Tại sao công an nhanh chóng thông tin đã bắt được thủ phạm xả dầu thải vào sông Đà? - Dân Làm Báo

Tại sao công an nhanh chóng thông tin đã bắt được thủ phạm xả dầu thải vào sông Đà?

CTV Danlambao - Vào chiều 18.10.2019, công an tỉnh Hòa Bình đã ra thông báo bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với 2 nghi phạm đã đổ dầu thải ra đầu nguồn nước sông Đà gây ô nhiễm nước sạch cung cấp cho người dân Hà Nội. Tại sao công an đã vào cuộc nhanh chóng và đạt được thành quả một cách "ngoạn mục" trong một thời gian ngắn như vậy?

Chỉ cần so sánh với nhiều vụ việc trước đây, mà mới nhất là vụ cháy tại công ty bóng đèn Rạng Đông gây ô nhiễm không khí trầm trọng, công an lẫn các cơ quan chức năng phản ứng rất chậm chạp và vô trách nhiệm. Nhưng lần này lại khác!? 

Câu trả lời nằm ở tuyên bố của Đại tá, Nhà báo Nguyễn Văn Minh, Báo Quân đội nhân dân:

"Khi xảy ra sự cố nguồn nước sông Đà bị ô nhiễm dầu thải, một số trang tin đã đăng tải thông tin thiếu chính xác, gây hoang mang dư luận; dễ gây hiểu lầm cho doanh nghiệp, doanh nhân và sự cố gắng của lãnh đạo, chính quyền thành phố Hà Nội. Các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc xử lý cá nhân tung tin sai sự thật cũng như trang tin điện tử nói trên." 

Một trong những cái gọi là "thông tin thiếu chính xác, gây hoang mang dư luận; dễ gây hiểu lầm cho doanh nghiệp, doanh nhân và sự cố gắng của lãnh đạo, chính quyền thành phố Hà Nội" là bài viết "Nước dơ Hà Nội - Chúng chơi nhau, dân lãnh đủ" đăng trên Dân Làm Báo. 

Trong bài viết này, tác giả Vũ Đông Hà đã nêu lên những nhận định và nghi vấn: 

- Với số lượng 2,5 tấn dầu, phải cần đến xe tải để đổ xuống sông - như người dân xã Phúc Minh và xã Phúc Tiến cho biết đã thấy vào đêm 08/10/2019. Đây không phải là chuyện người dân có 1, 2 thùng dầu thải không biết giải quyết như thế nào nên lén lút đổ đại xuống sông. 

- Hiện nay tại Việt Nam đã có nhiều công ty mua lại dầu nhớt thải để tái chế. Do đó, vừa có những nơi sẵn sàng mua dầu nhớt thải, vừa có lợi nhuận khi bán, vừa không phải đối diện với nguy cơ bị bắt, truy tố, ở tù vì tội làm ô nhiễm môi trường, không cá nhân nào hay doanh nghiệp nào lại mang xe tải và đổ 2,5 tấn dầu xuống sông như là một hành động vô ý thức theo kiểu lén đổ rác ven đường, đầu xóm. 

- Ai là những kẻ có lợi trong vụ này? Có công ty nào đang muốn cạnh tranh với Công ty nước sạch sông Đà? Hay có những thế lực chính trị nào đang muốn "đỡ đầu" cho một công ty lọc nước khác và muốn cho Công ty nước sạch sông Đà bị phá sản, truy tố và bị loại ra khỏi thương trường? 

- Thủ phạm "cuối sông" hiện nay đã là Công ty nước sạch Sông Đà với những tắc trách của nó. Nước người dân uống được dán nhãn bởi công ty này thì đương nhiên nó bị dư luận lên án và ném đá. Nhưng thủ phạm "đầu sông" mới là quan trọng. Đó mới là "đầu nguồn" của mọi tội lỗi. 

Do đó, công an đã nhanh chóng "bắt giữ một số người" để thực hiện ngay phiên bản "dê tế thần" và ngăn chận sự việc mờ ám bị phanh phui. 

