Nhìn sự sụp đổ của Cộng Sản Đông Âu để suy gẫm về Việt Nam - Dân Làm Báo

Nhìn sự sụp đổ của Cộng Sản Đông Âu để suy gẫm về Việt Nam

Trần Anh Kiệt (Danlambao) - Chế độ cộng sản được duy trì bằng bạo lực với bộ máy công an mật vụ khổng lồ để đàn áp mọi mầm móng đòi tự do tư tưởng và nền dân chủ đa nguyên. Ở Romania có Securitate, Đông Đức có Stasi, Liên-xô có KGB. Bộ Công An ở Bulgaria, Ba-lan, Tiệp Khắc có chữ viết tắt là DS, SB, STB từng gieo rắc kinh hoàng trong dân chúng. Nhưng khát vọng tự do của con người vẫn tiềm tàng chờ ngày bùng nổ. Thời điểm đó là vào cuối năm 1989. 

Vào thời kỳ nầy, nước đông dân nhất ở Đông Âu là Ba-lan nhưng nước có mức sống cao nhất là Tiệp Khắc, nơi có truyền thống kỹ nghệ lâu đời. Sau đó mới đến Hungary và Đông Đức. Lúc ấy, tổng sản lượng nội địa chia cho mỗi đầu người (GDP per capita) của các nước cộng sản chưa bằng 1/3 của Mỹ hay 1/2 của các nước Tây Âu hay Bắc Âu. Đến 30 năm sau, dù đã thoát khỏi chế độ cộng sản, sự cách biệt nầy vẫn khó thể san bằng vì di sản của cộng sản quá nặng nề. 


Trong thập niên 1980, các nước cộng sản Đông Âu đã tỏ ra bất lực không thể giải quyết nổi những khó khăn chính trị, kinh tế, xã hội: máy móc sản xuất kỹ nghệ lỗi thời, kỹ thuật chậm tiến, hành chánh quan liêu, cán bộ nhà nước tham nhũng, vơ vét tài nguyên của quốc gia, hạn chế tự do, đàn áp bất đồng chính kiến bằng bộ máy công-an khổng lồ, chà đạp nhân quyền. 

Từ thập niên 60, nhà bất đồng chính kiến Liên-Xô Andreï Amalrik đã tiên đoán chế độ cộng sản sẽ sụp đổ vì các khuyết điểm cơ cấu nói trên. Đã có nhiều cố gắng canh tân, sửa đổi nhưng bị giới hạn vì không thể dung hòa được tính chuyên chế, độc tôn của chủ nghĩa cộng sản với hiệu năng kinh tế.

Lên nắm quyền năm 1985 tại Liên-Xô, Michaïl Gorbachev đã đưa ra một lập trường tiến bộ với chủ trương “Perestroïka” và “Glasnost ”. Perestroïka tiếng Nga có nghĩa là tái thiết, tái cơ cấu, theo ba trục chính: phát triển kinh tế, phát triển dân chủ, tăng cường đạo đức. Glasnost tiếng Nga có nghĩa là minh bạch. Theo chủ trương nầy, Gorbatchev trả cho người dân Liên-Xô quyền tự do tư tưởng: tự do phát biểu, tự do thông tin, tự do lập hội. Hàng ngàn tù nhân chính trị được thả ra từ trại tù Goulag. 

Kiểm soát tư tưởng là cột xương sống của chế độ cộng sản. Nay xóa bỏ nó đi, Gorbatchev đã gián tiếp khơi mào cho việc khai tử chế độ nầy. Về đối ngoại, trong bài diễn văn đọc trước Liên Hiệp Quốc ngày 7 tháng 12 năm 1988, ông tuyên bố cắt giảm số quân đóng ở Âu Châu và quả quyết: “Sử dụng sức mạnh quân sự không thể là công cụ yểm trợ cho chính sách ngoại giao (...) và nguyên tắc tự do chọn lựa là nguyên tắc toàn cầu không có ngoại lệ.” Đường lối mới nầy chôn vùi chủ thuyết Brejnev, dùng quân đội đàn áp các cuộc nổi dậy đã từng xảy ra ở Tiệp Khắc năm 1968 và ở Hungary năm 1956. Đường lối mới này cũng được Gorbachev xác định mạnh mẽ một lần nữa trong bài diễn văn ngày 6 tháng 7, 1989, đọc trước Hội đồng Âu Châu, gồm thành viên cộng sản trong Minh ước Varsovie (Warsaw Pact).

Và Gorbachev đã giữ lời hứa, không can thiệp vào các cuộc nổi dậy làm sụp đổ các chế độ cộng sản ở Đông Âu bắt đầu vào những tháng cuối năm 1989. Về điểm nầy, thế giới tự do phải tri ân Gorbachev. Tuy không phải là người chống cộng quyết liệt như Boris Yeltsine, nhưng ông không áp dụng chính sách đàn áp tàn bạo theo chủ trương của Kroutchev và Brejnev nên con đường dẫn đến tự do cho Đông Âu không gặp trở ngại. Ta không nên quên rằng lúc bức tường Bá-linh sụp đổ có 350.000 quân Liên-xô đóng ở Đông Đức nhưng không can thiệp. Và trong suốt thời gian mười một tháng Tây Đức và Đông Đức thương thuyết để thống nhất, Liên-xô không gây trở ngại. Trong sự nhường nhịn nầy có một phần do nguyên nhân tài chánh: Liên-xô cần Tây Đức yểm trợ tài chánh cho các dự án phát triển kinh tế.

Hungary (Hongrie -Hung-gia-lợi) 

Nước đi tiên phong chấm dứt chế độ cộng sản là Hungary. Người dân nước nầy đã đổ nhiều xương máu trong cuộc nổi loạn năm 1956, bị Liên-xô đàn áp triệt để. Thủ tướng Imre Nagy bị bắt và bị tử hình. Ông không phải là người khởi xướng nhưng là người đồng tình với cuộc nổi loạn muốn thiết lập một chế độ nhân bản, có tình người. Hai trăm ngàn người Hungary trốn chạy, được các nước Tây phương đón nhận.

Có lẽ biến cố lịch sử này đóng góp phần nào vào việc hình thành trong Đảng Cộng sản Hungary một nhóm người ôn hòa muốn canh tân, dần dần lên nắm quyền lực. Tháng 2, 1989, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Hungary (có tên gọi là Đảng Xã hội công nhân) chấp nhận sửa đổi Hiến pháp, hủy bỏ sự lãnh đạo độc tôn của Đảng Cộng sản và đặt nền tảng chính trị trên nguyên tắc đa nguyên và bầu cử tự do. Tháng 3, 1989, Quốc hội chấp thuận dự luật cho phép đình công. Đảng Cộng sản cùng hai đảng đối lập họp bàn tròn thỏa hiệp lịch trình bầu cử tự do Quốc hội và Tổng Thống. Tháng 10, 1989, Đảng Cộng sản Hungary tự giải tán và thành lập Đảng Xã hội. Nước Cộng hòa nhân dân Hungary được đổi tên thành Đệ tam Cộng hòa Hungary. Trong cuộc bầu cử tháng 4, 1990, hai đảng đối lập cánh hữu thắng cử lên nắm chính quyền. Chế độ cộng sản chấm dứt.

Tiệp Khắc (Czecoslovakia - Tchécoslovaquie)

Tại Tiệp-khắc vào Mùa Xuân ở Prague năm 1968 cũng đã có cuộc nổi dậy như ở Hungary, dưới sự lãnh đạo của Tổng bí thư Đảng Cộng sản, Alexander Dubcek, người muốn lập một chế độ xã hội chủ nghĩa có tình người. Liên-xô huy động 400.000 quân đến đàn áp. Dubcek bị truất phế, trở thành công nhân quét lá ở công viên cho đến ngày cộng sản sụp đổ. 

Việc lật đổ cộng sản ở Tiệp-khắc được gọi là Cách mạng Nhung vì nó xảy ra êm ái, dưới sự lãnh đạo của một nhóm trí thức với lãnh tụ là Vaclav Havel. Chế độ cộng sản bị lật đổ trong vòng 13 ngày. Bắt đầu từ ngày 17 tháng 11, 1989, 50.000 sinh viên học sinh tụ họp kỷ niệm ngày một thanh niên Tiệp-khắc bị phát-xít Đức bắn chết năm 1939. Họ la to khẩu hiệu: Tự do, Dân ở Prague hãy nổi dậy. 

Tin đồn có một người bị bắn chết gây phản ứng mạnh. Toàn bộ sinh viên học sinh bãi khóa. Liên tiếp mỗi ngày có từ 100.000 đến 200.000 người đi biểu tình. Alexander Dubcek, người hùng của Mùa Xuân ở Prague 1968, xuất hiện cùng Vaclav Havel yêu cầu chính phủ từ chức.

Ngày 24, Ủy ban trung ương Đảng Cộng sản họp kín, toàn thể Bộ Chính trị từ chức. Ngày 28, Thủ tướng Adamec tuyên bố chấp nhận đa nguyên chính trị và thành lập chính phủ mới. Ngày 29, Quốc hội biểu quyết hủy bỏ Điều 4 Hiến pháp (Đảng Cộng sản lãnh đạo quốc gia và xã hội). Điều 16 được sửa đổi: nền giáo dục và văn hóa không dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin mà dựa trên tinh thần nhân bản và lòng ái quốc. Ngày 10 tháng 12, 1989, chính phủ không cộng sản đầu tiên được thành lập. Ngày 28 tháng 12, 1989, Alexander Dubcek được bầu làm Chủ tịch Quốc hội và Vaclav Havel được bầu làm Tổng thống. Chế độ cộng sản chấm dứt.

Ba-lan (Poland)

Ba-lan đi đầu trong cuộc nổi dậy chống cộng nhưng lại đến sau trong việc thành hình chế độ dân chủ toàn diện vì thời gian chuyển tiếp chia sẻ quyền lực với cộng sản. Sự gia tăng 40% giá thực phẩm và 60% giá sản phẩm dầu hỏa đã khơi mào cho sự nổi dậy của sinh viên và công nhân, từ đầu năm 1988. Sự đình công của Nghiệp đoàn công nhân Solidanosc (Đoàn kết), công nhân đóng tàu ở Gdansk, được nối tiếp bằng công nhân ngành thép, công nhân mỏ than đã làm cho chính quyền cộng sản nhượng bộ, chấp nhận hợp thức hóa Solidanosc và cho bầu cử bán- tự-do: bầu 100 ghế Thượng viện và 161 trên tổng số 460 ghế Hạ viện. Solidanosc chiếm toàn bộ số ghế được bầu. Vào tháng 8, 1989, Lech Walesa, thủ lãnh Solidanosc và tướng Jaruzelski lãnh tụ cộng sản thỏa hiệp để Tadeusz Mazowiecki, đại diện Solidanosc làm Thủ tướng và Jaruzekski làm Chủ tịch nước. Hơn một năm sau, vào tháng 12 năm 1990, trước làn sóng chống cộng mãnh liệt, Jaruzelski từ chức, Lech Walesa được bầu làm Tổng thống, chấm dứt chế độ cộng sản ở Ba-lan.

Đông Đức (Cộng hòa dân chủ Đức)

Tại Đông Đức, bức tường Bá-linh không ngăn chận được hàng chục ngàn người trốn chạy bằng cách đi Hungary rồi qua nước Áo bằng đường biên giới được mở cửa. Hàng ngàn người đến Tiệp Khắc chạy vào sứ quán Tây Đức xin tị-nạn. Chính phủ Tiệp Khắc phải tổ chức đưa họ đến Tây Đức bằng đường xe lửa đặc biệt.

Ngày 9 tháng 11, 1989, tin mở cửa biên giới Đông-Tây Đức được loan truyền. Hàng ngàn người đổ xô đến bức tường Bá-linh. Cảnh sát giữ biên giới không nhận được chỉ thị từ cấp trên, liên lạc hỏi ý kiến Liên-xô và được trả lời “không trấn áp”. Đoàn người hăng say phá vỡ bức tường Bá-linh trong một đêm, mở cửa biên giới qua Tây Bá-linh. Bức màn sắt của chế độ cộng sản đã sụp đổ.

Ngày 1 tháng 12, 1989, Quốc hội Đông Đức hủy bỏ Điều khoản trong Hiến pháp cho phép Đảng Cộng sản độc tôn lãnh đạo đất nước. Tháng 2, 1990, Tổng bí thư và toàn bộ ban chấp hành Đảng Cộng sản từ chức. Đảng Cộng sản tuyên bố tự giải tán và thành lập Đảng Xã hội dân chủ.

Ngày 18 tháng 3, 1990, trong cuộc bầu cử tự do tại Đông Đức, Liên minh cánh hữu bảo thủ gồm Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) và 2 đảng khác được 48% số phiếu, Đảng Dân chủ xã hội (SPD) 22% số phiếu, và Đảng Xã hội dân chủ hậu thân của đảng cộng sản SED chiếm 16%. 

Ngày 3 tháng 10 năm 1990, nước Đức chính thức thống nhất, chỉ 11 tháng sau khi bức tường Bá-linh sụp đổ.

Bulgaria 

Bulgaria là đứa học trò ngoan của Liên-xô. Khi Gorbachev lên cầm quyền năm 1985, trong nội bộ Đảng Cộng sản Bulgaria phát sinh một nhóm muốn canh tân theo gương Perestroïka và Glasnost của Gorbachev.

Tháng 10, 1989, nổ ra sự đối kháng ở thượng tầng. Tổng trưởng ngoại giao Petar Mladenov bất đồng ý kiến với Tổng bí thư Todor Jikov về vụ đàn áp công dân gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Jikov là người nắm vận mệnh Đảng Cộng sản suốt 35 năm. Jikov bị buộc từ chức tháng 11 năm 1989 dưới áp lực của nhóm canh tân trong ấy có Andrei Lukanov, được Liên-xô ủng hộ. Petar Mladenov lên thay thế Jikov.

Tháng 12, 1989, Lực lượng Dân chủ thống nhất Bulgaria ra đời, tập hợp các phong trào chống cộng. Vài ngày sau, họ tổ chức những cuộc biểu tình qui mô lớn. Dưới áp lực nầy, Ủy ban trung ương Đảng Cộng sản khai trừ Jikov, Mladenov và chấp thuận tổ chức bầu cử tự do. Ngày 15 tháng 1, 1990, Quốc hội hủy bỏ điều khoản trong Hiến pháp về sự lãnh đạo độc tôn của Đảng Cộng sản mở đường cho đa đảng. Hội nghị bàn tròn giữa chính quyền cộng sản và đối lập bắt đầu. Đầu tháng 2, Đại hội Đảng Cộng sản kết thúc bằng quyết nghị chấp thuận đa đảng nhưng không từ bỏ đường lối mác-xít. Andrei Lukanov trong nhóm canh tân trở thành thủ tướng và thành lập một chính phủ hoàn toàn cộng sản. Sách lược của họ là cho phép đa đảng và hứa hẹn kinh tế thị trường. Tuy nhiên, quần chúng, được khuyến khích bằng các biến chuyển của các nước lân cận, đòi hỏi dân chủ hóa thật sự và bầu cử tự do. 

Ngày 25 tháng 2, cuộc biểu tình lớn nhất lịch sử xảy ra tại Sofia, thủ đô Bulgaria. Lực lượng Dân chủ thống nhất tố cáo cộng sản bội ước sau hội nghị bàn tròn tháng 1. Cuối tháng 3, hội nghị bàn tròn mới đi đến thỏa hiệp là sẽ tổ chức bầu cử tự do Quốc hội và thay đổi Hiến pháp. Đầu tháng 4, Đảng Cộng sản đổi tên là Đảng Xã hội, từ bỏ mọi ám chỉ đến chủ nghĩa Mác-Lênin. Giữa tháng 6, 1990, trong cuộc bầu cử tự do Quốc hội, Đảng Xã hội (CS cũ) chiếm đa số. Lukanov tiếp tục làm thủ tướng. Sách lược của nhóm cộng sản canh tân dường như đã thành công.

Tuy nhiên áp lực quần chúng gia tăng do cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Vào 15 tháng 11, 1990, quốc hội biểu quyết đổi tên Cộng hòa nhân dân Bulgaria thành Cộng hòa Bulgaria. Tuy nhiên, dù chiếm đa số trong Quốc hội, Đảng Xã hội vẫn bị quần chúng từ bỏ vì quá khứ cộng sản và vì những bất đồng về cải cách kinh tế. Thêm vào đó, cựu Tổng bí thư Đảng Cộng sản trong 35 năm, Todor Jikov, bị truy tố về tội biển thủ tài sản quốc gia. 

Ngày 13 tháng 7, 1990, một Hiến pháp mới được ban hành. Cộng hòa Bulgaria sẽ theo chế độ đại nghị, đa đảng, tam quyền phân lập, đầu phiếu phổ thông chức vị Tổng thống. Trong cuộc bầu Quốc hội mới, Lực lượng Dân chủ thống nhất chiếm đa số và thành lập chính phủ liên hiệp với Phong trào Tự do và Dân quyền. Thủ tướng là Filip Dimitrov, nhận nhiệm vụ ngày 8 tháng 11, 1991.

Romania

Sự sụp đổ của cộng sản Romania gồm hai giai đoạn: lật đổ nhà độc tài cộng sản Nicolae Ceaucescu và sau đó, lật đổ nhóm cộng sản cầm quyền thay Ceaucescu. Thời gian chuyển tiếp kéo dài gần 2 năm dưới sự lãnh đạo của nhóm cộng sản mới.

Nicolae Ceaucescu làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản từ năm 1965 và trở thành Chủ tịch nước Cộng hòa xả hội Romania từ 1974. Ông và vợ Elena tóm thâu mọi quyền lực, dùng công an mật vụ (Securitate) đàn áp mọi tiếng nói đối lập. 

Xáo trộn xả hội bắt đầu vào cuối năm 1987 khi 15.000 công nhân sản xuất xe hơi tại Brasov đình công, chống việc giảm lương và sự thiếu thốn thực phẩm. Dân chúng nổi lên đập phá trụ sở địa phương của Đảng Cộng sản và cướp kho lương thực. Quân đội được huy động để đàn áp.

Ngày 1 tháng 3 năm 1989, 6 cựu lãnh tụ Đảng Cộng sản bị Ceaucescu khai trừ, công bố một bức thư phản đối sự lạm quyền của Ceaucescu, buộc tội ông hủy hoại xứ sở, làm mất niềm tin vào chủ nghĩa xã hội. Bức thư nầy khơi mào cho sự sụp đổ của Ceaucescu 10 tháng sau.

Sự lật đổ Ceaucescu chỉ diễn biến trong vài ngày, từ 17 đến 25 tháng 12 năm 1989. Nó kết hợp sự bất mãn của dân chúng và âm mưu của quan chức Đảng Cộng sản và quân đội, những người nầy bị báo động bởi sự sụp đổ chế độ cộng sản ở các nước láng giềng nên muốn làm một cuộc đảo chính bề ngoài tuân theo ý dân nhưng thực chất là để tự cứu mình, nắm quyền để duy trì chế độ cộng sản. Tập họp chung quanh Ion Iliescu và Petre Roman gồm có các tướng lảnh quân đội, cơ quan mật vụ Securitate một số quan chức cao cấp Đảng Cộng sản, họ thành lập một tổ chức gọi là Mặt trận cứu quốc. 

Ngày 17 tháng 12, 1989, các cuộc biểu tình diễn ra ở Timisoara, sau khi có quyết định trục xuất mục sư Laszlo Tokes, gốc Hungary. Quân đội nổ súng. Tin loan truyền có rất đông người chết, làm kích động quần chúng

Từ Iran trở về, ngày 21 tháng 12, 1989, Ceaucescu tổ chức biểu tình ủng hộ chế độ nhưng lại đối diện sự la hét phản đối của đoàn biểu tình mà mật vụ không can thiệp. Ngày hôm sau trụ sở Trung ương Đảng cộng sản bị tấn công. Bị quan chức cộng sản bỏ rơi, Ceaucescu bỏ trốn. Ion Iliescu và Petre Roman, nhân danh Mặt trận cứu quốc lên nắm chính quyền. Ngày 25 tháng 12, Ceaucescu và vợ Elena bị bắt và xử tử hình. Ngay sau đó lại có sự đụng độ đẫm máu giửa dân chúng và quân đội, cả hai đều tưởng mình tranh đấu cho cách mạng vì Iliescu lên truyền hình tuyên bố là “bọn khủng bố, dư đảng của Ceaucescu muốn tàn phá quốc gia bằng máu, lửa”.

Khi “Mặt trận cứu quốc” lên nắm hết quyền lãnh đạo mọi cơ cấu quốc gia, không ai tìm ra được tên “khủng bố nào”. Ba mươi năm sau, lịch sử vẫn còn tranh cãi về biến cố năm 1989. Nó có phải là cách mạng thật sự hay chỉ là cuộc đảo chánh do Iliescu và Mặt trận cứu quốc thực hiện, gây đổ máu để cho thấy họ là người duy nhất có thể ổn định xứ sở. Sau cùng, ngày 29 tháng 11 năm 2019, Iliescu bị đem ra xét xử với tội danh “ tội ác chống nhân loại”.

Tại Romania, cũng như tại Albany, sự chuyển tiếp từ chế độ độc tài cộng sản sang nền dân chủ, đa nguyên, do các cựu đảng viên cộng sản thực hiện vì trong nước không có lực lượng đối lập do sự đàn áp triệt để của cộng sản trong mấy thập niên. Sau khi lật đổ Ceaucescu, Mặt trận Cứu quốc được xem như là tổ chức tạm thời để chuyển tiếp qua nền dân chủ và bầu cử tự do. Petre Roman làm Thủ tướng. Cộng hòa xã hội Romania đổi tên thành Romania, chế độ Cộng hòa, hủy bỏ vai trò lãnh đạo của cộng sản.

Tháng 2, 1990, Mặt trận Cứu quốc cùng các đảng phái chính trị thành lập Hội đồng đoàn kết quốc gia (CNI), gồm 180 người giữ vai trò Quốc hội tạm thời trước khi bầu cử vào tháng 5, 1990. Hội đồng nầy bầu Ủy ban hành pháp 21 người do Iliescu làm Chủ tịch.

Vào tháng 3, 1990, nhóm đối lập do George Serban cầm đầu ra tuyên ngôn Timisoara 13 điểm yêu cầu chính yếu là cấm tạm thời các cấp chỉ huy Đảng Cộng sản và cựu sĩ quan mật vụ Securitate ra ứng cử trong cuộc bầu cử tháng 5, 1990. Các người đối lập phải đối diện những thủ đoạn đe dọa và bịt miệng được thực hiện như thời Ceaucescu. Mặt trận Cứu quốc đã thắng cử và Iliescu đắc cử Tổng thống với 84% số phiếu. Petre Roman thành lập chính phủ.

Tuy nhiên, từ ngày 13 đến 15 tháng 6, nhiều cuộc biểu tình lớn của dân chúng xảy ra ở thủ đô Bucarest và chạm trán dữ dội với cảnh sát. Nhà nước tổ chức phản biểu tình, đem công nhân hầm mỏ vùng xa về nuôi ăn ở, trang bị gậy gộc để hành hung người biểu tình. Tháng 12, 1990, tại Timisoara, mục sư Laszlo Tokes tổ chức biểu tình bất bạo động khoảng vài ngàn người nhân kỷ niệm một năm ngày nổi dậy lật đổ Ceaucescu. Ông kêu gọi cách mạng lần thứ hai.

Ngày 28 tháng 9, 1991, công nhân hầm mỏ ở thung lủng Jiu biểu tình, lần nầy chống chính quyền. Thủ tướng Petre Roman từ chức, Theodor Stolojan thay thế lập chính phủ liên hiệp với Đảng Quốc gia tự do. Ngày 21 tháng 11, 1991, một Hiến pháp mới được Quốc hội chấp thuận với 414 phiếu thuận và 95 phiếu chống và được chính thức ban hành sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 8 tháng 12, 1991. Chế độ cộng sản hoàn toàn chấm dứt.

Albania (Cộng hòa nhân dân xã hội Albania)

Albania là nước nhỏ và nghèo nhất Đông Âu, rất trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, thực hành chuyên chế khắc nghiệt theo kiểu Staline. Vì thế làn sóng cách mạng lật đổ cộng sản đến Albania trễ hơn một năm so với các nước láng giếng. Sự chống đối chế độ cộng sản bắt nguồn từ giới trẻ.

Từ ngày 9 tháng 12, 1990, các cuộc biểu tình của sinh viên và công nhân tại thủ đô Tirana lan rộng đến các tỉnh thành khác, đòi hỏi thiết lập một chế độ đại nghị, chính trị đa nguyên, và cải tổ cơ cấu kinh tế. Đáp lại các yêu sách trên, chính phủ tuyên bố chấp thuận cho thành lập các đảng phái chính trị độc lập, sẽ giải tán Quốc hội và cho bầu cử trong một thời gian ngắn. Đảng Dân chủ Albania là đảng đối lập đầu tiên đăng ký chính thức. Tháng 1, 1991, ba ngàn tù nhân chính trị được thả.

Ngày 21 tháng 12, 1991, 100.000 người tụ họp tại quảng trường Scanderbeg đạp đổ bức tượng của Enver Hoxha, cựu Tổng bí thư Đảng lao động, được mệnh danh là Staline của Albania. Tuy thế, Đảng lao động cầm quyền vẫn thắng cuộc bầu cử đa nguyên tháng 3 năm 1991, nhờ lá phiếu ở nông thôn, nơi mà sự sợ hãi chính quyền cộng sản vẫn tồn tại. 

Một phần rất lớn dân chúng không chấp nhận kết quả bầu cử. Ngày 2 tháng 4, 1991, tại Shkodër, đoàn biểu tình đốt cháy trụ sở Đảng lao động. Cành sát bắn chết 4 người và bị thương 50 người. Với sự ủng hộ của các nghiệp đoàn công nhân vừa mới thành lập, Đảng dân chủ tổ chức tổng đình công ngày 6 tháng 4, làm tê liệt nền kinh tế cả nước. Trong tình trạng xáo trộn này, Quốc hội mới được bầu cho ra một Hiến pháp tạm thời, loại bỏ mọi điều khoản liên quan đến chủ nghĩa xã hội và thiết lập các định chế dân chủ. 

Cộng sản không còn nắm vững tình hình vì đã mất sự ủng hộ của công nhân và các địa phương. Ngày 12 tháng 6, một chính phủ liên hiệp được thành lập gồm 12 tổng trưởng cộng sản và 12 tổng trưởng thuộc phe đối lập với Illi Bufi làm Thủ tướng. Đảng Lao động tự giải tán và đổi tên thành Đảng Xã hội.

Tháng 1, 1992, Đảng Dân chủ rút khỏi liên minh chính phủ, phát động cuộc bầu cử mới ngày 22 tháng 3, 1992. Trong cuộc bầu cử nầy Đảng dân chủ chiếm 92 ghế trên 140. Tổng thống Ramiz Alia từ chức. Ngày 9 tháng 4, 1992, Sali Berisha được quốc hội bầu làm Tổng thống Albania, ông là người đầu tiên được bầu lên trong thể chế dân chủ.

Suy gẫm về Việt Nam

Machiavel, nhà văn và nhà chính trị nước Ý đã viết: “Muốn dự đoán tương lai ta phải biết quá khứ vì các biến cố trên thế giới ở mọi thời đại đều có tương quan với thời đại đến trước.” Vậy ta hãy nhìn gương Đông Âu để suy gẫm về Việt Nam. 

Trước khi sụp đổ, các nước cộng sản Đông Âu đều có một đặc tính chung: máy móc sản xuất kỷ nghệ lỗi thời, kỹ thuật chậm tiến, hành chánh quan liêu, cán bộ nhà nước tham nhũng, vơ vét tài nguyên quốc gia, hạn chế tự do, đàn áp bất đồng chính kiến bằng bộ máy công an khổng lồ, chà đạp nhân quyền.

Các đặc điểm trên đều hiện diện trong chế độ cộng sản VN ngày nay. Bộ công-an của CSVN độc ác không thua các đàn anh Securitate, Stasi, KGB. Biết bao người dân vô tội đã bỏ mình vì bị tra khảo trong đồn công an. Gần đây nhất là vụ tấn công vào xã Đồng Tâm, thảm sát cụ Lê Đình Kình. Tiếp tay với công an là hệ thống toà án theo lệnh đảng kêu án hàng chục năm tù những blogger có can đảm nói lên sự áp bức, tham nhũng và nô lệ Tàu cộng.

Nhiều lãnh tụ cộng sản vẫn mù quáng đến phút chót, nghĩ rằng bạo lực khuất phục được con người mãi mãi. Eric Honecker của Đông Đức, trong lễ kỷ niệm 40 năm thành lập chế độ cộng sản đã tuyên bố rằng bức tường Bá-linh sẽ vĩnh viễn trường tồn. Nhưng chỉ vài tuần lễ sau, nó sụp đổ. Nicolae Ceaucescu của Romania, say sưa với với quyền lực, với tôn sùng cá nhân, đã bị lật đổ trong 8 ngày và đã phải cùng vợ lãnh án tử hình, bỏ dở dang công trình xây dựng cung điện cho mình, “Tòa nhà nhân dân”, lớn gấp ba lâu đài Versailles của Pháp.

Nguyễn Phú Trọng ở VN cũng mang tâm trạng kiêu ngạo như hai đàn anh đó: “Chỉ có Đảng cộng sản mới có đủ bản lĩnh lãnh đạo đất nước”, “ chưa có đảng cầm quyền nào được trân quý như Đảng cộng sản VN”. Sống với cộng sản, ai cũng biết là những gì họ la to bằng khẩu hiệu là những thứ không có: tự do, dân chủ, đảng quang vinh, đỉnh cao trí tuệ của loài người. Câu sau nầy dùng để che dấu cái ngu dốt của các đồng chí Bộ chính trị và Trung ương đảng. Những lời kiêu ngạo kia tiềm ẩn một tâm trạng lo âu cho sự sụp đổ bất ngờ của một chủ nghĩa đã bị nhân loại đào thải. Do đó họ phải dùng bạo lực đàn áp triệt để tự do tư tưởng bằng nhiều biện pháp: kiểm soát internet, lập lực lượng dư luận viên phản biện, vỗ béo công an, quân đội bằng tham nhũng, kinh doanh mờ ám, bỏ tù nặng bloggers, rút giấy phép hành nghề ký giả không theo lề đảng một cách tuyệt đối. Cộng sản VN hiểu rằng khi không còn kiểm soát được tư tưởng và kiểm soát thông tin thì là ngày tàn của họ. Nhưng internet như ánh sáng mặt trời, bàn tay nào có thể che nó được. Gương cách mạng hoa lài ở Tunisie và mùa xuân Ả rập vẫn còn đó. 

Cộng sản VN chắc chắn sẽ sụp đổ như các nước Đông Âu. Nhưng dưới hình thức nào? Yếu tố khởi động là gì? Lực lượng khởi động là ai? 

Yếu tố khởi động là khủng hoảng kinh tế và đàn áp chính trị. Tại Ba-lan, sự gia tăng 40% giá thực phẩm và 60% giá sản phẩm dầu hỏa khởi động các cuộc đình công của công nhân ở Ba-lan. Tại Tiệp Khắc, sự đàn áp đoàn biểu tình của 50.000 sinh viên học sinh đã gây phản ứng dây chuyền chấm dứt chế độ cộng sản trong 13 ngày. Tại VN, sự sụp đổ của cộng sản cũng sẽ không thoát khỏi qui luật nầy. 

Về kinh tế, VN bị tụt hậu nặng nề so với các nước Á Châu, nhưng được nuôi dưỡng cầm hơi bằng 3 nguồn ngoại tệ ước lượng 30 tỷ đô la: - do buôn dân (gởi dân làm lao-nô và ô-sin trên toàn thế giới, phụ nữ lấy chồng Hàn, Đài làm kế mưu sinh) - khai thác dầu hỏa, - tiền gởi về của người Việt hải ngoại. Khi các nguồn tài chánh kia bị thu hẹp và sự xuất cảng nông sản, hải sản, gặp trở ngại thì khủng hoảng kinh tế sẽ xảy ra.

Về chính trị, yếu tố khởi động sẽ bắt nguồn từ sự đàn áp do khiếu kiện đất đai, tố cáo tham nhũng, phản đối nô lệ Tàu cộng, mất chủ quyền biển đảo. Đã có những nhúm lửa được đốt lên qua vụ ba đặc khu, cưỡng chế đất Đồng Tâm. Ngọn lửa chỉ bị dập tắt tạm thời nhưng nó sẽ bùng lên khi lực lượng khởi động đủ mạnh. 

Kinh nghiệm ở Đông Âu cho thấy có 3 lực lượng khởi động: sinh viên, công nhân và trí thức. Tại VN, cả ba thành phần nầy đều rất nhạy cảm với tệ trạng tham nhũng và nô lệ Tàu cộng. Nó sẽ biến thành sức mạnh và lan rộng khi có sự đàn áp, có máu đổ. Quá khứ cho thấy, CSVN sẽ đàn áp các cuộc biểu tình chống Tàu cộng vì mất chủ quyền biển đảo, vì ngư dân không còn đường sống ở biển khơi. Nếu nó đi đôi với khủng hoảng kinh tế, thì cách mạng lật đổ CS sẽ bùng nổ.

Nhưng cộng sản sẽ sụp đổ với hình thức nào khi công nhân bị trói tay trong các công đoàn do Đảng kiểm soát, trí thức phản biện còn quá ít, giới trẻ còn chìm đắm trong men bia, đá bóng? 

Nhìn hiện trạng Đảng Cộng sản VN, ta không thấy có khuynh hướng ôn hòa trong đảng như ở Hungary, Tiệp khắc để có một cuộc Cách mạng Nhung. Hơn nữa không có một lực lượng chính trị đối lập công khai như Nghiệp đoàn Solidarnosc ở Balan. Do đó, sự sụp đổ của cộng sản VN có thể phải qua hai giai đoạn như ở Romania. “Cộng sản trá hình cách mạng” sẽ lật đổ cộng sản đương quyền để lấy lòng người dân và để duy trì quyền lực cộng sản như nhóm Iliescu. Sau sự lật đổ nầy, chắc chắn một số quyền tự do sẽ được cộng sản hé mở như tự do nghiệp đoàn và chấp nhận đối lập. Cánh cửa hé mở nầy là động lực làm cho nhân dân bớt sợ công an, những lực lượng đối lập lớn dần để tạo ra một phong trào lật đổ cộng sản vĩnh viễn. Tại Romania, hai giai đoạn nầy chỉ cách nhau 2 năm.

Lịch sử Đông Âu cho thấy rằng tiến trình dẫn đến đến sự sụp đổ của cộng sản đều qua giai đoạn thiết yếu: hủy bỏ sự lãnh đạo độc tôn của Đảng cộng sản, công nhận chính trị đa nguyên, bầu cử tự do. Cộng sản VN ý thức được điều nầy nên vẫn khăng khăng bảo vệ Điều 4 Hiến pháp và chế độ “Đảng cử, dân bầu”. Ngày nào có bầu cử tự do là ngày cáo chung của cộng sản. 

28.04.2020




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo