Nước dơ Hà Nội - Chúng chơi nhau, dân lãnh đủ - Dân Làm Báo

Nước dơ Hà Nội - Chúng chơi nhau, dân lãnh đủ



Vũ Đông Hà (Danlambao) - Trong những tuần qua, dân Hà Nội phải uống nước dơ. Lý do được đưa ra là kẻ lạ đã "đổ trộm" 2,5 tấn dầu thải xuống suối Trâm, thuộc khu vực đầu nguồn của Nhà máy nước sạch sông Đà. Từ đây, nước sông ô nhiễm dầu thải chảy vào kênh dẫn nước của nhà máy sản xuất nước sạch sông Đà. 

Câu hỏi được đặt ra: Đây là hành động vô ý thức của cá nhân, doanh nghiệp đổ trộm dầu (như người dân đổ trộm rác ở ven đường) hay là ý đồ có chủ mưu, cố ý làm ô nhiễm nguồn nước cung cấp cho cư dân Hà Nội?

1. Đây không phải là hành vi vô ý thức của người dân 

Với số lượng 2,5 tấn dầu, phải cần đến xe tải để đổ xuống sông - như người dân xã Phúc Minh và xã Phúc Tiến cho biết đã thấy vào đêm 08/10/2019. Đây không phải là chuyện người dân có 1, 2 thùng dầu thải không biết giải quyết như thế nào nên lén lút đổ đại xuống sông. 

Do đó, báo cáo của Chủ tịch Hà Nội là Nguyễn Đức Chung vào ngày 10/10/2019 - "Nguồn ô nhiễm này do ở trên đầu nguồn nước có một số người dân đã vào đổ dầu phế thải vào đầu con suối sau đó chảy ra hồ và nhà máy không kiểm soát tốt dẫn đến chảy vào hệ thống lọc nước của nhà máy" vừa không đúng sự thật, vừa đểu cáng: nước dơ dân uống, bị dơ là do dân làm - cái gì dân cũng lãnh đủ. 

2. Dịch vụ mua lại dầu cũ 

Hiện nay tại Việt Nam đã có nhiều công ty mua lại dầu nhớt thải để tái chế. Thí dụ như Công ty TNHH Môi trường Cao Gia Quý hay Công ty TNHH Văn Đạo và nhiều dịch vụ thu mua dầu nhớt thải khác có thể tìm thấy quảng cáo trên mạng. Thị trường mua dầu cũ tái chế thành dầu mới để bán là một thị trường nhiều lợi nhuận. 

Do đó, vừa có những nơi sẵn sàng mua dầu nhớt thải, vừa có lợi nhuận khi bán, vừa không phải đối diện với nguy cơ bị bắt, truy tố, ở tù vì tội làm ô nhiễm môi trường, không cá nhân nào hay doanh nghiệp nào lại mang xe tải và đổ 2,5 tấn dầu xuống sông như là một hành động vô ý thức theo kiểu lén đổ rác ven đường, đầu xóm. 

3. Động cơ làm dơ nước 

Nếu không phải là người dân vô ý thức thì phải là những kẻ cố tình chủ mưu. Như mọi cuộc điều tra truy tìm thủ phạm, câu hỏi luôn được đặt ra là: Ai là những kẻ có lợi trong vụ này? Có công ty nào đang muốn cạnh tranh với Công ty nước sạch sông Đà? Hay có những thế lực chính trị nào đang muốn "đỡ đầu" cho một công ty lọc nước khác và muốn cho Công ty nước sạch sông Đà bị phá sản, truy tố và bị loại ra khỏi thương trường? 

4. Công ty nước sạch sông Đà lãnh đủ 

Sau khi biến cố nước dơ Hà Nội bùng nổ, với sự khai thác sự việc của truyền thông lề đảng, mọi con mắt và phê phán nhắm vào Công ty nước sạch Sông Đà và vô hình chung có kết luận là: "Công ty cung cấp nước - đơn vị bán sản phẩm - hoàn toàn phải chịu trách nhiệm về chất lượng nước cung cấp cho các hộ dân." 

Kết luận này là đương nhiên, hợp tình, hợp lý đối với dư luận chung vì nước dân uống do công ty cung cấp là nước dơ. Nhưng đó cũng là kết luận mà những kẻ chủ mưu đổ 2,5 tấn dầu thải vào nguồn nước uống của dân đã mong muốn và dự phóng sẽ xảy ra. 

Khi những kẻ "lạ" đổ 2,5 tấn dầu xuống suối vào sông thì "thành quả" đạt được ngay lập tức là: công ty nước sạch đã không kiểm soát được nguồn nước. 



Dĩ nhiên, như rất nhiều công ty khác ở Việt Nam, Công ty nước sạch Sông Đà có thể cũng chẳng hay ho, tốt lành gì nếu bị phanh phui toàn bộ gốc gác nhân sự, hệ thống vận hành, tinh thần trách nhiệm... Nhưng vấn đề ở đây là: Có chủ mưu tạo lý cớ và cơ hội để "làm dơ" công ty "nước sạch" này. Và trong tiến trình "chúng" đánh nhau thì dân ta lãnh đủ. Hay nói cách khác: chúng mặc kệ dân, mặc kệ sự an toàn sức khoẻ của các cháu nhỏ, các cụ già, các bà mẹ mang thai... và cả triệu người dân Hà Nội.

Vậy thì ai là thủ phạm? 

Thủ phạm "cuối sông" hiện nay đã là Công ty nước sạch Sông Đà với những tắc trách của nó. Nước người dân uống được dán nhãn bởi công ty này thì đương nhiên nó bị dư luận lên án và ném đá. Nhưng thủ phạm "đầu sông" mới là quan trọng. Đó mới là "đầu nguồn" của mọi tội lỗi. 

Dựa vào những phân tích trên cũng như dựa vào bối cảnh thương trường rừng rú, thể chế chính trị lưu manh của một đảng độc tài, nền kinh tế hoang dã tư bản nhưng định hướng bởi những quan tham xã hội chủ nghĩa thì: thủ phạm là đối tác cạnh tranh và những quan tham có quyền lợi nằm trong đối tác cạnh tranh này. 

Quan tham cần được đưa vào danh sánh đối tượng tình nghi và đứng đầu bảng là Nguyễn Đức Chung

Đây chính là kẻ đã từng bị tình nghi là chủ mưu đứng đằng sau phá hoại công trình làm sạch sông Tô Lịch của chuyên gia Nhật, nhằm độc quyền sản xuất hóa chất RedOxy-3C bởi công ty Arktic do gia đình của Chung đứng sau làm chủ. 

Mặc dù bị dư luận rọi đèn và phanh phui nhưng cho đến giờ phút này Nguyễn Đức Chung vẫn an toàn trên dòng kênh đen Tô Lịch nhờ vào sự chống lưng của Nguyễn Phú Trọng

Vậy thì sợ gì mà không tiếp tục trò làm bẩn con sông khác nếu nó đáp ứng cho những phi vụ kiếm tiền. Và kiếm rất nhiều? 

Nguyễn Đức Chung và nhu cầu của Nhà máy Nước mặt Sông Đuống thuộc Tập đoàn AquaOne 

Đêm 08/10/2019, xe tải lạ đổ 2,5 tấn dầu thải xuống đầu sông Đà, mở đầu cho giai đoạn đen tối sắp tới của Công ty nước sạch Sông Đà thì trước đó chỉ hơn 1 tháng, ngày 05/09/2019 đích thân Nguyễn Đức Chung đã có mặt để dự lễ khánh thành giai đoạn 1, Nhà máy Nước mặt Sông Đuống thuộc Tập đoàn AquaOne. Khởi đầu, nhà máy này mỗi ngày sẽ cung cấp 300.000 m3 nước cho khoảng 3 triệu người dân Hà Nội và vùng lân cận. 

3 triệu người dân này hiện tại nhận nước từ đâu? Không lẽ họ nhịn khát, nhịn tắm, nhịn nấu ăn, giặc đồ? 

Họ đang dùng nước cung cấp bởi Công ty nước sạch Sông Đà. 

Làm thế nào để một công ty mới trở thành nguồn cung cấp cho 3 triệu khách hàng vốn đang nhận dịch vụ từ công ty cũ? Hạ giá thành không phải là ý muốn của con buôn. Và mình hạ thì chúng cũng hạ. Cách hay nhất, thu lợi nhiều nhất là độc quyền phân phối, độc quyền định giá thành. Muốn độc quyền thì phải dùng độc chiêu để tiêu diệt đối tác cạnh tranh. Độc quyền cũng chính là sở trường của Nguyễn Đức Chung với công ty của con trai là Arktic. Độc chiêu cũng là kinh nghiệm đầy mình của Nguyễn Đức Chung trên dòng sông Tô Lịch. Và từ đó, một chiếc xe tải với 2,5 tấn dầu thải rẻ mạt đã thành công trong việc đánh sập uy tín của công ty đối phương. Tiếp theo, với định hướng truyền thông và khai thác sự phẫn nộ của dư luận sẽ dẫn đến sự tẩy chay nước... dơ Sông Đà. Cuối cùng, điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm theo đúng quy trình sẽ làm cho Sông Đà dơ hay sạch cũng thành cạn kiệt. 

Mục tiêu thu tóm 3 triệu khách hàng để bán 300.000 m3 nước mỗi ngày tại Hà Nội và vùng lân cận xem như đạt được. Đó chỉ là giai đoạn một. Những giai đoạn sau là toàn bộ miền Bắc. 

Dự án Nước sạch 5000 tỷ của tập đoàn AquaOne khi hoàn tất sẽ có quy mô cấp vùng bao gồm nội thành Hà Nội; ngoại thành như Ứng Hòa, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Đông Anh, Sóc Sơn... Từ đó mở rộng đến các khu đô thị VinCity Gia Lâm, Thanh Hà, Khu đô thị thông minh của Tập đoàn BRG, Công viên Kim Quy, Khu trung tâm triển lãm Quốc Gia, Khu đô thị Cổ Loa... và tại Huyện Đông Anh và "xâm lược" luôn các thị trường nước tại các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh. 

Tất cả đã được "quy hoạch" theo đồ án Điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Nghị Quyết số 11/NQ-HĐND do chính Nguyễn Đức Chung ký vào ngày 10/7/2019. 

Kết luận: 

Sau nhiều ngày uống nước dơ, có trộn styren và clo bởi "bè lũ đại gia nước bẩn sông Đà", thì các loại nước sông khác đối với người dân Hà Nội cũng sẽ thơm, sạch và ngon ngọt như những lời huấn dụ của các lãnh tụ cộng sản Ba Đình. Dân Hà Nội thủ đô anh hùng sẽ quên nhanh những ngày dơ bẩn, im lặng - cúi đầu - cun cút xếp hàng nhận nước có mùi tanh. Dân thủ đô anh hùng sẽ tiếp tục xếp hàng hướng tới tương lai theo hào khí những giải vô địch bóng đá và bài diễn văn của Chủ tịch Nước, Thủ tướng về chuyện nước non. 

Nước dơ hay sạch không còn là vấn nạn đối với người dân bởi Hà Nội vốn dĩ "không vội được đâu" từ bụi mịn trong không khí ở mức đáng báo động, đường ống nước vỡ hàng chục lần... Tất cả rồi sẽ đâu vào đó bởi trong suốt nhiều năm qua, người dân thủ đô đã đóng tròn vai những con cừu ngoan ngoãn xếp hàng chờ ngày tiến tới thiên đường CNXH.


18.10.2019




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo