Tim Daiss * Hoàng Thủy Ngữ (Danlambao) dịch - Kể từ khi lên cầm quyền vào năm 2013, Tập Cận Bình đã đẩy mạnh sự hiện diện của Trung Quốc ở Biển Đông ngày càng nhiều hơn. Đây là chính sách nhằm kiểm soát sự phát triển ở khu vực hàng hải giàu trữ lượng dầu hỏa và khí đốt.
Trong tất cả các đối thủ có yêu sách về lãnh hải, Việt Nam được xem là chịu thiệt thòi nhiều nhất và chống lại quyết liệt nhất khi đối đầu với các tàu của Trung Quốc suốt hai tháng qua tại Bãi Tư Chính giàu khí đốt còn đang tranh chấp.
Trong lúc sự căng thẳng trên biển gia tăng, công ty năng lượng khổng lồ ExxonMobil của Mỹ càng lúc càng bị cuốn vào cuộc tranh cãi địa chính trị, và theo nhiều suy đoán, dưới sức ép của Trung Quốc, họ sẽ rời bỏ dự án khí đốt trị giá 10 tỷ USD trong vùng biển Việt Nam tuyên bố có chủ quyền.
Năm tới, công ty dầu khí đặt trụ sở tại Texas sẽ đưa ra quyết định đầu tư cuối cùng với các đối tác địa phương, gồm hai Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng Công Ty Thăm Dò Khai thác Dầu khí Việt Nam trong dự án Cá Voi Xanh, còn gọi là Blue Whale. ExxonMobil cho biết quyết định này sẽ dựa trên sự phê chuẩn hợp pháp, bảo lãnh của nhà nước, thoả thuận về giá bán và khả năng cạnh tranh kinh tế.
Vào tháng Giêng, trên trang web của mình, công ty cho biết họ đã nhận được hợp đồng thiết kế cơ sở (Front-End Engineering Design - FEED) và đang xin giấy phép, nộp đơn xin lập kế hoạch và tiến hành chuẩn bị các công việc khác để phát triển dự án như đã định. Một video quảng cáo của ExxonMobil cho thấy dự án này “có thể cung cấp năng lượng cho nền kinh tế Việt Nam trong nhiều thập niên”.
Cá Voi Xanh là dự án mỏ khí lớn nhất của Việt Nam và dự kiến sẽ đưa vào hoạt động vào năm 2022 khi sự phát triển nhanh chóng của quốc gia phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng. Địa điểm khai thác mỏ khí nằm ngoài khơi Biển Đông, trong lô 118, cách bờ biển Việt Nam 88 km và có trữ lượng khoảng 150 tỷ mét khối khí, theo báo cáo của ngành năng lượng.
Cho đến thời gian gần đây, hầu hết các nhà phân tích năng lượng trong khu vực đều tin rằng dự án của ExxonMobil nằm ngoài tầm nhắm của Trung Quốc, bên ngoài tấm bản đồ đường chín đoạn đầy tai tiếng chiếm gần 90% vùng biển tranh chấp.
Lý luận đó dựa trên giả định đơn giản và thuyết phục.
Thứ nhất, ExxonMobil là công ty dầu lớn của Mỹ được sức mạnh của chính phủ Mỹ chống lưng. Trung Quốc có thể đẩy công ty thăm dò và sản xuất năng lượng Repsol của Tây Ban Nha ra khỏi vùng biển Việt Nam hai lần trong hai năm qua, nhưng làm như vậy với một công ty lớn của Mỹ là điều không tưởng.
Thứ nhì, dự án Cá Voi Xanh nằm ngay bên ngoài bản đồ đường chín đoạn của Trung Quốc. Mặc dù ExxonMobil và những đối tác của họ có thể sẽ khai thác một lượng khí nhất định bên trong khu vực Trung Quốc tự tuyên bố chủ quyền vì nằm ngay sát bên cạnh, nhưng dù sao vị trí của nó cũng cho dự án mức độ an toàn khác.
Thứ ba, dường như Trung Quốc cũng không muốn gây bất hòa với một công ty dầu lớn của Mỹ, vốn đã kết hợp chặt chẽ với ngành dầu khí toàn cầu, đặc biệt khi Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào việc nhập khẩu năng lượng để thúc đẩy sản xuất trong nền kinh tế.
Năm 2017, Trung Quốc đã vượt mặt Hoa Kỳ để trở thành nhà nhập khẩu dầu thô nhiều nhất thế giới và vào đầu năm ngoái, Nam Hàn đã trở thành nhà nhập khẩu khí thiên nhiên hoá lỏng (liquified natural gas - LNG) đứng hàng thứ hai trên thế giới.
Việc Trung Quốc tăng tốc nhập khẩu LNG diễn ra trong bối cảnh chính phủ yêu cầu ít nhất 10% năng lượng hỗn hợp trong nước phải bao gồm khí đốt thiên nhiên vào năm 2020 và ít nhất 15% vào năm 2030. Mục đích nhằm giảm thiểu mức độ ô nhiễm không khí kỷ lục do đã phụ thuộc quá nhiều vào than để sản xuất năng lượng.
Trung Quốc cũng được dự kiến sẽ vượt qua vị trí từng được xem là hàng đầu toàn cầu trong việc nhập khẩu LNG của Nhật Bản vào khoảng ba hay bốn năm sắp tới, theo các dự báo thị trường khác nhau.
Ngoài chuyện thiếu tài nguyên bản địa, Trung Quốc còn phải đối mặt với Hoa Kỳ, một siêu cường sản xuất dầu khí đang hồi sinh và đã trở thành nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới và nhanh chóng chiếm được chỗ đứng trên thị trường khí đốt toàn cầu.
