Thế giới tuần qua (26/8-31/8) - Dân Làm Báo

Thế giới tuần qua (26/8-31/8)

Danlambao - Dân Làm Báo xin gửi đến các bạn trong thôn, cập nhật các tin thế giới chính đáng chú ý sau đây. Hong Kong - thành phố hơn 7 triệu dân vẫn là tâm điểm chính của thế giới. Quan hệ ngoại giao giữa các nước Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Tình hình chính trị tại các quốc gia: Anh, Đức, Nga, Ucraina, Brazil, Venezuela.

HONG KONG: 

Hàng ngàn người biểu tình bất chấp mưa lớn, cầm dù tập trung tại một sân vận động rồi tuần hành đến khu đô thị mới Thuyền Loan. Phần lớn người biểu tình tuần hành trong ôn hòa vào ngày 25.8. Cảnh sát sau đó điều động xe tải vòi rồng và dùng hơi cay để giải tán đám đông với cáo buộc quá khích, nhưng chỉ trong khoảng thời gian ngắn. Hơn 700 người bị bắt kể từ khi những cuộc biểu tình phản đối chính quyền đặc khu bùng nổ hồi tháng 6 và kéo dài đến nay.

Nhà điều hành đường sắt của thành phố, MTR Corp, tuyên bố họ đang tạm dừng một số dịch vụ ở phía tây lãnh thổ do các hoạt động công cộng diễn ra trong khu vực, trong đó 4 ga tàu điện ngầm MTR đã bị đóng cửa.

Trong ngày 29/8, Trung Quốc cho luân chuyển đội quân đồn trú tại Hồng Kông. Động thái này bị coi là nhằm mục đích thị uy, đe dọa trước cuộc biểu tình dự kiến vào cuối tuần 31/8 của phong trào phản kháng đòi dân chủ.

Để ngăn chặn cuộc biểu tình diễn ra vào ngày Chủ Nhật 31/8, Cảnh sát Hồng Kông cấm tuần hành đến Văn Phòng Liên Lạc của Trung Quốc.

Đơn xin phép biểu tình đã bị cảnh sát Hồng Kông từ chối, nhưng ban tổ chức biểu tình cho biết là họ sẽ khiếu nại. Trong những tuần lễ gần đây, có nhiều cuộc biểu tình bị cấm, nhưng cuối cùng vẫn được tổ chức.

Nhiều thủ lĩnh biểu tình Hồng Kông bị bắt

Ba nhà hoạt động Joshua Wong (Hoàng Chi Phong, 23 tuổi) và Agnes Chow (Chu Đình, 23 tuổi) đã bị cảnh sát bắt giữ với cáo buộc tổ chức kích động, tụ tập trái phép.

Trước đó, nhà hoạt động Andy Chan (Trần Hạo Thiên, 29 tuổi) cũng bị bắt vào tối 29.8 tại sân bay Hồng Kông vì nghi gây bạo động và tấn công cảnh sát. 

Ba thủ lĩnh trẻ của phong trào phản kháng bị bắt ngay trước cuộc biểu tính lớn dự kiến diễn ra tại Hồng Kông vào ngày 31.8, đánh dấu 5 năm kể từ ngày chính quyền đại lục bác bỏ lời kêu gọi hình thức bầu cử phổ thông đầu phiếu cho đặc khu.

Hoàng Chi Phong và Chu Đình đã được bảo lãnh tại ngoại sau khi bị thẩm vấn nhiều giờ tại đồn cảnh sát Loan Tế. Cả hai nhà hoạt động trẻ tuổi này đã bày tỏ sự tức giận trước hành vi khủng bố trắng của Bắc Kinh.

TRUNG QUỐC: 

Trung Quốc cáo buộc nhà văn Úc gốc Hoa tội gián điệp

Nhà văn người Úc gốc Hoa tên Yang Hengjun đã bị Trung Quốc buộc tội làm gián điệp. Ông Yang, 53 tuổi, đã bị lực lượng an ninh Trung Quốc bắt giam hồi đầu năm 2019. Ông là cựu chuyên viên ngoại giao của chính phủ Trung Quốc và là một blogger có nhiều bài chỉ trích nhà cầm quyền Trung Quốc. Nhà văn Yang bị bắt ở Quảng Châu khi đang đợi máy bay nối chuyến tới Thượng Hải, sau chuyến bay xuất phát từ Hoa Kỳ. Hiện ông Yang đang bị giam ở Bắc Kinh.

“Tiến sĩ Yang đã bị giam giữ tại Bắc Kinh hơn 7 tháng trong điều kiện khắc nghiệt mà không bị buộc tội”, Bộ trưởng Ngoại giao Úc, Marise Payne, cho biết trong một tuyên bố, và cho biết thêm ông Yang đã chính thức bị giam giữ với cáo buộc làm gián điệp hôm thứ Sáu ngày 23/8.

Trung Quốc trục lợi từ các lao động cưỡng bức ở Tân Cương

Tổ chức Sáng kiến Quyền Công dân Trung Quốc (CPIC) hôm 22/8 đã phát hành một báo cáo phơi bày tình trạng cưỡng bức lao động trong các nhà tù và các trại cải tạo ở Trung Quốc.

Báo cáo điều tra cho biết Bắc Kinh đã tạo ra một hệ thống trại lao động cưỡng bức ở khu tự trị Tân Cương, nơi cung cấp phần lớn các sản phẩm từ bông và dệt may của Trung Quốc với sản lượng bông chiếm khoảng 84% cả nước.

Báo cáo tiết lộ việc những người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ trong các trại cải tạo ở Tân Cương và bị cưỡng ép tham gia dây chuyền sản xuất các sản phẩm từ bông của Trung Quốc.

Trung Quốc nói Mỹ "kích động ác ý" về hoạt động ngoài khơi Việt Nam

Lời cáo buộc của Bắc Kinh được đưa ra ngay sau khi Hoa Kỳ nói Trung Quốc đang "can thiệp cưỡng bức" ở vùng biển Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng khi đề cập tới vấn đề Việt-Trung nói rằng Mỹ đã lặp đi lặp lại việc "đưa ra những nhận xét thiếu suy nghĩ, có những chỉ trích vô căn cứ đối với Trung Quốc, hoàn toàn bóp méo sự việc và đổi trắng thay đen".

"Trung Quốc thúc giục Hoa Kỳ hãy chấm dứt cách hành xử kích động ác ý này, và hãy đóng một vai trò tích cực, mang tính xây dựng trong các vấn đề khu vực và quốc tế," ông Cảnh Sảng phát biểu.

Trung Quốc tập trận bắn đạn thật sát Đài Loan

Cục An toàn hàng hải Chiết Giang trong một thông báo ngắn ngày 26-8 cho hay các tàu thuyền sẽ bị cấm đi vào vùng biển ngoài khơi tỉnh Chiết Giang, phía đông Trung Quốc trong 48 giờ đồng hồ từ 18 giờ ngày 27-8 (17 giờ Việt Nam) do các cuộc tập trận quân sự.

Thông báo không nêu chi tiết về quy mô tập trận hay những đơn vị quân sự nào sẽ tham gia. Tờ Global Times cho biết đây là “cuộc tập trận bắn đạn thật”.

Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tổ chức hai cuộc tập trận lớn sát eo biển Đài Loan hồi cuối tháng 7.

Đây là cuộc tập trận thứ ba của Trung Quốc chỉ trong một tháng và thông tin xuất hiện sau khi Mỹ phê duyệt bán 66 chiếc tiêm kích F-16V cho Đài Loan.

Trung Quốc xúc tiến thăm dò dầu khí ở Biển Đông với Philippines

Sau cuộc họp hôm thứ Năm (29/8), Tổng thống Philippines và Chủ tịch Trung Quốc đã đồng ý thành lập một cơ quan liên chính phủ để thúc đẩy hoạt động thăm dò dầu khí chung ở Biển Đông.

Thỏa thuận này được đưa ra trong chuyến thăm của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tới Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng hàng hải gia tăng giữa hai quốc gia.

Hồi tháng 11/2018, lãnh đạo hai nước đã nhất trí theo đuổi các dự án khai thác năng lượng chung ở Biển Đông, vùng biển giàu tài nguyên có tuyên bố chủ quyền chồng chéo giữa Việt Nam, Philippines, Trung Quốc, Malaysia, Brunei và Đài Loan. Khi Philippines xích dần về phía Trung Quốc thì Ba Đình buộc phải cân nhắc về lợi thế của mình trên biển Đông và trước thềm đại hội.

Quốc hội Trung Quốc phê chuẩn Hiệp ước dẫn độ với Việt Nam

Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc, cơ quan lập pháp hàng đầu của Bắc Kinh, ngày 26/8 đã phê chuẩn hiệp ước dẫn độ nghi phạm với Việt Nam, theo hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã.

Tờ báo này cũng dẫn lời Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay Trung Quốc đã ký hiệp ước dẫn độ với Sri Lanka vào năm 2016 và với Việt Nam năm 2015, nhưng cả hai hiệp ước vẫn chưa chính thức có hiệu lực.

Theo Tân Hoa Xã, hiệp ước dẫn độ với Việt Nam gồm 22 điều khoản, bao gồm các vấn đề như nghĩa vụ dẫn độ, đối tượng dẫn độ, quy định từ chối dẫn độ và xử lý tranh chấp. Đại diện hai nước đã ký hiệp ước dẫn độ vào ngày 7/4/2015 tại Bắc Kinh.

Do áp dụng hiệp ước này, nhiều công dân Trung Quốc vi phạm pháp luật ở Việt Nam nhưng không bị xét xử ở Việt Nam, mà được chuyển về Trung Quốc xét xử. 

Giữa bối cảnh các cuộc biểu tình chống lại Dự luật dẫn độ tại Hong Kong đang căng thẳng, Quốc hội Trung Quốc thông qua Hiệp ước dẫn độ liệu có phải là một tín hiệu được gửi đi để cảnh báo cả Hong Kong và Việt Nam hay không? Mấu chốt quan trọng của vấn đề này nằm ở chỗ người dân Việt hoàn toàn không có thông tin và không hiểu vì sao chính phủ có thể thực hiện luật dẫn độ khi nó chưa có hiệu lực quan việc trao trả hơn 300 nghi phạm tại khu tự trị Our City hồi đầu tháng 8.

Trung Quốc không cho tàu Mỹ cập cảng

Thông tin từ Lầu Năm Góc ngày 27/8 cho biết tàu khu trục Mỹ dự kiến ghé thăm cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, đông bắc Trung Quốc vào Chủ nhật (25/8), nhưng kế hoạch không diễn ra vì không được Bắc Kinh cho phép. Trước đó, theo các quan chức Mỹ, Trung Quốc cũng từ chối đề nghị cho hai chiến hạm Mỹ thăm Hồng Kông trong lúc tình hình đặc khu căng thẳng.

Zhou Chenming, một chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh cho biết việc từ chối là kết quả đương nhiên của mối quan hệ song phương ngày càng tồi tệ giữa Trung Quốc và Mỹ.

Trung Quốc muốn Mỹ hủy áp thuế bổ sung

Trung Quốc và Mỹ đang thảo luận về vòng đàm phán thương mại tiếp theo dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc cho hay.

Trung Quốc hy vọng Mỹ có thể hủy bỏ kế hoạch áp thuế bổ sung để tránh leo thang chiến tranh thương mại. Điều quan trọng nhất lúc này là tạo những điều kiện cần thiết cho cả hai bên để tiếp tục các cuộc đàm phán”, ông Cao tuyên bố hôm 29/8.

Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc từ chối cung cấp thông tin khi được hỏi Bắc Kinh có liên lạc với Washington trong tuần này hay không. "Theo tôi biết, cả hai đoàn đàm phán đều duy trì liên lạc hiệu quả. Chúng tôi mong Mỹ sẽ thể hiện sự chân thành và hành động cụ thể”.

Trung Quốc sử dụng mạng xã hội LinkedIn để tuyển dụng điệp viên nước ngoài

Các cựu quan chức cao cấp phụ trách về chính sách đối ngoại, các nhân viên chính phủ Hoa Kỳ, Đan Mạch đã nhận được tin nhắn từ những người lạ trên LinkedIn với đề nghị đến Trung Quốc với những cơ hội việc làm được trả lương hậu hĩnh.

Một cựu quan chức ngoại giao của Tòa Bạch Ốc nhận được lời mời kết bạn trên LinkedIn từ một người tự xưng là nghiên cứu sinh thuộc Học viện Kỹ thuật California. Tuy nhiên, hồ sơ của người này lại không có thật.

Giới tình báo Hoa Kỳ, Anh, Đức và Pháp đã đưa ra cảnh báo về việc các đặc vụ nước ngoài lợi dụng các trang mạng xã hội như LinkedIn để tuyển dụng gián điệp, trong đó Trung Quốc là lực lượng tích cực nhất.

Theo các quan chức Mỹ, mạng xã hội LinkedIn thuộc sở hữu của Microsoft là một nền tảng tuyệt vời để phát tán tin giả và tuyển dụng gián điệp.

Đó là vì trong số 645 triệu người dùng của mạng xã hội này, rất nhiều người đang tìm kiếm những cơ hội việc làm. LinkedIn cũng là mạng xã hội lớn duy nhất của Mỹ không bị chặn ở Trung Quốc, bởi vì công ty này đã đồng ý kiểm duyệt các nội dung nhạy cảm.

Trung Quốc nhòm ngó đường sắt châu Âu

Tổng công ty đường sắt Trung Quốc CRRC có thể sẽ thâu tóm hoạt động chế tạo đầu máy xe lửa của tập đoàn Vossloh của Đức, mở đường cho Trung Quốc tràn vào thị trường châu Âu.

Với giá vài triệu euro, ngày 26/08/2019, tập đoàn Vossloh đã chấp nhận đề nghị của CRRC Zhuzhou Locomotive, một chi nhánh của Tổng công ty đường sắt Trung Quốc CRRC (China Railroad Rolling Stock Corporation), mua lại đơn vị sản xuất đầu máy xe lửa (ở Kiel, miền bắc nước Đức) đang bị thua lỗ để tập trung vào cơ sở hạ tầng đường sắt (đường ray và hệ thống ghi điều khiển) và “tái cấu trúc tập đoàn”.

Chấp nhận đầu tư vài triệu euro để mua một công ty thua lỗ vì thông qua kinh nghiệm của Vossloh, tập đoàn của Trung Quốc sẽ nắm được quy định của Liên Hiệp Châu Âu về mặt chứng nhận đạt chuẩn. Do không nắm được quy trình dài và phức tạp, CRRC liên tục thất bại trong việc bán đầu máy xe lửa và toa xe tầu hỏa vào châu Âu. Nhưng đến cuối năm 2016, châu Âu sực tỉnh khi tập đoàn đường sắt Trung Quốc đã bán được 3 đoàn tầu cao tốc cho LEO Express, một công ty tư nhân của Cộng Hòa Séc.

Trung Quốc phong giám mục đầu tiên theo thỏa thuận với Vatican

Lần đầu tiên một giám mục của giáo hội Công giáo Trung Quốc đã được thụ phong, theo thỏa thuận nhằm khuyến khích quan hệ hữu nghị giữa hai bên.

Giáo hội Công giáo Trung Quốc, tên chính thức là Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc, thông báo linh mục Antonio Diêu Thuận đã được thụ phong giám mục tại giáo phận Ulanqab thuộc Khu tự trị Nội Mông hôm 26.8.

Văn phòng Báo chí Tòa ThánhVaticancho hay đây là lễ thụ phong đầu tiên được diễn ra theo cơ chế của Thỏa thuận tạm thời giữa Vatican và Trung Quốc, sau khi quan hệ ngoại giao song phương bị gián đoạn từ năm 1951.

Theo các điều khoản của thỏa thuận được ký kết hồi tháng 9 năm ngoái, cả Bắc Kinh và Vatican giờ đây sẽ có quyền song song trong việc chỉ định các giám mục Công giáo tại Trung Quốc.

HÀN QUỐC

Hàn Quốc tập trận xung quanh hòn đảo đang tranh chấp khiến Nhật phản đối

Quân đội Hàn Quốc hôm Chủ Nhật tuần trước bắt đầu hai ngày diễn tập xung quanh một hòn đảo nhỏ đang tranh chấp, khiến Tokyo lên tiếng phản đối, theo Reuters. Từ lâu, Tokyo và Seoul đối đầu về vấn đề chủ quyền của nhóm đảo nhỏ tên là Takeshima (tiếng Nhật) và Dokdo (tiếng Hàn), hòn đảo nằm ở giữa hai nước láng giềng Đông Á ở Biển Hoa Đông.

Hàn Quốc kêu gọi Nhật Bản thay đổi quyết định về "Danh sách Trắng"

Ngày 28/8, Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã bày tỏ "rất lấy làm tiếc" trước những biện pháp hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc của Nhật Bản. đồng thời hối thúc Tokyo hợp tác với Seoul nhằm giải quyết căng thẳng ngoại giao hiện nay.

Trong tuyên bố đưa ra sau khi Nhật Bản chính thức đưa Hàn Quốc ra khỏi "Danh sách Trắng" các đối tác thương mại đáng tin cậy, Nhà Xanh (Phủ Tổng thống Hàn Quốc) cũng tái khẳng định Seoul có thể cân nhắc lại việc chấm dứt Hiệp định An ninh thông tin quân sự chung (GSOMA) nếu Tokyo thay đổi quyết định.

Hàn Quốc triệu đại sứ Nhật

Hàn Quốc đã triệu tập đại sứ Nhật Bản hôm 28/8 để phản đối Tokyo loại bỏ Hàn Quốc khỏi danh sách trắng trong bối cảnh xung đột chính trị và kinh tế ngày càng leo thang.

Hàn Quốc vốn nằm trong danh sách trắng về đối tác thương mại của Nhật Bản, không cần thông qua các thủ tục kiểm tra nghiêm ngặt của Tokyo để xuất khẩu hơn 1.100 mặt hàng chiến lược. Tuy nhiên, Nhật Bản quyết định loại Hàn Quốc khỏi danh sách trên ngày 2/8 và bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay.

“Một lần nữa chúng tôi kêu gọi Nhật Bản kiềm chế, tránh làm xấu thêm tình hình và chân thành đáp lại lời đề nghị đối thoại của chúng tôi để khôi phục quan hệ”, Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon nói.

NHẬT BẢN

Nhật lo lắng về kế hoạch phát triển tên lửa của Triều Tiên

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật, Takeshi Iwaya thông báo với báo chí “Bình Nhưỡng dường như đang phát triển loại đầu đạn để xuyên thủng lá chắn tên lửa đạn đạo của Nhật Bản.Vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên diễn ra hôm thứ Bảy (24/8), một ngày sau khi Hàn Quốc tuyên bố ngừng chia sẻ thông tin tình báo với Nhật Bản. Ông Iwaya và các quan chức Nhật nói rằng quyết định của Hàn Quốc là bất hợp lý khi mối đe dọa từ Bắc Hàn đang gia tăng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nhật Bản từ chức do cáo buộc nhận hối lộ

Ngày 28/8, Thứ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản Hiroshi Ueno từ chức do cáo buộc nhận hối lộ.

Theo báo chí địa phương, ông Hiroshi Ueno đã gây áp lực đối với các quan chức Bộ Tư pháp để giúp đẩy nhanh việc cấp visa cho 100 người nước ngoài. Đổi lại, vị quan chức này được cho là tìm cách nhận hối lộ 2 triệu Yen Nhật (khoảng 18.900 USD).

Ông Hiroshi Ueno đã phủ nhận việc gây áp lực lên Bộ Tư pháp một cách bất hợp pháp nhưng nói rằng, ông từ chức vì những cáo buộc "có thể gây hiểu lầm" trong công chúng. Các đảng đối lập yêu cầu ông Hiroshi Ueno đưa ra lời giải thích về cáo buộc này và nói rằng ông nên nói ra sự thật thay vì từ chức.

Tokyo cảnh báo châu Phi mang nợ Trung Quốc

Phát biểu tại hội nghị Nhật-Phi, tổ chức tại Yokohama, hôm nay 29/08/2019, thủ tướng Shinzo Abe báo động: Châu Phi cần tránh để mang nợ quá nhiều. Năm 2018, Bắc Kinh hứa đầu tư 60 tỷ đô la vào châu lục này. Tokyo muốn đẩy mạnh hợp tác và sự hiện diện của các công ty Nhật tại Châu Phi.

Bộ Quốc phòng Nhật đề nghị khoản ngân sách kỷ lục nâng cấp khí tài

Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 30/8 đã đề nghị được cấp khoản ngân sách kỷ lục 5.320 tỷ yen (khoảng 50,3 tỷ USD) để mua máy bay chiến đấu và tên lửa phòng vệ nhằm nâng cao năng lực quốc phòng của nước này.

Theo đề nghị của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, đây là ngân sách quốc phòng dự chi cho năm nay, bắt đầu tính từ tháng Tư vừa qua và so với năm ngoái, khoản dự chi ngân sách này tăng 1,2%, đánh dấu năm thứ 8 tăng liên tiếp.

Khoản ngân sách quốc phòng trên dự kiến chi cho các dự án mua 6 máy báy chiến đấu F35-B có khả năng cất cánh ở phương thẳng đứng và nâng cấp 2 tàu khu trục để trở thành tàu sân bay hỗ trợ máy bay F35-B trên.

Ngoài ra, khoản ngân sách kỷ lục này cũng chi cho kế hoạch mua hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis do Mỹ sản xuất và phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới của Nhật Bản.

TRIỀU TIÊN

Bắc Triều Tiên họp hội nghị trung ương Đảng lần thứ hai trong năm, lần đầu kể từ 2014.

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên hôm 29/08/2019 đã triệu tập họp toàn thể các ủy viên trung ương Đảng. Mọi chú ý đổ dồn về khả năng liệu Bình Nhưỡng có tiếp tục đàm phán với Washington về hồ sơ phi hạt nhân hóa hay không.

Triều Tiên sửa đổi hiến pháp để củng cố chế độ Kim Jong Un

Quốc hội Triều Tiên vừa thông qua các điều chỉnh hiến pháp, củng cố vị trí nguyên thủ quốc gia của nhà lãnh đạo Kim Jong Un.

Theo bản hiến pháp mới, ông Kim với vị trí Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ, cơ quan được thành lập năm 2016, là người đại diện tối cao cho toàn bộ nhân dân Triều Tiên. Điều này đồng nghĩa vị trí của ông Kim là nguyên thủ quốc gia và tổng tư lệnh của đất nước.

Bản hiến pháp được chỉnh sửa vào tháng 7 cũng gọi ông Kim Jong Un là "lãnh đạo tối cao" và nắm quyền chỉ huy toàn bộ lực lượng quân sự.

Việc thay đổi hiến pháp liên tục là chưa từng có tiền lệ tại Triều Tiên.

Giới phân tích đánh giá bước điều chỉnh hiến pháp ngày 29/8 cho thấy hệ thống pháp lý Triều Tiên chính thức trao cho ông Kim Jong Un vị trí nguyên thủ quốc gia. Trước đó, người đứng đầu Hội đồng Nhân dân Tối cao Triều Tiên về mặt lịch sử được xem là nguyên thủ quốc gia.

Bản hiến pháp mới cũng trao cho ông Kim quyền ban hành đạo luật và các sắc lệnh quan trọng, đưa ra quyết định bổ nhiệm và triệu hồi phái bộ ngoại giao ở nước ngoài.

"Với bước điều chỉnh này, ông Kim Jong Un đang hồi sinh hệ thống nguyên thủ quốc gia dưới thời ông mình nội mình”, nhà nghiên cứu Cheong Seong Chang nhận xét.

Triều Tiên đẩy mạnh dự án công nghiệp chung với Syria

Thứ trưởng Bộ Quan hệ Kinh tế Đối ngoại Triều Tiên Ri Myong San đã thảo luận về các vấn đề thương mại liên quan đến hàng hóa công nghiệp với người đứng đầu Bộ Công nghiệp Syria (MOI) Mohammad Ma’an Zein al-Abiden Jazba. Giới truyền thông cũng xác nhận Triều Tiên tham gia hội chợ, song không nêu rõ chi tiết về quy mô tham gia.

Chủ đề hỗ trợ tái thiết thường xuyên được nhắc tới trong các cuộc họp cấp cao giữa Syria và Triều Tiên trong những năm gần đây. Tháng 6 vừa qua, hai bên đã ký thỏa thuận tại Bình Nhưỡng về vấn đề hỗ trợ tái thiết và hợp tác kinh tế hơn nữa.

ĐÀI LOAN 

Đài Loan tức giận vì thỉnh nguyện thư đòi mua đảo này

Đài Loan đã lên tiếng phản đối thỉnh nguyện thư trên trang web của chính phủ Mỹ kiến nghị Washington mua đảo Đài Loan thay vì mua đảo Greenland của Đan Mạch.

"Đài Loan không phải để bán và không thể bị bất kỳ quốc gia nào mua lại"- bà Âu Giang An (Joanne Ou) người phát ngôn Cơ quan ngoại giao của Đài Loan khẳng định.

Tuyên bố được đưa ra để phản ứng với thỉnh nguyện thư có tiêu đề: "Hãy mua Đài Loan". Lá đơn này được tạo ra bởi một người có tên "C.C." hôm 27-8 và đăng ngay trên trang "We the People".

Đây là một trang web của Nhà Trắng, nơi mọi người có thể đưa ra kiến nghị và mong muốn của họ sẽ được xem xét nếu thu thập đủ 100.000 chữ ký trong 30 ngày.

Bình luận về vấn đề này, bà Âu Giang An cho biết thỉnh nguyện thư trên vẫn đang trong giai đoạn đầu và chưa đạt đủ chữ ký để được Nhà Trắng xem xét, giải đáp. Cơ quan ngoại giao Đài Loan sẽ theo dõi sát sao thỉnh nguyện thư này. Hiện thỉnh nguyện thư "Hãy mua Đài Loan" chỉ nhận khoảng 500 chữ ký.

Bà Âu Giang An tuyên bố người Đài Loan tự hào về hệ thống dân chủ mà họ đã tạo ra. Đồng thời, bà nhấn mạnh sự độc lập của hòn đảo này với chính quyền, lực lượng vũ trang và năng lực thực hiện các hoạt động đối ngoại riêng biệt.

Bắc Kinh xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc và nhiều lần khẳng định không loại trừ phương án dùng vũ lực để thu hồi hòn đảo này.

G7 ra tuyên bố về Hong Kong, Trung Quốc nói "không hài lòng"

Trung Quốc ngày 27-8 bày tỏ “sự không hài lòng mạnh mẽ” trước một tuyên bố chung từ các nhà lãnh đạo G7, trong đó ủng hộ quyền tự trị của Hong Kong và kêu gọi bình tĩnh sau nhiều tháng bất ổn dân sự.

“Chúng tôi bày tỏ sự thất vọng mạnh mẽ và kiên quyết phản đối tuyên bố đưa ra bởi các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh G7 về những vấn đề Hong Kong” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói trong một buổi họp báo tại Bắc Kinh ngày 27-8.

Tại cuộc họp ở Pháp ngày 26-8, các nhà lãnh đạo G7 đã ủng hộ quyền tự trị của Hong Kong, được nêu trong một thỏa thuận năm 1984 giữa Anh và Trung Quốc, đồng thời kêu gọi cácbên bình tĩnh.

“G7 tái khẳng định sự tồn tại và tầm quan trọng của thỏa thuận Trung Quốc - Anh năm 1984 về Hong Kong và kêu gọi tránh bạo lực” - tuyên bố nêu rõ.

Trung Quốc trước đó cáo buộc Anh can thiệp vào đặc khu hành chính Hong Kong mà London đã trao trả cho Bắc Kinh năm 1997.

Thượng đỉnh G7 còn nhiều bất đồng

Những dấu hiệu đầu tiên của sự rạn nứt đã xuất hiện trong giới lãnh đạo G7 về vấn đề Iran, trong khi các bên chưa đạt được đồng thuận về viễn cảnh mời Nga quay lại.

ANH

Anh đề nghị Pháp khởi động đàm phán nếu Brexit không thỏa thuận

Theo Bộ trưởng phụ trách Brexit, ông Barclay, đề nghị của London đối với những công dân Pháp đang định cư ở Anh "hào phóng hơn nhiều" so với đề nghị của phía Paris đối với công dân của Anh ở Pháp.

Thông cáo từ văn phòng bộ trưởng cho biết trong bài phát biểu tại Paris, ông Barclay sẽ "nêu bật vấn đề rằng Vương quốc Anh và Pháp phải chuẩn bị cho kịch bản (Brexit) không thỏa thuận bằng cách ngay lập tức khởi động các cuộc đàm phán song phương về phương án nhằm giảm nhẹ (tác động của) điều này."

Theo ông Barclay, đề nghị của London đối với những công dân Pháp đang định cư ở Vương quốc Anh là "hào phóng hơn nhiều" so với đề nghị của phía Paris đối với công dân của Anh ở Pháp, đồng thời sẽ kêu gọi Paris hưởng ứng kế hoạch của London.

Dân Anh phản ứng quyết định gây sốc của Thủ tướng

Quyết định của Thủ tướng Anh Boris Johnson về việc đình chỉ quốc hội trước thềm Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu - EU) đã gặp phải phản ứng mạnh mẽ của phe đối lập và tính đến ngày 29-8, đơn kiến nghị trực tuyến chống lại động thái của nhà lãnh đạo Anh đã nhận được hơn 1 triệu chữ ký.

Chủ tịch Hạ viện Anh John Bercow khẳng định hành động của Thủ tướng Johnson là "một sự vi phạm hiến pháp nghiêm trọng" nhằm ngăn chặn các phiên tranh luận về Brexit giữa lúc kịch bản "Brexit không thỏa thuận" ngày càng rõ nét. Lãnh đạo Đảng Quốc gia Scotland (SNP) Nicola Sturgeon hối thúc các nhà lập pháp ủng hộ EU hành động quyết liệt bởi nếu không, ngày 28-8 sẽ trở thành "ngày đen tối của nền dân chủ Anh".

Trong khi đó, vài giờ sau khi quyết định của ông Johnson được công bố, hàng ngàn người đã xuống đường biểu tình phản đối, cáo buộc ông "đảo chính chính trị". 

Brexit: Tư pháp Scotland bác đề nghị hủy quyết định đình chỉ Nghị Viện Anh

Sau khi thủ tướng Anh Johnson quyết định tạm đình chỉ hoạt động của Nghị Viện, một số nghị sĩ thuộc phe đối lập đã cáo buộc ông Johnson vi phạm pháp luật và đã kiện lên Tòa Án Tối Cao Scotland đòi hủy bỏ quyết định này.

Thế nhưng, Tòa Án Scotland đặt tại Edinbourg, trong khi chờ đợi phiên xét xử vào ngày 06/09, đã ra quyết định tạm thời, bác đơn kiện của các nghị sĩ Anh. Theo giới chuyên gia, thủ tướng Anh có quyền đình chỉ hoạt động của Nghị Viện, sau khi được nữ hoàng Anh Elizabeth cho phép.

Đức: Biểu tình chống cực hữu trước một cuộc bầu cử địa phương.

Khoảng 35,000 người đã tham gia một cuộc tuần hành chống kỳ thị chủng tộc ngày thứ Bảy 24/08/2019 tại Dresden, bang Saxe của Đông Đức cũ. Đây là nơi phong trào cực hữu chiếm tỷ lệ cao nhất trong các cuộc bầu cử. Theo AFP, số người tham gia đông hơn dự kiến của ban tổ chức gồm các hiệp hội nhân quyền và văn nhân nghệ sĩ không phân biệt tả hữu. Nhiều kết qủa thăm dò ý kiến cho thấy đảng chống di dân AfD có thể về nhì, chỉ đứng sau đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo của thủ tướng Angela Merkel, trong cuộc bầu cử 01 tháng 09 tới.

Italy: Đảng Phong trào 5 sao ngừng đàm phán thành lập chính phủ mới

Ngày 27/8, Đảng Phong trào 5 sao (M5S) đã tạm ngừng các cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh cầm quyền mới với Đảng Dân chủ (PD) đối lập, khẳng định lựa chọn thủ tướng của họ là “một lằn ranh đỏ”.

Đảng M5S và Đảng PD đối lập đang nỗ lực thành lập chính phủ liên minh mới "vàng-đỏ" sau khi liên minh giữa M5S với đảng cực hữu Liên đoàn (Lega) kéo dài 14 tháng tan vỡ hồi tháng này. Trong đêm 26/8, M5S và PD dường như đã gần tiến tới một thỏa thuận khi PD ngụ ý không phủ quyết việc Thủ tướng Giuseppe Conte tiếp tục tại vị. Tuy nhiên, M5S đã ngừng tham gia các cuộc đàm phán trong ngày 27/8 khi đưa ra những tuyên bố đi ngược lại hoàn toàn với những tiến triển đã đạt được trước đó một ngày.

Hiện vấn đề về việc ai là người nắm cương vị Thủ tướng được cho là nút thắt quan trọng nhất trong đàm phán giữa PD và M5S.

