Công an bắt giam Huệ Như, một phụ nữ đấu tranh chống BOT bẩn và là người mẹ đơn thân có 2 con nhỏ - Dân Làm Báo

Công an bắt giam Huệ Như, một phụ nữ đấu tranh chống BOT bẩn và là người mẹ đơn thân có 2 con nhỏ

Hiếu Bá Linh (Danlambao) - Tối ngày 16/10/2019 công an huyện Sóc Sơn - Hà Nội đã ập bắt chị Huệ Như ngoài đường phố và ngay sau đó đưa về khám xét nhà tại huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình và cuộc khám xét nhà kéo dài vài tiếng đồng hồ đến hơn nửa khuya. Trước đó, buổi sáng cùng ngày, 5 công an mặc thường phục đi xe đến trường học huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình, nơi Huệ Như làm việc, bắt hụt vì chị không có mặt trong trường.

Công an Sóc Sơn - Hà Nội bắt giam Huệ Như mà không có một lý do chính đáng nào cả. Chị bị bắt giam với cáo buộc "gây rối trật tự công cộng", mặc dù lần cuối chị ra đấu tranh tại BOT bẩn này là cách đây hơn 4 tháng (ngày 11/6/2019) và xe của chị bị công an Sóc Sơn thu giữ từ đó cho đến nay. 

Điểm đáng chú ý, Huệ Như bị bắt giam đúng vào thời điểm cận ngày xét xử phúc thẩm (18/10/2019) anh hùng chống BOT bẩn Hà Văn Nam, anh cũng bị gán ghép tội trạng "gây rối trật tự công cộng".

Quang cảnh công an khám xét nhà sau khi bắt giam Huệ Như 

Trong những năm qua, nhiều đoạn quốc lộ hoặc cây cầu được các công ty tư nhân đầu tư, bỏ tiền ra xây mới hoặc cải tạo theo hình thức hợp đồng: xây dựng-vận hành-chuyển giao (viết tắt là BOT). Để thu hồi vốn và có lãi, họ được nhà nước cho phép lập trạm BOT thu phí cho các công trình đó trong một khoảng thời gian nhất định. 

Tuy nhiên, người dân Việt Nam đã rất bức xúc về những trạm BOT đặt sai vị trí hoặc thu phí quá thời hạn cho phép để trục lợi một cách bất chính. Trên mạng xã hội, những trạm như vậy bị gọi là các “BOT bẩn”. Một trong số đó là trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài mà chị Huệ Như đang kiên trì đấu tranh phản đối. 

BOT bẩn ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, nhất là người nghèo, người giàu không bị ảnh hưởng nhiều. Chị Huệ Như là một trong những người đi tiên phong truyền cảm hứng cho phong trào đấu tranh chống BOT bẩn. Để đối phó lại, nhà đầu tư cấu kết với nhà cầm quyền địa phương đàn áp người phản đối. Các hình thức đàn áp bao gồm bắt cóc, đánh đập, đe doạ, và bắt giam với tội danh nguỵ tạo như "gây rối trật tự công cộng". Trong thời gian qua, chị Huệ Như từng bị công an Sóc Sơn đánh đập sảy thai khi phản đối BOT bẩn Bắc Thăng Long - Nội Bài hồi 20/5/2019. 

Chống BOT bẩn không phải là thách thức chính quyền - bởi bản thân nó là một công trình của tư nhân. Con đường đấu tranh của những người như anh Hà Văn Nam, chị Huệ Như v.v... chính là con đường đấu tranh thuần túy dân sự, đòi hỏi sự công bằng, đồng thời cũng chống "các nhóm lợi ích" có liên quan, đặc biệt là ở đội ngũ quan chức đang tại nhiệm hoặc đã về hưu. 

Những BOT bẩn được khai sinh bằng sự gian dối và tồn tại với sự bảo kê quyền lực, thậm chí dùng cả lực lượng công an. Mối liên kết đặc biệt giữa "nhóm chủ nghĩa thân hữu" (tư nhân với quan chức nhà nước) đã làm thất thoát tiền thuế nhà nước lên đến hàng ngàn tỷ đồng Việt Nam. Tương ứng với việc hàng ngàn tỷ đồng của người dân Việt Nam đã phải bỏ ra một cách vô lý để “nuôi” nhóm quan chức và tư nhân hủ bại về mặt đạo đức. Nói cách khác, việc làm của các nhà đấu tranh chống BOT bẩn chính là công việc chống tham nhũng trong xã hội. 

Gần đây nhất, chị Huệ Như đã nhờ luật sư Lê Đình Việt trợ giúp trong vụ kiện Bộ trưởng Bộ Giao thông vì ra một quyết định sai trái về BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài. Đây là lần đầu tiên có một người dân đưa đơn kiện một vị Bộ trưởng. 

Huệ Như tên thật là Đặng Thị Huệ (sinh năm 1981), chị bị bắt oan ức trong tình cảnh đáng thương tâm là người mẹ đơn thân nuôi dưỡng 2 con nhỏ. 

17.10.2019




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo