Mẹ Nấm (Danlambao) - Đại dịch viêm phổi do virus Vũ Hán gây ra hoành hành khắp thế giới. Việt Nam trong ngày 20/3 công bố thêm 2 ca nhiễm mới nâng tổng số ca nhiễm lên 87. Trong các bản tin mà báo chí đăng tải ít nhiều sẽ cho người đọc câu trả lời rằng "Việt Nam có giấu dịch hay không?"
Hôm nay Bộ Y tế Việt Nam công bố hai ca nhiễm mới 86, 87. Cả hai bệnh nhân đều là nhân viên điều dưỡng tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Cách công bố thông tin rất mù mờ!
- Ca thứ 86 : điều dưỡng tại phòng khám ngoại trú HIV - Trung tâm nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai đi nghỉ cùng gia đình theo lộ trình Hà Nội - Sài Gòn - Côn Đảo và ngược lại.
Ca nhiễm này đi lại bình thường, không có triệu chứng bệnh, đến ngày 11/3 bị tức ngực đến Viện tim mạch thuộc Bệnh viện Bạch Mai điều trị vì có tiền sử tăng huyết áp. Sáng 19/3 được Viện Tim cho xuất viện thì có tiếp xúc với bệnh nhân số 87 (gặp ở thang máy, ăn trưa, ngủ trưa cùng nhau). Bệnh nhân 86 được xét nghiệm sàng lọc trong ngày 19/3 và dương tính. 11h đêm ngày 19/3 được được đi cách ly.
Bệnh nhân khai báo không nhớ chuyến bay về là chuyện hoang đường. Vì chuyến bay có số hiệu, không nhớ có thể tra. Hành trình du lịch, tiếp xúc dịch tễ của bệnh nhân này nếu không xác định được cũng sẽ là nguy cơ cho cộng đồng.
- Bệnh nhân số 87, là điều dưỡng tiếp đón tại khu cách ly Trung tâm Bệnh nhiệt đới thuộc Bệnh viện Bạch Mai. Ngày 18/3, bệnh nhân có các triệu chứng mệt, ho, sốt và được xét nghiệm tại khoa vi sinh Bệnh viện Bạch Mai, kết quả dương tính. Bệnh nhận được chuyển tới Bệnh viện Nhiệt đới TW cơ sở 2 Đông Anh để cách ly, mẫu bệnh phẩm được gửi tới Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm tiếp lần 2. Tối 19/3, kết quả dương tính.
Thông báo xét nghiệm dương tính lần 1 của bệnh nhân số 87 |
Như vậy ai lây cho ai? Và nếu bệnh nhân số 86 đã xét nghiệm dương tính lần 1 ngày 18/3 như thông báo của BV Bạch Mai thì tại sao ngày 19/3 còn tiếp xúc với bệnh nhân số 87 theo thông tin báo chí?!
Cả hai ca nhiễm này đều phát hiện trong ngày 19/3, nhưng trong bản công bố ca bệnh của Bộ Y tế lúc nửa đêm 19/3 sắp bước qua ngày 20/3 không hề có 2 ca này.
Quay ngược trở lại chút xíu với các ca bệnh được công bố ngày 19/3 (thứ Tư, theo giờ Việt Nam) đánh dấu từ số 77 đến 85.
Ca 77, 78, 79,80 đều có kết quả xét nghiệm dương tính lần 2 trong ngày 18/3 (thứ Ba) nhưng các ca này không được công bố trước đó.
Vì sao?
Tôi không trả lời vì sao được bởi tôi không phải là người quyết định chuyện công bố thông tin.
Nhưng tham khảo ý kiến chuyên môn từ các bác sĩ, chuyên gia xét nghiệm tôi biết rằng có sự tính toán, cân nhắc khi công bố danh sách ca nhiễm.
- Thứ 1: giới hạn số ca nhiễm được công bố mỗi ngày để biểu đồ dịch bệnh không tăng đột biến.
- Thứ 2: phân loại, sàng lọc ca nhiễm từ các chuyến bay nhập cảnh, khách quốc tế để hướng sự chú ý về nguồn bệnh "ngoại nhập".
Hãy nhìn vào danh sách công bố ca nhiễm ngày 18 và 19 để thấy cách mà Bộ Y tế cố tình sàng lọc các ca để cômg bố từ từ kiểu dàn đều ra với mục đích để đồ thị ca nhiễm mới không tăng đột ngột.
Đây là kiểu thống kê lừa đảo!
Quay trở lại với hai ca nhiễm mới trong ngày 20/3 là 86, 87!
Câu hỏi đặt ra nếu 87 lây cho 86 thì cho thấy có hiện tượng lây nhiễm trong bệnh viện. Chuyện này có thể đã thấy ở Vũ Hán, Hồ Bắc và nhiều nơi.
Như vậy là nhân viên y tế bị nhiễm trong khi tiếp xúc bệnh nhân là chuyện đáng để lo trước mắt.
Ngược lại, nếu 86 lây cho 87 thì tình trạng phơi nhiễm, ủ bệnh trong cộng đồng đã có ở Hà Nội, Sài Gòn và Phú Quốc. Đây là chuyện đáng lo hơn.
Theo các chuyên gia, việc xét nghiệm, giải mã gène để xác định ai lây cho ai là chuyện có thể làm được không khó. Nhưng quan trọng là Bộ Y tế có làm hay không? Cũng như hai ca nhiễm 17 và 21 trước đó trên chuyến bay VN54 từ Anh về Nội Bài. Xác định nguồn lây không khó, nhưng cái khó là bảo vệ uy tín của thành viên Hội đồng lý luận Trung ương ra sao.
Việt Nam có giấu dịch hay minh bạch thông tin bay không?
Câu trả lời tuỳ thuộc vào niềm tin mà bạn dành cho chính phủ. Nhưng cứ nhìn cách quảng bá bộ xét nghiệm nhanh cho kết quả chính xác trong vòng 1-2 tiếng với cách mà Tiểu ban truyền thông của Bộ Y tế công bố thông tin sẽ đo lường được quyết tâm chống dịch của nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Hãy nhìn vào việc công bố có chọn lọc, cân nhắc thời gian và hiện tượng lây nhiễm để hiểu chuyện gì đang diễn ra. Niềm tin là thứ được xây dựng dựa trên hành động thực tế đi đôi.
Hãy nhìn vào tất cả các bài báo đã được định hướng và kiểm duyệt rất kỹ bởi Thứ trưởng Y tế được điều từ Ban Tuyên giáo sang. Nếu thật sự nghiêm túc "chống dịch như chống giặc" thì rõ ràng không thể đánh số bệnh nhân có kết quả xét nghiệm sau (là 86) trên số của bệnh nhân có kết quả trước (là 87).
Ca nhiễm số 86 (bênh nhân 54 tuổi) có kết quả ngày 19/3.
Ca nhiễm số 87 (bệnh nhân34 tuổ)i có kết quả trong ngày 18/3 (xem công văn đính kèm) nhưng thông tin báo chí đưa ra không dám khẳng định là 18/3
Họ - Bộ Y tế đã đổi vị trí hai bệnh nhân về thứ tự là có mục đích. Đây có thể được xem là cách làm giảm hay né tránh trách nhiệm trong việc để xảy ra lây nhiễm cho nhân viên y tế. Và mục tiêu lớn hơn "giấu nhẹm" việc ca nhiễm thứ 87 đã bị lây ra sao, bệnh nhân này đã đi những đâu ngoài ca trực, tiếp xúc với ai...
Bệnh nhân thứ 87 (34 tuổi) là một cluster cũng phức tạp và đầy rủi ro. Báo chí đang dẫn dắt và downplay với ca nhiễm này.
Và thay cho lời kết.
Tôi mong các quý cô đang động não làm thơ, các quý anh đang ngạo nghễ tự hào hãy nhìn vào bức ảnh đang gây xúc động đối với cộng đồng mạng. Hình ảnh được cho là của các nhân viên y tế Việt Nam nghỉ xả hơi ngay bên ngoài vỉa hè, cạnh thùng rác.
Hãy nhìn để hiểu sự thiếu thốn, lạc hậu đói nghèo của Việt Nam để nhắc mình nhớ mình đang ở đâu so với thế giới!
Đừng hô khẩu hiệu nữa!
Đất nước còn nghèo nàn và lạc hậu, vì sao?!
Lời cuối cùng xin được chúc bình an đến tất cả những nhân viên y tế - những người ở tuyến đầu dịch bệnh.
Cám ơn những nỗ lực và hy sinh của những người anh hùng thầm lặng!
20.03.2020