2 người Nguyễn Chương Đại (25 tuổi, trú huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) và Hoàng Văn Thám (33 tuổi, trú huyện Văn Quan, Lạng Sơn) bị bắt và một người khác là Lý Đình Vũ (37 tuổi trú huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) được cho là thủ phạm. 

Những thủ phạm này sẽ bị bắt giam, truy tố với bản án theo Điều 235 Bộ luật Hình sự - người có hành vi gây ô nhiễm môi trường tùy vào khối lượng chất thải gây ô nhiễm sẽ bị phạt tiền tối đa 3 tỷ đồng hoặc bị phạt tù cao nhất 7 năm. Pháp nhân thương mại phạm tội này sẽ bị phạt tiền từ 3 tỷ đến 20 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến cấm hoạt động vĩnh viễn. 

3 người này và pháp nhân thương mại nào đó sẽ là những con dê tế thần với mức phạt tiền, phạt tù vừa đủ để các thế lực quyền và tiền đứng đằng sau vụ gây ra ô nhiễm này an toàn, vô sự. 


2 tên này, dưới sự toàn quyền của công an và hệ thống nhà nước không minh bạch, có thể là bất kỳ tên tội phạm ma tuý, giết người, cướp của nào sẵn sàng hợp tác với công an để nhận một bản án nhẹ hơn cho một tội mà chúng không dính vào.


- Ngày 6/10, Vũ thuê Đại và Thám đi xe tải từ Bắc Ninh đến Công ty gạch, gốm sứ Thanh Hà ở thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ) lấy chất thải. 

- Sau khi bơm chất thải vào 10 thùng chứa, Đại và Thám đi xe về Công ty TNHH Cơ khí cao su K90 ở huyện Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên) để gửi xe. 

- Sáng 8/10, 3 nghi phạm sử dụng một xe tải và một xe 4 chỗ để chở số chất thải này lên xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình) rồi xả ra nguồn nước. 

Một số nhận định dựa vào thông tin này: 

- Chất thải thuộc về ai? Là của Công ty gạch gốm sứ Thanh Hà? Có phải công ty này thuê 3 người trên đi đổ chất thải? Nếu vậy 3 người này chỉ là đồng phạm và tại sao không bắt giam thủ phạm chính là giám đốc của công ty gạch? 

- Tại sao chỉ nói là chất thải mà không là dầu thải đã được thông tin là đổ xuống sông? Tại sao công ty gạch là có đến 2,5 tấn dầu thải và không bán lại cho các công ty lọc dầu thải để có lợi nhuận mà phải mướn người, vừa tốn tiền vừa vi phạm pháp luật? 

- Tại sao phải chở dầu thải từ tỉnh Phú Thọ, chạy đến Hưng Yên rồi đến Hoà Bình và chọn ngay khúc sông có suối nước dẫn ngay vào kênh dẫn nước của nhà máy sản xuất nước sạch sông Đà để đổ mà không đổ ở một khu vực nào đó tại Phú Thọ? 

Những câu hỏi trên tự nó nói lên những mờ ám và âm mưu tìm cách che giấu sự thật, tìm mọi cách để đối phó với những "thông tin thiếu chính xác, gây hoang mang dư luận; dễ gây hiểu lầm cho doanh nghiệp, doanh nhân và sự cố gắng của lãnh đạo, chính quyền thành phố Hà Nội"

Những thông tin, phân tích, bình luận của cộng đồng mạng xã hội và truyền thông lề Dân thực sự đã đánh trúng vào tử huyệt của vụ nước dơ Hà Nội. Vì vậy, công an, tuyên giáo lẫn trùm Hà Nội là Nguyễn Đức Chung đã và đang tìm cách "rửa nước dơ" do những thế lực đỏ của họ tạo ra để độc quyền hoạt động cung cấp nước cho dân chúng. 

19.10.2019




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo