Ông Nguyễn Thiện Nhân: Những phát ngôn và tấm bằng tiến sỹ - Dân Làm Báo

Ông Nguyễn Thiện Nhân: Những phát ngôn và tấm bằng tiến sỹ

Ngàn Hương (Danlambao) - Gần đây sau khi hàng loạt báo của nhà nước đăng ý kiến của ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM với nội dung: “Nếu người phụ nữ không sinh được 2 con thì đất nước đó sẽ ngày càng chao đảo”.

Theo đó: "Chúng ta thiết kế đô thị này cho ai sống? Xây đô thị không chỉ vì con người mà vì gia đình. Chúng ta làm tất cả để các gia đình hạnh phúc và muốn có con”(1).

Thì dư luận được một phen dậy sóng và bàn tán sôi nổi về cái “tầm” của ông Nguyễn Thiện Nhân, cùng với những kết quả hoạt động và phát ngôn trước đây của ông ấy, không khỏi làm cho dư luận băn khoăn nghi ngờ về trình độ “uyên thâm” của vị Giáo sư Tiến sỹ này.

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia:

Nguyễn Thiện Nhân sinh 1953, ông có học vị giáo sư Kinh tế, tiến sĩ chuyên ngành Điều khiển tự động hóa. Ông hiện là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Quốc hội Việt nam khóa XIV nhiệm kì 2016-2021 thuộc đoàn Đại biểu tỉnh Trà Vinh.

Sau khi học xong trung học, tháng 6 năm 1970, Nguyễn Thiện Nhân nhập ngũ và phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam với tư cách học viên sĩ quan ngành kỹ thuật. Năm 1972, ông được cử đi du học đại học và làm nghiên cứu sinh tại Đại học Kỹ thuật Magdeburg (tiếng Đức: Technische Hochschule Magdeburg), Cộng hòa Dân chủ Đức. Năm 1979, Nguyễn Thiện Nhân bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ ngành Điều khiển học. Luận văn tiến sĩ của ông có nhan đề là Untersuchungen zur automatischen Steuerung der optimalen Fahrweise von Fernwärmeversorgungssystemen (Tạm dịch: Nghiên cứu điều khiển tự động cho phương thức vận hành tối ưu của hệ thống cấp nhiệt)(2).

Chúng ta hãy điểm lại những nét nổi bật trong vai trò lãnh đạo của ông Nguyễn Thiện Nhân kể từ khi ông ấy nhận trọng trách tại TP.HCM về sau.

Năm 1999, ông Nguyễn Thiện Nhân được bầu làm Phó Chủ tịch UBND TP.HCM. Đặc biệt là từ năm 2001-2006, ông Nhân giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM.

Khi ông Nhân ngồi vào ghế Phó Chủ tịch thành Hồ, nhiều người rất kỳ vọng về một nhân vật có gốc gác gia đình trí thức, được học hành và đào tạo bài bản ở trong môi trường chuẩn mực về khoa học và văn hóa ở các nước phát triển, lại mang hàm Giáo sư Tiến sỹ với kiến thức, tâm huyết, tầm nhìn, ông sẽ làm nhiều điều hữu ích cho đất nước, sẽ mang lại luồng gió mới cho thành phố HCM.

Nhưng rất tiếc là qua bảy năm làm Phó Chủ tịch của ông trôi đi trong nhạt nhòa, không gây ấn tượng nào đáng kể, chỉ như búp bê trong tủ kính điểm tô vẻ trí thức cho triều đình Lê Thanh Hải mà thôi. Và cuối cùng, năm 2006, ông Nhân cũng bị trùm quan tham Lê Thanh Hải gạt ra rìa để cho Hai Nhựt củng cố đế chế của mình nhằm dễ bề thao túng, bằng cách đẩy ra Hà Nội làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thất bại hoàn toàn trong vai trò Bộ trưởng Bộ Giáo dục:

Vừa nhận nhiệm vụ mới, ông Nguyễn Thiện Nhân đã trở thành bộ trưởng hiếm hoi dám đưa ra những cam kết như: “Sẽ không một sinh viên nào phải bỏ học”“Đến năm 2010 giáo viên sẽ sống được bằng lương”. Ngay từ lúc nhậm chức, ông ấy đã đề ra chính sách cải cách nền giáo dục Việt Nam với tiêu chí: "chống bệnh thành tích trong học tập và tiêu cực trong thi cử", "xây dựng một phương pháp học sáng tạo, thực chất, học là phải dùng được", "đổi mới phương pháp học tập theo xu hướng tiên tiến của thế giới".

Mở đầu năm học 2006 – 2007, Nguyễn Thiện Nhân thực hiện cuộc vận động hai không: “Nói không với tiêu cực trong thi cử”“Nói không với việc chạy theo thành tích” bắt buộc tất cả các cơ sở giáo dục trong cả nước phải làm theo.

Mọi người đều biết: Mấy chục năm qua nền giáo dục của Việt Nam chỉ chạy theo thành tích mà không chú trọng chất lượng giáo dục. Muốn có thành tích thì phải có gian lận trong thi cử.

Nay áp dụng chính sách “hai không”, kết quả thấy rõ: Tỷ lệ đậu tốt nghiệp PTTH niên khóa 2006-2007 thấp nhất từ trước đến nay, nhìn chung cả nước giảm từ 35-40%, đặc biệt trong đó có trường chỉ đạt 3.16%.(3)

Năm học 2007 – 2008, ông Nhân đưa ra khẩu hiệu là "năm không" gồm: "nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích, nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và việc "ngồi nhầm lớp" (cho học sinh không đạt chuẩn lên lớp) và (dành cho các bậc đào tạo sau trung học) đào tạo không theo nhu cầu xã hội"; đẩy mạnh công cuộc "xã hội hóa giáo dục" nhằm "Huy động tổng thể sức mạnh của toàn xã hội phát triển giáo dục và đào tạo".

Kết quả là: Năm không kết cuộc vẫn hoàn không! Và lời hứa “Đến năm 2010 giáo viên sẽ sống được bằng lương” cũng tự tan biến vào không trung như bọt xà phòng.

Đề án 20.000 tiến sĩ chết non:

Khi làm Phó Thủ Tướng, ông Nhân lại có một đề án nổi tiếng do chính ông ký tên ban hành nhằm đào tạo 20.000 tiến sĩ giai đoạn 2010 - 2020. Người có hiểu biết nghe đến con số chỉ tiêu tiến sĩ đào tạo trong 10 năm đã thấy hoang mang. Không chờ đến kết thúc thời hạn của đề án, năm 2016, kiểm toán nhà nước đã kiểm toán đề án này và khẳng định thất bại cả về số lượng lẫn chất lượng. Tiền thì tiêu mất nhưng ngay cả số lượng những tiến sĩ giấy cũng không đạt chỉ tiêu. Báo chí đã có nhiều bài viết về kinh nghiệm đau xót này.

“Được đầu tư 14.000 tỷ đồng, nhưng kết quả thực hiện “Đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020” (Đề án 911) tính đến hết năm 2016 được đánh giá là không hiệu quả. Tất cả các chỉ tiêu của đề án này đều không đạt và Kiểm toán Nhà nước kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước hơn 50 tỷ đồng"(4).

Thất bại trong Giáo dục, ông Nguyễn Thiên Nhân bị đẩy sang làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Thực chất đây là một cơ quan bị xem là “đầu không tới trời, chân không tới đất”, là “ngồi chơi xơi nước” chứ không có thực quyền. Mặt trận chỉ có tác dụng hiệp thương chọn người cho đảng để đưa vào quốc hội,là hô hào quần chúng thực hiện đường lối chủ trương của đảng. Tóm lại mặt trận chỉ là… bán nước bọt và lừa mị dân.

Rất may cho ông Nguyễn Thiện Nhân, tưởng rằng sẽ ôm cái ghế mặt trận cho đến lúc về vườn, thì Đinh La Thăng bị “ngã ngựa” do là đệ tử ruột của Ba Dũng, kẻ thù không đội trời chung với ông Trọng, nên đã bị “người đốt lò vĩ đại” tống vào lò tôn. Vậy là ông Nhân được điều về thành Hồ thay thế tay phổi bò này, kết thúc 11 năm ra trung ương đầy rẫy thất bại.

Về lại thành Hồ, việc đầu tiên thử thách ông là ông phải đi dọn đống rác do Lê Thanh Hải gây ra trong đại án Thủ Thiêm và các đại án khác. Để tỏ ra đồng cảm và trấn an người dân đang cuồn cuộn dâng trao bao căm tức và uất hận do Lê Thanh Hải và đồng bọn gay ra, trong một buổi tiếp xúc cử tri với người dân Thủ Thiêm, ông Nhân nói đại ý rằng, tôi tuy nói giọng Bắc nhưng tôi là người Nam, tôi không gạt bà con đâu.

Lập tức dư luận dậy sóng vì câu nói này và cho rằng, ông Nhân nói vậy khác nào chửi rằng bọn Bắc kỳ là ba xạo, là ông Nhân chửi xéo ông Trọng, vì ông Trọng dược đám bưng bô xưng tụng là “sỹ phu Bắc Hà”, còn ông Trọng tự cho mình là người Bắc có lý luận.

Trong lúc vụ Thủ Thiêm đang rối như canh hẹ, người dân Thủ Thiêm đã đưa ra rất nhiều bằng chứng về những sai phạm động trời dưới triều đại Hai Nhựt và đồng bọn gây ra, và yêu cầu phải truy tố và tống cổ tập đoàn Lê thanh Hải vào lò, thì Bí thư Nguyễn Thiện Nhân hứa hẹn: Tháng 11 sẽ xử lý cán bộ sai phạm ở Thủ Thiêm.

Theo đó: “Sáng 20/10/2018, thực hiện lời hứa sẽ gặp người dân Thủ Thiêm đến khi nào giải quyết xong vấn đề, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu tổ đại biểu Quốc hội thành phố tiếp xúc cử tri quận 2.

Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, trong tháng 11 sẽ làm kiểm điểm những cán bộ sai phạm đến vi phạm đất đai ở Thủ Thiêm. Sau khi kiểm điểm thì cán bộ vi phạm mức độ tới đâu sẽ xử lý tới đó”.(5).

Đến nay đã gần 1 năm sau lời hứa ấy, trùm qua tham Lê Thanh hải vẫn chưa rụng một cọng lông nào. Bọn đệ tử nhiều tên bị kỷ luật và vào tù vì nhiều sai phạm khác, chứ đại án Thủ Thiêm chưa đụng đến một ai.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân khuyên các nữ tu dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm hãy giữ vững đức tin.

“Ngày 9 thánh 2 năm 2018 (nhằm ngày 24 tháng chạp năm 2017, giáp tết Mậu Tuất), Đoàn đại biểu Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm (quận 2).

Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân ân cần thăm hỏi tình hình hoạt động và mong Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm luôn giữ vững đức tin. Chúc các sơ năm mới mạnh khỏe, góp phần làm cho cuộc sống đồng bào bình yên nhằm chung sức xây dựng và phát triển đất nước”(6).

Một người cộng sản vô thần như Nguyễn Thiện Nhân, lại đi khuyên nhủ các bà sơ nơi đây "hãy luôn giữ vững đức tin". Nhưng ông ta không nói với các sơ là hãy tin vào Chúa hay tin vào đảng???

Nếu Nguyễn Thiện Nhân khuyên các sơ hãy luôn vững tin vào Chúa, thì đúng là điều khôi hài. Người vô thần đi khuyên người tu hành hãy luôn vững niềm tin? Nếu ông ta khuyên các sơ hãy vững tin vào đảng, thì có lẽ đến vua hề Sác-lô cũng chào thua.

Vẫn biết người cs luôn đóng kịch, luôn diễn. Nhưng diễn kiểu này thì chẳng khác gì, như câu thành ngữ hơi thô tục dân ta hay nói, là dạy đĩ… vén gì đó.

Cũng có thể là NguyễnThiện Nhân đến để ngắm nghía miếng mồi này, sau đó sẽ vạch kế hoạch cướp tiếp khu đất này. Do đó, hôm nay đến đây theo kiểu "ném đá dò đường", để dò xét thái độ của mấy bà sơ này chăng?

Trở lại câu chuyện ông về tấm bằng tiến sỹ của ông Nguyễn Thiện Nhân.

Theo tác giả Sơn Trung viết trên Sontrung's Blog ngày 18/7/2013, trong bài “Phó Thủ Tương VN Nguyễn Thiện Nhân lấy Ph.D 14 năm TRƯỚC khi trường thành lập” như sau:

“Tôi mới khám phá chuyện khôi hài này về ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục VN và đương kim Phó Thủ Tướng nước Cọng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt.

Theo Tự Điển Bách Khoa Wikipedia, bản tiếng Anh và tiếng Việt, đều xác nhận ông Nhân lấy Ph.D vào năm 1979.

(Bổ túc về trường đại học Otto von Guericke tại tỉnh Magdeburg CHLB Đức (nơi xuất thân của Nguyễn thiện Nhân, bộ trưởng bộ giáo dục, nếu quả thật ông ta có cầm sách bút đi học)

Đại học này được thanh lập năm 1993, so với những đại học khác với hàng trăm năm tuổi, là loại con nít mặc quần thủng đít. Đại học có đủ môn học từ khoa học nhân văn tới khoa học kỹ thuật.

Học vị Ph.D là học vị không có ở bất cứ đại học nào ở Đức.

Hai học vị cao nhất của các đại học Đức là bằng tiến sỹ (Doktor, Dr.) và thạc sỹ (Dr. habil.) 

Thạc sỹ là những tiến sỹ đã chứng tỏ mình có khả năng dạy học, nghiên cứu hay hướng dẫn một chương trình khoa học. Những người này có thể trở thành giáo sư đại học (Professor)(7).

Một người khác nữa cũng khẳng định rằng: Ông Nhân không có bằng tiến sy ở Đ.H Kỹ thuật Magdeburg –Cộng hòa Dân chủ Đức!

“Hôm 25 thang 7 năm 2013 tôi có gọi điện thoại đến trường Đại học Otto-von-Guericke-Universität Magdeburg(được thành lập năm 1993 từ việc sát nhập ba trường cũ là Technische Universität, Pädagogische Hochschule und Medizinische Akademie Magdeburg.)

Số telefon của trường: 0049-391-6701, người ta đã giới thiệu cho tôi đến phòng lưu trữ (Archiv telefon 0049-391-6712780) và câu trả lời là Đại học Kỹ thuật Magdeburg – Cộng hòa Dân chủ Đức, không có sinh viên nào, không có nghiên cứu sinh nào tên là Nguyễn Thiện Nhân sinh ngày 12 tháng 6 năm 1953. Tôi ngạc nhiên hỏi lại đến ba lần nhưng câu trả lời vẫn vậy(8).

Qua những thông tin trên, có thể khẳng định rằng làm gì có chuyện năm 1972 ông Nguyễn Thiện Nhân “được cử đi du học đại học và làm nghiên cứu sinh tại Đại học Kỹ thuật Magdeburg (Cộng hòa Dân chủ Đức). Làm gì co chuyện “ông Nguyễn Thiện Nhân bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ ngành Điều khiển học. Luận văn tiến sĩ của ông có nhan đề là Untersuchungen zur automatischen Steuerung der optimalen Fahrweise von Fernwärmeversorgungssystemen (Tạm dịch: Nghiên cứu điều khiển tự động cho phương thức vận hành tối ưu của hệ thống cấp nhiệt)?

Do không có thực học và thực tài, nên ông Nguyễn Thiện Nhân được dư luận đánh gia là dạng “ba phải”, là “Quan tám cũng ừ quan tư cũng gật”, nghĩa là không thuộc phe nhóm nào và không có chính kiến rõ ràng trong cái ĐCSVN ba bè bảy mảng và nát bét như nồi cám heo hiện nay.

Có người cho rằng việc ông Nguyễn Thiện Nhân nói rằng, nếu người phụ nữ không sinh được 2 con thì đất nước đó sẽ ngày càng chao đảo, là ông Nhân đã xúc phạm đến ông Hồ Chí Minh, vì bà Thanh chị ruột ông Hồ không có chồng, nên chẳng có đứa con nào. Ông Nhân cũng xúc phạm đến bà vợ sau của ông Võ Văn Kiệt, bà Phan Lương Cầm, vì bà Cầm chỉ có 1 người con ngoài giá thú hồi học ở Liên Xô là ông Võ Văn Thưởng, sau đó bà Cầm kết hôn với ông Võ Văn Kiệt thì chẳng sinh được người con nào nữa. Đồng thời ông Nguyễn Thiện Nhân cũng chửi xéo bà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, vì bà Tiến chỉ có một người con trai duy nhất là Hoàng Quốc Cường, người vừa được bà Tiến cất nhắc lên giữ chức vụ Phó Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM vừa qua.

Vẫn biệt rằng những người cs thích khoe khoang và hay lòe bịp thiên hạ bởi những tấm bằng vơ vẩn nào đó, và họ dùng bằng cấp để tiến thân. Có lẽ đo họ bị mặc cảm bởi đa số xuất thân từ thành phần bần cố nông, “khố rách áo ôm”, bị ám ảnh bởi câu “nhân bần trí đoản”, nên họ dùng mọi thủ đoạn để có tấm bằng để che thân.

Ngay như một tỉnh nhỏ và nghèo như Hà Tĩnh cũng đã có dư luận là có tới 10 quan chức và lãnh đạo cấp tỉnh dùng bằng dỏm, bằng giả. Trong đó có người lấy bằng Tiến sỹ từ trường đại học Nam Thái Bình Dương ất ơ nào đó chỉ trong 6 tháng và không hề biết một ngoại ngữ nào?(9)

Từ đó suy ra rằng, một đất nước có hàng ngũ lãnh đạo không có thực tài, đa số những bằng cấp và học hàm học vị mà họ khoe khoang đầy mình như hiện nay, thực chất chỉ là những mảnh giấy lộn không hơn không kém.

Một dân tộc, một đất nước được dẫn dắt bởi những hạng người như vậy, nhưng luôn tự cho mình là “đỉnh cao trí tuệ”, là thành phần ưu tú nhất của xã hội, của đất nước mà không đưa dân tộc này, đất nước này “Xuống hố cả nút”(XHCN) thì mới là chuyện lạ.

Chú thích:










20/9/2019




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo