Steven Erlanger (NYT) * Christine Nguyen (Danlambao) dịch - Úc đã kêu gọi điều tra về nguồn gốc của virus. Đức và Anh một lần nữa đang do dự về việc mời gã khổng lồ về công nghệ Huawai của Trung cộng. Tổng thống Trump đã đổ lỗi cho Trung cộng về sự lây lan virus và đang tìm biện pháp trừng phạt. Nhiều chính phủ muốn thưa kiện Bắc Kinh về thiệt hại và đòi bồi thường.
Đang có một phản ứng dữ dội khắp thế giới chống lại Trung cộng vì đã xử lý sai lầm lúc ban đầu cuộc khủng hoảng đã làm cho Wuhanvirus được thả lỏng lan tràn khắp thế giới, tạo ra một trận chiến ngôn từ phân cực sâu sắc của các câu chuyện và đặt lại dã tâm của Trung cộng trong việc lấp vào khoảng trống lãnh đạo mà Mỹ đang bỏ ngỏ.
Trung cộng, không bao giờ chấp nhận những lời chỉ trích từ bên ngoài và luôn cảnh giác với những gì gây hại đến sự kiểm soát quốc nội cùng sự tiếp cận kinh tế lâu dài, đã hung hăng phản ứng lại, kết hợp việc viện trợ y tế cho các nước khác với sự khoa trương chủ nghĩa dân tộc một cách thô lỗ, và nhào trộn lòng biết ơn chung với những dọa dẫm về kinh tế.
Kết quả là chỉ tạo thêm đà cho các phản ứng ngược và tăng thêm sự bất tín nhiệm Trung cộng ở châu Âu và châu Phi, làm suy yếu hình ảnh một diễn viên toàn cầu quảng đại mà Trung cộng thèm muốn.
Ngay cả trước khi có Wuhanvirus, Bắc Kinh đã thể hiện một cách tiếp cận gây khó chịu cho quan hệ công chúng, một cung cách hung hăng gọi là “chiến binh sói” trong ngoại giao, được đặt theo tên của hai bộ phim Trung cộng thể loại siêu ái quốc miêu tả những âm mưu xấu xa và tàn phá dữ dội của lính đánh thuê nước ngoài do Mỹ cầm đầu.
Với những khuyến khích thấy rõ từ chủ tịch Xi Jinping và ban tuyên giáo đầy quyền lực của cộng đảng, thế hệ các nhà ngoại giao trẻ Trung cộng đã chứng tỏ lòng trung thành qua các thông điệp mang nặng thứ chủ nghĩa dân tộc ngang ngược và đôi khi cả dọa dẫm trong những quốc gia họ đang đặt trụ sở.
“Đám ngoại giao Trung cộng thương hiệu mới này dường như cạnh tranh lẫn nhau để thành cực đoan hơn và cuối cùng thì xúc phạm quốc gia mà chúng đăng bài nói đến,” François Godement nói, ông là cố vấn cao cấp về Á châu của Viện nghiên cứu Montaigne tại Paris. “Chúng đã đấu khẩu với mọi quốc gia ở Bắc Âu, và chúng bị mọi quốc gia ở đây xa lánh.”
Từ khi có virus, giọng điệu Bắc Kinh chỉ trở nên cứng rắn, một biện pháp chỉ cho thấy mức độ nguy hiểm của các lãnh đạo Trung cộng khi xem xét về virus đối với vị trí của họ trong nước, ở những nơi mà virus đã thổi bùng lên cơn giận dữ của dân chúng và đã phá hủy sự tăng trưởng kinh tế, cũng như ở nước ngoài.
Trong nhiều tuần qua, ít nhất đã có 7 đại sứ Trung cộng - ở Pháp, Kazakhstan, Nigeria, Kenya, Uganda, Ghana và the African Union – đã bị các nước chủ nhà triệu tập để trả lời về hàng loạt xúc phạm từ việc cố tình phát tán các thông tin sai lầm đến việc “ngược đãi phân biệt chủng tộc” người châu Phi ở Guangzhou.
Chỉ trong tuần qua, Trung cộng đã dọa dẫm sẽ từ chối nhận cứu trợ y tế từ Hà Lan vì nước này đã đổi tên văn phòng đại diện của họ ở Đài Loan thành tên có từ “Taipei” trong đó. Và trước đó, sứ quán Trung cộng tại Berlin đã công khai đấu khẩu với tờ báo Bild của Đức sau khi tờ này đòi Trung cộng số tiền bồi thường là 160 tỷ USD vì những tổn hại của nước Đức do virus gây ra.
Trump nói hồi tuần qua rằng chính phủ của ông đang tiến hành “điều tra nghiêm túc” về việc xử lý dịch bệnh Wuhanvirus của Bắc Kinh.
Trump đã thúc đẩy các cơ quan tình báo Mỹ đi tìm nguồn gốc của virus, cho rằng virus có thể vô tình xuất hiện từ phòng thí nghiệm vũ khí ở Wuhan, mặc dù hầu hết cơ quan tình báo vẫn nghi ngờ về giả thuyết này. Và Trump đã bày tỏ sự quan tâm đến việc cố gắng kiện Bắc Kinh về các thiệt hại, với việc Mỹ sẽ đòi 10 triệu USD cho mỗi người Mỹ bị tử vong.
Đảng Cộng Hòa ở Mỹ đã có động thái ủng hộ các cuộc tấn công của Trump vào Trung cộng. Tổng chưởng lý bang Missouri là Eric Schmitt đã đệ đơn kiện lên tòa liên bang để tìm cách buộc trách nhiệm cho Bắc Kinh về dịch bệnh.
Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung cộng là Geng Shuang gọi vụ kiện là “vớ vẩn,” và nói thêm rằng nó “không có cơ sở thực tế và pháp lý” và “chỉ làm trò cười.”
Vụ kiện dường như ít nhắm đến việc bảo đảm sẽ thắng ở tòa án, chuyện chắc là không xảy ra, hơn là thúc đẩy Quốc hội thông qua luật giúp công dân Mỹ dễ dàng hơn trong việc kiện các nhà nước khác đòi bồi thường thiệt hại.
“Từ quan điểm của Bắc Kinh, lời kêu gọi đương thời là tiếng vọng lịch sử của các khoản bồi thường thiệt hại được trả sau vụ Boxer Rebellion,” Theresa Fallon, giám đốc trung tâm nghiên cứu về nước Nga châu Âu và nước Nga châu Á nói, bà đề cập đến cuộc nổi dậy siêu dân tộc chủ nghĩa chống đế quốc, người Thiên Chúa giáo khoảng thời gian 1899 – 1901 ở Trung Hoa và kết thúc trong thất bại, với các khoản bồi thường thiệt hại khổng lồ cho tám nước trong vài thập kỷ sau đó. “việc xuất hiện các câu chuyện nhục nhã của cộng đảng khiến cho Xi về mặt chính trị không thể nào đồng ý trả bất cứ khoản bồi thường thiệt hại nào.”
Thay vào đó, buộc Xi phải tìm cách xoay sở các câu chuyện xung quanh đề tài này, khuấy đảo chúng từ chuyện kể về sự bất tài và thất bại của đảng – gồm cả việc đàn áp những cảnh báo sớm về virus – sang câu chuyện của sự chiến thắng bệnh tật, một chiến thắng đạt được nhờ vào sự đoàn kết của cộng đảng.
Lời nhắc lại mới nhất trong một bài báo mới của Trung cộng vẫn là kẻ thù – tức là virus – không xuất phát từ Trung cộng, mà từ quân đội Mỹ, một cáo buộc vô căn cứ do người phát ngôn bộ Ngoại giao đầy hiếu chiến là Zhao Lijian tạo ra.
Đám nhân viên ngoại giao Trung cộng luôn được Bắc Kinh khuyến khích gây gỗ, Susan Shirk nói, bà là học giả Trung Hoa và là giám đốc của Trung tâm Trung Hoa Thế kỷ 21 của Đại học California ở San Diego. Sự khuyến khích Zhao làm người phát ngôn và tuyên bố của y về quân đội Mỹ “là tín hiệu cho mọi người ở Trung cộng rằng đây là tin chính thức nên tạo ra hiệu ứng loa,” bà nói và thêm rằng điều này làm cho mọi cuộc đàm phán thành khó khăn hơn.
Nhưng về lâu dài, Trung cộng đang gieo mầm sự ngờ vực và làm tổn hại đến chính những lợi ích của họ, Shirk nói, bà đang thực hiện quyển sách “Overreach – vượt qua”, nói về cách chính trị quốc nội Trung cộng đã làm hỏng các tham vọng của họ về sự trỗi dậy trong hòa bình thành siêu cường trên toàn cầu.