NGA

Nga cấm cửa một thượng nghị sĩ Mỹ

Nga từ chối cấp thị thực cho Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, đảng viên Đảng Cộng hòa, Ron Johnson. Thông tin tương ứng được công bố trên trang web của quốc hội.

Theo thông điệp đăng trên trang web này, Johnson sẽ đến thăm Nga trong thành phần phái đoàn lưỡng đảng của Quốc hội. Ông đã lên kế hoạch đàm phán với một số quan chức Nga, đại diện của doanh nghiệp Mỹ và các tổ chức xã hội dân sự.

“Dù có hay không có sự xúc phạm nhỏ nhặt này, tôi vẫn sẽ tiếp tục ủng hộ những phản ứng cứng rắn đối với sự gây hấn của Nga và sẵn sàng đối thoại thẳng thắn với phía Nga bất cứ khi nào có thể”, Thượng nghị sĩ nói.

Bộ Ngoại giao Nga chưa bình luận về thông tin này.

Nga và Ukraine trao đổi tù binh

Vào đêm 29 ngày 30/8, Moscow và Kiev đã tiến hành trao đổi tù binh. Trong số những người Ukraine được Moscow trao đổi có đạo diễn Oleg Sentsov.

Nhà làm phim người Ukraine Oleg Sentsov - được chuyển đến Moscow một ngày trước đó từ nhà tù Nga ở Yamalia. Công tố viên mới của Ukraine, ông Ruslan Riabochapka, đã xác nhận việc trao đổi tù binh trên tài khoản Facebook của mình.

Moscow và Kiev đã đồng ý trao đổi 33 tù nhân Nga ở Ukraine lấy 33 người Ukraine bị giam giữ ở Nga.

THỔ NHĨ KỲ

Thổ Nhĩ Kỳ sắp nhận lô S-400 thứ hai

Nga sẽ tiếp tục cung cấp các linh kiện và thiết bị đi kèm cho hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 27/8.

Theo đó, giai đoạn hai của việc chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga cho Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được bắt đầu vào ngày 27/8. Công tác chuyển giao vẫn sẽ được thực hiện bằng đường hàng không. Điều này đã được thông báo tới Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar.

Máy bay vận tải quân sự Nga chở lô thiết bị của hệ thống S-400 sẽ hạ cánh xuống căn cứ quân sự Murted gần thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, các tên lửa sẽ được phía Nga vận chuyển bằng đường biển.

Được biết, hợp đồng cung cấp hệ thống phòng không S-400 của Nga cho Thổ Nhĩ Kỳ trị giá 2,5 tỷ USD. Qua đó, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành quốc gia thứ ba, sau Belarus và Trung Quốc sở hữu một trong những hệ thống phòng không hiện đại nhất thế giới.

Nga mời chào Thổ Nhĩ Kỳ mua Su-57 thay F-35 của Mỹ

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mời chào người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan chiến đấu cơ mới nhất của Nga là Su-57 để thay thế F-35 của Mỹ, trong bối cảnh Washington quyết định không bán chiến đấu cơ thế hệ mới cho Ankara.

UCRAINA 

Tổng thống Zelenski hủy lễ diễn binh kỷ niệm ngày Ukraina độc lập

Thay cho lễ diễu binh là một cuộc diễn hành không chính thức của 20.000 quân nhân và thân nhân những người lính tử trận. Cuộc diễn hành do các cựu chiến binh tổ chức. Tổng thống Ukraina hôm qua 24/08/2019 tuyên bố dùng số tiền 10 triệu euro tổ chức lễ diễn binh làm tiền thưởng cho quân nhân. Trong lễ kỷ niệm chính thức tại quảng trường trung tâm thủ đô Kiev, tổng thống Zelenski đã trao huân chương nhà nước cho 30 quân nhân và hy vọng hòa bình sẽ sớm được tái lập tại Ukraina.

Quốc Hội Ukraina khai mạc khóa họp

Nhân dịp này, ngày 29/08/2019, tổng thống Volodymyr Zelensky đề nghị Quốc Hội chỉ định Olexii Gontcharouk, 35 tuổi, làm thủ tướng.

Tổng thống Ukraine điện đàm nhiều lần với Thủ tướng Đức Merkel

Đại sứ Ukraine tại Đức Andrij Melnyk cho biết đây là cuộc điện đàm thứ 4 giữa ông Zelensky và Thủ tướng Đức trong vài tháng trở lại đây.

Truyền thông Ukraine cho biết, tại cuộc điện đàm vừa qua, ông Zelensky đã bàn với Thủ tướng Đức về thời gian gặp gỡ của các nhóm làm việc của các nước trong Bộ tứ Normandy.

Ông Zelensky cũng kêu gọi nhanh chóng tiến hành cuộc gặp gỡ các lãnh đạo của 4 nước để thảo luận về các hành động tiếp theo nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Donbass.

Venezuela bãi bỏ thỏa thuận hợp tác quân sự với Nga

Một thỏa thuận giữa Venezuela và Nga về việc tự do di chuyển của tàu chiến tới các cảng của hai nước đã được ký kết bởi người đứng đầu Bộ quốc phòng Venezuela, ông Vladimir Padrino Lopez và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergey Shoigu trong một cuộc họp tại Moscow diễn ra vào ngày 15/8. Thỏa thuận này cũng đề cập đến việc tăng cường hợp tác kỹ thuật quân sự giữa hai quốc gia.

Quốc hội Venezuela, đứng đầu là ông Juan Guaido, đã thực hiện yêu cầu từ phía Washington và tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận hợp tác quân sự được ký kết cách đây không lâu giữa Nga và Venezuela. Đồng thời, các nghị sĩ đứng về phía Guaido nói rằng họ hủy bỏ thỏa thuận vì tính vi hiến của nó.

Quốc hội Venezuela nói thêm rằng thỏa thuận này không được đề xuất tới các cơ quan liên quan để xem xét, do đó, nó hoàn toàn không có giá trị.

Căn cứ vào tình hình hiện tại, một câu hỏi về tính hợp hiến của các quyết định được đặt ra trước quốc hội Venezuela. Liệu việc ký kết một tài liệu liên ngành nhằm mục đích đảm bảo an ninh có phải là vi phạm hiến pháp?

Người tị nạn Venezuela ồ ạt tràn vào Ecuador

Kể từ ngày 26/08/2019, chỉ những người tị nạn Venezuela có giấy phép nhập cảnh vì lý do nhân đạo (visa nhân đạo) mới có thể vào Ecuador. Hàng ngàn người tại khu vực biên giới đã chạy đua thời gian để nhập cảnh trước ngày chính sách này có hiệu lực.

