Ngày này - Dân Làm Báo

Ngày này

Trần Quốc Việt (Danlambao) - Cha hỏi con ngày này là ngày gì. Ngày mất nước, con đáp.

Mẹ hỏi con ngày này là ngày gì. Ngày con bắt đầu hiểu sự hy sinh vô bờ bến của mẹ, con đáp.

Chị hỏi em ngày này là ngày gì. Ngày tuổi thần tiên không còn, em đáp.

Ông kêu cháu lại nói:

- Những gì cháu nghe đều đúng. Nhưng không quan trọng bằng điều này. Đây là ngày cháu phải khắc sâu trong lòng, phải nhắc lại cho con cháu của cháu. Ai đấy nói đại ý rằng cuộc đấu tranh chống lại chế độ toàn trị - cội nguồn của mọi tội ác - là cuộc đấu tranh chống lại sự lãng quên.

Cháu bối rối nhìn ông. Ông nhìn cháu, thở dài nói:

- Cháu chưa hiểu. Cháu ở trong địa ngục. Cháu muốn ra khỏi địa ngục thì cháu phải nhớ cánh cửa đã đưa cháu vào địa ngục để hy vọng cháu có thể thoát ra từ đấy. Ký ức chính là cánh cửa đầu tiên mở ra con đường giải thoát. Khi cháu không còn nhớ cánh cửa ấy cháu mặc nhiên coi địa ngục là số phận tự nhiên của mình. Dù cửa địa ngục có mở cháu cũng không muốn bước ra.

Năm ấy tôi tóc còn xanh, tôi không hiểu những gì ông nói nhưng tôi cố không nhìn ông nữa. Tôi bước ra khỏi phòng.

*

Hiểu là một quá trình. Hôm nay, sau hàng chục năm, tôi nghiệm ra lời ông nói. Và tôi hiểu ra rằng còn nhớ là còn hy vọng. Hy vọng là ánh sáng, lãng quên là bóng tối. 

Ngày 30 tháng Tư là ngày cửa địa ngục trần thế mở ra. Ngày này là ngày ta không thể quên để ta có thể tìm đường trở lại ánh sáng dương thế cho mình và cho quê hương.

30.04.2020




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo