Nguyễn Hoàng Dân (Danlambao) - Công cuộc xây dựng miền nam Việt Nam dưới sự trợ giúp phương tiện của những nước đồng minh (đặc biệt là Hoa Kỳ) hầu trở thành một quốc gia VNCH tự do, cộng hòa, dân chủ và phát triển thịnh vượng, có một thể chế pháp trị tam quyền phân lập căn bản, có một nền kinh tế xây dựng cân đối từ những thế mạnh của quốc gia và một xã hội quy củ với một nền văn hóa giáo dục nhân bản, khai phóng để hoàn thiện nhân cách con người và phù hợp với xu thế tiến bộ của nhân loại, đã phải luôn gánh chịu sự phá hoại và đánh phá trầm trọng, liên tục, dưới mọi hình thức và về mọi mặt trong cuộc chiến tranh trường kỳ, ác liệt do đảng cộng sản Việt Nam và chính quyền Hà Nội phát động, tiến hành với mục tiêu và quyết tâm là tránh bỏ lở bất kỳ một cơ hội nào có thể giúp ngăn chận và cản phá chính phủ miền nam Việt Nam có được một sự ổn định để phát triển (1).
Do đó tuy có 20 năm tồn tại (1955-1975) nhưng thực sự VNCH chỉ có một giai đoạn 5 năm ngắn ngủi (1955-1960) là tương đối thanh bình để xây dựng và phát triển trong bối cảnh mới thoát ra khỏi một cuộc chiến tranh tiêu thổ lâu dài, phải kế thừa tiếp nhận một quốc khố trống rỗng của một cơ đồ tan nát đã bị tàn phá về mọi mặt và đang còn đối diện với nạn cát cứ, cũng như các âm mưu phá bỉnh của thực dân Pháp.
Nói tương đối bởi ngay từ cuối năm 1956 tuy chiến sự chưa bùng nỗ chính thức trên miền nam, nhưng khi không còn hy vọng sẽ thôn tính được miền nam Việt Nam qua kế hoạch tổng tuyển cử, đảng cộng sản Việt Nam đã lệnh cho các cơ sở nằm vùng gài lại sau hiệp định Genève khắp nơi ở miền nam Việt Nam phải khởi sự lại các hoạt động bạo loạn, chủ yếu là tiến hành các hoạt động khủng bố trong cộng đồng như bắt cóc, ám sát, giết người từ các viên chức địa phương của chính phủ tới mọi lương dân nào sống trong vùng lảnh thổ dưới vĩ tuyến 17 có ý thức bất hợp tác với cộng sản bằng các tội danh gán ghép rất phi lý, cũng như đẩy mạnh các hoạt động phá hoại như đắp mô đường sá, đặt mìn phá hủy cầu, cống, các công trình phúc lợi công cộng, các cơ sở hạ tầng của chính quyền VNCH để khủng bố tinh thần, phá rối trị an, gây tình trạng bất ổn, tổn thất kinh tế ở nhiều địa phương, nhất là ở những vùng nông thôn miền nam.
Tùy theo nhiều nguồn thống kê đã cho thấy có 11.700 vụ ám sát và 2.200 vụ bắt cóc do các nhóm cộng sản nằm vùng thực hiện khắp miền nam Việt Nam trong ba năm 1957-1960. Tính đến cuối năm 1963 trung bình mỗi năm có 1.200 đến 4.000 nạn nhân bị cộng sản giết hại rất dã man theo kiểu hành hình như thời trung cổ (chặt đầu bằng mã tấu, chôn sống, tùng xẻo, móc mắt, mỗ bụng, giết toàn gia kể cả người già, phụ nữ và trẻ em) trước mặt láng giềng, thân nhân kẻ bị hại, nhằm gia trọng thêm mức độ kinh hoàng trong cộng đồng (2). Báo cáo tổng kết năm 1960 của chính phủ VNCH gởi ủy hội quốc tế kiểm soát đình chiến cũng cho thấy đã có 284 cầu cống bị phá hoại và 60 trường học, trạm y tế của chính phủ miền nam bị phe cộng sản tấn công, đốt phá.
Dưới bàn tay điều khiển nối dài của Hà Nội, các cuộc xung đột võ trang cũng dần mở rộng ra toàn miền nam. Các tổ chức bình phong mặt trận giải phóng miền nam và bộ phận đảng cộng sản miền nam là trung ương cục R đã được thành lập lần lượt theo nghị quyết trong đại hội đảng cộng sản lần 3 tại Hà Nội vào cuối năm 1960, với mục tiêu phục vụ cho mưu toan đánh chiếm miền nam Việt Nam của đảng cộng sản.
Tuy vậy vượt lên trên các trở lực gian nan và khó khăn, chính phủ VNCH của Tổng thống Ngô Đình Diệm trong 5 năm đầu tiên của chính thể đệ nhất cộng hòa đã nhanh chóng ổn định được sinh hoạt chính trị, triệt tiêu được tệ nạn sứ quân, giáo phái cát cứ, kiện toàn bước đầu cơ cấu tổ chức chính quyền từ hạ tầng cơ sở địa phương tới thượng tầng kiến trúc trung ương biến nước VNCH dù tân lập nhưng đã hình thành được một xã hội ngăn nắp, quy củ, không kém gì các quốc gia dân chủ đã có các tổ chức chính quyền lâu đời và kiến hiệu. Bên cạnh đó chính phủ VNCH cũng đã xây dựng được các nền móng phát triển căn bản cho nền kinh tế quốc dân và an sinh xã hội, giúp thay da đổi thịt miền nam một cách thần kỳ, mau chóng.
Vai trò thúc đẩy phát triển nền kinh tế quốc dân của chính phủ thể hiện qua công cuộc cải cách điền địa có tầm quan trọng được nâng lên trực thuộc một bộ chuyên trách trong nội các chính phủ và tổng nha kế hoạch của bộ kinh tế cũng triển khai thực hiện kế hoạch kinh tế ngũ niên lần thứ I (1957-1961) trong mục tiêu phát triển cân đối, toàn diện nền kinh tế của quốc gia.
Là một quốc gia gần như thuần nông, với hơn 80% tổng số dân chúng sống dựa vào việc đồng áng và ruộng đất nên công cuộc cải cách điền địa của chính phủ VNCH sau năm 1955 có ưu tiên hàng đầu là tư hữu hoá ruộng đất cho tất cả tá điền, mỗi gia đình nông dân được làm chủ thật sự một mảnh ruộng tư hữu, đã có một tầm quan trọng cấp bách, đặc biệt để giải quyết các sự bất bình đẳng về sở hữu đất đai và thiết thực đem lại ruộng đất và quyền lợi chính đáng cho dân cày. Chính phủ VNCH luật định tiến trình cải cách điền địa trong hai năm 1955-1956, một mặt luật hóa vấn đề thuê ruộng và quan hệ chủ điền-tá điền theo quan điểm sòng phẳng, công bằng và minh bạch, mặt khác trưng thu ruộng đất bỏ hoang, ruộng đất của Pháp kiều và phát hành trái phiếu quốc gia trưng mua ruộng đất thặng dư ngoài luật định từ chủ điền cấp lại cho nông dân. Nhờ đó chỉ trong một thời gian ngắn, từ cuối thập niên 50 tới đầu thập niên 60 nền nông nghiệp VNCH đã nhanh chóng hình thành ra được một hoạt động sản xuất hàng hoá, có sự phối hợp, liên kết với kỹ nghệ, thương mãi, tín dụng và có các phát triển rất tốt đẹp (3). Cụ thể như sản xuất lúa gạo đã tăng lên hơn 5 triệu tấn trong năm 1959 cung ứng thỏa mãn cho tiêu thụ nội địa và còn dư xuất cảng được 340.000 tấn gạo. Đã củng cố được một số vùng chuyên canh cây thực phẩm như vùng rau quả Đà Lạt, vùng cây kỹ nghệ ngắn hạn thuốc lá, mía đường ở Khánh Hòa, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Hậu Nghĩa, vùng cây café và trà ở Lâm Đồng, Ban Mê Thuột và vùng cao su tại miền đông Nam phần.
