Trần Thị Hải Ý (Danlambao) - “Nếu người giỏi mà giữ được mãi đất nước này thì Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi, Trần Nhân Tông, Quang Trung, Gia Long, v.v… đã giữ mãi. Mấy vua ấy mà giữ mãi và sống quang vinh muôn năm thì hiện tại với cái bằng Tiến $ĩ độc nhất vô nhị của bệ hạ, giỏi lắm bệ hạ đang…lái UberMoto hay GrabTaxi, chứ có rỗi đâu mà đứng ngắm cảnh loạn tình, có rỗi đâu mà tiếc đời tiếc của, mà lo đến cái chết!”
*
Vua nước nọ và đoàn tùy tùng đưa nhau lên núi ngắm phong cảnh. Thả hồn nhìn trời đất nước bao la đẹp như tranh thủy mạc, dưới kia phố xá như nêm, đường sá như màng nhện, chính sự ổn định, dân tình sống hạnh phúc cứ gọi là nhất nhì thế giới… Ngồi ngắm cảnh, uống rượu với 7 món nai đồng được độ nửa giờ, bỗng dưng vua đứng dậy lấy tay áo long bào che mặt nức nở khóc, rồi ngẩng mặt lên trời cất tiếng than:
- Ôi “đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay”, thế mà chỉ còn hơn một năm nữa thôi trẫm đã phải nhường ngôi trị vì, lui vào hậu trường làm Thái thượng hoàng, một chức danh có tiếng mà không có miếng; rồi đây phải “học tập và theo gương” thái tổ, bỏ lại tất cả, đi đoàn tụ với các cụ thái tị tổ mũi lõ. Cả giang sơn rộng còn lại 331ngàn cây số vuông, thế mà sau khi băng hà trẫm cũng chỉ được chia một khoảnh 10 héc ta đất ruộng là cùng. Giá như xưa nay người ta cứ sống khoẻ mãi, trẫm quyết không bỏ giang sơn này đi. Gẫm thật là không đành lòng. Ước gì trẫm khoẻ mạnh muôn năm hầu tiếp tục dốc tâm làm tôi bộc nhân dân và cùng các khanh thụ hưởng sự trù phú gấm vóc này.
Nghe vua sụt sùi than, cả đoàn tùy tùng ai nấy đều giàn giụa theo nhịp nước mắt hoà lời than thống thiết của vua. Tổng Thái giám nghẹn ngào lên tiếng phụ hoạ:
- Muôn tâu bệ hạ. Chúng thần dẫu lương bổng chỉ đủ ăn sáng bình dân, nhưng nhờ đội ơn núp lậu trong bình vàng của bệ hạ mà sở hữu biệt phủ riêng nho nhỏ, có mấy chiếc xe sịn con con, có chút ít cao lương mỹ vị hàng ngày, thế mà còn không muốn về vườn rồi chết, huống hồ bệ hạ. Nghĩ mà tức cho cái thằng Thời gian phản động. Bệ hạ vạn tuế, vạn vạn tuế.
Nghe đại Công công hót bè cho vua, các quan lớn bé càng khóc to hơn, riêng quan Thứ sử lại bật cười thành tiếng. Nghe tiếng cười khinh mạn, vua phừng mặt đỏ au, trừng trừng nhìn kẻ phạm thượng, phán:
- Hôm nay, nhân đi du lãm giang sơn gấm vóc, trẫm tiếc đời tiếc của mà buồn khóc. Ai nấy trong đoàn đều buồn khóc theo, riêng mình nhà ngươi lại cười, là cớ làm sao?
Quan Thứ sử phạm thượng thản nhiên trả lời:
- Tâu bệ hạ. Nếu người giỏi mà giữ được mãi đất nước này thì Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi, Trần Nhân Tông, Quang Trung, Gia Long, v.v… đã giữ mãi. Mấy vua ấy mà giữ mãi và sống quang vinh muôn năm thì hiện tại với cái bằng Tiến $ĩ độc nhất vô nhị của bệ hạ, giỏi lắm bệ hạ đang…lái UberMoto hay GrabTaxi, chứ có rỗi đâu mà đứng ngắm cảnh loạn tình, có rỗi đâu mà tiếc đời tiếc của, mà lo đến cái chết! Tạo hoá xoay vần theo quy luật tự nhiên. Hết đời này đến đời khác, thay đổi liên tục suốt hơn 4 ngàn năm mới tới lượt bệ hạ. Chế độ nào, chủ nghĩa nào rồi cũng phải đi qua, riêng giang sơn và dân tộc là trường tồn miên viễn. Bởi thấy bầy tôi kia u mê siểm nịnh, bợ bề giữa của bệ hạ quá đáng cho nên hạ thần không nín được cười. Mong bệ hạ đại lượng xá tội.
Vua nghe xong, thôi khóc, trầm ngâm tịnh tâm lại một lúc rồi đích thân rót đầy XO Rémy Martin vào một cái ngọc dạ quang bôi, ban thưởng cho quan Thứ sử trực ngôn; đồng thời phạt các quan “tát nước theo mưa” mỗi người nốc liền tại chỗ nguyên một chai nước khoáng LAVIE 1,5Lít.
Long xa Lếc-sợt chở vua về đậu trước thềm hoàng cung, vừa bước xuống khỏi xe, ai dè vua quát đám cận vệ trói gô quan Thứ sử lại, tuyên án mồm tống ngục 15 năm về tội hý ngôn phạm thượng, và nhất là tội chao đảo niềm tin vào sự quang vinh muôn năm của vương triều; gây hoang mang, nhiễu loạn tình đoàn kết giữa vua quan và bá tánh.
*
Sau khi hồi triều, vua vẫn ấm ức về chữ Chết. Ngày đêm trăn trở khôn nguôi. Một đêm vua mật triệu quan Nhân tướng học trung ương vào ngự phòng, dứt khoát hỏi cho ra ngô ra khoai. Quan Nhân tướng học:
- Muôn tâu bệ hạ. Khi ta còn sống thì cái chết chưa đến, khi cái chết đến thì ta đã không còn. Hạ thần đây chưa được chết lần nào nên không biết nó ra sao. Hạ thần đọc sách tướng số, trong đó có câu: Nhân trung dài một tấc (*) thì sống lâu trăm tuổi. Như ông Bành Tổ, nghe nói thọ 800 năm thì nhân trung ông ấy tất dài tám tấc và để cho cân đối thì mặt mày ông ấy phải dài như mặt… ngựa. Nay bệ hạ mong sống thọ muôn năm quang vinh, muốn triều đại của bệ hạ kéo dài trong quang vinh muôn năm thì thử hỏi đến lúc đó nhân trung và long nhan bệ hạ sẽ dài gấp bao nhiêu lần mặt ngựa!
Vua tuyên án bỏ tù quan Tướng số cũng 15 năm.
*
Vì chỉ mới 75 tuổi, nên vua không tâm phục hý ngôn của quan Thứ sử và quan Nhân tướng học. Noi gương Tần Thủy Hoàng, vua nhất quyết truy tìm bằng được thuốc trường sinh, bèn khẩn cấp triệu quần thần vào triều bàn luận. Một quan Tư đồ lên tiếng:
- Chuyện kể rằng, ngoài biển Đông có một huyện đảo thuộc chủ quyền của ta từ lâu với thiên nhiên hoang sơ, cỏ cây hoa lá 4 mùa tươi tốt; nổi tiếng trong thiên hạ đẹp hữu tình như cảnh bồng lai với Biển xanh - Cát trắng - Nắng vàng. Trên đó chỉ có hai vợ chồng già sống hạnh phúc bên nhau. Một hôm đi kiếm măng về nấu ăn, khát khô cổ, bà vợ đi tìm nước uống, bất ngờ bà thấy một vũng nước trong veo, bèn cúi xuống vốc uống vài ngụm rồi ngồi xuống nghỉ mệt bên cạnh. Nào ngờ, một lúc sau khi nhìn bóng mình dưới vũng nước trong, bà giật mình kinh ngạc thấy mình thay đổi: tóc bà bỗng dưng trở nên đen nhánh, mặt mày căng tròn, thân thể săn chắc nõn nường như thời son trẻ. Té ra sau khi uống vài vốc nước trong vũng này, bà đã trẻ lại như hồi 20, tràn trề nhựa sống. Bà đã vô tình uống được nước “cải lão hoàn đồng” hay còn gọi là nước “trường sinh” mà xa xưa Tần Thủy Hoàng đã tìm không ra. Quá đổi sung sướng, cô thiếu nữ 75 tuổi vội phóng một mạch về nhà.
Ông chồng già trông thấy một thiều nữ lạ lu lù đi vào nhà mình, chỉ nhìn ông nháy mắt cười duyên mà không chào không hỏi han gì cả, ông ngạc nhiên ngó thiếu nữ trẻ đẹp đăm đăm, ông thấy ngờ ngợ, quen quen… Bà vợ vội lên tiếng trấn an chồng, kể lại mọi sự tình. Ông chồng già nghe xong bật khóc vì sung sướng. Sáng mai ông cũng sẽ ra cái vũng tiên kia, uống nước ở đó, khi trở về nhà ông lại tuấn tú như hồi thanh niên, lại xứng đôi với người vợ “cải lão hoàn đồng”, lại ấy ấy như hồi mới sống chung…
Sáng sớm hôm sau khi rạng đông vừa hé lộ ở chân trời, ông chồng già một mình lụ khụ lần mò ra cái vũng tiên kia. Bà vợ trẻ ở nhà ngồi đợi, tính nhẩm phải mất chừng 1 giờ chồng mới tới được vũng nước tiên, khi về sẽ nhanh hơn nhiều.
Vậy mà đã 5 giờ rồi 6 giờ nặng nề trôi qua, ông chồng vẫn chưa về. Bà vợ sốt ruột quá, hết kiên nhẫn, đóng cửa lại và chạy ra vũng tiên tìm chồng. Lục tìm quanh vũng đấy – nay đã cạn, nhưng không thấy chồng đâu. Bà bắt đầu lo sợ chồng đã gặp bất trắc, bỗng nhiên bà nghe tiếng oe oe yếu ớt như tiếng kêu, tiếng rên… làm bà chú ý. Tiến lại gần nơi phát ra tiếng kêu rên kia, bà thấy giữa đám cỏ xanh rì có một đứa bé trai độ chừng vài tháng tuổi, đang giơ tay về phía bà, ngoắt ngoắt với vẻ mặt thất vọng. Bà bồng đứa bé lên, nhìn vào mắt đứa bé: sao cặp mắt nó giống cặp mắt của chồng bà đến lạ lùng, cặp mắt đã từng hớp hồn bà. Cặp mắt đã từng rơi lệ khi bà buồn, cười khi bà vui… Rồi đột nhiên bà hiểu ra tất cả:
Đứa bé trai này chính là ông chồng già của bà, chỉ vì muốn trẻ hơn bà cho bà vui, làm cho bà sướng nên đã quá ham hố uống đến cạn vũng nước tiên, kết quả là bị overdose, đã biến thành một đứa hài nhi… Bà vợ thẩn thờ lấy quần áo của chồng bện thành một cái địu chắc chắn, cẩn thận đưa chồng về nhà.
Trên đường địu đứa bé về nhà, bà vợ buồn bã nghĩ thầm, từ đây bà sẽ như một người mẹ trẻ đơn thân, cô độc giữa đảo hoang, nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy dỗ đứa bé mà trước kia là chồng mình…
Nhưng rồi theo thời gian, vóc dáng đứa bé không chịu phát triển bình thường như các trẻ trên các đảo khác, mà nó lùn tịt chỉ bởi đã tham lam uống đến cạn vũng nước tiên!
*
Nghe xong sự tích bi hài, vua lẫn đám quần thần nhất thời ngẩn người, chẳng hiểu thật sự thâm ý sự tích là gì. Vua cho bải triều sớm. Lui vào ngự phòng, bóp trán suy nghĩ mãi về câu chuyện.
Ba ngày sau, ngồi ngự trà buổi sáng ngoài vườn Thượng uyển trước khi vào ngự triều, gẫm đi gẫm lại sự tích của quan Tư đồ…, bất chợt vua gầm lên một tiếng thật to, nộ khí xung thiên, hộc máu ra lênh láng lấm cả long bào, gục xuống bất tỉnh nhân sự. Đội cẩm vệ hoàng cung hết hồn bạt vía, xúm lại vực vua vào ngự phòng, cấp tốc sai nữ tì đi mời ngự y. Ngự y tới, xoa bóp chân tay vua một hồi và cho vua ngửi tí dầu gió thì vua tỉnh lại. Vừa hồi tỉnh lại, vua giao ngay Thượng phương bảo kiếm cho quan Vệ chỉ huy sứ, truyền nghiêm lệnh dẫn 50 cẩm vệ binh tiền trảm hậu tấu toàn gia tộc quan Tư đồ, mang thủ cấp quan Tư Đồ về trình tấu xong, mang ra bêu trước cổng chợ Đông Anh. Nhưng quan Tư đồ, sau buổi kể sự tích “cải lão hoàn đồng”, đã tiên đoán thảm họa sẽ ập đến nên ngay đêm đó, lặng lẻ dẫn bồ đoàn thê tử trốn qua xứ khác mai danh ẩn tích chờ thời thế sang trang.
Vì kể cho vua nghe chuyện ngụ ngôn với thiện ý can gián mà quan Thứ sử và nhà Nhân tướng học bị vua tống ngục mỗi người 15 năm, còn quan Tư đồ suýt bị tru di cả gia tộc, tại sao vậy? Và “Tại sao” là câu đố có khen không có thưởng. Kính mời bạn đọc và chư vị AK47 tham gia.
Chú thích:
Mượn ý tứ từ mấy câu chuyện cổ và nêm nếm thành món.
(1) Một tấc Tàu cổ = 3,3cm. Một tấc Việt hiện nay = 1/10m = 10cm.
Bruxelles, 06/12/2019