Bộ Công an lại hoãn Luật biểu tình vì sợ "thế lực thù địch" lợi dụng - Dân Làm Báo

Bộ Công an lại hoãn Luật biểu tình vì sợ "thế lực thù địch" lợi dụng

CTV Danlambao - Trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ Công an sớm trình Quốc hội ban hành luật Biểu tình để công dân thực hiện quyền của mình theo quy định của pháp luật. Bộ Công an cho rằng, "dự án luật Biểu tình có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội nên cần được nghiên cứu kỹ, bảo đảm chất lượng, phù hợp với thực tiễn, không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng sự thiếu chặt chẽ của luật mà xuyên tạc, hoạt động chống phá."

Tính từ năm 2014 đến nay, đã 6 năm trôi qua Luật biểu tình chưa được trình thông qua chỉ với một lý do "cân nghiên cứu kỹ".

- Năm 2015, sau cuộc biểu tình chống giàn khoan Trung Cộng trên khắp cả nước, nhà cầm quyền đề nghị cho lùi thời gian trình dự án luật Biểu tình từ kỳ họp thứ 9 (dự kiến 5.2015), luật Về hội tại kỳ họp thứ 10 (dự kiến 10.2015) sang chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14 (10.2016).

- Năm 2016, vấn đề 10 năm không ra được luật Biểu tình sẽ khiến các đại biểu Quốc hội khó có câu trả lời thoả đáng với cử tri được đặt lên bàn nghị sự.

- Năm 2017, Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết dự luật Biểu tình vẫn tiếp tục bị trì hoãn là do “chất lượng dự luật”. 

- Năm 2018, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho biết nhà cầm quyền vẫn chưa chuẩn bị xong.

- Năm 2019, Phiên họp dài kỳ nhất của Quốc hội nước CHXNCH Việt Nam đã kết thúc chiều 27/11. Kết quả chung cuộc lần này phe cánh Nguyễn Xuân Phúc chiếm ưu thế và giành thắng lợi với việc gia tăng quyền lực cho thủ tướng và mở cửa biển cho Trung Cộng đi vào Việt Nam không cần thị thực. Không chịu thua đau, phe cánh Nguyễn Thị Kim Ngân tố cáo chính phủ do Nguyễn Xuân Phúc điều hành đang mắc nợ người dân luật biểu tình.

- Năm 2020, Bộ Công an cho rằng "dự án luật Biểu tình có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hộ nên cần được nghiên cứu kỹ, bảo đảm chất lượng, phù hợp với thực tiễn, không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng sự thiếu chặt chẽ của luật mà xuyên tạc, hoạt động chống phá."

Các vấn đề vướng mắc được nêu ra là "chưa thống nhất cao về đối tượng áp dụng, những trường hợp không được tổ chức, tham gia biểu tình, thẩm quyền cho đăng ký biểu tình...". Có thể thấy rằng từ thừa nhận này, Luật biểu tình vốn dĩ được soạn ra để hạn chế quyền công dân được Hiến pháp quy định về biểu tình và lập hội, chứ không phải soạn ra luật để bảo đảm các quyền vốn có sẵn.

Nói chính xác hơn với những kinh nghiệm trong quá khứ khi vận hành phong trào học sinh sinh viên chống chính quyền Việt Nam Cộng Hòa do Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đứng đằng sau, Cộng sản hiểu rõ hơn ai hết khái niệm lợi dụng "quyền biểu tình".

Sau hơn 10 năm trì hoãn, các nước mà Bộ Công an cử người đi học tập để soạn thảo Luật biểu tình là Nga, Trung Quốc, Thái Lan...? 

Và bài học mới nhất là các cuộc biểu tình chống lại Dự luật dẫn độ của Hong Kong hồi tháng 6/2019 đã khiến Cộng sản tiếp tục trì hoãn Luật biểu tình để bảo vệ chế độ.

12.05.2020




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo