Người Quan Sát (Danlambao) - Trả lời chất vấn cử tri sau phiên họp HĐND thành phố Hà Nội, ngày 6/12, Chủ tịch UBND Tp Hà Nội, Nguyễn Đức Chung cho rằng các chuyên gia Nhật Bản cần phải “rút kinh nghiệm” và “thành phố không để một ai vào đây làm trò đùa cho cả thiên hạ”. Đây là thái độ đáp trả việc Nhật Bản tuyên bố thử nghiệm thành công công nghệ Nano trong xử lý sông Tô Lịch và sẵn sàng bỏ 100% kinh phí đầu tư.
Trả lời câu hỏi có chuyện “tháo nước từ hồ Tây vào không báo trước” hay không của cử tri, Nguyễn Đức Chung cho rằng các chuyên gia Nhật Bản “sau một thời gian họ xin thử nghiệm, đơn vị này vào thử nghiệm nhưng không hề xin phép mà thông qua Công ty Thoát nước Hà Nội làm ngay tại sông Tô Lịch.”
Thực tế ra sao?
Chiều 11/4/2019, tại trụ sở Chính phủ, Đoàn chuyên gia Nhật Bản về môi trường do Tiến sĩ Tadashi Yamamura, chuyên gia Liên hợp quốc về môi trường, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản dẫn đầu có buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Nhật Bản dự kiến mang thiết bị công nghệ hiện đại đến đặt dưới lòng sông Tô Lịch để làm sạch lòng song sau khi điều tra, khảo sát trong 2 năm để đưa ra đề nghị trên. Phía Nhật cũng đề nghị tài trợ miễn phí thí điểm xử lý ô nhiễm nước một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ mới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các chuyên gia Nhật Bản và Công ty Cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) trao đổi, làm việc cụ thể với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng UBND Thành phố Hà Nội để nghiên cứu, quyết định phương án và tổ chức thực hiện theo đúng quy định, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
Đến sáng ngày 16/5/2019, tại Hà Nội, “Dự án tài trợ thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản” đã chính thức khởi động.
Báo chí đăng tin nguyên văn như sau: “Trước đó, với sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội cho phép đoàn chuyên gia Nhật Bản phối hợp với Công ty Cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt thực hiện “Dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor” bằng nguồn tài trợ của Nhật Bản”.
Như vậy có thể thấy việc đổ lỗi “không xin phép” của Nguyễn Đức Chung là lưu manh, gian trá.
Quay trở lại với việc xả nước hồ Tây, các chuyên gia Nhật Bản cho biết:
"Ở Nhật, việc xả lũ hay xả nước thường được thông báo trước cho người dân và các bên liên quan từ 3-5 ngày. Trong khi ở Hà Nội, JVE chỉ được công ty Thoát nước thông báo trước 15 phút, nên không kịp có giải pháp dẫn đến sự cố".
Hơn ai hết người dân hiểu rõ quy trình xả lũ, xả nước ở Việt Nam từ trước đến nay đa phần thiệt hại do không được thông báo trước là chuyện thường ngày ở huyện. Băng đảng của Nguyễn Đức Chung hết lần này đến lần khác không thể phá hoại được công nghệ Nano-Bioreactor của người Nhật nên đang tìm cách lấp liếm trước cử tri Hà Nội, vốn là những người dân được lựa chọn xếp vào đội ngũ chất vấn cho vui cửa vui nhà.
Và chưa dừng lại ở chỗ chỉ đổ lỗi, Nguyễn Đức Chung sau khi không thể nuốt trôi hết số chế phẩm Red-Oxy3C vốn đã chỉ đạo dùng tiền ngân sách thu mua lại từ công ty gia đình Arktic do con trai ruột Nguyễn Đức Hạnh làm chủ đã lớn tiếng đe doạ: “Thành phố này không phải để cho một ông, một công ty vào đây làm trò đùa cho cả thiên hạ, làm bức xúc xã hội, tôi phải nói thật với các bác như thế"
Bản chất côn đồ của một chủ tịch UBND Tp vốn xuất thân từ công an như Nguyễn Đức Chung đã bộc lộ quá rõ.
Trò đùa cho cả thiên hạ ở đây chính là việc tài trợ miễn phí, cam kết bảo vệ gìn giữ môi trường của các chuyên gia Nhật Bản đã trở thành cái gai trong trong mắt nhóm lợi ích tại Hà Nội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bị Nguyễn Đức Chung biến thành thằng hề trong con mắt các nhà ngoại giao Nhật Bản.
7.12.2019