David Carlin * Sơn Nghị (Danlambao) dịch - Một khi cuộc Cải cách Tin lành (năm 1517) phá hủy sự thuần nhất tôn giáo của Tây Âu, tôi cho rằng sự hoài nghi về Kitô giáo ngày càng tăng nói chung là điều không thể tránh khỏi. Xét cho cùng, nếu những người theo đạo Tin lành cho rằng Công giáo là một tôn giáo sai lầm và nếu người Công giáo cũng tranh luận rằng Tin lành là một tôn giáo sai lạc, thì chắc chắn trước sau gì cũng có người lên tiếng: hai bên, bên nào cũng đúng vì cả hai tôn giáo đều sai lầm.
Đối với một số trí thức, sự hoài nghi này phát sinh ngay sau biến cố Cải cách. Cứ lấy Michel de Montaigne (triết gia Pháp thời Phục hưng) làm ví dụ, người sinh ra chỉ khoảng 15 năm sau khi Martin Luther - một linh mục dòng Augustinô, người khởi xướng cuộc Cải cách - gài Chín Mươi Lăm Luận Đề nổi tiếng vào cánh cửa nhà thờ Wittenberg, bắt đầu sự kiện ly giáo. Montaigne là một người Công giáo, nhưng ông cho rằng ông là người Công giáo chỉ vì theo phong tục địa phương, chứ không phải do lý trí tìm hiểu hay thậm chí chẳng phải vì đức tin gì cả. Montaigne nói thêm, nếu sinh ra ở Constantinople – thủ đô của đế quốc Hồi Ottoman - chắc chắn ông là người Hồi giáo.
Tuy nhiên, trong số những người bình thường, niềm tin vào Thiên Chúa giáo – dưới hình thức Công giáo hay Tin lành - của họ vẫn tồn tại, mặc dù rõ ràng có một số hoài nghi của giới tinh hoa lan dần đến giới bình dân. Nếu đã có một thứ lý thuyết giảm thuế người giàu để giúp nền kinh tế tăng trưởng và người nghèo (trickle-down economics), thì chắc chắn thế nào cũng có sự hoài nghi về trò lừa bịp (trickle-down skepticism).
Nhưng phải đợi đến thế kỷ 18, một cuộc tấn công toàn diện vào Kitô giáo mới bắt đầu. Về mặt lý thuyết, nó xuất hiện dưới hình thức “thuyết thần thánh tự nhiên” và những thuyết chống Thiên Chúa giáo triệt để hơn, như chủ nghĩa hoài nghi và chủ nghĩa vô thần. Đúng ra, nó đến dưới hình dạng của cuộc Cách mạng Pháp.
Vì bại trận tại Waterloo (1815), Napoleon buộc phải thoái vị và bị đày đến St. Helena (thật ra họ muốn đày ông lên mặt trăng, nhưng bất khả thi vào thời điểm đó, nên phải đày đến một đảo nhỏ vùng Nam Đại Tây Dương). Qua sự kiện Napoleon bị truất quyền, một số nhà quan sát hời hợt vội vàng cho rằng cuộc Cách mạng đã kết thúc. Ngay cả những gì liên quan đến Napoleon của Cách mạng cũng xem như chấm dứt.
Nhưng họ lầm, lầm to. Hóa thân đầu tiên của Cách mạng đã kết thúc, đúng thế, nhưng rồi lại có nhiều cuộc Cách mạng khác tái sinh. Với vài ý tưởng của Cách mạng còn rơi rớt lại, và sự thất bại về chính trị và quân sự của Cách mạng lại làm cho những ý tưởng này sống mạnh mẽ hơn, chứ không bị tiêu diệt. Cây cổ thụ Cách mạng được cắt tỉa để có sức trổ bông, chứ không hề bị đốn ngã.
Một trong những ý tưởng rơi rớt lại, và có lẽ ý tưởng quan trọng nhất, là ý tưởng về một xã hội tuyệt hảo. Ý tưởng đó tóm lược như thế này: con người có thể tạo ra một thứ gì đó rất giống thiên đường trên cõi đời này; gọi tắt là thiên đường hạ giới. Thiên đường mơ ước ở trần gian được cổ võ, khai triển, và phát huy nhằm thay thế ý tưởng Kitô giáo truyền thống về một thiên đàng siêu nhiên, đích điểm cốt lõi của những người Công giáo mơ ước đạt được sau khi chết (như Niết bàn của Phật giáo, chú thích của người dịch). Hy vọng về một thiên đường trên hành tinh mang tên trái đất đã trở thành một phiên bản tục hóa của niềm hy vọng Kitô giáo về Nước Trời.
Các nhà cách mạng thiên đường hạ giới trong vài thế kỷ qua đã thúc đẩy ý tưởng này và nó xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. (Vì thiên đường hạ giới gây quá nhiều thảm hoạ cho nhân loại, và sự thất bại xây dựng thiên đường tại các nước cộng sản qua gần hai thế kỷ, nên từ bây giờ chúng ta nên gọi là XÃ HỘI KHÔNG TƯỞNG, lời người dịch)
Đầu tiên là những người theo chủ nghĩa xã hội không tưởng của Hồi giáo trong những thập niên giữa thế kỷ 19 như Robert Owen, Fourier, cộng đồng Oneida, người nông dân Brook Farm, và còn nhiều người khác nữa.
Rồi đến những người xã hội hiểu biết hơn vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 - Đảng Dân chủ Xã hội ở Đức, xã hội Fabian ở Anh, và những kẻ theo chủ nghĩa xã hội như Gene Debs và Norman Thomas – luôn cỗ võ ý tưởng xã hội không tưởng – ở Hoa Kỳ.
May Day: New York, 1 tháng 5, 1934
Cuối cùng là Cộng sản - Lenin và Trotsky và Stalin ở Nga; Mao ở Trung Hoa; Hồ Chí Minh ở Việt Nam; và Fidel ở Cuba; và hàng triệu hàng triệu người khác cả trong và ngoài nước Nga: những người hoàn toàn nhận thức rõ về sự chuyên chế và giết người hàng loạt vì theo họ những điều này thật cần thiết để mang lại hạnh phúc viên mãn cho nhân loại.
Xin lỗi, tôi nói rằng “cuối cùng” là những người Cộng sản. Điều đó không đúng hẳn. Là vì mặc dù chủ nghĩa Cộng sản đã thất bại (sau khi khối Sô-viết tan rã, chú thích của người dịch), nhưng ý tưởng nuôi dưỡng Chủ nghĩa Cộng sản vẫn tồn tại. Con rắn của chủ nghĩa không tưởng cách mạng chỉ ngưng phun nọc độc, chứ không bị đập nát đầu.
Hiện nay, những ý tưởng Cộng sản bừng sống và hoành hành tại Mỹ. Chúng ta có thể tìm thấy chúng ở đâu? Thưa, trong trái tim và khối óc của những người tự cho mình là cấp tiến.
Chính xác hơn, những ý tưởng này là gì, những ý tưởng được truyền bá rộng rãi trong thế hệ hậu duệ hiện nay của cuộc Cách mạng tiên khởi vào cuối thế kỷ thứ mười tám do Mác đề xướng? Đây là những điểm những kẻ cấp tiến thường nêu ra:
1. Bình đẳng: không chỉ là bình đẳng chính trị và pháp lý, mà là một xã hội không còn giai cấp, nghĩa là một sự bình đẳng đơn giản về điều kiện kinh tế (không ai giàu và cũng chẳng ai nghèo; tất cả bằng nhau).
2. Tự do cá nhân: tự do hành động, tự do ngôn luận hoặc bất cứ điều gì mỗi người muốn, miễn là không gây thiệt hại rõ rệt cho những người khác.
3. Chủ nghĩa quốc tế (tình huynh đệ nhân loại): mọi định kiến và kỳ thị dựa trên chủng tộc, dân tộc, quốc tịch, tôn giáo, giới tính, khuynh hướng tình dục đều biến mất; và tất nhiên không có biên giới quốc gia.
4. Sự thịnh vượng tột cùng: kết quả từ một hệ thống kinh tế dựa trên công lý và tình yêu thương, chứ không phải do động lực lợi nhuận (bàn tay vô hình của Adam Smith, chú thích của người dịch).
5. Hòa bình thế giới: điều này sẽ tự động xảy ra từ #3 và #4.
6. Sức khỏe: đành rằng ai cũng phải chết, nhưng một khi còn sống, con người phải được chăm sóc sức khỏe thật đầy đủ.
7. Giáo dục: mọi người sẽ tận hưởng một nền giáo dục đáp ứng tối đa theo tiềm năng của mỗi người.
8. Hạnh phúc phổ quát: nếu #1 đến #7 được thực hiện thành công, làm sao mỗi người chúng ta lại không cảm thấy hạnh phúc?
Nếu đây là những điều mà những kẻ cấp tiến Mỹ mơ ước thì những người Cộng sản Nga trước đây cũng ước mơ như vậy (từ 1917 đến 1991, chú thích của người dịch). Lâu lắm, họ mơ ước như thế trong gần ¾ thế kỷ và sau cùng chấp nhận giã từ ước mơ. Có phải điều này mang ý nghĩa là khi nhóm cấp tiến nắm quyền lực, họ sẽ sử dụng cùng một công cụ chuyên chế mà người Nga đã sử dụng? Không, những kẻ cộng sản ở Nga sử dụng các cơ quan kiểm soát xã hội đã hiện hữu từ thời tiền cách mạng, đặc biệt là ba cơ quan này: một bộ máy quan liêu cùng cực, một hệ thống công an mật vụ, và một chế độ quân chủ chuyên chế.
Ngược lại, nhóm cấp tiến tại Mỹ sẽ sử dụng các cơ quan kiểm soát đã hiện hữu tại Hoa Kỳ, đặc biệt là ba cơ quan này: bộ máy quan lại liên bang, hệ thống báo chí tự do, và hệ thống giáo dục hậu đại học. Nhìn vào xã hội Mỹ hiện nay, ai cũng nhận ra rằng những kẻ cấp tiến không tưởng đã có quyền hạn to lớn kiểm soát cả ba cơ quan này, đặc biệt là hệ thống báo chí và hậu đại học. Vì vậy, họ sẽ không cần một hệ thống công an mật vụ để kềm kẹp người dân.
Cuối cùng, Hoa kỳ đang chứng minh cho thế giới thấy rằng Mỹ hiện là cánh đồng màu mỡ cho hạt giống “thiên đàng hạ giới” hơn cả luống đất Nga hoặc mảnh đất Trung cộng hay miếng đất Cuba.
Chú thích: Trickle-down economics là lý thuyết giảm thuế cho tầng lớp giàu để họ dùng tiền (không đóng thuế) đầu tư cho phúc lợi người nghèo. Chẳng bao giờ có. Tôi hiểu rõ điều này, vì chỉ toàn bánh vẽ (trò lừa bịp). Tôi xin khẳng định, trickle-down economics lừa bịp người dân giống như chủ nghĩa cộng sản, dựa vào lòng tốt của tất cả mọi người để chia đều của cải.
Người dịch: