủ trang trại vào tháng 5/2019, Tổng thống Trump cho biết Mỹ đã bị nhiều nước lợi dụng trong thời gian dài, nhưng không nước nào hành động như Trung Quốc. “Để chấm dứt những lạm dụng thương mại kinh niên này, chính quyền của tôi đã có những hành động cần thiết và rất hợp pháp để bảo vệ nền kinh tế, an ninh và trang trại của Mỹ. Chúng tôi đang hành động một cách nhanh chóng để khắc phục tất cả những bất công mà họ đã làm trong nhiều năm qua". Tổng thống phát biểu thêm: “Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng nông dân Mỹ nhận được sự viện trợ mà họ cần, và rất, rất nhanh chóng… Chúng tôi đảm bảo điều đó”.

Giám đốc truyền thông của Bộ Nông nghiệp Mỹ, Michawn Rich thông báo, họ đã nhận được hơn 302.000 đơn đăng ký xin viện trợ kể từ khi chương trình đăng ký bắt đầu.

Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ, Sonny Perdue cho biết, tiền viện trợ sẽ dành cho nông dân phát triển khoảng hai chục loại cây trồng, trong đó có đậu nành, ngô, cải dầu, đậu phộng, bông và lúa mì. Nông dân chăn nuôi bò sữa và lợn cũng sẽ được viện trợ.

Nhiều người Mỹ chuyển sang ủng hộ Tổng thống Trump

Nhiều cử tri ở tiểu bang Minnesota ủng hộ đảng dân chủ nói với CNN rằng họ thấy mình phù hợp với Tổng thống Trump hơn và có thể sẽ bầu cho ông trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020. “Hai anh em chúng tôi là những người ủng hộ trung thành của đảng Dân chủ trong nhiều năm và giờ không như vậy nữa”, Jeff Foreseen, cư dân của thành phố Mountain Iron, tiểu bang Minnesota nói với CNN.

Thị trưởng thành phố Eveleth, ông Robert Vlaisavljevich nói rằng hàng ngàn người đang chuyển hướng sự ủng hộ của mình từ đảng Dân chủ sang Tổng thống Trump. Ông cũng từng bỏ phiếu cho đảng Dân chủ trong các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ trước đây nhưng giờ đây ông ủng hộ Tổng thống Trump. Các cử tri nói với CNN rằng họ ủng hộ các chính sách của Tổng thống Trump về thuế thép nhập khẩu, nới lỏng luật môi trường và thắt chặt nhập cư bất hợp pháp.

Mỹ hủy gặp lãnh đạo Solomon sau khi nước này 'nghỉ chơi' Đài Loan

Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã hủy kế hoạch gặp Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare sau khi quốc đảo này cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để thiết lập quan hệ chính thức với Trung Quốc. Phó tổng thống Mỹ Mike Pence dự định gặp Thủ tướng Sogavare vào tháng này, bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (UNGA) tại New York hoặc sau đó tại thủ đô Washington.

Ông Sogavare đã đề nghị được gặp và nói chuyện cùng ông Pence từ hồi tháng 7. Quần đảo Solomon là quốc gia thứ 6 chính thức cắt đứt quan hệ với Đài Loan và chuyển sang thiết lập quan hệ với Trung Quốc. Reuters dẫn lời một vị quan chức giấu tên của Mỹ cho biết Solomon phải nhận lấy hệ quả từ quyết định thay đổi lập trường trong quan hệ ngoại giao của mình. "Họ đang làm tổn thương quan hệ lịch sử vững mạnh vì việc đó", ông nhấn mạnh. "Việc quốc gia này ưu tiên các lợi ích ngắn hạn cùng Trung Quốc so với các cam kết dài hạn cùng Mỹ là một bước thụt lùi", vị quan chức nói thêm. Sau một cuộc điện đàm hồi tháng 7, ông Sogavare đã gửi cho ông Pence một bức thư. Nội dung bức thư này cho biết ông Sogavare có thể thuyết phục nội các trì hoãn đưa ra quyết định về quan hệ với Đài Loan đến cuối năm nay. Ngoài ra, thủ tướng Solomon còn nhấn mạnh ông cần sự giúp đỡ từ Mỹ, Úc, New Zealand, Nhật Bản và Đài Loan để phát triển cơ sở hạ tầng. Đây là một vấn đề đối nội quan trọng đối với chính phủ của ông. "Đây là một chương trình nghị sự có khả năng gây chia rẽ nội các và có khả năng khiến chính phủ sụp đổ", ông Sogavare viết trong thư.

Bắc Kinh ngày 17-9 tuyên bố Solomon sẽ nhận được những cơ hội phát triển chưa từng có sau sự kiện Solomon cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Bắc Kinh đã đề nghị đầu tư 8,5 triệu USD cho Solomon trước khi quyết định này được đưa ra. Cùng ngày, ông Joseph Wu, người đứng đầu cơ quan ngoại giao Đài Loan, cáo buộc Trung Quốc đang sử dụng chiến lược "ngoại giao đôla" để lôi kéo các nước quay lưng với Đài Loan.

Mỹ sẵn sàng cho đối thoại với Triều Tiên

Hai miền bán đảo Triều Tiên có thể bàn cách giảm căng thẳng quân sự, nhằm tạo sự tin tưởng cho Bình Nhưỡng có thể bước vào cuộc đối thoại phi hạt nhân với Washington.

Yonhap hôm qua trích lời Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương David Stilwell cho biết Mỹ sẵn sàng khôi phục đối thoại phi hạt nhân hóa với CHDCND Triều Tiên và vẫn cam kết với những mục tiêu mà Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un đặt ra tại cuộc gặp ở Singapore hồi tháng 6.2018.

Nhà ngoại giao cũng nhấn mạnh Mỹ đang hợp tác chặt chẽ với đồng minh và đối tác, đặc biệt là Hàn Quốc và Nhật Bản, nhằm đảm bảo sự thống nhất quốc tế và tiếp tục thực thi lệnh cấm vận hiện hành lên Triều Tiên.

Theo Yonhap, một quan chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc hôm qua cho rằng hai miền bán đảo Triều Tiên có thể bàn cách giảm căng thẳng quân sự, nhằm tạo sự tin tưởng cho Bình Nhưỡng có thể bước vào cuộc đối thoại phi hạt nhân với Washington.

Mỹ tăng tốc chương trình vũ khí bội siêu thanh, ICBM

Lầu Năm Góc đang cùng lúc triển khai đến 9 chương trình tên lửa bội siêu thanh khác nhau.

Trong lúc cuộc đua vũ khí thế hệ mới giữa Mỹ, Nga, Trung Quốc đang trở nên khốc liệt, Bộ Quốc phòng Mỹ quyết tâm dồn sức hoàn thiện dòng vũ khí bội siêu thanh mới và xem đây là mục tiêu đặc biệt ưu tiên.

Tạp chí Aviation Week vừa dẫn nguồn thạo tin cho hay Lầu Năm Góc đang cùng lúc triển khai đến 9 chương trình tên lửa bội siêu thanh khác nhau.

Trong một diễn biến mới, Lockheed Martin và Aerojet Rocketdyne ngày 17.9 công bố cùng hợp tác chế tạo tên lửa hành trình Mach 5 (tối thiểu phải gấp 5 lần vận tốc âm thanh), theo Military.com. Cùng ngày, Spacenews.com dẫn thông báo từ Northrop Grumman với nội dung Aerojet Rocketdyne sẽ gia nhập đội ngũ triển khai dự án Vũ khí đánh chặn chiến lược trên bộ (GBSD), với mục tiêu phát triển dòng tên lửa liên lục địa (ICBM) thế hệ mới cho không quân Mỹ. Đây là hợp đồng có giá trị ước tính lên đến 63 tỉ USD nhằm thay thế dòng ICBM Minuteman III dự kiến sẽ về hưu trong thập niên tới.

Mỹ lập liên minh không gian để bảo vệ mạng lưới vệ tinh trước Nga, Trung Quốc

Phát biểu tại hội thảo ở bang Maryland ngày 18.9, tướng John Raymond, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ (USSPACECOM), tuyên bố Mỹ đang hợp tác chặt chẽ với liên minh tình báo Ngũ Nhãn (Five Eyes, bao gồm nước này cùng Anh, Canada, New Zealand và Úc) cùng Đức, Nhật Bản, Pháp trong việc chia sẻ dữ liệu và dịch vụ không gian, theo Reuters.

Đây là bài phát biểu đầu tiên của ông Raymond kể từ khi nhậm chức và USSPACECOM mới được thành lập vào tháng 8.

Tướng Raymond cho hay ông lên kế hoạch giúp đảm bảo an toàn cho hàng trăm vệ tinh băng thông rộng cỡ nhỏ trước nguy cơ bị tấn công từ Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, ông không nêu thêm chi tiết về dự án mật này.

Người đứng đầu USSPACECOM đồng thời nhắc đến Hiệp ước Không gian Vũ trụ ký kết vào năm 1967, cấm đặt vũ khí giết người hàng loạt trong quỹ đạo trái đất nhưng không có quy định cấm phát triển vũ khí diệt vệ tinh và công nghệ gây nhiễu tín hiệu.

Đối mặt 15 năm tù vì tổ chức 'du lịch sinh con' ở Mỹ

Một công dân Trung Quốc đã nhận tội điều hành đường dây ‘du lịch sinh con’ ở bang California (Mỹ), chuyên đáp ứng nhu cầu lấy quốc tịch Mỹ cho con cái của các khách hàng Trung Quốc giàu có, trong đó có các quan chức chính phủ. Theo Hãng tin AFP, trong thỏa thuận giảm án của mình, công dân Trung Quốc tên Lý Đông Viên (Dongyuan Li), 41 tuổi, thừa nhận trong giai đoạn từ nằm 2013 tới tháng 3-2015, Công ty "You Win USA" (tạm dịch: Bạn có nước Mỹ) của bà đã hỗ trợ cho các phụ nữ Trung Quốc mang thai tới Mỹ để sinh con.

Các công tố viên liên bang ngày 17-9 cho biết bà Lý đã thừa nhận âm mưu gian dối thị thực và nhập cư. Khách hàng của bà chủ yếu là những người Trung Quốc giàu có, trong đó thậm chí có các quan chức chính phủ Trung Quốc. Trang web của công ty này quảng cáo rằng họ đã phục vụ hơn 500 khách hàng "du lịch sinh con" người Trung Quốc - những người mà theo lực lượng chức năng đã được chứa chấp tại 20 căn hộ ở Irvine, phía nam thành phố Los Angeles của bang California.

Nhà chức trách cho biết bà Lý đã thu phí 40.000 - 80.000 USD cho mỗi thai phụ. Trong hơn 2 năm, bà đã nhận số tiền chuyển khoản từ Trung Quốc lên tới 3 triệu USD.

Trước đó hồi tháng 2/2019, các công tố viên liên bang Mỹ cáo buộc 19 người đã cung cấp dịch vụ phi pháp, lừa dối nhà chức trách để đưa các thai phụ Trung Quốc tới Mỹ sinh con nhằm giành quyền công dân hợp pháp của Mỹ cho con họ. Theo người phát ngôn của Văn phòng Bộ Tư pháp Mỹ, ông Thom Mrozek, đây là lần đầu tiên nhà chức trách Mỹ công bố những cáo buộc hình sự với dạng thức du lịch sinh con như thế này.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo