Quan Thế Sự (Danlambao) - Mùa Thu năm nay, sau khi nhận cống phẩm do sứ thần nước Việt mang dâng nạp cho thiên triều theo tục lệ hàng năm, Hồ Cẩm vương của Tần quốc cảm thấy "hồ hởi phấn khởi" bằng chọn ngày rằm tháng Tám ban yến tiệc trong Ngự Hoa Viên cho bọn bề tôi.
Sau vài tuần rượu Bồ Ðào được rót trong ly Dạ Quang, Hồ Cẩm vương ngửa mặt nhìn trăng sáng vằng vặc trên nền trời rồi cười lớn một hồi lâu. Bọn bề tôi ngơ ngác nhìn nhau rồi cười phụ họa.
Quan thượng thư bộ lễ là Ôn Bảo chờ cho Hồ Vương cười xong mới đứng lên thưa:
- Chúng thần ngu muội, xin bệ hạ cho biết điều gì làm cho bệ hạ cao hứng vậy?
- Chuyện dài. Chuyện dài. Hồ Cẩm vương làm ra vẻ bí mật.
- Những việc chúng ta thực hiện trong một thời gian ngắn nhưng tiền nhân của chúng ta phải mất liên tục hơn 2000 năm với bao nhiêu xương máu vẫn không làm nỗi. Các khanh có biết đó là việc gì chăng?
Quần thần ngơ ngác nhìn nhau, thì thầm bàn tán nhưng trong nhất thời không ai có một khái niệm về chuyện gì mà tổ tiển của họ phải mất đến 2000 năm mà vẫn không thực hiện được.
Hồ Cẩm vương nâng ly rượu Bồ Ðào lên nốc cái "ực", tiếp:
- Chư khanh gia có biết trong 1000 năm trở lại đây phiên thuộc nào của thiên triều cứng đầu, dũng mãnh, "khó chơi" nhất không?
Câu hỏi đơn giản nhưng tạo ra một giòng điện cực mạnh chạy khắp châu thân của đám văn võ quần thần đang ngồi bên dưới. Có tiếng ly vỡ trên sàn gạch. Có tiếng chén đũa rơi trên nền đá. Có những bàn chân bước đi trong vô thức hướng về lối ra của Ngự Hoa Viên, và có tiếng nói trong xôn xao - hớt hãi "An Nam, An Nam".
Như hiểu được tâm lý sợ hãi khi nhắc đến 2 chữ "An Nam" được truyền thừa từ bao đời trong dân gian cũng như trong bọn văn thần - võ tướng từ các tiền triều, Hồ Cẩm vương mĩm cười, phán:
- Bình tĩnh. Chư khanh gia hãy bình tĩnh. Bình tĩnh nghe trẫm phân tích.
Tuy đã qua phản ứng tâm lý theo quán tính nhưng bọn bề tôi có đứa vẫn thấy lạnh run lập cập mặc dù dưới cái nóng tháng Tám vô cùng oai bức của mùa Thu Bắc Kinh.
Ðợi mọi người yên vị trở lại, nhà Vua tiếp:
- Trẫm thông cảm nỗi sợ hãi của chư khanh khi thình lình có người nhắc đến tên "An Nam", nhưng "An Nam" đã là chuyện của quá khứ rồi, nước Việt ngày nay không phải là An Nam của ngày xưa!
Quan Ngự Sử Bất Bình tâu:
- Hoàng thượng anh minh. Việt quốc ngày nay không phải là An Nam quốc ngày xưa. Nỗi sợ hãi nhất thời của chúng thần là do sự di truyền vốn có từ trong tiềm thức thôi. Xin hoàng thượng trách phạt.
Ðưa tay ra hiệu cho bọn bề tôi im lặng lắng nghe, Hồ Cẩm vương chậm rãi phân tích:
- Trong khoảng ngàn năm trở lại đây, kể từ thời Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn lập nên nhà Tống, rồi đến nhà Nguyên, nhà Minh và cuối cùng là nhà Thanh, chưa có lần nào thiên triều đắc ý được ở An Nam cả. Mỗi lần đại binh "Hoa quân nhập Việt" thì xứ man di rừng rú đó lại xuất hiện vài tên thật kiệt liệt làm cho ta hao binh tổn tướng, thua xác xơ không còn manh giáp và ôm mối nhục bại trận trở về bên nầy quan ải. Tiền nhân của chúng ta được cái gì? Bọn An Nam không mất một tấc đất, một thước sông, vẫn "hùng cứ một phương" và xưng Ðế hẳn hòi. Vài năm thí cho thiên triều vài ngà voi, bạch tượng, trầm hương như cho qùa bọn trẻ con tinh nghịch để chúng đừng phá phách.
Nhà Tống động binh 2 lần, bên đó lại nhảy ra 2 tên Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt; quân binh nhà Nguyên với sức mạnh dời núi lấp biển 3 lần vượt Nam Quan, bọn An Nam lại có Trần Thủ Ðộ, Trần Hưng Ðạo, Trần Khánh Dư, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Phạm Ngũ Lão... Nhà Minh ngồi chưa ấm đít ở Giao Chỉ lại lòi ra Lê Lợi - Nguyễn Trãi đánh cho ta "tan tác chim muông", cho "suối máu Lãnh Câu nước sông rền rĩ, thành xương Ðan Xá cỏ nội đầm đìa". Ðến đời nhà Thanh. Võ công đưới đời Càng Long là số một vòm trời: Tây Hạ, Hồi, Mông, Mãn đều được thu phục, mở rộng biên cương đến tận những chân trời xa, nhưng đến An Nam thì thảm bại đau đớn. Tên Nguyễn Huệ nhà quê nào đó chỉ trong 5 ngày mà đánh cho đoàn hùng binh 20 vạn tan tành, chỉ còn lại mấy mống mình đầy thương tích chạy về tới Vân Nam. Hình ảnh chủ tướng Tôn Sĩ Nghị đầu trần, cởi ngựa không yên cương, mặc đồ ngủ pajamas nửa đêm chạy từ Thăng Long thành về bên nầy quan ải “còn đổ mồ hôi, chưa thôi trống ngực”, trông chướng mắt và tức cười đếch chịu nỗi.
Hồ Cẩm vương ngừng một lác để lấy hơi và cũng để bọn bề tôi bên dưới có thì giờ tiêu hóa những điều mình nói. Còn đám văn võ quần thần miệng há hốc như đang cố uống lấy những lời vàng ngọc của đấng chí tôn. Bàn tiệc im lặng như tờ. Tiếng rơi của chiếc lá ngô đồng vừa lìa cành nghe rõ mồn một.
Nốc cạn thêm cốc rượu, Nhà Vua tiếp:
- Chư khanh gia có biết tại sao tiền nhân của chúng ta hết triều nầy đến triều khác đều thua xiển liểng ở phương Nam không?
Cả bọn cùng tâu:
- Chúng thần ngu muội. Xin được nghe thánh ý.
- Có nhiều nguyên nhân. Bỏ qua các nguyên nhân có tính thần linh - huyền bí trong huyền sử như linh khí hội tụ ở Nam Bang, rùa Thần hay tướng nhà Trời giúp sức, trẫm sẽ phân tích dựa trên sử liệu.
Thời hồng hoang của lịch sử, quanh vùng Ðộng Ðình Hồ có cả trăm bộ lạc sinh sống, được sau nầy gọi là Bách Việt. Hán tộc của chúng ta từ vùng Hoa Hạ vào chiếm Trung Nguyên, gặp sự chống cự của các sắc tộc khác thì tiêu diệt hay tìm cách Hán Hóa. Hầu hết các bộ lạc của Bách Việt bị tổ tiên của chúng ta xóa sổ hết, chỉ có một nhóm gọi là Lạc Việt không chịu khuất phục, cương quyết giữ lấy căn cước của họ đến cùng. Họ di chuyển về phương Nam, qua thời gian hình thành một vương quốc mới, một tổ quốc riêng gọi là Văn Lang ở vùng đồng bằng sông Hồng Hà.
Không khí buổi tiệc trong Vọng Nguyệt Lâu ở Ngự Hoa Viên vẫn yên phăng phắc. Cao lương mỹ vị đầy bàn nhưng không ai đụng tới vì chăm chú lắng nghe lời của Hồ Cẩm vương. Họ không ngờ hoàng đế của họ lại "sính" sử và "anh minh" đến như vậy.
Nhìn ánh trăng sáng lunh linh, Hồ vương thở dài:
- Không phải là tiền nhân của chúng ta không có kế sách hay, cũng không phải là binh hèn tướng nhác. Mà nguyên nhân chính là giống dân đó có tinh thần tự chủ quá tuyệt vời, ý chí quật cường mạnh mẽ, tinh thần bất khuất và rất dũng mãnh trên sa trường. Những đặc điểm ấy tạo thành một bức tường vô hình chận đứng các cuộc xâm lấn của tổ tiên chúng ta xuyên suốt lịch sử mấy ngàn năm mở nước và giữ nước của họ.
Chư khanh có biết, từ lúc Phục Ba Tướng Quân dựng trụ đồng cho đến cuối thế kỷ thứ 19, ngót ngét 2 ngàn năm ấy, giới sử quan của Việt quốc liệt kê bao nhiêu tên bán nước thuộc loại tầm cở không? Chỉ có 2 tên. 2 ngàn năm mà chỉ có 2 tên thôi. Ðó là Trần Ích Tắc vì tranh dành vương vị với cháu nên theo triều đình nhà Nguyên; người thứ 2 là ông vua 20 tuổi Lê Chiêu Thống vì đường cùng mới chạy qua nhờ vua Càng Long mang quân qua giúp dành lại ngai vàng. Mang tiếng là cõng rắn cắn gà nhà nhưng 2 ông Hoàng đó chỉ muốn nhờ vào thế lực thiên triều để đoạt lại vương vị thôi, và nếu thành công thì thần phục với cống phẩm hàng năm chứ chẳng bao giờ ta có thêm một tấc đất nào cả.
Nhưng bây giờ lại khác. Từ Chính Mi, Thập Cúc, Hoạn Lợn Ðỗ Thập, Phiêu Phưởng tướng quân, Ðộc Nhãn tướng quân, Ðức Mạch, Tam Bất Dũng, Phạm Ngủ Lộ, Lê Ngu Xuẩn... trong vòng 7 thập niên mà sử có thể ghi hàng trăm tên bán nước từ Vua cho tới các quan đại thần trong triều.
Ðào Cẩm vương ngừng độc thoại, uống một hơi mấy ly liền rồi cười càng lớn hơn:
- Trời giúp ta. Trời giúp ta. Bất chiến tự nhiên thành. Phen này lịch sử khó mà tái diễn lại lắm.
Như lây cái cao hứng của Hồ Cẩm Vương và một viễn tượng chiến thắng huy hoàng trước mắt, bọn bề tôi hí hửng vui cười, đồng tâu:
- Hoàng thượng sáng suốt. Chúng thần không ai bì kịp.
Hồ Cẩm vương lại cao giọng:
- Từ ngày Chính Mi vương mang sách của Mác Xít ma vương mà hắn gọi là "chiếc cẩm nang thần kỳ" từ xứ Nga La Tư về dạy bên An Nam thì cục diện hoàn toàn thay đổi: Nó biến một dân tộc có truyền thống anh hùng - bất khuất, luôn luôn đặt lẽ sanh tồn của tổ quốc - giống nòi lên trên quyền lợi cá nhân trong suốt mấy ngàn năm qua trở thành một bọn sợ sệt, hèn nhác; dân khí tiêu tan, tinh thần bạc nhược, ích kỷ và chia rẽ. Còn đám quan lại cai trị từ dưới lên trên đều là bọn thất học, tham lam, trân tráo, sẵn sàng làm bất cứ điều tàn ác để giữ địa vị thống trị và làm bất cứ điều gì để thu lợi, cho dù điều vô liêm sỉ nhất.
Ðêm về khuya trăng càng lạnh nhưng Hồ Cẩm vương càng nói càng hăng; càng hăng càng uống mạnh. Hai tay nhà vua nâng hủ rượu Bồ Ðào lên uống ừng ực một hơi dài, rượu tràn xuống cổ từng dòng làm cho vạt long bào phía trước sủng ướt.
Quan Hộ Bộ thương thư thấy vậy quì tâu:
- Muôn tâu bệ ha. Mong bệ hạ đừng uống qúa nhiều mà hại đến long thể.
Hồ Cẩm vương khoát tay rồi tiếp:
- Sau khi bọn người ở xứ Nga La Tư ném cổ thư của Mác-Xít ma vương vào sọt rác thì đám quần thần ở Việt quốc bấn loạn, sợ hãi như tử tội sắp đưa ra pháp trường. Trận cuồng phong "diễn tiến hoà bình" từ xứ Ðoài đang từ từ thổi tới mà chạy theo sau là bọn Mỹ Lệ Hoa làm áp lực thêm. Theo bọn Mỹ Lệ Hoa thì mất ngai vàng, là tự tử, còn chạy về ôm chân khóc lóc với thiên triều thì bọn chúng sợ mất nước. Cuối cùng quần thần Việt quốc chấp nhận thà mất nước nhưng còn tiếp tục làm quan và còn quyền lợi vẫn hơn là mất ngai vàng.
Biết được tử huyệt nầy của bọn quần thần Việt quốc, tiên đế tuần du phương Nam và cho gọi bọn Thập Cúc vương, quan tể tướng là Hoạn Lợn Ðỗ Thập, bọn lão thần như Phạm Ngũ Lộ, Võ Bất Nguyên Giáp đến hội kiến ở Thành Ðô.
Bọn đó như lũ người đang sắp chết chìm, ta liệng cho cái phao cứu mạng thì muốn gì được nấy. Từ đó, để được thiên triều che chở, mỗi lần hội kiến với bọn phiên thuộc An Nam chúng đều cắt đất, cắt biển dâng cho ta kèm theo sổ quân binh, hộ tịch. Ta cho thần dân của thiên triều ào ạt qua đó chiếm lấy mái nhà Tây Nguyên, chiếm hết rừng núi, chiếm những vùng đắc địa, lấy hết đàn bà con gái bên đó làm vợ, sanh con và thành lập những khu tô giới hay vùng tự trị.
Hồ Cẩm vương càng nói bọn bề tôi càng sướng run người. Quan Binh Bộ Thượng Thư quên là mình đang ngồi trước mặt hoàng đế, quên lễ quân thần, đập mạnh tay xuống bàn tiệc la lớn:
- Uống. Chúng ta phải uống cho điên đảo càn khôn đêm nay.
Nói xong ôm hủ rượu tu một hơi dài làm bọn đồng liêu sợ hãi nhìn nhau.
Biết bị hố, hắn vội quỳ tâu:
- Trong lúc qúa cao hứng, thần quên kiềm chế nên thất lễ với bệ hạ, xin được trách phạt.
Hồ Cẩm vương dễ dãi:
- Nếu khanh là Tưởng Hùng thì trẫm cũng làm được Sở Trang Vương vậy. Hơn nữa đêm nay trẫm không có nàng Hứa Cơ bên cạnh. Lỗi của khanh nhỏ hơn Tưởng Hùng mà. Vua tôi chúng ta cùng vui say đêm nay.
Nói xong, nhà vua cũng ôm hủ rượu lên tu một hơi dài, rồi tiếp tục nói:
- Có trời giúp ta thực hiện sách lược Tầm Thực. Bọn vua tôi bên đó bây giờ chỉ biết lo ôm lấy quyền lực và hưởng thụ được ngày nào hay ngày đó. Dân khí bạc nhược, dân sinh khốn đốn. Tất cả các cao điểm có tầm chiến lược về mặt phòng thủ đọc theo các quan ải đã làm cho tiền nhân chúng ta khó khăn vượt qua nay đã bị chúng ta chiếm sạch. Trên cạn quân ta giả dạng thường dân đóng khắp Việt quốc, còn ở Nam Hải thì Lưỡi Rồng của trẫm liếm sát bờ biển, biến "giấc mơ ra biển lớn" của bọn chúng thành ảo tưởng. Ngư dân của An Nam ra quá 12 hải lý là bị Nam Hải hạm đội của trẫm cướp sạch, giết sạch.
Chờ nhà Vua ngừng nói, Hải Nam Ðô Ðốc Chu Ngốc vội tâu:
- Thần nghe nói là bọn An Nam đang chỉnh đốn binh mã, tái trang bị lại hải đội, mua máy bay chiến đấu và tàu chiến, tàu lặn của xứ Nga La Tư, không biết để làm gì?
Ðào Cẩm vương cười ha hả:
- Không ngờ kế của trẫm không những gạt được bọn dân đen ở An Nam, mà còn qua mặt luôn cả một biên trấn tướng quân lừng danh của trẫm.
Vài năm trước Việt vương Ðức Mạch và quan tể tướng Tam Bất Dũng qua đây ôm chân trẫm khóc lóc rất thảm thiết. Họ dâng sớ tâu là đám trẻ bên đó xuống đường chống đối thiên triều, chống lại việc hải quân của ta bắn giết ngư dân An Nam, đòi lại hải đảo, lãnh hải và đất đai đã dâng nộp cho ta. Họ sợ việc chống đối của bọn trẻ trở thành phong trào lan rộng như vết dầu loang rồi không kiểm soát được, sợ tạo ra khí thế Diên Hồng để rồi mỗi đứa dân đen An Nam đều thích vào tay 2 chữ "Sát Tàu", như "Sát Thát" vào thời nhà Trần đánh nhau với nhà Nguyên.
Trẫm mới vỗ về phủ dụ, an ủi và cho mật kế để thi hành:
Một, trước mắt phải trừng trị, đàn áp thẳng tay đứa nào dám chống lại quyền lợi của thiên triều, cấm cả nước An Nam không được nêu đích danh tàu hải quân của trẫm trong các vụ cướp giết ngư phủ của họ ngoài Nam Hải, mà chỉ được cho phép gọi là "tàu lạ" thôi; cấm tuyệt đề cập đến chuyện "Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam"; đừng để tinh thần yêu nước, tinh thần bất khuất của tổ tiên bọn họ sống trở lại.
Hai, để xoa dịu dư luận đang phẫn nộ và ru ngủ bọn dân đen An Nam, để họ sống trong ảo tưởng rằng triều đình nhà Việt chúng nó đang chuẩn bị binh mã, củng cố lại sức mạnh quân đội để một ngày nào đó sẽ thư hùng cùng chúng ta một trận ngoài Nam Hải nhằm thu hồi phần biển - đảo đã dâng cho ta lúc trước, và sau hết là rửa đi mối nhục hèn yếu lâu nay, trẫm mới ra lệnh cho quần thần Việt quốc ồn ào qua bên xứ Nga La Tư mua vũ khí - tàu bay - tàu chiến. Trẫm cũng bày kế là phải làm cho thật rùm beng lên, nhờ báo chí bên xứ Nga La Tư quảng cáo om sòm về chuyện nầy, còn 1000 tờ báo bên xứ An Nam phải chạy cho hết ga, thổi phồng việc củng cố binh bị của triều đình Việt quốc.
Làm vậy mới dụ được bọn đó tạm thời nhẫn nhục chịu đựng để chờ mãi cái ngày đủ súng - đủ tàu và đủ mạnh để thư hùng với trẫm.
Phiêu Kỵ tướng Quân Diệp Kiếm Cơm lo lắng:
- Bày nó trang bị quân đội như vậy, rồi nó mạnh lên thiệt sẽ gây bất lợi cho ta.
Hồ Cẩm vương lại cười, giải thích:
- Có đời nào trẫm cho kế để hại lại trẫm bao giờ. Cốt yếu là để mua thời gian thôi. Ðể giấc mộng phục quốc của dân An Nam còn sống mà tạm thời nhẫn nhục, không quậy phá gây khó khăn cho bọn vua tôi Việt quốc thôi. Ồn ào nói mua mấy chục máy bay chiến đấu, tàu chiến, tàu ngầm nhưng thực ra có vài chiếc tượng trưng, vũ khí trang bị lại là thứ second hand hay đồ dỏm. Giấc mộng 20 năm sau sẽ đủ mạnh chống lại ta thì lúc đó cả dải đất từ Mục Nam Quan tới Hà Tiên Trấn đã trở thành quận Giao Chỉ của trẫm.
Quần thần sung sướng quá. Cả bọn sụp lạy tung hô:
- Hoàng Thượng anh minh! Hoàng Thượng vạn tuế!
Trăng tròn đang treo lơ lững giữa nền trời tỏa ánh sáng dịu dàng, huyền ảo. Từng cơn gío thoảng mang theo cái lành lạnh của sương khuya và hương thơm của muôn loài hoa bên ngoài Ngự Hoa Viên vào trong Vọng Nguyệt Lâu.
Khách dạ hành trên những con đường vắng vẽ gần đó nghe văng vẳng trong gió đêm tiếng hô của vua tôi nước Tần vọng lại từ Ngự Hoa Viên:
- Giao Chỉ là của ta! Việt quốc là Giao Chỉ; là của ta!
17.10.2019