Phần 1 - Vì sao Nguyễn Phú Trọng và đồng đảng không muốn và không thể thay đổi chế độ của chúng?
Phạm Văn (Danlambao) - Vừa đăng bài trên Dân Làm Báo “Đầu năm mới nói về lương tri và lẽ thật” trong đó tôi đã nói “chế độ này sẽ không từ một thủ đoạn nào để bảo vệ địa vị và quyền lợi của chúng kể cả việc giết người không ghê tay”, thì vụ đánh úp người dân, giết chết cụ Lê Đình Kình, nhà của cụ bị đốt cháy, sụp đổ và nhiều người dân khác bị thương, bị bắt tại Đồng Tâm và sẽ bị “truy tố” trước tòa án cộng sản, đã xảy ra rạng sáng ngày 9 tháng 1. Chủ-Bí Nguyễn Phú Trọng đã ký công văn tặng Huân chương chiến công hạng nhất, Tưởng Thú Nguyễn Xuân Phúc phát động học tập “gương” ba chiến sĩ công an đã xả thân, hy sinh “vì Tổ Quốc” khi “bị thiêu cháy dưới giếng trời” (thực ra điều này chưa rõ thực hư thế nào, có thể bọn bị “chết cháy” này đã giết chết cụ Kình rồi sau đó bị chính đồng bọn giết chết, ném xuống hố, thiêu cháy để phi tang?). Tôi không khỏi bàng hoàng!
Vậy là kẻ thù của nhân dân đã hiện rõ nguyên hình, cho dù chúng đã có sẵn kịch bản cho cuộc tấn công và đang tìm mọi cách che đậy sự thật. Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Tô Lâm, Hoàng Trung Hải, Nguyễn Đức Chung v.v... sẽ phải chịu trách nhiệm, phải trả giá trước việc làm dã man-tội ác nói trên của chúng. Nguyễn Phú Trọng là kẻ đứng đầu chế độ cai trị đang cưỡi lên đầu lên cổ Dân tộc, Nhân dân Việt Nam, đã và đang tiếp tục đầy đọa, ngăn cản dân tộc, đất nước Việt Nam phát triển hướng về phía ánh sáng mặt trời văn minh. Trọng chứ không phải ai khác, phải chịu trách nhiệm chính trước việc làm tội ác này.
Nhưng điều chúng ta muốn nói ở đây là việc làm nói trên của bè lũ Trọng-Phúc-Hải-Lâm-Chung chứng tỏ rằng chúng không muốn và cũng không thể thay đổi chế độ này. Thậm chí vào những ngày này, chúng vẫn rêu rao rằng chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô sụp đổ là do sự biến chất, tham nhũng của đội ngũ cán bộ, vì thế chế độ CS Việt Nam cần phải tránh, còn ở Việt Nam chúng nói, mặc dù đảng có những sai lầm nhưng vẫn là người lãnh đạo tài tình sáng suốt, gắn chặt với những “mốc son chói lọi” của lịch sử dân tộc thời hiện đại, rằng Hồ Chí Minh vẫn có những tiên đoán “vượt thời gian” về phát triển kinh tế, rằng đảng sẽ chuẩn bị công tác nhân sự thật tốt cho đại hội lần thứ 13. Hoang tưởng hơn, Nguyễn Phú Trọng còn tuyên bố “mây đen phủ kín toàn cầu còn ở Việt Nam mặt trời vẫn đang tỏa sáng”, rằng “hiếm có đảng nào trên thế giới lại được người dân thương yêu, tin cậy như đảng cộng sản Việt Nam” và cố thều thào-run rẩy và dằn giọng tuyên cáo “năm nay cả nước chắc càng thắng to”!
Tất nhiên, người có lương tri chẳng ai tin vào những lời bệnh hoạn nói trên của kẻ già nua Nguyễn Phú Trọng. Tuy vậy, vẫn cần trả lời rõ câu hỏi: “Vì sao Trọng và đồng đảng của hắn vẫn không muốn và không thể thay đổi chế độ?”. Nhưng xin được thưa trước rằng lâu nay tôi không coi Nguyễn Phú Trọng là Chủ tịch của nước Việt Nam yêu quý và đau thương của tôi, của Nhân dân tôi, trái lại theo cách nói của tôi, Trọng chỉ là chủ tịch của cái chế độ cộng sản độc tài ăn bám trên cơ thể đất nước-Dân tộc Việt Nam. Vì thế, từ giờ tôi chỉ viết “Trọng” chứ không viết họ của người này. Tôi thường có cảm giác rất rõ là Trọng không có gốc nguồn, tổ tiên, giòng họ gì cả, dường như hắn chỉ thuộc một “giai cấp”, “tập đoàn” hoặc “phe nhóm” nào đó. Tôi cũng không viết “Phú Trọng” vì sợ có người hiểu lầm rằng Trọng là kẻ rất giàu lòng tự tôn-tự trọng.
Theo tôi, câu trả lời cho câu hỏi ở trên nằm trọn ở nội dung, ý nghĩa câu nói như một “tuyên ngôn” bất di bất dịch của Trọng: “Mất chế độ sẽ mất tất cả!”. Cho nên, cần phải làm rõ điều này từ những ẩn giấu tối tăm thẳm sâu trong tâm can-tỳ phế-não trạng của Trọng và đồng đảng của hắn.
Do đó, nếu theo một cách ngôn là “người ta không thể mất những cái mà người ta không có”, thì Trọng và đồng đảng của Trọng đang có những gì gắn chặt không thể tách rời cái chế độ mà nếu để mất thì tất cả chúng sẽ mất theo? Có lẽ rất nhiều người sẽ dễ dàng tìm thấy câu trả lời: những gì Trọng và đồng đảng, chế độ cộng sản có và sợ mất là những tài sản của người dân, của xã hội mà chúng cướp được để thỏa mãn những nhu cầu, lòng tham vô độ của chúng, còn là những sự thật được chúng che giấu lâu nay như những tội ác, sự ngu tối và cả sự hèn nhát trước giặc ngoại xâm là Tàu Cộng. Dĩ nhiên, câu trả lời nói trên là đúng, nhưng chỉ đúng ở bề mặt, đúng với số đông lúc nhúc những đảng viên, những tên tay sai và cả số đông những người dân tham lam, ngu ngục và tôn thờ-phục tùng vô điều kiện cái tổ chức đảng và chế độ cộng sản toàn trị và được những kẻ đứng đầu đảng, chế độ này lợi dụng một cách triệt để.
Tất nhiên, cần hiểu rằng kẻ cầm quyền, nhất là những kẻ đứng đầu các tổ chức, các chế độ cần phải có tài sản, tiềm lực kinh tế-tài chính nhất định để có thể duy trì, thực hiện sự cai trị, quản trị xã hội. Nhưng tiềm lực này có thể do chính chúng tạo nên bởi trước đó đã từng là người làm kinh tế thành đạt, từng là nhà tư bản và luôn theo đuổi mục tiêu, có khả năng trở thành nhà quản lý xã hội, thành chính trị gia, hoặc do những người có khả năng kinh tế-tài chính, những nhà tư bản ủng hộ, hoặc do tiền thuế, đóng góp của người dân, hoặc thậm chí là tài sản có được nhờ ăn cắp-ăn cướp của người dân, của xã hội dưới những hình thức khác nhau. Như vậy, có ít nhất hai thuộc tính cơ bản có thể có hoặc là chính danh hoặc không chính danh của kẻ cầm quyền hay của các tổ chức, thể chế cầm quyền nói trên.
Đương nhiên, trong lịch sử không có thể chế nào không chính danh lại có thể cầm quyền, nhưng trái lại, vẫn có những thể chế không chính danh đã cầm quyền, không những thế cầm quyền trong thời gian dài, rất dài. Đó là nghịch cảnh của lịch sử. Ở đây chúng ta không định nói đến các thể chế không chính danh ở giai đoạn lụi tàn tính chính danh của chúng, mà nói về những thể chế châu Á - phương Đông, điển hình là ở Trung Quốc và chế độ cộng sản toàn trị trên thế giới nói chung. Nói chung, tôi gọi đây là những chế độ quân chủ kiểu phương Đông-Trung Quốc, chúng là những giai đoạn của chế độ quân chủ gia trưởng (Xem bài “Sự dối trá mang tên cộng sản” đã đăng trên Dân Làm Báo ngày 4 tháng 6 năm 2019). Đây là những chế độ không chính danh nhưng đã duy trì sự tồn tại, thống trị của chúng qua nhiều thế kỷ, riêng chế độ cộng sản cũng đã tồn tại gần một thế kỷ (và có thể hơn?).
Vậy, tại sao những chế độ không chính danh như đã nói lại có thể duy trì sự tồn tại-thống trị lâu dài của chúng? Vì như đã nói, chỉ có thể chế chính danh mới có thể cầm quyền, cho nên vấn đề ở đây là những chế độ (thể chế) không chính danh đã biết làm cho chúng mang hình thức là chính danh chủ yếu bằng sự dối trá và duy trì sự dối trá bằng biện pháp chủ yếu là bạo lực nhằm khiến cho dân chúng sợ hãi. Về sự thật này ta không cần phải chứng minh, không cần phải nói lại nữa. Bây giờ hãy đi vào trọng tâm vấn đề của chúng ta: tính chính danh hay không chính danh có liên quan gì đến cái còn, cái mất của Trọng, đồng đảng và chế độ của Trọng?
Người có lương tri không ai nói, không ai tin Trọng, đồng đảng và chế độ của Trọng là liêm khiết, là không có tiềm lực kinh tế-tài chính, nói thẳng ra là không có tiền (nói đúng thực chất thô thiển của chúng) để duy trì chế độ. Tất cả chúng che giấu sự giàu có của mình bằng mọi cách thậm chí rất thô thiển, ngu xuẩn (như “mèo giấu…”), riêng Trọng có vẻ “khôn ngoan” hơn đã không có tiền một cách thô thiển và trắng trợn như đồng bọn, trái lại dường như cơ bản “yên tâm” vì đã có bức tượng vàng HCM 50 kg do Formosha Hà Tĩnh “hối lộ-tặng”, vả lại nếu Trọng không giàu có thì đã có đồng đảng-tay chân giàu có để làm những việc cần phải có tiền mà Trọng không phải và không thể trực tiếp làm. Trọng gian manh vì biết rõ đồng đảng và cả những người dân ngu tối cần mình điều gì và minh phải có điều gì cho họ. Đây là góc tối tăm của Trọng mà nhiều kẻ thổi lên, nói Trọng là vô tư, liêm khiết!
Vì thế, câu trả lời đã rất rõ là cái người ta có và quý nhất không phải là tiền bạc, cho dù là tiền bạc do chính họ làm ra, mà chính là danh dự. Danh dự là phẩm chất hay giá trị (gọi chung là phẩm giá) được thừa nhận và coi trọng bởi xã hội của người hoặc tổ chức, cộng đồng nào đó, giúp họ xác định chỗ đứng, có niềm tin chắc chắn để làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình. Chính danh chính là cái làm nên, khẳng định danh dự - phẩm giá của con người. Chính danh là có danh dự, có danh dự có nghĩa là chính danh. Có thể người ta nói rằng Tự do mới là giá trị căn bản, lớn và cao quý nhất của con người. Điều này là rất đúng. Nhưng Tự do không tồn tại tự nó, mà nhất định phải biểu hiện ra thành danh dự. Người Tự do nhất định phải là người trọng danh dự, phải biết giá trị, phẩm giá của mình, phải coi danh dự là cái phải hướng đến, phải bảo vệ. Cho nên, sẽ ra sao nếu kẻ đứng đầu tổ chức, chế độ không hiểu danh dự, không biết coi trọng danh dự, đặc biệt không có danh dự?
Trong thực tế lịch sử ngay cả những con người bình thường nhất cũng biết rằng cần phải có danh dự, giá trị nào đó. Nhưng cái danh dự của một người bình thường hoặc bất kỳ không thể đem ra đại diện cho một tổ chức, một chế độ, một cộng đồng, vì vậy người ta cần kẻ có danh dự đại diện cho họ. Đương nhiên, điều này cũng rất đúng với những thể chế không chính danh, ở đây kẻ không chính danh muốn có địa vị để tồn tại-thống trị phải tạo ra tính chính danh và danh dự giả tạo. Montesquieu trong cuốn “Tinh thần pháp luật” đã nói rất rõ rằng “danh diện phải đặt vào trong chính thể quân chủ”, nghĩa là phải xem đây là cái đặc trưng của chế độ quân chủ. Nhưng cái danh diện mà Montesquieu muốn nói ở đây là gì? Theo ông, “nói một cách triết lý: Một danh dự hão huyền đang lôi cuốn mọi bộ phận của quốc gia, nhưng nó cũng có ích như danh dự thật sự đối với những ai theo đuổi nó”. Lưu ý: chữ “danh diện” (honneur) nói về thể chế quân chủ được hiểu vừa với nghĩa là danh dự, vừa với nghĩa là thể diện. Tuy nhiên, câu chuyện từ ngữ này không thật quan trọng, vì thực ra danh dự không tách rời thể diện.
Vậy là đã rõ, cái mà Trọng, đồng đảng và thể chế của Trọng sợ mất nhất đó là “danh dự” (“danh diện”). Chúng biết, không có danh dự có nghĩa là không chính danh và do đó, làm sao có được niềm tin của chính mình và của dân chúng đối với tổ chức, thể chế của mình để làm việc, duy trì chế độ. Có thể Trọng và đồng đảng không hiểu điều này về lý luận một cách sâu sắc như một nhà duy lý phương Tây, mà chỉ theo bản năng của cái chế độ như Montesquieu đã vạch ra, nhưng đó là thứ bản năng bản chất. Cho nên, phê phán, bóc trần sự tham lam, ăn cướp tài sản để giàu có xem như điều không thể chấp nhận được của một tổ chức, một chế độ, rốt cuộc phải chỉ ra được rằng chế độ ấy đã và đang dung dưỡng và được dung dưỡng bởi điều gì. Đảng cộng sản, chế độ cộng sản toàn trị ở Việt Nam đang cố sức chứng minh rằng sự tồn tại của chúng là chính danh, là có phẩm giá, nhưng thực ra chúng là tổ chức, chế độ không chính danh, thậm chí là chế độ cưỡng đoạt-ăn cướp theo đúng nghĩa của từ này, cho nên danh dự (danh diện) của chúng là giả, là danh hão, nhưng chúng đang cố hết sức bám chặt và bảo vệ điều này.
Giờ đây người Tự do, có lương tri dễ dàng đọc thấy trong mắt của nhiều kẻ khoe mình lắm tiền nhiều của, có danh, có chức, có quyền luôn thiếu vắng một cái gì đó quan trọng khi họ công khai hoặc ngầm so sánh mình với người Tự do, có danh dự, đó là sự tự tin. Họ thiếu hoặc không tự tin, vì không có hoặc rất thiếu danh dự-phẩm giá. Đương nhiên, ta không muốn nói đến hoặc không chấp những kẻ giả vờ, cố lên gân và dối trá. Vì những người mà ta nói đến trong đó có những đồng đảng nhưng không phải đồng chí của Trọng, ít ra còn chút lương tri của con người, còn chút lương tâm thoi thóp vẫn đang cắn rứt-nhắc nhở họ, rằng họ vẫn cần điều gì đó quan trọng hơn trong hành trình làm người, của kiếp người của mình, họ vẫn nghĩ về mình trong quan hệ với đất nước, giống nòi, Dân tộc, Nhân dân chứ không chỉ về chế độ, về cái đảng đang lãnh đạo-cai trị họ. Và đó là những dấu hiệu tích cực.
Nhưng chúng ta không thể tin rằng Trọng, đồng đảng của hắn có thể thay đổi chế độ của chúng. Công bằng mà nói, đến lúc này không phải Trọng, nhiều đồng đảng-đồng chí của Trọng không biết đến các giá trị phổ quát của con người như Tự do, công bằng, trung thực, chính danh, danh dự, sáng tạo v.v.., gắn chặt với chế độ dân chủ, không phải Trọng và đồng đảng-đồng chí không thấy từ mái tóc cắt ngắn, bộ vét, chiếc cavạt, đôi dày đen bóng, cho đến chiếc xe hơi, những ngôi nhà với những tiện nghi sang trọng và đầy đủ v.v., (chưa nói đến các phương tiện, máy móc tinh xảo, thông minh được sử dụng trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống), đều là sản phẩm sáng tạo của nền văn minh phương Tây dựa trên Tự do của con người. Tuy nhiên, tất cả những điều này không đủ sức chiến thắng cái danh diện hão của Trọng và đồng đảng-đồng chí của Trọng.
Chính sự hám danh và cái lối học giáo điều đã che mờ, ngăn cản năng lực trí tuệ của Trọng, khiến Trọng không có tư tưởng, học thuyết. Đó là nguồn gốc và bản chất cái lú của Trọng. Vì lú, nên Trọng vớ, nhặt, thậm chí trộm được gì ăn nấy. Thấy người ta nói đến đạo đức, Trọng cũng bảo phải giáo dục “đạo đức”; khi người ta chỉ nói đến chữ “đức” thôi, Trọng lại bảo cần phải có “đức”; thấy người ta nói đến khôn ngoan, Trọng cũng bảo phải “khôn ngoan”; đến khi người ta nói đến ánh bình minh và mây đen, Trọng lại nói “mây đen bao phủ” và “mặt trời đang tỏa sáng” v.v.. Nhưng đã lú thì làm sao phân biệt được mặt trời thực và mặt trời giả. Lú là trạng thái tinh thần điển hình cho thói đu dây-gian manh của Trọng và chế độ.
Nhưng cái lú của Trọng và của cả những nhà lãnh đạo “kiệt xuất” trước kia của đảng đã lan truyền như vius Corona sang cả tổ chức đảng và chế độ mà hiện nay mà Trọng là kẻ đứng đầu. Cả tổ chức hơn 4 triệu đảng viên và thể chế vẫn tin, vẫn cúi đầu tôn phò hắn, thì chắc chắn đó là một đảng, một chế độ lú hoàn toàn. Cũng chính lối học giáo diều cùng với lòng hám lợi đã che mờ, ngăn cản sự phát triển trí tuệ, nhận thức của đảng, chế độ của đảng, khiến cho con đường đi đến lẽ thật của cả hệ thống trở nên lệch lạc và xa vời, con người, nhất là kẻ cầm quyền-quản lý không thể là chủ thể, không thể độc lập trong tư duy-tư tưởng. Đó là những nguyên nhân dẫn đến sự hèn nhát, cam chịu, cúi đầu làm nô lệ cho Tàu Cộng, chấp nhận cùng chung chế độ với Tàu Cộng để tôn thờ-bảo vệ đến cùng cái danh dự-phẩm giá hão huyền. Quả thực, trong cái thể chế này tìm ra một người khác trọng “danh dự” như Trọng để thay Trọng cũng khó chứ đừng nói đến việc thay đổi chế độ.
Vậy, nhân dịp mừng “thọ” - tiễn đưa đảng 90 tuổi và sắp tới sẽ là 75 năm chế độ cộng sản toàn trị, về nơi an nghỉ cuối cùng, tôi viết bài này để nói rõ bản chất của đảng, của chế độ do đảng dựng lên. Xin đừng nhầm lẫn giữa cơ sở kinh tế với chế độ chính trị - xã hội được dựng trên nó. Cái mà đảng chính trị, chế độ chính trị của nó thực sự cần là tinh thần-danh dự (danh diện) chứ không phải lợi ích kinh tế trực tiếp. Cho nên, cần phải vạch rõ cái danh dự mà hiện nay Trọng cũng như đồng đảng-đồng chí của Trọng đang duy trì và cố sức bảo vệ bằng sự dối trá, bằng mọi giá là danh dự-phẩm giá hão huyền.
Qua bài viết này, tôi cũng xin bày tỏ nỗi đau buồn của mình và xin sẻ chia trước những mất mát của người dân Đồng Tâm, với gia đình, người thân của cụ Lê Đình Kinh đã bị kẻ thù của Nhân dân Việt Nam giết hại một cách dã man, tàn bạo. Cần nhớ rằng cũng vào những ngày giờ ấy của năm trước, người dân vườn rau Lộc Hưng đã phải chịu cảnh tang thương khi bị kẻ thù chiếm mất mảnh đất tổ tiên của mình. Kẻ thù của Nhân dân Việt Nam đã bất chấp đạo lý, đạp lên những giá trị truyền thống thiêng liêng là đất đai, mồ mả, tổ tiên. Cho nên, xin thưa cùng người dân Đồng Tâm, bà con vườn rau Lộc Hưng, những người dân mất đất, mất nhà, mất những quyền làm người và tất cả mọi người dân một sự thật là không thể có hoặc bảo vệ được di sản tổ tiên, những quyền của mình chừng nào còn ở dưới sự dẫn dụ của đảng cộng sản và chế độ của nó, rằng lòng yêu nước của Nhân dân ta ngày nay là lòng yêu nước mới gắn liền với quá trình đấu tranh cho Tự do-Dân chủ, ngày nay một người có lương tri chỉ có thể thể hiện lòng yêu nước thực sự của mình bằng cách quyết tâm chống lại và xóa bỏ chế độ cộng sản toàn trị ở Việt Nam.
03.02.2020
(Phần 2. “Đảng cộng sản và chế độ của nó: Công hay tội?”)