Trương Nhân Tuấn (Danlambao) - Báo Pháp luật "phản pháo" một loạt (đến lúc này) 5 bài phỏng vấn để giải thích về ý nghĩa công hàm 14-9-1958 của thủ tướng Phạm Văn Đồng. Bài 1, bài 2, bài 3, bài 4 và bài 5. Phải chi các bài viết này thay thế được công hàm mà VN sẽ phải gởi lên Tổng thư ký LHQ trong những ngày sắp tới thì hay quá!
Theo tôi ý kiến của các học giả VN qua các bài báo đã dẫn, chưa chắc đã thuyết phục được dư luận trong nước, huống chi (các ý kiến này) được sử dụng như là lời “phản biện” chính thức của VN trước các diễn đàn quốc tế, như khẩn cấp gởi lên tổng thư ký LHQ để phản biện các động thái mới đây của TQ. Công việc càng thêm khó nếu các lập luận này được nhắc trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, hay trước một Trọng tài quốc tế.
Tôi sẽ lần lượt đưa các quan điểm của tôi về luật quốc tế, chung quanh ý nghĩa của Quyết định ngày 4 tháng Chín năm 1958 của TQ về “hải phận 12 hải lý” và chủ quyền lãnh thổ của TQ ở Tây Sa và Nam Sa. Sau đó tôi sẽ nhắc lại những điều tôi đã công bố, như về hiệu lực công hàm 14-9-1958 của thủ tướng Phạm Văn Đồng. Về hiệu lực pháp lý của thái độ “im lặng” qua hiệu ứng “đồng thuận - acquiescement”. Về sự thành hình “quốc gia Việt Nam” hiện đại theo công pháp quốc tế (hiệp định Genève 1954 và hiệp định Paris 1973). Về “tình trạng pháp lý - statut juridique” các quốc gia bị phân chia như Đông và Tây Đức, Nam và Bắc Hàn, TQ lục địa và Đài loan, Đông và Tây Hồi (Pakistan và Bangladesh)... Về “tư cách pháp nhân quốc tế - personnalité internationale” của hai chế độ VNCH và VNDCCH…
*
Lập luận của TQ mọi người đều biết qua các công hàm mới đây gởi lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa, thông qua Tổng Thư Ký LHQ. TQ nại "estoppel", lên các hành vi và thái độ của VNDCCH đã thể hiện một cách liên tục, "minh thị" và "ám thị", từ khi “lập quốc” 2 tháng 9 năm 1945 đến các năm thập niên 70 thế kỷ trước.
Theo TQ, VNDCCH đã nhìn nhận chủ quyền Tây sa và Nam sa thuộc Trung quốc. VN bây giờ không thể "nói ngược".
Lập luận của TQ, VNDCCH đã nhìn nhận chủ quyền của TQ tại HS và TS, qua: 1/ công hàm 14-9-1958 của Phạm Văn Đồng, 2/ các ý kiến (có thể xem là tuyên bố đơn phương) của các lãnh đạo cao cấp VN như Ung Văn Khiêm. 3/ Các sách giáo khoa, các bản đồ do bộ quốc phòng VN xuất bản ghi nhận Tây sa và Nam Sa thuộc TQ, 4/ các bài báo trên Nhân dân nhìn nhận "hải phận" 100 hải lý chung quanh Hoàng Sa thuộc TQ.
Đến nay VN và giàn học giả "cố thủ" trong lập luận VN chỉ nhìn nhận hải phận 12 hải lý trên các vùng lãnh thổ của TQ mà thôi.
Thật là đúng như vậy. Nếu xét câu chữ thì Công hàm PVĐ chỉ: "ghi nhận và tán thành quyết định về hải phận của Trung Quốc", đồng thời "Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc".
Công hàm PVĐ không có chữ nào nhắc đến HS và TS.
Trong trường hợp này ta có thể xem như VNDCCH đã giữ thái độ "im lặng" trước quyết định về hải phận của TQ ở hai vùng lãnh thổ Tây Sa và Nam Sa.
Cách đây khoảng 10 năm tôi có viết bài "Nếu công hàm PVĐ không hiện hữu". Theo đó đặt giả thuyết rằng VN giữ thái độ "im lặng" trước hành vi "khẳng định chủ quyền" của TQ ở Tây Sa (tức Hoàng Sa của VN) và Nam Sa (tức Trường Sa của VN). Theo tôi, trường hợp này VN đã bị vướng nguyên tắc "đồng thuận - acquiescement".
Khiếm khuyết trong các lập luận của giàn học giả trả lời phỏng vấn trên báo Pháp luật là họ "quên", không ai nói tới Tuyên bố của TQ có ý nghĩa gì trước luật pháp quốc tế!!??
Theo Công pháp quốc tế, Tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của TQ là một “quyết định - decision” của chính phủ Bắc kinh (gọi là Trung quốc để phân biệt với phe Cộng hòa Trung hoa ở Đài loan) về lãnh thổ và hải phận của quốc gia Cộng hòa Nhân dân Trung quốc.
Tập quán quốc tế, trong trường hợp này, các quốc gia khác bắt buộc phải lên tiếng để thể hiện “thái độ” của quốc gia trước “quyết định” này (của TQ). (Nếu các quốc gia này thấy có liên quan đến các quyết định của TQ).
Cách thức thể hiện "thái độ của quốc gia" có thể bằng “lời nói” hay bằng công văn. Nội dung có thể là “đồng ý - acceptation” hay “reconnaissance - nhìn nhận”, hoặc nếu không đồng ý thì “protestation - phản đối”.
VNDCCH đã tỏ thái độ "nhìn nhận" và "tán thành" về "quyết định" của TQ.
Câu hỏi đặt ra là VN và giàn học giả có thể "tán thành" quyết định về hải phận của TQ trên mọi vùng lãnh thổ của TQ, nhưng lại loại trừ HS và TS, vì lý do công hàm 1958 của PVĐ không nhắc tới HS và TS hay không?
Đặt thí dụ, trong một hợp đồng làm ăn, một bên A viết một loạt các điều kiện, đánh số từ 1 tới 10. Bên B rút viết ký tên "tán thành quyết định ấy của bên A".
50 năm sau, bên B được hưởng từ bên A viện trợ súng ống, đạn dược, lương thực... tính ra tương đương 20 tỉ đô la. Thêm vào đó 300 ngàn quân. Bên B nhờ vậy lập nên "chiến thắng lịch sử" là "đánh cho Mỹ cút đánh cho ngụy nhào".
Đến năm 1979 khi "cơm không lành canh không ngọt" giữa hai chính phủ "vừa là đồng chí vừa là anh em". VN đổi thái độ, chỉ "tán thành" hải phận 12 hải lý.
Kiểu bên B nói ngược là "moa chỉ nhìn nhận từ 1 tới 9 thôi. Điều 10 moa không công nhận. Toa tin moa thì toa ráng chịu".
Theo tôi, lập luận của VN sẽ không được ai chia sẻ.
Ý kiến của tôi, đã viết từ lâu, là phải "hóa giải" hiệu lực công hàm 1958, triệt để và toàn diện. Hóa giải thế nào thì tôi đã có bài viết sơ lược đã công bố tuần trước.
Bởi vì "nhìn nhận và tán thành" ở 12 hải lý là đã nhìn nhận hiệu lực của công hàm PVĐ rồi.
(Còn nữa)