Nền tài chính đi vào vỡ nợ - Dân Làm Báo

Nền tài chính đi vào vỡ nợ

Trần Nguyên Thao (Danlambao) - CSVN sống còn một phần nhờ kiều hối đổ vào Việt Nam hàng năm. Tuy nhiên, hai hiện tượng: phát hành trái phiếu bừa bãi và không trả nợ quốc tế đúng hẹn sẽ là “vết nứt” ăn sâu vào khối u trong hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam, mở đầu cho tiến trình khủng hoảng tài chính. Với chức Chủ Tịch luân phiên khối ASEAN vào năm tới, sẽ mở ra cho CSVN cơ hội, dựa vào trật tự thế giới mới, can đảm đứng về phía dân chúng thoát khỏi vòng kiểm tỏa kinh tế lẫn chính trị từ Hoa Lục. Nếu không, Việt Nam ngày càng phải chịu đựng nhiều hơn những vụ như bãi Tư Chính mới đây. Mà các cuộc gây chiến xâm lăng đất liền, biển đảo vào những năm 1974 (Hoàng Sa), 1979 (Biên thùy phía Bắc) và 1988 (Gạc Ma) đã biểu hiện rõ dã tâm xâm lược muôn đời từ phương Bắc.

Bằng vào các diễn biến tài chính, số liệu của Liên Hiệp Quốc và của chính báo chí do CSVN kiểm soát sẽ trình bày dưới đây, giúp độc giả có khái niệm về tiền vào, tiền ra nơi chế độ tàn ngược dựa vào lọc lừa để ăn cắp của công:

Việt Nam là nước có lượng kiều hối vào hạng “top ten” trên thế giới. Năm 2019, Việt Nam nhận gần 17 tỷ Mỹ Kim, chiếm 8% GDP, trong khoảng 205 tỷ Mỹ Kim GDP, theo số liệu Liên Hiệp Quốc. 

Ngoài đường chuyển lậu, rửa tiền, Mỹ Kim chảy ra khỏi Việt Nam nhiều cách khác nhau: phần lớn là do quan tham có tiền cho con du học, mua nhà nước ngoài; chương trình ra đi theo dạng đầu tư EB-5 hay E-2; đầu tư chính thức bị thua lỗ; và nhập siêu, tức bỏ ngoại tệ ra mua hàng vào nhiều hơn là thu về do bán được hàng. 

Trong 9 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là 194,3 tỷ Mỹ Kim, nhập khẩu là 188,42 tỷ Mỹ Kim. Vậy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước là 382,72 Mỹ Kim. Nếu xuất khẩu cả nước là 194,3 tỷ Mỹ kim (trừ) cho 188,42 tỷ Mỹ Kim nhập khẩu thì Việt Nam xuất siêu gần 6 tỷ Mỹ Kim. Nhưng doanh nghiệp FDI 100% vốn ngoại quốc chiếm gần 70% cho nên số Mỹ Kim sai biệt họ được quyền chuyển về “cố quốc” theo luật đầu tư. 

Doanh nghiệp Việt Nam chiếm 37% trong con số 382,72 tỷ (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu) sẽ là 141,6 Mỹ Kim. Doanh nghiệp Việt Nam bán hàng (xuất khẩu) được 58 tỷ Mỹ Kim; còn lại 83,6 tỷ là tiền mua hàng (nhập khẩu). Phần doanh nghiệp Việt Nam mua nhiều hơn bán là 25,6 tỷ Mỹ Kim. Tức là trong 9 tháng Việt Nam để nằm lại ngân hàng nước ngoài 25,6 tỷ Mỹ Kim. Vậy 12 tháng, nếu không đột biến, số ngoại tệ nằm lại bên ngoài là 34.1 tỷ Mỹ kim (25,6: 9 x 12=34.1). Trường hợp này không biết có bao nhiêu trăm triệu Mỹ Kim khai là “hóa đơn tính sai” hay các lô hàng đã mua trước đó, nay bị “cancel”, rồi chuyển số tiền tương đương vào tài khoản riêng của nhà nhập cảng ở ngoại quốc. 

Hôm 18 tháng 11, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross bày tỏ “quan ngại” ngay tại Hà Nội về mức thâm hụt thương mại lên tới 40 tỷ Mỹ Kim với Việt Nam. Thực tế này cho thấy, hàng từ Việt Nam xuất cảng sang Mỹ tăng đáng kể, nhưng nếu bán sản phẩm thuộc doanh nghiệp FDI, thì tiền vào túi người ngoài. Báo lề trái còn tố cáo đảng csVN thiếu năng lực điều hành kinh tế, đã để cho nhiều công ty ngoại quốc khai lỗ liên tục tránh khỏi nộp thuế cho Việt Nam.

Năm 2018, theo báo Soha, người Việt trong nước chi ra khoảng 3 tỷ Mỹ Kim mua nhà ở Mỹ; 3-4 tỷ Mỹ Kim cấp tiền cho con đi học ngoại quốc, phần lớn là ở Mỹ và các nước tân tiến Tây phương. Tính chung 2 khoản tiền là từ 6-7 tỷ Mỹ Kim.

Đa số tham quan của chế độ toan tính sẽ “hạ cánh an toàn” để cùng với thân quyến định cư tại Canada hoặc Mỹ. Tại Mỹ ban đầu nếu có 500 ngàn Mỹ Kim thì được vào Mỹ qua chương trình EB-5. Nhưng từ tháng 11 năm nay EB-5 tăng lên 900 ngàn đến gần 2 triệu Mỹ Kim. Mỗi năm có 700 hồ sơ được chấp thuận. Số hồ sơ EB-5 đang chờ được cứu xét gần gấp đôi số “qouta” ấn định. Năm 2005 chỉ có 332 hồ sơ, nhưng đến năm 2012 tăng lên 12.400 hồ sơ. 

Do tình trạng nhiều người chờ đợi chưa được chương trinh EB-5 phỏng vấn, họ nóng lòng bỏ Việt Nam, nên chuyển sang chương trình E-2, với số tiền đầu tư khởi đầu chỉ cần 200 ngàn, nhưng kinh doanh buộc phải có lời mới được gia hạn ở lại Mỹ [1].

Tại Canada, chính quyền địa phương đòi các nhà đầu tư phải chứng minh khoản đầu tư trên 1.000.000 CAD, và chứng minh được tài sản có giá trị trên 1.600.000 CAD để đảm bảo cuộc sống tại đất nước này. Kết thúc vào năm 2020, Canada sẽ nhận mỗi năm 2000 người cho cả 4 tỉnh là New Brunswick, Prince Edward Island, Nova Scotia, Newfoundland & Labrador.

Ngoại tệ đã đi theo hàng chục ngàn hồ sơ xin định cư tại nhiều quốc gia Tây Âu diễn ra nhiều năm nay với số lượng không thể kiểm chứng. 

Chỉ năm 2018, 19 Doanh Nghiệp Quốc Doanh dùng 5,8 tỷ Mỹ Kim đầu tư ra nước ngoài lỗ mất trắng 367 triệu Mỹ Kim, tăng 265% so với năm 2017 [2]. 

Như vậy, trong năm nay, chỉ có đường kiều hối là rót vào 16,7 tỷ Mỹ Kim, đường thương mại chảy ra 34,1 tỷ Mỹ Kim, đầu tư du học 3 tỷ Mỹ Kim, mua nhà Mỹ 3 tỷ Mỹ Kim. Vậy năm 2019 ngoại tệ từ trong nước chảy ra nước ngoài hết 40,1 tỷ Mỹ Kim. Chưa kể 700 hồ sơ EB5 và hàng ngàn hồ sơ E-2. CSVN khoe có ngoại tệ dự trữ khoảng 70 tỷ Mỹ Kim. Nếu đúng, thì chi tiêu được bao lâu?

Vì thiếu tiền, không trả nợ đúng hẹn, CSVN đã bị Moody’s hạ thấp mức tín nhiệm xuống hạng 3B. Một ngày sau (11/10), Moody’s lại giáng nhát búa khác “hạ mức tín nhiệm 17 Ngân hàng Thương Mại Việt Nam (NHTM)”. 

Như vậy định chế lượng giá tài chính quốc tế có 110 năm tuổi trong chuyên ngành đã nhìn thấy “rủi ro vỡ nợ tăng cao trong ngành tài chính Việt Nam”, nên họ có bổn phận phải cảnh báo đúng thời điểm cho các nhà đầu tư biết trước những nguy hiểm gần kề trong khối ngân hàng của Việt cộng.

Các chuyên gia tài chính giải thích: “Không chỉ Moody’s mà các hãng xếp hạng tín nhiệm uy tín khác trên thế giới như Standard & Poor’s (S&P) cũng coi nghĩa vụ nợ dự phòng là một “bộ phận khăng khít” trong sự đánh giá tổng thể tín nhiệm quốc gia của họ. Do đó, chúng ta cần chấp nhận một thực tế rằng, khi đã không trả nợ đúng và đầy đủ một khoản nợ dự phòng phát sinh thành nghĩa vụ thật nào đó, thì sẽ bị đánh giá là vỡ nợ, mất khả năng thanh toán, hoặc không muốn thanh toán”.

Trong số 17 ngân hàng bị Moody’s “chiếu tướng” có 4 ngân hàng quốc doanh gồm:Agribank, Vietinbank, VietcombankBIDV. Ngoài ra, nhiều ngân hàng thương mại tư nhân cỡ lớn hiện nay cũng nằm trong danh sách bị xem xét hạ mức tín nhiệm: MBBank, ACB, Techcombank, VPBank.

Trong năm nay, CSVN dự trù bán 18 doanh nghiệp quốc doanh; đến hết nửa năm mới được có 1. Có thể các quan tham muốn giữ lại số doanh nghiệp này để chia chác, hoặc là các doanh nghiệp này chả còn giá trị gì, nhà đầu tư không ngó tới(?) [3]

Giới tài chính tố cáo, bán doanh nghiệp không thành công, CSVN quay ra in mỗi năm trung bình 2 triệu tỷ đồng để mua Mỹ Kim, quý kim dân chúng đang cất giấu và phát hành trái phiếu.

Nếu bán hết được Ngân hàng và doanh nghiệp quốc doanh thì CSVN có tiền, nhưng lại rơi vào phá sản lý thuyết Karl Marx; mất quyền kiểm soát kinh tế và lãi xuất ngân hàng, cũng đồng nghĩa phá sản “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Tuy nhiên mưu gian của CSVN đang ló dạng: một hệ thống quyền lực kinh tế đang được xây dựng thay thế khối Doanh Nghiệp Quốc Doanh bằng hệ thống các doanh nghiệp tư nhân sân sau – trá hình dưới vỏ bọc kinh tế thị trường, hoạt động theo quy luật bí mật mà biểu hiện bên ngoài của nó là “mạnh được yếu thua”. Giới điều hành loại doanh nghiệp mới này xây dựng mối quan hệ khá keo sơn với các tay chóp bu của chế độ, gây ảnh hưởng lớn trong mọi dàn xếp nội bộ nơi giới “tinh hoa đỏ”.

Trong 8 tháng đầu năm 2019, có đến 400 đợt phát hành trái phiếu của 136 doanh nghiệp, với tổng trị giá 157.901 tỷ đồng, trong đó nhóm ngân hàng thương mại chiếm 75.936 tỷ đồng. Chỉ trong tháng 9, một số ngân hàng đã phát hành 21.071 tỷ đồng trái phiếu. Các ngân hàng BID, ACB và Việt Nam Thịnh Vượng trong nhóm phát hành trái phiếu cũng bị Moody’s hạ mức tín nhiệm![4]

Lãi xuất Trái phiếu Doanh Nghiệp (TPDN) có nơi cao đến 20%. Doanh nghiệp làm gì ra tiền để trả lãi đến 20% cho trái chủ. Chính về điểm này nên đầu tư TPDN là một rủi ro rất cao cho dân chúng và cho doanh nghiệp.

Đầu tư TPDN, nhất là ngành bất động sản tại Việt Nam đang bị cảnh giác là có rất nhiều rủi ro. Có nhiều doanh nghiệp bán trái phiếu để “đảo nợ”, cầm cố thế chấp cho ngân hàng. Lại có những doanh nghiệp thu tiền về qua trái phiếu cao gấp mấy lần tổng số tài sản của doanh nghiệp đó. Trường hợp này, nếu doanh nghiệp ôm tiền trốn thoát, thì trái chủ mất trắng số tiền bỏ ra mua trái phiếu.

Theo một nguồn tin, chưa thể kiểm chứng, Ba Đình có kế hoạch xoay cho ra 500 ngàn tỷ đồng, tương đương 21,5 tỷ Mỹ Kim để chi tiêu. Có thể tăng thuế, phí, giá điện nước... Số tiền này nếu có được vẫn không đủ đắp vào số ngoại tệ đã chảy ra ngoài.

Năm ngoái (2018), báo Thanh Niên nhìn nhận mỗi đầu người dân đã phải gánh hơn 35 triệu nợ công [5]

Với hoàn cảnh nền tài chính mang vết nứt toác ra ngay ở nền móng, trong lúc trật tự thế giới mới đang thành hình. Đại đa số dân chúng muốn thoát khỏi Hoa Lục, xích lại gần với Mỹ, nhưng Ba Đình lại muốn tiếp tục chọn lệ thuộc kinh tế, chính trị vào Bắc Kinh - hành động vô trách nhiệm, đổ hết gánh đau thương, tàn ngược trên Dân Tộc cho mãi đến thế hệ tương lai.

Thế “giằng co” này còn kéo dài bao lâu nữa?

18 Nov. 2019

Chú thích:








Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo