Vũ Đông Hà (Danlambao) - Chấm dứt con đường hoạn lộ của Hoàng Trung Hải, Nguyễn Phú Trọng đã đạt được 2 mục tiêu. Một là loại bỏ đối thủ vừa thân Nguyễn Tấn Dũng vừa thân Tàu, có thể có khả năng trong cuộc chạy đua lấy lòng Bắc Kinh và tầm ảnh hưởng vào cuộc tranh ngôi giành ghế trong đại hội 13. Hai là khi tạo chỗ trống ở ghế Bí thư Hà Nội, Nguyễn Phú Trọng đã gia tăng uy thế cho Vương Đình Huệ và từ đó vận động, tạo ảnh hưởng để dọn đường cho đàn em thân tín của mình trở thành một trong tứ trụ chư hầu.
Đàn em Vương Đình Huệ
Trong nhiệm kỳ đầu Tổng Bí thư, Nguyễn Phú Trọng đã ra mặt ủng hộ và vận động cho Vương Đình Huệ (và Nguyễn Bá Thanh) được vào Bộ Chính trị. Vương Đình Huệ lẫn Nguyễn Bá Thanh bị lọt sổ trong đại hội XI vì thua phiếu Nguyễn Thị Kim Ngân và Nguyễn Thiện Nhân.
Tuy nhiên, trong vai trò Tổng Bí thư, bên cạnh trao chức vụ trưởng Ban Nội chính Trung ương cho Nguyễn Bá Thanh, Nguyễn Phú Trọng đã tái lập chức Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và trao cho đàn em Vương Đình Huệ vào tháng 12/2012.
Sang đến đại hội đảng XII, khi Nguyễn Phú Trọng loại trừ được Nguyễn Tấn Dũng, Vương Đình Huệ trở thành Uỷ viên BCT. Sau đó, vào ngày 09/04/2016, Huệ được ngồi vào ghế Phó Thủ tướng, mở lối cho con đường hoạn lộ vào chức vụ thủ tướng trong tương lai.
Với "quá trình và kinh nghiệm" Phó Thủ tướng và bây giờ là Bí thư Hà Nội, Vương Đình Huệ trở thành ứng viên sáng giá của lò Nguyễn Phú Trọng nhằm triệt đường ngồi lại ghế Thủ tướng thêm một nhiệm kỳ của Nguyễn Xuân Phúc nếu Phúc thất bại trong cuộc đua giành ghế Tổng Bí thư với Trần Quốc Vượng.
Đàn em Trần Quốc Vượng
Sau 2 tháng mất tích trên chính trường vì đột quỵ, hình ảnh Nguyễn Phú Trọng xuất hiện nắm tay dìu dắt với Trần Quốc Vượng vào ngày 21/06/2019 là thông điệp mạnh mẽ nhất từ Tổng Tịch về câu hỏi - Ai là đàn em thân tín nhất, là người mà Tổng tịch muốn kế vị chức TBT?
Tương tự như Vương Đình Huệ, cho đến đại hội đảng XII, sau khi loại trừ được Nguyễn Tấn Dũng, đàn em Trần Quốc Vượng của Tổng tịch mới lọt vào Bộ Chính Trị.
Là người từng giữ chức Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân (2007-2011), Trần Quốc Vượng nắm giữ nhiều hồ sơ, thông tin trọng yếu của các cán bộ lãnh đạo đảng và là người cung cấp đạn dược cho Trọng trong cuộc chiến thanh trừng.
Do đó, trong nhiệm kỳ thứ nhất, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã sắp xếp để đàn em Vượng ngồi vào ghế Văn phòng Trung ương đảng. Tiếp đến là Chánh Văn phòng Trung ương - tức là người trợ lý cho TBT. Sau đó là vào Ban Bí thư Trung ương năm 2013.
Sang đến nhiệm kỳ 2 Tổng Bí thư, Nguyễn Phú Trọng tiến cử Trần Quốc Vượng vào các vị trí Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương. Nhằm biến Trần Quốc Vượng trở thành nhân vật số 2 trong đảng, Nguyễn Phú Trọng đã cho Đinh Thế Huynh "mất tích dài hạn" vì bệnh, làm trống ghế Thường trực Ban Bí thư để Trần Quốc Vượng ngồi vào cho đến hết năm 2021.
Tóm lại Nguyễn Phú Trọng đã từng bước "quy hoạch" tên bảo thủ số 2 của Ba Đình là Trần Quốc Vượng trở thành... phó Tổng Bí thư, sẵn sàng kế vị tên bảo thủ số 1 của đảng.
Liên minh Huệ-Vượng - 2 đàn em thân tín của Tổng Tịch
trong buổi lễ nhậm chức Bí thư Hà Nội của Vương Đình Huệ
Ghế Chủ tịch Quốc hội
Nếu cựu Phó thủ tướng và đương kim Bí thư Hà Nội là ứng viên sáng giá cho chức vụ Thủ tướng, nếu Thường trực Ban Bí thư là con bài tẩy cho ghế Tổng Bí thư thì ai sẽ là người Nguyễn Phú Trọng muốn trở thành trụ đồng Mã Viện thứ 3 trong vai trò Chủ tịch Quốc Hội?
Mặc dù Quốc hội vẫn là cánh tay, là công cụ của đảng trong hệ thống toàn trị, nhưng với những biến chuyển của tình hình, với chủ trương gia tăng mị dân về tính chất dân chủ của hệ thống chính trị, và để không bị "việt vị" với Hiến pháp do chính đảng làm ra, Quốc hội thật sự đã đóng một vai trò quan trọng trong việc biến những chủ trương, chính sách của đảng thành luật.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội phải là một "thợ gật" ngoan ngoãn và là một cận thần trung thành và đắc lực của Bắc Kinh. Ứng viên sáng giá của Nguyễn Phú Trọng đáp ứng cho 2 "tiêu chuẩn" này là Nguyễn Thị Kim Ngân - người đã chứng tỏ khả năng gật đầu ngoan ngoãn, cầm cờ chạy trước cho những "chủ trương của Bộ Chính trị" và đã đóng trọn vai trò Ô sin trong chuyến công du Trung Quốc trong lúc quan thầy xâm lấn Bãi Tư chính.
Ai sẽ là Chủ tịch Nước?
Nếu cả 3 cột Tổng Bí thư, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội lọt vào tay 2 đệ tử thân tín và một con hầu dễ sai dễ bảo thì không có lý do gì để Nguyễn Phú Trọng rời ghế... Tổng Thống. Sau một thời gian Nhất Thể Hoá - độc chiếm 2 chức vụ TBT và CTN, Nguyễn Phú Trọng đã từng bước làm cho chức vụ Chủ tịch Nước không còn tính bù nhìn như xưa. Với quyền lực thu về một nhóm, trong tương lai không có gì ngăn cản Nguyễn Phú Trọng sẽ đưa ra những quy định, điều luật, ngay cả sửa đổi hiến pháp để gia tăng quyền hạn Chủ tịch nước, biến ngôi vị này thành kết hợp của nguyên thủ quốc gia + tổng thống + thái thượng hoàng.
Trần Quốc Vượng, Vương Đình Huệ, Nguyễn Thị Kim Ngân, Nguyễn Phú Trọng là bốn cột đồng Mã Viện tốt nhất của thái thú Nguyễn Phú Trọng khi dâng sớ xin Thiên triều chứng giám.
Dĩ nhiên, Trọng muốn không là Trời muốn dù đó là mấy tên trời con ở Tử Cấm Thành. Vẫn còn đó những thế lực thù địch đang ngồi trong Bộ Chính trị, dẫn đầu là Nguyễn Xuân Phúc. Vẫn còn đó là thành phần phản động đang ẩn mình rình rập, dẫn đầu là Ba X đang đóng vai làm người tử tế. Vẫn còn những con vi khuẩn lạ mà các đồng rận phe địch đang âm mưu... truyền nhiễm các đồng chí phe ta.
08.02.2020