Tiếng mẹ ru từ lúc nằm nôi...
...thành tiếng lòng tôi...
Nước ơi...
Mẹ ruột tôi. Một mẹ quê. Không chân lấm tay bùn. Nhưng, quê. Không ở chốn “ kinh kỳ sáng chói.”
Tiếng ru à ơi, chơn chất.
Cuộc sống ở vùng ven ranh. Khi tôi được sanh ra. Những năm 1940,...
Vào lúc đó. Chỉ có tiếng ru à ơi của mẹ. Tiếng gió thổi qua hàng cây quanh nhà.
Tiếng gà mẹ cúc cúc đàn con đến chia nhau mồi mẹ mới tìm thấy. Những ngày quang, mưa tạnh.
Tiếng chó sủa bâng quơ trong đêm. Tối mịt tối mờ. Không cả “ánh điện câu.”
Tiếng côn trùng... tiếng gió qua hàng cây...
“Tiếng” của Ca dao đất nước, “ tiếng” của câu ru dân gian. Qua tiếng ru của mẹ. Trong tôi...
Dần lớn lên.
Trong đêm. Tiếng mẹ thầm thì, lo lắng... tiếng bố cũng thầm thì, nhỏ giọng. Thoảng trong đêm. Đâu đây nghe như có những âm thanh lạ. Có tiếng thì thầm của những người khác cùng với tiếng nói, tôi quen lắm, của bố tôi. Nên dù chìm trong giấc ngủ. Tôi vẫn nghe ra. Rồi tiếng súng...
Tiếng bố mẹ thầm thì. Tiếng gì như tiếng của những người bị ức hiếp.
Vùng lên.
Bố tôi vì chống Tây. Người Pháp, họ chiếm nước mình. Chống lại cuộc xâm lăng của họ. Bố tôi bị người Pháp bắt. Bỏ tù.
Mẹ tôi, với những ngày Bố tôi bị giam giử, là điểm tựa của tôi. Còn phải nói.
Mẹ tôi, cái điểm tựa có từ hồi mẹ còn à ơi,
Con ơi, con ngủ cho ngoan.
Để mẹ... ( giúp bố giúp nhau giữ nhà.)
Vào đời. Tôi không còn nghe mẹ ru.
Nhưng tiếng ru của người Mẹ Việt Nam trong tôi. Tiếng ru ngày còn thơ ấu. Vẫn mãi trong tôi.
Tôi tìm gặp lại nó khi tôi đã rời xa vòng tay mẹ.
Tiếng ru lần này. Ôi cái tiếng ru. Tuyệt vời.
Tiếng ru đưa tôi. Từ cái giọng ru. Nó mang trong nó cái giọng ru không ai mà không thấy cái nét quê hương, dân tộc trong nó.
Tôi không dấu quanh. Tiếng hát Thái Thanh. Bài hát bắt đầu bằng:
Tôi yêu tiếng nước tôi. Từ khi mới ra đời. Người ơi...
Tôi yêu tiếng nước tôi. Từ khi mới ra đời. Người ơi...
...
Tôi sống với từng âm thanh, từng lên bổng, từng xuống trầm. Từng kéo dài hơi, ngân nga, uống éo...
Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi! Tiếng ru muôn đời
Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi
Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi...
Tôi chỉ biết. Qua giọng hát Thái Thanh. Tôi sống. Như một người con của Tổ quốc Việt Nam.
Tôi yêu biết bao người
Lý, Lê, Trần... và còn ai nữa
Những anh hùng của thời xa xưa
Những anh hùng của một ngày mai
Vì yêu, yêu nước, yêu nòi
Ngày Xuân tôi hát nên bài (ư bài) tình ca
Thái Thanh. Với tài năng ca hát thiên phú của Cô. Cô làm tôi sống. Với bài Tình Ca.
Sống. Có nghĩa là. Sống với những gì bài Tình Ca dung chứa trong nó.
Qua tiếng hát của cô, cô chẳng đã mang lòng yêu quê hương, dân tộc ra, bằng cái thiết tha của giọng hát, như một điều chúng ta sống với. Cả đời.
Qua tiếng hát của cô, cô chẳng đã mang lòng yêu quê hương, dân tộc ra, bằng cái thiết tha của giọng hát, như một điều chúng ta sống với. Cả đời.
Mà. Oái oăm thay. Ngay cả cô không hát. Cô cũng làm tôi sống với giọng ca không thành tiếng của cô. Sống cái sống, "Một đời của người con yêu của đất nước."
Tài năng của cô được nhà văn Mai Thảo, ca tụng là Tiếng hát vượt thời gian.
Tiếng hát đó có một lúc lâu lắm. Không cất tiếng.
Chính lúc tiếng hát này không cất lên được. Vì cô từ chối hát, trong hoàn cảnh không nên hát. Vì bị cấm đoán. Ví gì, cũng là do tư cách của người nghệ sĩ chân chính, yêu Tự do.
Chính lúc đó, tiếng hát của cô, chinh phục lòng tôi nhất.
Bởi vậy. Nếu có ai đọc tôi trong bài này, vạn dĩ có nêu lên ý kiến cho rằng tôi vô cùng thiếu sót. Khi ca tụng giọng hát cô. Giọng hát Thái Thanh mà không hề nói gì đến tài năng của ông Phạm Duy, với "những bài hát làm nên tên tuổi cô" là các bài của ông. Tôi cũng xin nhận.
Nhận đây. Là tôi nhận. Tôi không có khả năng âm nhạc. Cảm được những bài của ông. Chẳng qua nhờ giọng hát của cô. Có cô chuyên chở đến tôi. Cô không hát. Tôi điếc với ông PD. Ông ấy như không có với cái “tai trâu” của tôi.
Cảm hơn nữa. Nhờ cách sống của cô sau 1975.
Mà cái này của ông PD. Tôi xin lỗi.
Cô Thái Thanh. Với tôi chỉ có cô...
01.04.2020