“Khi Trung cộng bắt đầu kiểm soát virus và bắt đầu chính sách ngoại giao y tế này, có thể đây là cơ hội cho họ để nhấn mạnh khía cạnh từ bi và xây dựng lại lòng tin cùng danh tiếng bản thân như một cường quốc có trách nhiệm trên toàn cầu,” bà nói. “Nhưng những nỗ lực ngoại giao này đã bị ban tuyên giáo của đảng cướp đoạt, với nỗ lực đầy quyết đoán hơn để tận dụng hành động trợ giúp của mình hòng lấy được lời tán dương về Trung cộng như một quốc gia, một hệ thống và thành tích trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus.”
Trong những ngày gần đây, truyền thông nhà nước Trung cộng đã đưa ra hàng loạt các tuyên bố đầy khích động, nói rằng nước Úc là “miếng kẹo cao su dính vào đế giày Trung cộng” sau khi Úc tuyên bố muốn điều tra về virus. Bắc Kinh cảnh báo rằng Úc đang gặp nguy cơ thiệt hại lâu dài trong quan hệ thương mại với Trung cộng là quốc gia chiếm một phần ba trong xuất khẩu của Úc.
“Có lẽ người dân bình thường sẽ nói “tại sao chúng ta phải uống rượu vang Úc? Ăn thịt bò Úc?”” đại sứ Trung cộng, Cheng Jingye, nói với tờ The Australian Financial Review. Ngoại trưởng Úc là Marise Payne đã bác bỏ những nỗ lực của Trung cộng là “gây áp lực về kinh tế”.
Ngay trong các nước châu Âu như Đức, “sự ngờ vực Trung cộng gia tăng nhanh chóng về virus mà không bộ nào biết phải ứng phó với nó ra sao,” Angela Stanzel, chuyên gia Trung Hoa thuộc Viện Giao thương Quốc tế và An ninh Đức nói.
Ở Đức, cũng như Anh, ngoài những câu hỏi mới về sự thích đáng trong việc sử dụng Huawei cho hệ thống mạng 5G mới, các mối lo ngại cũng đang ngày càng tăng về sự phụ thuộc vào Trung cộng các nguyên liệu và dược phẩm thiết yếu.
Pháp là nước có truyền thống quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh, cũng đã tức giận trước các tuyên bố chỉ trích của đám ngoại giao Trung cộng, bao gồm một cáo buộc rằng Pháp đã cố tình để những người cao tuổi chết trong các viện dưỡng lão. Điều này đã khiến Ngoại trưởng Pháp là Jean-Yves Le Drian phải có lời khiển trách và các nhà lập pháp giận dữ, mặc cho trước đây có sự trao đổi qua lại về các hỗ trợ y tế như khẩu trang.
Gần đây, chính phủ Đức đã phàn nàn về đám ngoại giao Trung cộng đã cố nài nỉ xin xỏ những lá thư ủng hộ và cảm ơn về sự trợ giúp và những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc chống virus từ các viên chức của chính phủ và những người đứng đầu các công ty lớn của Đức.
Điều tương tự cũng xảy ra ở Ba Lan, Đại sứ Mỹ tại Warsaw, Georgette Mosbacher, nói trong một cuộc phỏng vấn, mô tả Trung cộng đã làm áp lực buộc tổng thống Andrzej Duda phải gọi cho Xi và cảm ơn về sự giúp đỡ, một cuộc gọi mà Trung cộng đã báo trước với dân trong nước.
“Ba Lan sẽ không nhận được vật tư y tế nếu cuộc gọi không được thực hiện, do đó có thể họ đã sử dụng cuộc gọi này” để tuyên truyền, Mosbacher nói.
Có một chuyện không vui ở Trung cộng với lối khoa trương ngoại giao hiện nay. Trong một bài diễn thuyết gần đây, bà Zi Zhongyun nay đã 89 tuổi, một thời gian dài là chuyên gia về Mỹ ở Học viện Khoa học xã hội Trung Hoa, nhận thấy những nét tương đồng trong chủ nghĩa dân tộc hung hãn và sự huênh hoang bài ngoại trong bộ phim "chiến binh sói" ngày nay với thời kỳ xung quanh cuộc nổi loạn Boxer Rebellion chống lại sự ảnh hưởng của liên quân bát quốc ở Trung Hoa.
Bà Zi nói rằng những phản ứng như vậy có nguy cơ mất kiểm soát.
“Tôi có thể nói không chút nghi ngờ rằng,” bà kết luận, “chừng nào mà các hành động như cuộc nổi loạn Boxer được đóng lên con dấu chính thức là “yêu nước”, chừng nào mà thế hệ sau thế hệ chúng ta được giáo dục và nuôi dưỡng với tinh thần như Boxer, thì Trung Quốc sẽ không thể có chỗ trong các quốc gia văn minh hiện đại của thế giới.”
Người dịch:
4.05.2020