Chương trình phát triển trong kế hoạch ngũ niên lần thứ I có tổng chi đến 17,5 tỷ VNĐ nhằm thiết lập các nền tảng kinh tế và cải thiện dần đời sống dân sinh phân bổ 43% cho xây dựng công trình công cộng, dân dụng và năng lượng, 22% cho nông nghiệp, 12% cho phúc lợi xã hội và 9% cho kỹ nghệ. Chính phủ VNCH cũng đề ra 12 ưu đãi đặc biệt về thuế quan, hạ tầng cơ sở để kêu gọi đầu tư của ngoại quốc, từng bước xây dựng một số ngành kỹ nghệ chế biến có lợi thế về nguồn nguyên liệu và thiết yếu trong đời sống dân sinh như dệt, giấy, gạch ngói, đường mía, lắp ráp cơ khí, khuyến khích sản xuất các sản phẩm tiêu thụ cho thị trường nội địa thay cho hàng hóa nhập cảng theo nguyên tắc tăng xuất cảng, giảm nhập cảng để tiết kiệm ngoại tệ cho công cuộc phát triển quốc gia (4).
Nhờ những chính sách phát triển kinh tế hợp lý của chính phủ VNCH, tổng sản lượng quốc gia GNP (Gross National Product) đã tăng trưởng trung bình 4% mỗi năm, cụ thể từ 63,618 tỷ VNĐ năm 1955, tăng lên 68,658 tỷ VNĐ năm 1956 và ở mức 82 tỷ VNĐ năm 1960 (5). Nhìn tổng quát chung trong giai đoạn 1955-1960 nền kinh tế quốc dân VNCH đã có những bước tăng trưởng khá nhanh và vững chắc. Các ngành sản xuất nông nghiệp, kỹ nghệ và giao thông vận tải đều phát triển khá lành mạnh và hoạt động ngoại thương tuy vẫn còn nhập siêu nhưng khoảng cách thâm thủng cũng đang được rút ngắn dần, từ âm 7,2 tỷ VNĐ năm 1957, giảm xuống còn âm 5,4 tỷ VNĐ (6).
Các khiếm dụng nhất thời và phải có trong một nền kinh tế quốc dân sơ thời hậu chiến, đang nỗ lực xây dựng và phát triển, được bù đắp tạm thời bằng nguồn ngoại viện kinh tế đến từ Hoa Kỳ. Từ năm 1955 đến 1960, ngân khoản viện trợ Hoa Kỳ hàng năm cho VNCH trung bình vào khoảng 214 triệu USD, bao gồm các chương trình CIP (Comercial Import Program) khoảng 85% tổng viện trợ, bằng 175-180 triệu USD, chiếm 30% tổng ngân sách quốc gia và 5,5% GNP hàng năm của VNCH, viện trợ nông phẩm qua chương trình FFP (Food for Freedom Program) có tỷ lệ 10-12% và viện trợ cho vay PA (Project Aid) có tỷ lệ 4-6%, giúp chính phủ VNCH cân bằng được tổng thu và tổng chi ngân sách hàng năm khoảng 14 đến 15 tỷ VNĐ, trong đó chi cho nhu cầu quốc phòng khoảng 7 tỷ và chi cho các nhu cầu dân sự khoảng 8 tỷ (7) đồng thời còn tích lũy cho quốc khố được 216,4 triệu USD (8). Chỉ tính riêng ngân khoản viện trợ phát triển cho VNCH khoảng 180 triệu USD mỗi năm, so viện trợ cùng loại dành cho Nam Hàn trong cùng thời kỳ khoảng 300-400 triệu USD mỗi năm và chiếm hơn 12,5% GNP, phần nào cho thấy nền kinh tế VNCH đã phát triển vững chắc hơn nhiều so với nền kinh tế Nam Hàn (9).
So sánh tổng quát với 12 quốc gia tiêu biểu ở Á châu, chỉ tiêu đời sống (Living Standards) tính theo GDP đầu người (Gross Domestic Product per Capita) của người dân miền nam Việt Nam đều đã có sự tăng trưởng tốt đẹp hơn so với người dân các quốc gia lân bang. Năm 1960 ngân hàng thế giới WB (World Bank) và quỹ tiền tệ quốc tế IMF (International Monetary Fund) ghi nhận GDP đầu người VNCH là 223 USD, chỉ sau Nhật, Singapore, Malaysia và Philippines, vượt khá xa so với Nam Hàn (155 USD), Trung Cộng (92 USD), Ấn Độ (84 USD) và Việt Cộng Hà Nội (73 USD).
Các ghi nhận từ năm 1956 tới 1962 trong hai lảnh vực sản xuất nông nghiệp và kỹ nghệ, cho thấy mức thu nhập hàng ngày của một người lao động phổ thông đã tăng 50%, trong khi đó chi phí về vật giá chỉ tăng tổng cộng 3,6%. Đặc biệt vật giá giảm hơn 4,4% trong năm 1957 và giảm gần 2% trong năm 1958, trong khi lương bổng đã gia tăng hơn 23% trong cùng thời điểm. Cụ thể các số liệu khảo sát năm 1960 cho thấy với mức lương ngày của một người làm công trung bình là 102,5 VNĐ, chỉ số giá cả là 91,2, họ sẽ mua được 25,6kg gạo, hay 3,9kg cá, hay 5kg thịt, hay 7,5kg đường cát trắng, hay 14 lít xăng, hay 7,5m vải bông, hay gần 5 phân vàng 24K (10), nên rõ ràng cuộc sống của tầng lớp bình dân VNCH đã và đang phát triển khá khả quan, hài hòa và ngày càng có dấu hiệu sung túc hơn.
Tuy nhiên con đường xây dựng miền nam phú cường và thịnh vượng đã bắt đầu chững lại từ sau năm 1960 trở đi, khi các lực lượng cộng sản Hà Nội chính thức đẩy mạnh những chiến dịch khủng bố trong các vùng nông thôn, đánh phá các công trình phúc lợi xã hội như nhà máy điện, hệ thống truyền tải điện, nhà máy nước, trạm, trại y tế, hoặc chăn nuôi, đắp mô, đặt mìn, phá hoại đường giao thông, cầu cống, tấn công các trạm kiểm soát an ninh, đồn bót nhỏ của dân vệ, gây tình trạng bất an và làm suy yếu hiệu lực quản lý, trị an của cấp chính quyền hạ tầng cơ sở, khiến dân chúng địa phương khiếp sợ, không dám công khai ủng hộ chính phủ trong nhiều kế hoạch, hay chương trình phát triển kinh tế và dân sinh, trở thành một yếu tố chủ yếu làm hủy hoại khả năng phát triển quốc kế dân sinh của chính phủ VNCH.
Từ năm 1961 tới 1967 cường độ bạo lực trong các vùng nông thôn miền nam và các hoạt động khủng bố thường dân leo thang mạnh theo từng năm nhằm củng cố vững chắc hơn vị thế bám rể và khả năng mở rộng kiểm soát cho phe cộng sản trong cộng đồng. Ước đoán của bộ ngoại giao Hoa Kỳ cho thấy trung bình có tới 1.500 thường dân bị cộng sản giết hại mỗi tháng trên khắp miền nam. Năm 1965 trung bình đã có 35 thường dân bị sát hại, hay bắt cóc-sau đó thường tìm được thi thể bị giết theo nhiều cách rất dã man cùng với các bản án cũng phi lý không kém và hơn 100 hoạt động khủng bố mỗi ngày. Toàn năm đã có hơn 12.000 nạn nhân và hơn 36.000 hành vi khủng bố nhằm vào lương dân. Thống kê sơ khởi từ 1958 đến tháng 3/1967 đã có 52.966 dân lành là nạn nhân đã bị các lực lượng cộng sản giết hại, hay bắt đi mất tích (11).
Chương trình cải cách điền địa mới hữu sản hóa được gần 20% tổng số tá điền miền nam, với gần 240.000 ha ruộng đất đã cấp phát phải gián đoạn bởi nỗ lực phá hoại ổn định tại các vùng nông thôn miền nam của cộng sản Hà Nội, như len lỏi vào cộng đồng thôn dân để khủng bố các tá điền có làm đơn xin mua ruộng đất truất hữu, ngăn cản các tá điền ký hợp đồng với chủ điền, bắt cóc, giết hại các chủ điền chịu canh cải hợp đồng cho mướn ruộng thu hoa lợi theo phương thức mới của chính phủ, ám sát chuyên viên, cán bộ khuyến nông phụ trách hướng dẫn nông dân thực hiện cải cách nông nghiệp, phá hoại những khu trại, nông trang kiểu mẩu dùng huấn nghệ phương pháp canh tác mới cho nông dân và đánh phá các trung tâm, trạm, trại thí nghiệm trồng tỉa, chăn nuôi của chính phủ, khiến cho chính sách cảí cách nông nghiệp và khuyến nông thời đệ nhất cộng hòa chỉ gặt hái được những kết quả hạn chế. Hơn 405.000 ha đã truất hữu còn lại chờ cấp phát cho nông dân phải bỏ hoang và hơn 2,7 triệu VNĐ cho nông dân vay ngắn hạn chỉ thu hồi được 17,8% nên qua 1964 tín dụng nông nghiệp phải ngưng hoạt động (12).
Khu kỹ nghệ An Hòa-Nông Sơn cách phía tây nam Đà Nẵng 40km là khu kỹ nghệ hóa học dự trù thiết lập trong cuối kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1957-1961), với tổng vốn đầu tư hơn 32 triệu USD, do hai chính phủ Pháp và CHLB Đức tài trợ 27 triệu USD và chính phủ VNCH đầu tư 581 triệu VNĐ có mục tiêu gia tăng sản lượng than Nông Sơn lên 250.000 tấn/năm, để thiết lập một nhà máy nhiệt điện chạy bằng than, có công suất 25.000KW, hai nhà máy sản xuất phân hóa học gồm một nhà máy Sulfate d’Ammonium có công suất 48.000 tấn/năm và một nhà máy phân Urée có công suất 42.000 tấn/năm cung cấp cho nông nghiệp miền nam.
Năm 1962-1963 chính phủ Pháp và CHLB Đức giải ngân 70 triệu Franc và 50 triệu Mark để thiết lập đoạn thiết lộ Bà Rén đi An Hòa-Nông Sơn dài 20km, đưa trang bị máy móc của các nhà máy lên khu kỹ nghệ, nhưng do phiến quân cộng sản phá hoại liên tục nên đến tháng 12/1964 khu kỹ nghệ phải đóng cửa và ngừng mọi hoạt động khai thác, cũng như xây dựng.
Nhà máy thủy điện Đa Nhim quy mô lớn nhất miền nam được Nhật Bản viện trợ để bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm đóng Việt Nam 1940-1945 và do Liên Hiệp Quốc đứng ra tổ chức đấu thầu xây dựng cũng bắt đầu được khởi công năm 1959, với tổng vốn đầu tư 47,5 triệu USD, trong đó chính phủ Nhật góp 37,1 triệu USD, ngân hàng Ex-Im Bank của Hoa Kỳ tài trợ và cho vay 10,4 triệu USD. Công trình gồm hệ thống đập, nhà máy phát điện tổng công suất 160.000KW ở Sông Pha-Tuyên Đức, cách phía nam Đà Lạt 36km và một hệ thống truyền tải điện cao thế 230KV dài 257km, đi xuyên qua 4 tỉnh Lâm Đồng, Long Khánh, Biên Hòa và Thủ Đức-Gia Định để cung cấp điện cho thủ đô Saigon. Nhà máy chính thức hoạt động năm 1964 nhưng đường dây cao thế liên tục bị các lực lượng cộng sản phá hoại, nên nhà máy chỉ có thể sản xuất cầm chừng và phải ngừng hoạt động hoàn toàn giữa năm 1967 khi đường ống thủy áp dẩn nước bị cộng sản đặt mìn phá hủy hoàn toàn một đoạn dài hơn 120m.
Về kỹ nghệ chế biến đường mía, do bị phá hoại diện tích trồng mía và sản lượng mía cây đều suy giảm, không thể hình thành được các vùng chuyên canh, vừa xảy ra tình trạng phiến quân cộng sản uy hiếp, ngăn chận nông dân bán mía cho nhà máy đường, trừng phạt chủ ruộng vi phạm bằng cách đốt phá ruộng mía, hay giết người bừa bải để khủng bố tinh thần, đặt mìn ngăn đường, phong tỏa nhà máy với nguồn nguyên liệu và phá hoại các cơ xưởng sản xuất khiến kỹ nghệ đường mía của VNCH suy sụp hoàn toàn. Nhà máy đường Hiệp Hòa ở Tây Ninh phải đóng cửa ngừng hoạt động năm 1966.
Về giao thông vận tải các hệ thống đường bộ, đường xe lửa và cầu, cống khắp nơi ở miền nam đều là các mục tiêu hàng đầu cho các hoạt động đánh phá của Hà Nội. Phiến quân cộng sản thường xuyên đắp mô, đào đường, gài mìn phá đường lộ, cầu, cống, phá hỏng phương tiện vận tải, hủy hoại tài sản, hàng hóa, cũng như sát hại, khủng bố những thường dân đang lưu thông….với chủ trương gây ra tình trạng bất an thường trực trong sinh hoạt đời sống của người dân và mục tiêu chiến lược phải phá hoại kinh tế miền nam về mọi mặt. Tính trung bình từ 1960 trở đi, mỗi năm có hơn 300 vụ phá hoại của cộng sản nhắm vào hệ thống đường quốc lộ, liên tỉnh lộ tại miền nam Việt Nam, nên số ngân khoản 7 triệu USD mỗi năm của chính phủ VNCH dùng để bảo trì các trục đường lộ chính của quốc gia rất khó để khắc phục được hậu quả sự phá hoại của cộng sản, trung bình chỉ có 60-70% tổng số đường quốc gia là có thể sử dụng tương đối an toàn khi hoạt động giao thông (13).
Đoạn thiết lộ Xuyên Việt từ Saigon ra Huế được chính phủ VNCH khôi phục bằng nguồn vốn vay 9,7 triệu USD của Hoa Kỳ, chính thức hoạt động từ tháng 8/1959 sau 15 năm gián đoạn, nhưng qua năm 1960 đã bắt đầu bị cộng quân đặt mìn, tháo gở đường ray hay bắn thẳng vào các đoàn tàu đang di chuyển, gây cho 67 nhân viên hỏa xa bị thiệt mạng và 1.158 người khác bị thương từ 1961-1968. Riêng trong 3 năm 1965-1968 có hơn 1.500 vụ phá hoại, trong đó năm 1968 có 159 vụ khiến 10 nhân viên hỏa xa bị thiệt mạng và 23 người khác bị thương. Tháng 2/1965 ngành hỏa xa VNCH chỉ còn khai thác được 154km thiết lộ từ Saigon ra vùng đông bắc tỉnh Long Khánh và hệ thống đường sắt ở các tỉnh phía bắc đã hoàn toàn bị gián đoạn (14).
Tình trạng cầu, cống đường bộ và đường hỏa xa cũng không khả quan hơn, tính đến tháng 7/1968 đã có 3.195 cầu, cống các loại, với tổng chiều dài 80,45km bị phá hoại, trong đó mới tạm sửa được 1.999 cái, dài 49,9km và chưa sửa được 1.196 cái khác, dài tổng cộng 30,6km (15).
Để đối phó chính phủ VNCH phải tuyên bố đặt quốc gia vào tình trạng chiến tranh và gia tăng mức chi tiêu hàng năm cho bộ nội vụ từ 613 triệu VNĐ năm 1957 lên hơn 2,1 tỷ VNĐ năm 1961 (tăng hơn 350%), tạo nên một gánh nặng thường trực không đáng có cho ngân sách quốc gia thường niên. Cuộc đảo chánh quân sự 1/11/1963 và việc thảm sát Tổng thống Ngô Đình Diệm càng đẩy mạnh VNCH lún sâu hơn vào hổn loạn, trong khi diễn biến cuộc chiến tranh nam bắc cũng lên tới đỉnh điểm, cả Hoa Kỳ lẫn Hà Nội đều ồ ạt đem quân trực tiếp tham chiến khắp lảnh thổ VNCH. Chiến sự lan rộng với cường độ tàn phá, huỷ diệt càng ngày mỗi thêm ác liệt, trở thành mối bận tâm lớn nhất của chính phủ VNCH và chỉ còn lo tập trung mọi nỗ lực vào lảnh vực an ninh quốc gia. Chi tiêu quốc phòng hàng năm từ 38-46% tổng ngân sách trong giai đoạn 1957-1962, tăng lên hơn 61% tổng ngân sách tài khóa 1966-1967, cao gấp nhiều lần so với một số quốc gia trong khu vực đang được yên ổn để phát triển và xây dựng trong hòa bình như Nam Hàn là 24,9%, Malaysia 14,3%, Philippines 13,2% và Thailand 15,4% (16).
Do đó chỉ trừ Trung Cộng, Hà Nội và Philippines, các nền kinh tế lân bang với VNCH đều tiếp tục phát triển đều đặn, thu lượm được nhiều thành tựu khả quan, có một số nước và vùng lảnh thổ chỉ trong một thời gian tương đối ngắn 15-20 năm đã lột xác trở thành các nền kinh tế kỹ nghệ hoá mới (Newly Industrialized Economies-NIEs) như HongKong, Nam Hàn và Đài Loan.
Sự phục tùng đệ tam quốc tế cộng sản mù quáng của cộng sản Hà Nội trong âm mưu bành trướng ý thức hệ cộng sản ra toàn vùng Đông Nam Á, thông qua mở rộng chiến tranh đánh phá miền nam Việt Nam quyết liệt, triệt để, dù phải kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm, hoặc lâu hơn nữa như Hồ Chí Minh lớn tiếng kêu gào đã làm tiêu tan mọi cố gắng và nỗ lực xây dựng một VNCH phú cường của nhân dân và chính phủ miền nam Việt Nam để cuối cùng phải chịu sự sụp đổ, rơi vào sự cương tỏa của chính quyền cộng sản từ ngày 30/4/1975.
Chú thích:
(1) Keith Weller Taylor, The Việt Nam War, 06/2004.
(2) Stanley Karnov, Việt Nam: A History, 1983, Bernard B. Fall, Street Without Joy, 1987, Douglas Pike, The Việt Cộng: Strategy of Terror, 02/1970, Dr Uwe Siemon Netto, Đức: A Reporter’s love for a Wounded People, 2013.
(3) Lâm Thanh Liêm, Chính sách cải cách ruộng đất Việt Nam 1954-1994, 08/1994.
(4) Manemon Tomizaki, Itsusaburo Nagata & Junichiro Shinho, Economic Development of South Việt Nam, 1962, Douglas C. Dacy, Foreign Aid, War and Economic Development South Viet Nam 1955-1975, 1986, Phúc trình Carter Goodrich 1955, Thông điệp của Tổng thống Ngô Đình Diệm gởi Quốc hội ngày 3/10/1960.
(5) USOM Việt Nam, Annual Statistical Bulletin: Việt Nam Economic, số 4/1960, Timothy Hallinan, Economic Prospects of the Republic of Việt Nam, RAND, 1969.
* Lưu ý quan trọng: Chỉ số GNP (Gross National Product) là giá trị tổng sản lượng quốc gia, xác định sản xuất dựa trên tiêu chí chủ thể sở hữu, tức chỉ tính toán sản lượng của một quốc gia làm ra bởi pháp nhân sở hữu là công dân của quốc gia đó, thường có giá trị thấp hơn chỉ số GDP (Gross Domestic Product) trong một quốc gia chưa phát triển do phải loại bỏ phần đầu tư FDI quốc tế. Nên để tính nội lực đích thực của một nền kinh tế, chỉ số GNP tương đối rõ ràng hơn và gần với sự thật hơn so với chỉ số GDP.
(6) Edward Albert Smyth, The Effect of the War on the South Việt Nam Economy, 09/1970.
(7) Republic of Việt Nam, Directorate of Budget and Foreign Aid, Annual Budget 1957, 1958,1959, 1960, 1961, 1962, dẫn trong George L. Harris, Area Handbook for Việt Nam, Foreign Area Studies of the American University, 09/1962, Douglas C. Dacy, sđd.
(8) George T. Kahin, Intervention: How America Became Involved in Việt Nam, 1986.
(9) USAID, sđd, Timothy Hallinan, sđd, Bank of Korea, Economic Statistics Yearbook, 1954-1962 & 1972.
(10) USOM Việt Nam, Annual Statistical Bulletin: Việt Nam Economic, 4/1960, Douglas C. Dacy, sđd.
(11) US Mission in Việt Nam, Vietcong use of Terror, Revised and Updated 03/1967.
(12) Lâm Thanh Liêm, sđd.
(13), (14) Việt Nam Bulletin, A Weekly Publication of the Embassy of Việt Nam, Việt Nam Info series 1, Tranportation in Việt Nam, Washington DC, 8/1969.
(15) Vũ Quốc Thúc & David E. Lilienthal, The Postwar Development of the Republic of Việt Nam: Policies anp Programs, volum 1 & 2, 03/1969.
(16) UN, Economic Survey of Asia and the Far East, 1967.
09.05.2020