Đầu năm nay, Hoa Kỳ đã vượt mặt Malaysia để trở thành nhà xuất khẩu LNG đứng hành thứ ba toàn cầu, sẵn sàng cạnh tranh với cả Qatar và Úc, với tư cách như nhà xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới vào năm 2025 hay sớm hơn, tùy thuộc vào các dự án xuất khẩu khí đốt mới khai thác hoạt động như thế nào.
Tuy nhiên, bây giờ, những động lực mới đang thách thức các giả thuyết về thị trường cũ trong dự án Cá Voi Xanh, bao gồm cả việc Bắc Kinh đang nỗ lực loại bất kỳ đối thủ nào trong khu vực muốn khai thác nguồn năng lượng ở Biển Đông.
Carl Thayer, giáo sư danh dự của đại học New South Wales và là chuyên gia về Việt Nam và Biển Đông, nói rằng áp lực của Trung Quốc đã buộc Việt Nam phải chấm dứt thăm dò dầu khí cùng với Repsol của Tây Ban Nha khác với tình hình xung quanh dự án Cá Voi Xanh.
“Các nguồn tin từ Việt Nam cho thấy Trung Quốc và Việt Nam đã đạt được sự hiểu biết không chính thức qua việc họ sẽ không can thiệp vào các hoạt động của đối phương nếu nó nằm trong phạm vi đường vạch giả định (trên bản đồ) trong khu vực hàng hải, đánh dấu biên giới hàng hải giữa hai quốc gia (median line)”, ông nói.
Ông Thayer nói thêm khi đề cập đến đường vạch biên giới trên biển: “Sự hiểu biết này sẽ giảm bớt rủi ro cho các hoạt động hiện nay của ExxonMobil...”, “nhưng có khả năng Trung Quốc đang ép Hà Nội dừng dự án Cá Voi Xanh liên doanh với ExxonMobil và dẫn đến bước đệm giữa Hà Nội và Washington”.
Tin đồn do đó đã lan truyền nhanh chóng và dữ dội trên các phương tiện truyền thông xã hội ở Việt Nam, theo đó ExxonMobil thực sự có thể đã chịu khuất phục trước áp lực của Bắc Kinh nên ngừng tham gia dự án Cá Voi Xanh.
Ông Thayer lưu ý rằng những suy đoán của truyền thông xã hội vẫn chỉ là tin đồn vì ExxonMobil chưa đưa ra bất cứ thông báo chính thức nào. Ông nhìn thấy 5 khả năng phía sau tin đồn nóng hổi này.
Đầu tiên và quan trọng nhất là tin đồn có thể sai.
Thứ hai, từ phía sau hậu trường, Trung Quốc đang gây áp lực lên một trong hai, hoặc cả Hà Nội lẫn ExxonMobil, buộc họ phải ngừng khai thác dầu khí, như một phần trong việc mở rộng tranh chấp với Hoa Kỳ.
Thứ ba, ExxonMobil có thể rời khỏi Việt Nam vì những vấn đề rộng lớn hơn liên quan đến việc tái cấu trúc và thoái vốn toàn cầu.
Thứ tư, ExxonMobil và Việt Nam không đồng ý với nhau về giá khí sản xuất trong dự án.
Thứ năm, bất kỳ sự kết hợp nào giữa các khả năng hai, ba hay bốn.
Ông Thayer nói rằng rất có thể Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội cũng biết rõ về những tin đồn và đã liên lạc với các văn phòng của ExxonMobil ở Hà Nội và Hoa Kỳ.“Nếu các báo cáo về áp lực của Trung Quốc là sự thật”, Thayer nói thêm, “vấn đề này có thể sẽ được nêu lên trong vòng đàm phán về thuế quan sắp tới giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc (chiến tranh thương mại).”
Nhiều người trong ngành dầu khí Việt Nam, khi được phỏng vấn, cho biết họ bị xáo trộn trước tin đồn ExxonMobil sẽ rời khỏi Việt Nam.
Người trong nước ngày càng lo tin đồn là sự thật và Việt Nam sẽ thua trận chiến với người hàng xóm khổng lồ phương Bắc một lần nữa. Việc ExxonMobil thoát ly, họ nói, sẽ là cú đánh vào nền an ninh năng lượng vốn đã suy yếu của đất nước.
Việt Nam phải đối mặt với tình trạng thiếu điện, đặc biệt là ở phía Nam, có lẽ sẽ xảy ra vào đầu năm tới, Bộ Công nghiệp và Thương mại cho biết hồi đầu tháng Sáu. Chuyện thiếu điện ở miền Nam phần lớn do sự chậm trễ của các dự án khí đốt, gồm cả Cá Voi Xanh, họ nói thêm.
Theo ước tính chính thức, trong giai đoạn 2016-2020, mức tiêu thụ điện hàng năm được dự đoán tăng từ 10,3% đến 11,3%. Với nguồn tài nguyên khí đốt ít hơn, Việt Nam sẽ phải chuyển sang năng lượng mặt trời, gió và nhập khẩu LNG - thậm chí còn phải nhập khẩu than của Trung Quốc - để bù đắp sự thiếu hụt trong năng lượng hỗn hợp.
Một nguồn tin ẩn danh từ một công ty năng lượng Việt Nam cho biết, nếu ExxonMobil rút khỏi dự án Cá Voi Xanh, giá khí sẽ tăng lên đáng kể và đúng vào thời điểm nhiều công ty đa quốc gia đang tìm cách dời cơ sở sản xuất của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Nguồn:
All the reasons ExxonMobil may leave VietNam, by Tim Daiss, Asia Times
Người dịch: