Điệp Mỹ Linh (Danlambao) - Từ ngày trở thành vợ một “ông Hải Quân” và được tháp tùng những cuộc hành quân hỗn hợp với các quân, binh chủng bạn, tâm nguyện của tôi là: Viết về những chiến tích có thật, sự dũng cảm có thật và những anh hùng có thật trong cuộc chiến giữa người Lính Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và người lính của đảng cộng sản Việt Nam (csVN).
Vì tâm nguyện và cũng vì bản tính thẳng thắn, tôi đã công khai, phản bát nhà báo Bill Hayton - làm việc cho đài BBC - khi nhà báo Bill Hayton nhận xét không trung thực về cuộc Hải Chiến Hoàng Sa: "Góp Ý Với Bill Hayton về Trận Hải Chiến Hoàng Sa, 19-01-1974."
Trong bài viết trên cũng như qua nhiều tác phẩm của tôi, có lẽ không một người Việt Nam tỵ nạn chính trị nào nỡ lòng “ghép” tôi vào “tội” có ý “hòa hợp hòa giải” với csVN; cố tình “đánh phá”, tạo hiềm khích trong sự việc Hội Hải Quân Cửu Long tại California có mỹ ý xây Tượng Đài Hoàng Sa.
Vấn đề Tượng Đài Hoàng Sa tạo nhiều tranh luận. Tôi chân thành và trân trọng mong độc giả đừng nhìn đồ án Tượng Đài Hoàng Sa và sự tranh luận này là chuyện nội bộ của Hải Quân VNCH mà xin quý vị độc giả hãy nhìn dự án Tượng Đài Hoàng Sa như là sự xác quyết mang tính cách lịch sử của người miền Nam Việt Nam đối với thế giới về quần đảo Trường Sa - phần thân thể lạc loài của Mẹ Việt Nam. Sự tranh luận này chỉ với mục đích giữ được sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam và tạo sự đoàn kết giữa các quân binh chủng Quân Lực VNCH.
Một số độc giả cho rằng tình trạng chính trị của đảo Trường Sa cũng giống các đảo Phú Quốc, Côn Sơn, Cù Lao Chàm, v.v... Cho nên, nếu ghi Trường Sa lên Tượng Đài Hoàng Sa thì cũng phải ghi tên các đảo khác lên Tượng Đài.
Quan niệm trên đây của một số độc giả đã vô tình giúp UBXDĐTNHS nêu lý do: Không đủ chỗ trên Tượng Đài để ghi tên ngần ấy đảo; “dẹp” hết, chỉ ghi Hoàng Sa thôi!
Riêng những người thường theo dõi thời cuộc thì hiểu rằng: Hiện tại, chỉ có quần đảo Trường Sa - một quần đảo có liên hệ mật thiết và trực tiếp đến trận Hải Chiến Hoàng Sa, năm 1974 - mới “rơi” vào tình trạng tranh chấp giữa Trung cộng và csVN; còn các đảo Phú Quốc, Côn Sơn, Cù Lao Chàm, v.v... vẫn bình yên.
Lúc nào người csVN cũng “đổ tội” cho VNCH làm mất Hoàng Sa. Riêng tôi, tôi nghĩ, ba chữ “không giữ được” là chính xác và công bằng cho Hải Quân VNCH hơn là hai chữ “làm mất”.
Tại sao Hải Quân VNCH không giữ được Hoàng Sa?
Dù không phải là người Lính có số quân, không phải là người chuyên theo dõi hoặc phân tích thời sự, cũng không phải là một chính trị gia - nhưng nhờ tôi thường nghe Ba tôi cũng như Bố của các con tôi bàn về thời sự với bạn hữu - tôi hiểu rằng Hải Quân VNCH không giữ được Hoàng Sa vì hai yếu tố chính mà tôi đã nêu ra trong một bài đã phổ biến trước đây.
1.- Năm 1973, sau khi ký hiệp định ngưng chiến tại Paris, Mỹ rút quân và cắt đứt mọi viện trợ - gồm có vũ khí, quân dụng, quân trang và tiếp liệu - cho VNCH trong khi csVN vẫn lén lút, âm thầm nhận viện trợ quân sự từ Trung cộng và Nga.
Ông Bà mình thường bảo: “Hai 'thằng' đánh một, không chột cũng què”. Thời điểm đó, 1973, VNCH bị đến ba “thằng” - csVN, Trung cộng và Nga - hùa nhau đánh thì một mình VNCH đánh lại nổi hay không?
2.- Ngoài sự chênh lệch về lực lượng giữa Hải Quân VNCH và Hải Quân Trung cộng tại Hoàng Sa, Hải Quân VNCH còn bị csVN cố tình tạo điều kiện cho Trung cộng thắng trận Hoàng Sa - để csVN đổi lấy vũ khí, sau này thôn tính miền Nam Việt Nam - bằng phương thức: Ngay ngày hiệp định đình chiến Paris có hiệu lực, 28/01/1973, csVN mở nhiều cuộc xâm nhập tàn khốc từ Bắc vào Nam Việt Nam.
Khi csVN mở các cuộc cường tập quy mô trên khu vực nào của VNCH thì Hải Quân VNCH cũng phải chuyển quân, quân trang, quân dụng đến yểm trợ các chiến trường đó.
Trên đây là hai lý do chính đã chi phối lực lượng Hải Quân VNCH. Vì sự chi phối quá nặng nề, Hạm Đội Hải Quân VNCH buộc phải đưa HQ10 - một chiến hạm đang đại kỳ (sửa chữa, tu bổ, thay thế những bộ phận hư hỏng trầm trọng) - ra Hoàng Sa.
Thế thì sự việc Hải Quân VNCH không giữ được Hoàng Sa có phải chỉ do tiềm năng quân sự của Hải Quân VNCH hay là vì csVN lén lút và âm thầm phản bội Tổ Quốc bằng cách “đâm vào mạn sườn” của VNCH để lực lượng Hải Quân VNCH bị phân tán, trở nên yếu kém trước kẻ thù Trung cộng?
Năm 1974, Hải Quân VNCH cùng một số Địa Phương Quân, Người Nhái, Thủy Quân Lục Chiến, v.v... đã chống lại sự xâm lăng của Trung cộng tại Hoàng Sa. Tôi rất hãnh diện về sự kiện đó; vì trong đời tôi, Hải Chiến Hoàng Sa là cuộc chiến đầu tiên mà người Lính VNCH cùng thời đại với tôi đã hiên ngang chiến đấu chống lại sự xâm lược của ngoại xâm Trung cộng - kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt Nam - vào vùng lãnh hải của miền Nam Việt Nam.
Sau khi niềm hãnh diện trong tôi lắng xuống, bình tâm trở lại, bản tính ngay thẳng trong tôi bừng lên và tôi nhận ra - trong tim tôi - tất cả quân nhân Quân Lực VNCH đều có cùng một vị thế rất đặc biệt và bình đẳng. Bất cứ một người Lính của quân binh chủng nào bị thương hoặc tử trận, lòng tôi cũng ngậm ngùi và biết ơn. Lòng biết ơn của tôi đối với Thương Binh VNCH được thể hiện một cách trực tiếp và âm thầm - với sự hỗ trợ của các con tôi - trong gần 30 năm qua. Lý do tôi viết nhiều về Hải Quân VNCH không phải tôi thiên vị Hải Quân VNCH mà chỉ vì tôi không biết, không hiểu nhiều về các quân binh chủng khác thuộc Quân Lực VNCH.
Từ tấm lòng tha thiết của tôi đối với Thương Binh và Tử Sĩ VNCH cùng bản tính thẳng thắn của tôi, tôi quan niệm - và cũng ước mong độc giả cũng có cùng ý niệm với tôi - rằng: Sự hy sinh mạng sống hoặc một phần thân thể của mỗi người Lính VNCH đều có giá trị ngang nhau; dù người Lính VNCH hy sinh mạng sống hoặc một phần thân thể của họ để chống lại kẻ nội xâm, csVN, hay là chống kẻ ngoại xâm, Trung cộng.
Từ quan niệm về giá trị sự hy sinh của người Lính VNCH phải được bình đẳng, tôi tự hỏi:
1- Ai dám xác quyết rằng sự hy sinh của 74 Tử Sĩ Hoàng Sa là cao cả hơn sự hy sinh của muôn vàn quân nhân khác thuộc các quân binh chủng của Quân Lực VNCH tại các mặt trận rực lửa căm hờn như Căn Cứ Tống Lê Chân, Bình Long, An Lộc, Cổ Thành Quảng Trị, Pleime, Vũng Rô, Tân Cảnh, v.v... trong cuộc chiến tàn khốc vừa qua trên Quê Hương Việt Nam?
2- Ai dám xác quyết rằng csVN không gián tiếp giúp Trung cộng trong sự thôn tính quần đảo Hoàng Sa?
3- Ai dám xác quyết rằng cuộc hành quân Trần Hưng Đạo 48 do Hải Quân VNCH thực hiện tại Trường Sa không là nguyên nhân để Trung cộng không đưa lực lượng xuống chiếm luôn Trường Sa năm 1974?
4- Ai dám xác quyết rằng những cuộc tuần tiễu của Hải Quân VNCH quanh Trường Sa và sự trấn thủ lưu đồn của Địa Phương Quân và Hải Quân VNCH tại Trường Sa là không có thật hay là không có giá trị?
5- Ai dám xác quyết rằng thời điểm hiện tại - tháng 09 - 2019 - Trung cộng không tranh chấp với csVN để chiếm nốt Trường Sa của Việt Nam?
6- Ai dám xác quyết rằng nếu Trường Sa không được Hải Quân VNCH trực tiếp xác nhận rằng VNCH đã từng có chủ quyền trên đảo Trường Sa thì tính cách pháp lý của Trường Sa vẫn được tôn trọng trước dư luận quốc tế?
Muốn biết chủ quyền của VNCH trên đảo Trường Sa được thực thi như thế nào, kính mời quý vị đọc đoạn phỏng vấn ngắn do Điệp Mỹ Linh thực hiện hôm nay - ngày 17 tháng 09 năm 2019, lúc 11:35 AM, giờ TX - với nhân chứng sống là Cựu Hải Quân đại tá Nguyễn Văn May, tốt nghiệp khóa V sĩ quan Hải Quân Nha Trang, nguyên Tư Lệnh Vùng V Duyên Hải.
ĐML: - Thưa anh, trước khi vào đề, tôi xin phép hỏi anh hai câu ngoại lệ, được không ạ?
Đt May: - Vâng, hỏi đi.
ĐML: - Thưa anh, tôi quan niệm rằng: Sự hy sinh của Người Lính VNCH - dù quân bnh chủng nào, tại chiến trường nào và dưới dạng thức nào - cũng phải được tôn trọng và biết ơn một cách công bằng, không thiên vị. Anh nghĩ như thế nào về quan niệm của tôi.
Đt May: - Đúng rồi! Tôi có cùng quan điểm với Điệp Mỹ Linh.
ĐML: - Thưa anh, câu hỏi kế tiếp là: Tôi nghĩ, tử sĩ và Thương Binh VNCH được Tổ Quốc ghi ơn; còn những quân nhân may mắn sống sót, trở về từ bất cứ chiến trường nào trên lãnh thổ Việt Nam cũng rất xứng đáng nhận được sự quý trọng ngang nhau, không thiên vị; bởi vì, nhờ những quân nhân sống sót, trở về mà nền độc lập, tự do đầy nhân bản của miền Nam mới kéo dài được hơn 20 năm. Riêng anh, anh nghĩ như thế nào ạ?
Đt May: - Là một cựu quân nhân, tôi nhận thấy cấp bậc chỉ dùng để chỉ huy. Khi xung trận, mọi quân nhân đều chiến đấu như nhau; khi trở về, mọi quân nhân cũng nên được đối xử ngang nhau - ngoại trừ những quân nhân tạo được chiến công lớn thì được huy chương.
ĐML: - Dạ, cảm ơn anh. Bây giờ, anh vui lòng cho độc giả biết những gì anh có thể nhớ được về hành quân Trần Hưng Đạo 48.
Đt May: - Chỉ 10 ngày, sau khi Hải Quân VNCH không giữ được Hoàng Sa, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho Hải Quân VNCH phải đem quân trấn giữ quần đảo Trường Sa để đề phòng Trung cộng - nhân cơ hội Hải Quân VNCH đang chỉnh đốn hàng ngũ sau trận Hoàng Sa - đưa quân tiến chiếm Trường Sa.
Bộ Tư Lệnh Hải Quân VNCH chỉ định tôi vào chức vụ Chỉ Huy Trưởng Hành Quân Trần Hưng Đạo 48; Hải Quân trung tá Lưu Trọng Đa là phụ tá.
Ngày 30 tháng 01 năm 1974, hành quân Trần Hưng Đạo 48 xuất phát từ Vũng Tàu - lãnh hải của Vùng III Duyên Hải - với 03 chiến hạm sau đây: Tuần Dương Hạm - WHEC - Trần Bình Trọng, HQ 5 (1), Hộ Tống Hạm Đống Đa II - PCE - HQ 07, Hải Vận Hạm Tiền Giang - LSM - HQ 405.
Về sau, hành quân Trần Hưng Đạo được tăng cường: Tuần Dương Hạm - WHEC - Phạm Ngũ Lão, HQ 15 (2), Tuần Dương Hạm - WHEC - Ngô Quyền, HQ 17, Dương Vận Hạm - LST - Mỹ Tho, HQ 800.
Quân của VNCH đổ bộ lên đảo Song Tử Tây - Southwest Cay - thuộc quần đảo Trường Sa, để lại Song Tử Tây một trung đội Địa Phương Quân, thuộc tiểu khu Bà Rịa trấn thủ. Từ đảo Song Tử Tây mọi người có thể thấy đảo Song Tử Đông, do Phi Luật Tân chiếm đóng.
Sau đó, quân của VNCH đổ bộ lên đảo Sơn Ca - Sand Cay island - gần đảo Nam Yết.
Tại đảo Nam Yết, một số quân nhân Hải Quân VNCH đã đồn trú tại đảo này từ lâu - với nhiệm vụ quan sát, theo dõi và báo cáo về Bộ Tư Lệnh Hải Quân VNCH những diễn tiến trong khu vực trách nhiệm - cho nên hành quân Trần Hưng Đạo 48 không đỗ quân lên đảo này.
Ngày 03 tháng 02-1974, hành quân Trần Hưng Đạo cho quân đổ bộ lên đảo Trường Sa - Spratly island - một trung đội Địa Phương Quân được để lại, lo việc phòng thủ đảo này.
Cùng ngày, hành quân Trần Hưng Đảo đến đảo Sinh Tồn - Sin Cowe island - một trung đội Địa Phương Quân đỗ bộ và ở lại trấn thủ đảo này.
Hành quân Trần Hưng Đạo đến đảo An Bang - Amboyna Cay; không thể đổ quân lên được, vì đảo An Bang chỉ toàn đá và đá.
Giữa tháng 03-1974, HQ 800 đưa đại đội Công Binh Kiến Tạo thuộc đơn vị Công Binh Kiến Tạo Hóc Môn ra quần đảo Trường Sa để xây nhà trên các đảo cho các đơn vị Địa Phương Quân vừa được hành quân Trần Hưng Đạo 48 cho đổ bộ ngày 03 tháng 02-1974 cư ngụ.
Trong chuyến hải hành đưa đại đội Công Binh Kiến Tạo ra Trường Sa, HQ 800 cũng đưa khoảng 100 sinh viên - dưới sự hướng dẫn của vị Viện Phó - thuộc trường đại học Kỹ Thuật Phú Thọ đến thăm các đảo đã được Hải Quân VNCH đỗ quân chiếm giữ.
ĐML: - Xin thành thật cảm ơn anh về những chi tiết quý hóa này. Kính chào anh.
Những sự việc trên đây đều có thật. Thế mà, bốn mươi lăm năm sau, sáu người trong chín vị của UBXDĐTNHS và một vài vị đã trực tiếp hoặc gián tiếp liên hệ đến cuộc Hải Chiến Hoàng Sa đành đoạn “bức tử” Trường Sa!
Tôi đã viết bài tạp ghi Từ Hồ Chí Minh Đến “Bức Tử” Trường Sa. Tôi không muốn đề cập đến sự kiện đau lòng này nữa!
Nhưng, sáng nay, vào https://viettudomunich.org, đọc bản tin - được trích từ BBC - Người Việt Nam Ở Nhật Bản Xuống Đường Phản Đối Trung quốc và thấy tấm biểu ngữ chữ đen trên nền trắng: Hoàng Sa - Trường Sa Là Của Việt Nam, tôi lặng người, cảm nhận được nỗi đau dâng lên ngập lòng!
Không đau lòng sao được khi những người trẻ lớn lên dưới sự cai trị sắt máu của csVN, phải từ bỏ Quê Hương, Cha Mẹ và người thân để xuất khẩu lao động sang Nhật làm lao công mà vẫn nghĩ về Hoàng Sa và Trường Sa với niềm thương yêu tha thiết đến như thế; còn tại Hoa Kỳ, sáu vị trong UBXDĐTNHS và vài vị có liên hệ gián tiếp hoặc trực tiếp đến trận chiến Hoàng Sa vẫn cứ “khư khư” giữ lập trường bức tử Trường Sa để trận Hải Chiến Hoàng Sa được ở vị thế độc tôn trên Tượng Đài!
Trận Hải Chiến Hoàng Sa, Hải Quân VNCH không thắng mà sáu vị trong UBXDĐTNHS và vài người từng liên hệ đến cuộc Hải Chiến Hoàng Sa cứ muốn chiếm vị thế độc tôn trên Tượng Đài. Thử đặt câu hỏi: Nếu UBXDĐTNHS và vài người liên hệ đến Hải Chiến Hoàng Sa mà thuộc vào đoàn quân VNCH - Nhảy Dù, Biệt Kích Dù 81, Thủy Quân Lục Chiến, Thiết Giáp, Bộ Binh, v.v... - đã tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị, ngày 16 tháng 9 năm 1972, rồi toán Cọp Biển của tiểu đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến dựng cờ Việt Nam Cộng Hòa trên Cổ Thành Quảng Trị, thì tinh thần độc tôn của quý vị UBXDĐTNHS và các vị có liên hệ đến Hải Chiến Hoàng Sa còn cao đến mức nào nữa?
Nếu UBXDĐTNHS và vài vị từng có liên hệ đến Hải Chiến Hoàng Sa muốn giữ tính cách độc tôn của trận Hải Chiến Hoàng Sa trên Tượng Đài thì kính mời quý vị đọc kỷ đoạn phân tích sau đây:
Trên Tượng Đài gồm 4 chữ Tổ Quốc Ghi Ơn, bản đồ Việt Nam được phủ cờ VNCH từ Bắc xuống Nam.
Xin hỏi quý vị: Từ vỹ tuyến 17 trở lên thuộc về csVN từ năm 1954, UBXDĐTNHS phủ cờ VNCH lên phần đất của csVN rồi viết Tổ Quốc Ghi Ơn là UBXDĐTNHS ghi ơn ai? Không lẽ quý vị UBXDĐTNHS “buộc” Tổ Quốc phải ghi ơn csVN - những kẻ đã dày xéo non sông, đưa dân tộc vào hai cuộc chiến khốc liệt vừa qua và sau cuộc chiến cũng chính những kẻ này đã bán từng phần đất của Quê Mẹ cho Trung cộng?
Đó là chưa kể, dư luận viên csVN có thể tuyên truyền, phỉ bán quý vị UBXDĐTNHS - nhưng, nhân cơ hội này dư luận viên csVN sẽ không dùng danh xưng UBXDĐTNHS để phỉ bán mà dư luận viên csVN sẽ dùng danh từ chung Hải Quân VNCH để mạ lỵ - về tính cách không ngay thật trên Tượng Đài với câu hỏi: VNCH có chủ quyền miền Bắc vỹ tuyến 17 ngày nào đâu mà bây giờ ghi ơn miền bộ đội ông Hồ?
Nếu quý vị UBXDĐTNHS lập luận rằng: UBXDĐTNHS muốn ghi ơn các quân nhân VNCH đã tử trận trong những phi vụ Bắc phạt - như đại tá Không Quân Phạm Phú Quốc - hoặc những cuộc xâm nhập Bắc Việt bằng đường biển do Biệt Hải hoặc Người Nhái VNCH thực hiện, v.v... thì tôi hoan hô. Họ rất xứng đáng để được chúng ta ghi ơn; dù rằng những Người Hùng này không chiếm cứ được miền Bắc, không tạo được chủ quyền cho VNCH trên lãnh thổ Bắc Việt.
Những người không tạo được chủ quyền cho VNCH trên lãnh thổ Bắc Việt mà ngày nay cũng vẫn được UBXDĐTNHS tưởng nhớ, ghi ơn.
Đây là điểm son đáng ghi nhớ của UBXDĐTNHS.
Còn những người đã thật sự tạo được chủ quyền và bảo vệ chủ quyền trên quần đảo Trường Sa thì tại sao UBXDĐTNHS lại cố tình phủ nhận?
Không lẽ thời gian xa lìa quân ngũ đã làm cho bản tính ngay thẳng, công bằng, lịch lãm, cao thượng của Người Lính VNCH phai mờ trong tâm hồn của qúy vị?
Không lẽ năm 1974 csVN “đâm vào mạn sườn” của VNCH làm cho Hải Quân VNCH không giữ được Hoàng Sa cho nên bây giờ - đang có sự tranh chấp quyết liệt giữa Trung cộng và csVN - quý vị trong UBXDĐTNHS muốn trả thù csVN bằng cách cố tình tạo sơ hở pháp lý quốc tế là VNCH không từng có chủ quyền đảo Trường Sa để csVN thua Trung cộng?
Nếu câu hỏi trên đây là đúng thì quý vị đã vô tình “nâng” csVN lên ngang hàng với quý vị.
Nếu tôi may mắn được đặt vào vị thế UBXDĐTNHS hoặc nếu tôi được vinh dự là một trong những quân nhân trở về sau trận Hải Chiến Hoàng Sa, tôi sẽ đặt sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, tinh thần dân tộc và tình yêu Quê Hương lên trên tất cả mọi điều - kể cả “cái tôi” và sự độc tôn “phe nhóm” của tôi.
Viết đến đây tôi chợt nhớ một câu trong Thông Báo Số 4 của UBXDĐTNHS do ông Trương Văn Song ký ngày 29 tháng 08-2019. Câu ấy như thế này: “... Với mục đích thứ nhất, hình ảnh quần đảo Trường Sa không đủ tiêu chuẩn để UBXDĐTNHS phải ghi vào. Hơn thế nữa, đây là Đài Tưởng Niệm Hoàng Sa, không phải là Đài Tưởng Niệm Trường Sa hay Hoàng Sa - Trường Sa... ”
Thế miền Bắc Việt Nam đạt được tiêu chuẩn nào mà UBXDĐTNHS ghi miền Bắc Việt Nam vào Đài Tưởng Niệm?
Nếu UBXDĐTNHS biện luận rằng: Đã vẽ bản đồ Việt Nam thì phải vẽ trọn vẹn hai miền Bắc Nam. Vâng, tôi đồng ý!
Nhưng, thật không may! Mẹ Việt Nam bị “dị dạng” vì “ngón chân út” của Mẹ - đảo Trường Sa - bị... chỉa ra xa, “mang giày” không được. Thế là UBXDĐTNHS đành “cắt” “ngón chân út” của Mẹ Việt Nam để Mẹ Việt Nam “hội đủ điều kiện” hiện diện lên Tượng Đài Hoàng Sa, phải không?
Trong sự thanh luận này không ai yêu cầu UBXDĐTNHS phải thay đổi tên của Tượng Đài hoặc thêm hai chữ Trường Sa có cùng kích thước, cùng vị trí với hai chữ Hoàng Sa.
Dư luận chỉ yêu cầu UBXDĐTNHS thêm trên Tượng Đài một chấm nhỏ với hai chữ Trường Sa - cũng nhỏ - ngay vị trí đích thực của Trường Sa trong lãnh hải của Việt Nam.
Nếu UBXDĐTNHS lập luận rằng: Dù chỉ thêm một chấm nhỏ Trường Sa lên Tượng Đài thì chấm nhỏ đó cũng sẽ làm loảng đi ý nghĩa oai hùng của trận Hải Chiến Hoàng Sa thì quả thật UBXDĐTNHS và vài người có liên hệ đến Hải Chiến Hoàng Sa đã “nâng” trận Hải Chiến Hoàng Sa cao hơn cả Tổ Quốc và sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam!
Đã là Người Hùng thì dù chết cả ngàn năm vẫn là Người Hùng - như Đức Thánh Trần Hưng Đạo - Không phải là Người Hùng thì dù có liên hệ mật thiết với trăm ngàn cái bia tưởng niệm độc tôn thì cũng vẫn không phải là Người Hùng. Ông Bà mình có câu “Trăm năm bia đá thì mòn; ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”!
Theo định luật thiên nhiên, csVN sẽ sụp đổ, thế hệ của chúng ta sẽ không còn và Tượng Đài Hoàng Sa chưa biết sẽ ra sao; nhưng sự độc tôn - gần như kiêu hãnh quá độ của UBXDĐTNHS và vài người liên hệ đến Hải Chiến Hoàng Sa - về sự xây dựng Tượng Đài Hoàng Sa chắc chắn sẽ lưu lại ý niệm không tốt đẹp trong lòng đa số người Việt tỵ nạn và cựu quân nhân Quân Lực VNCH.
Nếu người Việt Nam tỵ nạn và cựu quân nhân VNCH - đa số đã góp ngân quỹ để xây Tượng Đài Hoàng Sa - và UBXDĐTNHS tạo được ưu thế pháp lý để csVN thắng Trung cộng trong sự kiện tranh chấp chủ quyền quần đảo Trường Sa thì quần đảo Trường Sa vẫn thuộc về Quê Mẹ thân yêu.
Ngược lại, nếu mọi người im lặng, “đứng ngoài”, để UBXDĐTNHS - dùng đồng tiền mồ hôi nước mắt của quý vị đã đóng góp cho đồ án Tượng Đài Hoàng Sa - bứt tử Trường Sa thì Trường Sa sẽ thuộc về Trung cộng và Việt Nam sẽ vĩnh viễn mất Trường Sa!
Nếu UBXDĐTNHS và quý vị có liên hệ đến Hải Chiến Hoàng Sa cũng vẫn không thay đổi lập trường thì tôi xin hỏi:
- Năm 1974, Hải Quân VNCH không giữ được Hoàng Sa, người miền Nam lên án csVN phản quốc, giúp Trung cộng xâm lăng Hoàng Sa.
- Năm 1975, Quân Lực VNCH không giữ được miền Nam, người Miền Nam đổ tội cho Hoa Kỳ bỏ rơi miền Nam.
- Năm 2019, UBXDĐTNHS viện dẫn mọi lý lẽ không thực tế để quần đảo Trường Sa - phần đất của Ông Cha để lại - không được xuất hiện trên Tượng Đài!
Thế thì sự kiện bức tử Trường Sa ai sẽ chịu trách nhiệm?
Viết đến đây tự dưng màn ảnh computer trở nên nhạt nhòa trước mắt tôi. Vừa quẹt nước mắt tôi vừa xót xa nghĩ đến sáu chữ Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm mà ngày xưa Người Lính VNCH nào cũng nêu cao!
Để xua tan niềm thất vọng, tôi xin mượn lời của Tổng Thống Ronald Reagan để nói lên nỗi niềm của người vợ Lính đối với mảnh đất lạc loài của Quê Mẹ - Trường Sa - và đối với những người Lính VNCH nào còn biết đặt sự toàn vẹn lãnh thổ và tình dân tộc trên hết; biết chọn lẽ công bằng, không thiên vị “phe nhóm”: “Live simply, love generously, care deeply, speak kindly, leave the rest to God.”
Chú thích:
(1) và (2): Những chi tiết này được bổ khuyết thêm từ tài liệu Hành Quân Trần Hưng Đạo 48 của tác giả Thềm Sơn Hà.
21.09.2019