Giáo hoàng kêu gọi cứu rừng Amazon 

Trước hàng ngàn giáo dân tề tựu tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Giáo hoàng Phanxicô ngày 25/08/2019 cho rằng rừng Amazon có giá trị sống còn đối với hành tinh. Năm 2015, Giáo hoàng đã phát đi thông cáo về bảo vệ môi trường và hành tinh trước việc Trái Đất nóng dần lên. Giáo hoàng cũng quan tâm đến việc bảo vệ các tộc người bản địa ở khu vực rừng Amazon.

Brazil từ chối khoản viện trợ chống cháy rừng của G7

Theo AFP, ông Onyx Lorenzoni, chánh văn phòng của Tổng thống Brazil, Jair Bolsonaro, hôm thứ Ba, nói rằng đất nước ông “đánh giá cao lời đề nghị” của các nước G7, nhưng từ chối khoản viện trợ mà Tổng thống Pháp Macron là người khởi xướng.

“Ông Macron thậm chí không thể tránh được vụ cháy có thể dự đoán trước ở nhà thờ vốn là di sản thế giới. Ông ấy định dạy cho đất nước chúng tôi điều gì đây?”, ông Lorenzoni nói, đề cập đến vụ hỏa hoạn tàn phá Nhà thờ Đức Bà hồi tháng 4 vừa qua.

Tuyên bố của ông Lorenzoni được đưa ra sau khi Tổng thống Pháp Macron thông báo các nước G7 đã thống nhất hỗ trợ cho Brazil 20 triệu Euro (22 triệu USD) để giúp quốc gia châu Mỹ xử lý các vụ cháy rừng Amazon. Các lãnh đạo G7 cũng nhất trí kế hoạch phục hồi rừng Amazon, và dự kiến kế hoạch này được công bố tại Liên Hợp Quốc vào tháng sau.

Việc Brazil từ chối khoản viện trợ được đề nghị bởi Tổng thống Pháp diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa cá nhân ông Macron và Bolsonaro đang căng thẳng sau khi Tổng thống Brazil chế nhạo vợ của ông Macron trên Facebook.

Sudan xin 10 tỷ đôla viện trợ 

Bốn ngày sau khi thành lập chính phủ liên hiệp, lật qua trang sử 32 năm độc tài, tân thủ tướng Sudan, Abdalla Hamdock, kêu gọi cộng đồng quốc tế viện trợ 8 tỷ đôla để trả món nợ mà chế độ cũ đã vay và 2 tỷ đô la chống đỡ cho đồng tiền đang bị mất giá. Kinh tế Sudan, trong tình trạng lạm phát, càng suy yếu hơn sau 8 tháng tranh đấu bất bạo động.

Tổng thống Iran yêu cầu Mỹ dỡ bỏ trừng phạt thì mới đàm phán

Iran sẽ không đàm phán với Hoa Kỳ cho đến khi tất cả các lệnh trừng phạt đối với Tehran được dỡ bỏ, Tổng thống Hassan Rouhani tuyên bố hôm thứ Ba, một ngày sau khi Tổng thống Donald Trump nói rằng ông có thể sẽ gặp người đồng cấp Iran để tháo gỡ những vướng mắc sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015, theo Reuters.

Ông Rouhani cho biết Iran luôn sẵn sàng đàm phán “nhưng trước tiên, Hoa Kỳ nên dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp, bất công và không đẹp đối với Iran”.

Tuy nhiên, phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở khu nghỉ mát Biarritz của Pháp, Tổng thống Trump khẳng định sẽ không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt mà Iran phải trả giá do các hành động của mình trong quá khứ.

Pakistan phóng thử tên lửa giữa căng thẳng với Ấn Độ

Tên lửa đất đối đất có thể mang nhiều loại đầu đạn khác nhau với tầm bắn lên đến 290 km.

Người phát ngôn quân đội Pakistan Asif Ghafoor cho hay nước này vừa phóng thử thành công tên lửa đất đối đất Ghaznavi vào ban đêm.

Tên lửa có khả năng mang theo nhiều loại đầu đạn khác nhau với tầm bắn lên đến 290 km. Theo ông Ghafoor, tổng thống và thủ tướng Pakistan khen ngợi lực lượng tham gia phóng thử và “chúc mừng cả nước” sau cuộc phóng thành công.

Cuộc phóng thử mới nhất diễn ra sau khi căng thẳng dâng cao từ đầu tháng 8 khi chính phủ Ấn Độ thực thi sắc lệnh về việc hủy quy chế tự trị đặc biệt đối với khu vực kiểm soát tại Kashmir.

Ấn Độ sắp áp phí thị thực theo mùa du lịch

Cơ quan chức năng ở Ấn Độ sẽ sớm áp dụng mức phí thị thực thay đổi theo mùa du lịch.

Theo đó, phí thị thực 30 ngày có thể chỉ khoảng 10 USD (230.000 đồng) từ tháng 4 đến tháng 6 và lên đến 25 USD từ tháng 7 đến tháng 3. Sau khi phát triển và áp dụng hệ thống thị thực điện tử, Ấn Độ đang tìm cách điều chỉnh giá để khuyến khích du lịch suốt năm.

Ấn Độ đang cố gắng thay đổi hình ảnh là một trong những quốc gia có quy trình xin thị thực khá phức tạp. Chính phủ bắt đầu cắt giảm tthủ tục từ tháng 3 nhằm thu hút du khách.

Thị thực điện tử hiện cho phép nhập cảnh nhiều lần với thời gian mỗi lần lên đến 30 ngày và hiệu lực 1 năm thay vì 6 tháng như trước. Du khách thậm chí có thể nộp hộ chiếu khác với hộ chiếu họ đã từng dùng để khai trước đó.

Ấn Độ lên tiếng vụ tàu hải cảnh TQ lởn vởn gần các lô dầu ở Biển Đông

New Delhi chính thức phản ứng đối với sự xâm phạm của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, nơi đang là địa điểm hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Ấn Độ và tập đoàn Rosneft của Nga.

Phản ứng chính thức của New Delhi diễn ra sau khi Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Mỹ và châu Âu đã lên tiếng phản đối hành vi gây căng thẳng của Trung Quốc trong thời gian gần đây ở Biển Đông bằng hành động đưa tàu thăm dò Hải Dương Địa Chất 8 và các tàu hải cảnh đi vào hoạt động trong khu vực gần Bãi Tư Chính, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Đây cũng là khu vực mà Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Ấn Độ và tập đoàn Rosneft của Nga đang có các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí.

Ấn Độ đàm phán mua 21 tiêm kích MiG-29 Nga

Tập đoàn máy bay MiG của Nga đang đàm phán với Ấn Độ về việc bán 21 chiếc tiêm kích MiG-29, trong bối cảnh không quân Ấn Độ phải đối mặt với tình trạng thiếu chiến đấu cơ.

Bất chấp Mỹ can ngăn, Ấn Độ vẫn chuyển tiền mua S-400 của Nga

New Delhi đã bắt đầu trả tiền để mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga mà họ đã đặt hàng từ trước. Động thái này diễn ra giữa lúc Mỹ đặt áp lực lên Ấn Độ yêu cầu từ bỏ thương vụ vũ khí này.

Người phát ngôn của cơ quan chính phủ Nga chịu trách nhiệm điều phối các giao dịch vũ khí (FSVTS) ngày 29/8 cho biết, Moscow đã nhận được một khoản tạm ứng cho hệ thống S-400.

Máy bay không người lái của Israel bị rơi mà không ai bắn

Người phát ngôn của Hezbollah, Lebanon nói rằng hai máy bay không người lái của Israel đã bị rơi ở Beirut mà không có nhóm chiến binh nào bắn hạ, theo AP.

Ông Mohammed Afif nói, một máy bay nhỏ, không người lái đã rơi trên nóc tòa nhà văn phòng truyền thông của Hezbollah ở khu phố Moawwad, Dahyeh.

Ông nói rằng máy bay không người lái thứ hai dường như được Israel điều đi để tìm chiếc máy bay không người lái đầu tiên, nhưng chưa đầy 45 phút sau đó, nó đã phát nổ trong không trung và bị rơi gần đó.

“Chúng tôi đã không bắn hạ hoặc làm nổ tung bất kỳ máy bay không người lái nào”, ông Afif nói với tờ AP hôm Chủ Nhật.

Úc quyết bảo vệ trường đại học trước nguy cơ can thiệp của nước ngoài

Bộ trưởng Giáo dục Úc Dan Tehan tuyên bố sẽ buộc tất cả trường đại học phối hợp với cơ quan an ninh nhằm chống lại sự can thiệp của nước ngoài.

Bộ trưởng Tehan cảnh báo nguy cơ nước ngoài, nhất là Trung Quốc, tăng cường sức ảnh hưởng nhắm vào các trường đại học.

Bên cạnh đó, các trường đại học hứng chịu hàng loạt vụ tấn công mạng trong những năm gần đây. 

Trước đó, chính quyền bang New South Wales (Úc) hôm 23.8 thông báo chấm dứt chương trình dạy tiếng Hoa do Trung Quốc tài trợ tại các trường học do lo ngại nguy cơ nước ngoài can dự vào vấn đề nội bộ.

Hồi năm 2017, Thủ tướng Úc lúc bấy giờ Malcolm Turnbull từng cáo buộc Trung Quốc can dự vào vấn đề nội bộ nhưng Bắc Kinh bác bỏ mọi cáo buộc. Đến năm 2018, Úc ban hành lệnh cấm tập đoàn Huawei đấu thầu, cung cấp thiết bị cho mạng di động thế hệ thứ 5 (5G) với lý do an ninh quốc gia. Trung Quốc chỉ trích lệnh cấm này "mang động cơ chính trị" và yêu cầu Úc từ bỏ cái gọi là “tư tưởng Chiến tranh lạnh”.

Campuchia cấm người ngoại quốc làm 10 ngành nghề

Bộ Lao động và Dạy nghề của Campuchia vừa ký một chỉ thị hôm 28/8, quy định người lao động nhập cư nước này không được phép tham gia 10 lĩnh vực ngành nghề. Mục tiêu nhằm bảo vệ công việc của người bản xứ, thông tin từ báo Phnom Penh Post loan tin cùng ngày.

Lĩnh vực nghề bị cấm số 1 của quy định mới được ký bởi ông Ith Sam Heng, Bộ trưởng Bộ Lao động và Dạy nghề Campuchia, nói rõ cấm người ngoại quốc ‘lái tất cả các phương tiện giao thông có mục đích kinh tế, bao gồm xe hai bánh, ba bánh, xe ô tô và xe tải’.

Theo quy định mới, người nước ngoài không được phép buôn bán hàng hóa ở nơi công cộng dù là đi bộ hoặc dùng bất kỳ loại phương tiện giao thông nào.

Các lĩnh vực khác được nói bao gồm cắt tóc - trang điểm, massage, cơ khí, may mặc, đánh giày, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Khmer, sản xuất nhạc cụ Khmer, sản xuất tô chén cho các nhà sư và tượng Phật, nghề kim hoàn và đá quý.

Bộ Lao động và Dạy nghề của Campuchia sẽ không cung cấp hoặc gia hạn giấy phép việc làm hoặc thẻ làm việc cho người nước ngoài đối với các nghề được liệt kê như trên.

Điều luật mới của Campuchia nêu rõ bất kỳ ai vi phạm sẽ phải đóng phạt và bị trừng phạt theo Luật Lao động và những điều luật hiện hữu của nước này.

Thái Lan sắp nhận xe chiến đấu bọc thép từ Mỹ

Thái Lan sẽ nhận một lô xe chiến đấu bọc thép Stryker do Mỹ sản xuất vào tháng tới, giữa lúc quan hệ song phương ấm lên sau khi chính quyền quân sự kết thúc ở quốc gia Đông Nam Á này.

Tư lệnh lục quân Thái Lan Apirat Kongsompong ngày 27.8 cho giới phóng viên hay số xe bọc thép Stryker sẽ được triển khai tại một căn cứ gần thủ đô Bangkok. Ông Apirat cho biết thêm Thái Lan sẽ nhận 70 chiếc Stryker cho đến cuối năm nay nhưng không tiết lộ giá trị hợp đồng. Trong khi đó, theo báo Defense News, Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng 7 phê chuẩn gói bán 60 chiếc Stryker cho Thái Lan, với giá trị được cho là từ 80-94 triệu USD (1.800-2.100 tỉ đồng).

Tổng thống Indonesia công bố thủ đô mới là Đông Kalimantan

Hôm thứ Hai (26/8), Tổng thống Indonesia Joko Widodo công bố vị trí mới của thủ đô Indonesia trên cả 2 vùng Bắc Penajam Paser và Kutai Kartanegara thuộc tỉnh Đông Kalimantan. Địa điểm mới cách thủ đô cũ Jakarta hai giờ bay. Địa điểm này nằm trong khu rừng thuộc sở hữu của chính phủ, vì vậy sẽ không có khó khăn trong việc thu hồi đất. Những thiên tai như động đất, lũ lụt và núi lửa phun trào cũng ít hơn.

Tổng thống Indonesia Widodo cho biết ông muốn thủ đô mới là một thành phố xanh, thông minh, được kết nối với công nghệ thông tin và truyền thông mới nhất và không gây hại cho các khu rừng mưa nhiệt đới xung quanh. Khoảng 1 triệu người sẽ chuyển từ Jakarta đến thủ đô mới, khiến việc xây dựng các cơ sở vật chất cơ bản như nhà ở và trường học trở thành một thách thức.

01.09.2019




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo