Võ Ngọc Ánh (Danlambao) - Ai rồi cũng phải chết. Sau cái chết sẽ là gì? Giải đáp câu hỏi này chính là thái độ giúp mỗi người phải có ý thức sống tốt trong niềm tin vào tôn giáo, để lại cho người sống những giá trị mà người chết đã theo đuổi.
Người ta nhớ đến, ngưỡng mộ Victor Hugo, Mozart, Leonardo de Vinci, anh em nhà Wright, Thomas Edison, Phan Châu Trinh, Nelson Madela, mẹ Teresa Calcutta… không phải bởi họ giàu có, quyền lực trong khi còn sống. Mà bởi chính những giá trị mà họ đã tin, làm việc, cống hiến…
Không phải ai trong số họ cũng có một cuộc đời may mắn, mọi sự đều suôn sẻ. Trước khi trở thành những con người khiến đời sau không thể quên trong thái độ yêu mến, kính phục, học hỏi, họ đã phải sống những tháng ngày khổ cực, bị dè biểu, xa lánh, bị xem như kẻ bị tâm thần… và bị tống vào tù. Nhưng tất cả họ không để cho những khó khăn, nghịch cảnh làm chùn bước trước niềm tin. Vì vậy cả thế giới ngưỡng phục.
Hắn sẽ không liệt kê những đức tính, thái độ làm việc, thành quả của họ ở đây. Bởi vì không thể liệt kê hết trong một bài viết ngắn. Và chỉ khi bạn thật tâm tìm tòi mới thấm sâu vào trong tâm hồn, thúc đẩy suy nghĩ, đến thay đổi hành động.
Cả hắn và bạn đều có thể làm được nhiều điều để thay đổi bản thân, thay đổi xã hội, chia sẻ cho người khác… làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.
Chọn cuộc sống hưởng thụ cái mình làm ra bằng những chuyến đi du lịch, trải nghiệm những dịch vụ sang trọng, hoặc cố gắng tiết kiệm để dành cho con cái… Tất cả điều đó đều không sai, nhưng đó là một sống rất dễ dàng.
Chọn cuộc sống ngoài giời làm, chúi đầu vào tivi, ngồi cà phê, tham gia các hội nhậu… xem ra cũng chẳng sai, nhưng tầm thường.
…
Rồi ai cũng chết.
Sẽ chẳng có mấy ai nhớ những con người như thế sau cái chết của họ trừ những người thân sẽ còn nhớ đến nhiều năm sau. Nhưng cũng chỉ là sự nhắc nhớ, trong gia đình, dòng tộc đã từng có một con người mang tên đó, hơn là nhớ đến những giá trị mà người chết đã mang lại cho cuộc sống.
Bạn và hắn không viết ra được những cuốn sách có tầm vóc như Victor Hugo. Tạo ra những bản nhạc để đời như Mozart. Bức họa như Leonardo de Vinci. Đấu tranh để mang lại sự công bằng như Nelson Madela. Dấn thân, quên mình vì những người bất hạnh như mẹ Teresa Calcutta. Hoặc việc làm còn dang dở như Phan Chu Trinh…
Nhưng bạn và hắn có thể làm được một phần việc của Trần Huỳnh Duy Thức, Pham Doan Trang, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Đôn An Võ, Trịnh Hội… Nếu bạn than, học hành chẳng đến đâu thì vẫn có thể làm được một nông dân Đoàn Văn Vươn dám bảo vệ cái đúng (hắn không khuyến khích bạo lực). Một lão nông Lê Đình Kình dám đối đầu với sự nhập nhằng, ngang trái. Anh bán thủy sản như Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư… không thể làm ngơ trước bất công.
…
Xã hội Việt Nam đang có vô số chất liệu cần bạn dấn thân, chia sẻ để đem lại cuộc sống ấm no, tự do, dân chủ, tốt đẹp hơn.
Đừng chạy theo phù phiếm, tung hô, hãy sống bằng niềm tin.
Gia đình, nhà cầm quyền, xã hội luôn mang đến cho bạn sự sợ hãi. Gia đình phần lớn vì thương yêu, lo lắng. Nhưng nhà cầm quyền, xã hội lại chỉ muốn bạn phải biết khuất phục.
Sợ hãi có thể kéo dài thêm cuộc sống của bạn vài ngày, hoặc nhiều năm nhưng không thể tạo ra giá trị của cuộc sống.
Ai rồi cũng chết.
Chết vì tai nạn, bệnh tật… một quy luật của tự nhiên mà chưa ai có thể vượt qua. Trước dịch bệnh virut Vũ Hán tính mạng con người càng trở nên mong manh bởi một kẻ thù hữu hình, nhưng rất vô hình. Ai cũng lo sợ cho sức khỏe của bản thân, gia đình. Người người gấp rút lo tích trữ lương thực và nhiều thứ thiết yếu khác để tồn tại trong nhiêu ngày.
Nhưng,
Có ít người đủ tỉnh táo chuẩn bị cho sau cái chết. Một thời điểm, cơ hội để nhìn lại chính mình.
Tại sao bạn và tôi không có thái độ sống và hành động để khi nằm xuống khiến nhiều người tiếc thương, nhắc nhớ, bởi sự dám sống, dấn thân để tạo ra những sản phẩm hữu ích, sự thay đổi tốt đẹp.
Chẳng ai muốn mình bị sớm quên đi. Tại sao không sống một cuộc đời ý nghĩa, đáng nhớ, ít ra với chính mình.
22/03/2020