Ngoại giao “chiến sói” của Xi - Dân Làm Báo

Ngoại giao “chiến sói” của Xi

Nguyễn thị Cỏ May (Danlambao) - Từ vụ dịch Vũ Hán do Coronavirus gây ra, phát tán cùng khắp, người ta nhận thấy Bắc Kinh đang mạnh dạn áp dụng đường lối ngoại giao rất “thiếu ngoại giao”, tức không biết giữ lễ độ tối thiểu vì họ cho đó là chính sách ngoại giao mới của nước lớn để khẳng định vị thế của kẻ sắp làm bá chủ thế giới. Thứ ngoại giao này trong gần đây có dịp thể hiện khá rõ nét qua thái độ và lời nói của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian khi ông ta nói lấy được Coronavirus là do quân đội Mỹ đem tới Vũ Hán.

Đại sứ Gui Congyou tại Thụy Điển so sánh các nhà báo Thụy Điển giống như “võ sĩ hạng nhẹ (48 kg) đối với võ sĩ hạng nặng (86 kg)” Trung Quốc để tỏ thái độ với chính phủ Thụy Điển vì trước đó nhà báo Thụy Điển viết về tác động của hệ thống chính trị lên phản ứng với dịch Covid-19 của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Ông Đại sứ này có thành tích đáng nể là trong năm bị chính phủ Thụy Điển mời tới hơn 40 lần để “sửa lưng”. Còn Lu Shaye, Đại sứ Trung Quốc tại Paris, viết bán mạng trên Twitter “Ở các nhà dưỡng lão EHPAD của Pháp, Y tá và nhân viên đều bỏ trốn mất hết, bỏ mặc cho những người già đói khát, bệnh hoạn, chết trong phòng của họ mà không ai biết”, bị Tổng trưởng Ngoại giao Pháp, ông Le Drian, kêu lên chỉnh. Ông Lu Shaye tỏ thái độ “biết lỗi” nhưng trên Twitter của ông vẫn chưa xóa những lời sai trái ấy. Ông cố ý đưa ra một tin hoàn toàn do ông bịa đặt, nhưng quan trọng cho tuyên truyền và phản tuyên truyền, để cho nhân dân Trung Quốc thấy chính phủ Pháp coi thường người lớn tuổi trong lúc đó đảng cộng sản và Nhà nước Trung Quốc vẫn giữ truyền thống kính trọng người già “kính lão đắc thọ” .

Cả thế giới ngày nay chắc đã có dịp đánh giá đúng mức đảng cộng sản và Nhà nước Trung Quốc không chỉ nói dối, lật lọng mà cả về thương mại. Hôm 30/03, viên phát ngôn Bộ Ngoại giao, Hua Chuniying, lớn tiếng kêu gọi các nước tây phương đừng “chính trị hóa” những lo ngại về phẩm chất của trang thiết bị y tế do Trung Quốc bán cho. Vấn đề sẽ được giải quyết trên cơ sở hàng hóa chớ không phải bằng những suy diễn chính trị. Nhưng có lẽ đã thấy mình quá trơ trẽn, qua ngày hôm sau, chính phủ Trung Quốc lên tiếng hứa sẽ coi lại sản phẩm và từ nay những nhà sản xuất sẽ được cấp phép!

Theo ông Carl Minzner, chuyên về các vấn đề chính trị Trung Quốc tại Trường Luật Fordham, New York – Mỹ, các nhà ngoại giao kiểu mới này sử dụng những lời nói mạnh mẽ để thu hút sự chú ý của nhân dân Trung Quốc, cả trong chính quyền lẫn ngoài xã hội. Họ còn được Tập Cận Bình khuyến khích. Thật ra, trong ngôn ngữ ngoại giao xưa nay, cả ở Phi châu, cũng chưa có thứ “ngôn ngữ đặc sệt Bắc Kinh” này, tuy có thể có vài lời vụng về nhưng liền được điều chỉnh ngay.

Một chuyên gia của Trường Đại học Trung Quốc Renmin cảnh báo rằng nước ông sẽ kiên quyết chống trả nếu bất cứ ai chĩa mũi dùi vào Trung Quốc về vấn đề dịch Coronavirus vì các nhà lãnh đạo Trung Quốc nghĩ rằng nếu Trung Quốc không đáp trả, họ sẽ làm tổn thương Trung Quốc nhiều hơn nữa.

Ngược lại, các quan chức Trung Quốc lên án phương Tây "đạo đức giả". Họ nói rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump và các nhà lãnh đạo khác phớt lờ dịch Covid-19, sau đó đổ lỗi cho Trung Quốc khi virus lan tới.

Ngoài ra còn một vấn đề đáng lưu ý, đó là các nhà ngoại giao Trung Quốc xem dịch Vũ Hán là cơ hội để khẳng định vai trò của mình, tức họ tìm cách khai thác có lợi về mặt địa chính và kinh tế. Như rêu rao thành tích khắc phục dịch thành công của đảng cộng sản, đem trang thiết bị y tế tới giúp các nước bị dịch bệnh do chính họ gây ra. Đã có vài nước, cả ở Âu châu, ca ngợi Bắc Kinh gửi thiết bị y tế và nhân viên cứu trợ giúp họ chống lại đại dịch!

Tại sao Xi Jinping chọn đường lối “ngoại giao chiến sói”, một thứ ngoại giao thiếu văn hóa vì có thái độ và lời nói xấc xược? Có phải thật sự vì đó là ngoại giao của nước lớn chăng?

Ngoại giao “chiến sói”

Hay ngoại giao cà sóc, lấy xung đột làm đường lối nhằm tấn công đối phương, bằng những lời nói xấc xược, bằng cả những tin thất thiệt hay những câu chuyện bịa đặt. Chiến sói là những con chó sói tấn công gây tổn thương đối phương (loups-guerriers – xhan lang). Loài sói này vừa ra khỏi rừng sau Đại hội đảng cộng sản lần thứ 19. Năm 2019 có nhiều thay đổi cán bộ trong Bộ Ngoại giao. Cuối năm, dịch Vũ Hán bùng phát có lẽ gây khủng hoảng nội bộ nghiêm trọng nên Xi đã phải siết chặt hàng ngũ với cánh thân tín và trở về đường lối cứng rắn thêm (Jean-Maurice Ripert, cựu Đại sứ Pháp tại Bắc Kinh)...

“Chiến sói” mượn tựa tập phim truyện hành động của tàu. Nhân vật là lực lượng đặc biệt tàu tấn công quân Mỹ đánh thuê và quân Phi Châu nổi loạn. Loại phim tuyên truyền rẻ tiền dành cho đại đa số dân Trung Quốc, chỉ nêu mục đích là chính phủ Trung Quốc là thành viên duy nhất của Hội đồng Bảo an Thường trực Liên Hiệp Quốc tại đây, không ai có quyền giết họ!

Tiếng “chiến sói” hay “zhan lang” dùng để chỉ không riêng những nhà ngoại giao, mà những nhà báo, nhũng giới chức đại học. Tất cả cùng có tiếng nói giống nhau là công kích các nước dân chủ Tây phương và nặng tinh thần dân tộc cực đoan (Zhao Tong, nghiên cúu ở Carnegie, Le Point, 2488) .

Đó là đặc tính của nước Tàu thời Xi được phơi bày rõ nét. Cả Xi cũng nhiều lần không ngần ngại sử dụng giọng hăm dọa để nhắc lại quan điểm của ông về Đài Loan. Xi cho tàu chiến thường xuyên rà chung quanh Đài Loan và xuống Nam Hải, hoạt động cách không xa tàu chiến Mỹ. Ngân sách quốc phòng Trung Quốc từ 2009 – 2018 tăng 83%. Cũng như trong phim “Chiến sói”, từ nay, Trung Quốc có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của mình ở hải ngoại. Con đường tơ lụa mở rộng sự hiện diện và ảnh hưởng của Trung Quốc ra khắp các lục địa.

Dựa vào sức mạnh đang có, Xi không cần kiềm giữ những tham vọng của mình. Trong vấn đề Hồng Kông, Xi xé bỏ cam kết 1997 với Anh. Cả với thế giới, đảng cộng sản Trung Quốc cũng xử sự theo tinh thần “chiến sói”. Nên cán bộ ngoại giao chỉ biết áp dụng chỉ thị của Trung ương. Ngoại giao của Xi không có nghĩa là kết thân, thương lượng, hòa giải mà chỉ nhằm đề cao địa vị nước Tàu, bênh vực quyền lợi của đảng cộng sản. Nhưng theo Giáo sư Jean-Pierre Canestan của Pháp, chuyên về chính trị Trung Quốc ở Đại học Baptiste Hồng Kông, thì cách phô diễn sức mạnh của Xi như vậy, thật ra, là vô cùng trẻ con.

Vậy tại sao Xi lại theo đuổi chính sách ngoại giao gây hấn?

Trung Quốc gây hấn vì sợ 

Ai cũng nhận thấy ngay trong lúc dịch Vũ Hán đang hoành hành cả thế giới thì Tàu lại lao mình vào cuộc chiến tuyên truyền vô cùng hung hãn. Họ muốn tìm cách làm cho thế giới quên trách nhiệm của họ đã làm bùng phát dịch Vũ Hán và phải nhìn nhận hệ thống độc tài của họ là hữu hiệu hơn những chế độ dân chủ tây phương trong việc khắc phục dịch bệnh. Tòa Đại sứ Trung Quốc tại Paris vừa đưa ra trên Twitter lời đề cao Trung Quốc là nước thành công tuyệt vời trong việc chữa trị bệnh dịch Vũ Hán vì Trung Quốc, như nhiều nước á châu khác, ý thức sâu xa tính tập thể và tinh thần công dân, điều mà các nền dân chủ tây phương không có.

Trả lời nhà báo Luc de Barochez (Le Point.fr 31/03/20), bà Valérie Niquet, đặc trách Á châu của Fondation pour la Rechrche Stratégique Paris (FRS), giải thích tại sao Trung Quốc lên gân lố bịch như mọi người đều thấy, đó là vì sợ. Có 2 lý do.

Trước nhất, nội tình nước Tàu vô cùng bất an, xã hội nhiều rủi ro, do dân chúng không thật sự tin tưởng ở nhà cầm quyền. Kế đến, do sự phụ thuộc kéo dài của nền kinh tế Trung Quốc với bên ngoài. Đảng và Nhà nước, ngay lúc đầu, đã không chứng tỏ được khả năng quản lý khủng hoảng do virus Vũ Hán gây ra. Họ vẫn cứ lập đi lập lại cách của đảng và Nhà nước giải quyết dịch bệnh là đúng. Chủ tịch Xi lên tiếng xác nhận Trung Quốc đã chiến thắng bệnh dịch và phản đối dư luận cho rằng “Trung Quốc khắc phục bệnh dịch bằng một giá quá đắt”. Nhưng họ có thuyết phục được dân chúng hay không?

Người ta thấy rõ là dân chúng không còn ai tin họ nữa. Người ta vẫn chưa quên bác sĩ, doanh nhân, những người đưa ra lời phê phán rất sớm đều bị mất tích một cách không bình thường. Dịch Vũ Hán đã tấn công vào sự ổn định xã hội Trung Quốc một vố quá ác liệt vì nó ảnh hưởng trực tiếp giới trung lưu và giới dân thành thị mà hai giới này hiện nay là nền tảng của chế độ. Mà đó không phải là tình cờ nếu dịch Vũ Hán đã không phát triển trong hệ thống đảng trị này, vừa thiếu sự minh bạch và vừa thiếu phương tiện kiểm soát trong lúc tham nhũng có hệ thống vì chính cái đảng cộng sản tham nhũng.

Ý nghĩ về việc thế giới sẽ quay lưng lại với mình làm cho Trung Quốc lo sợ vô cùng. Ngày nay, cả Tây phương đang bảo nhau hãy cẩn thận với Trung Quốc là trung tâm sản xuất hàng hóa, đã làm cho Trung Quốc lo sợ thêm. Kinh tế Trung Quốc luôn luôn tùy thuộc vào xuất cảng bởi thị trường nội địa của họ không thể thay thế thị trường lớn của những nước mở mang. Đây là thực tế. Trung Quốc rất cần đóng vai trò là trung tâm giao dịch của vùng Á châu. Họ rất cần ngoại quốc đầu tư để nhờ đó kỹ nghệ và kinh tế của họ phát triển. Phát triển của Trung Quốc suy thoái thì đảng cộng sản không thể giữ vai trò lãnh đạo triệt để được. Bạo loạn sẽ khó tránh.

Xưa nay, cộng sản được sinh ra từ xã hội mâu thuẫn và tồn tại bằng mâu thuẫn. Nay Xi đang tận lực khai thác dịch bệnh để tồn tại. Nhưng chiến thuật cổ điển này không biết có tránh được ngón đòn lực phản hồi của trò chơi Boomerang của thổ dân Úc hay không?

Xi hô hào làm “tư bản toàn trị” đã tạo ra giai cấp trung lưu và lớp thị dân, xã hội cổ truyền Trung Quốc đã thay đổi sâu xa. Còn thêm cả một lớp tư bản. Thế lực mới này trong một lúc nào đó sẽ xung đột trực tiếp với quyền lực độc tài. Đó là điều đầy rủi ro khó tránh.

Thực tế cho thấy chiếc Boomerang đang trên đà quay trở lại trong mặt trận “chiến sói” của Xi mặc dầu các Tòa Đại sứ Bắc Kinh đang nỗ lực lũng đoạn mạng xã hội để chỉ còn lập luận của họ là Covid-19.

không phát xuất từ phòng thí nghiệm P4 Vũ Hán. Thế giới đang cực lực lên án Xi và đòi bồi thường thiệt hại do virus Vũ Hán gây ra. Cụ thể, ông Joseph Borrell, người đặc trách mới Ngoại giao Âu châu tỏ ra vô cùng cứng rắn đối với Bắc Kinh. Tổng thống Macron của Pháp cũng lên tiếng cho rằng dịch Vũ Hán có nhiều điều khó hiểu. Ai ngây thơ mới tin lời giải thích của Xi Jinping.

Trong buôn bán, Trung Quốc giao hàng hóa xấu, hư hỏng, nhiễm độc do thiếu phẩm chất. Khách hàng khiếu nại không giải quyết thỏa đáng. Và thế giới cũng chưa quên khi dịch bùng phát, Bắc Kinh chỉ thị các Tòa Đại sứ thu mua hết trang thiết bị y tế đem về Trung Quốc nhằm gây ra tình trạng khan hiếm cho mọi người khi có nhu cầu. Cách đầu cơ trục lợi cố hữu của Tàu không hề nghĩ tới quyền lợi của người khác!

Tất cả chống Trung Quốc

Nhiếu người dự đoán sau vụ Chinavirus thế giới sẽ không như trước đây nữa. Chắc chắn. Nhưng thế giới sẽ như thế nào, chưa thấy ai mô tản rõ nét. Nhà triết học Michel Onfray của Pháp cho rằng Âu châu, trong đó có Pháp, sẽ trở thành “Thế giới Thứ ba” (Le Tiers-Monde). Một nhà tư tưởng khác gợi lên một hình ảnh thê thảm hơn, đó sẽ là “Âu châu của thời Trung cổ”!

Nhưng những học giả chuyên về Tàu, như bà Valérie Niquet của Fondation pour la Recherche stratégique Paris, có quan điểm cụ thể là “Phải đánh giá đúng mức cái thảm nạn chưa bao giờ có này, về mặt kinh tế, xã hội và sinh mạng con người. Dĩ nhiên cho các nước Âu châu, mà cả cho các nước Á châu nữa. Dầu cho đó là một sự bất cẩn vụng về hay một lý do gì khác thì vấn đề cốt lỏi vẫn là cái giá mà thế giới, ngoài Trung Quốc ra, sẽ phải trả, đó là đề tài cần thảo luận cho tương lai”.

Ông Antoine Brunet, tác giả cuốn “Visée hégémonique de la Chine” (Chính sách bành trướng của Trung Quốc) nói rõ “trách nhiệm của Bắc Kinh gây ra khủng hoảng kinh tế thế giới là không còn chối cãi được”.

Riêng ông Chris Patten, cựu Thống đốc Hồng Kông cho tới năm 1977, giao trả Hồng Kông cho Trung Quốc, với kinh nghiệm về chính trị cộng sản Trung Quốc sau thời gian dài làm việc ở Hồng Kông, nhân vụ dịch Vũ Hán, ông tuyên bố “Phải chống lại Trung Quốc”. Ông giải thích thêm “Dưới triều đại Xi Jinping, Trung Quốc trở thành một thế lực vô cùng nguy hiểm hơn, vô đạo đức hơn, gây bất an hơn cho Tây phương và cho cả nhân dân Trung Quốc.

Dịch Covid-19 được đảng cộng sản che dấu. Chuyện rất bình thường trong một chế độ độc tài như Trung Quốc. Họ luôn luôn dối trá và giữ bí mật để che dấu những chuyện không hay của chế độ. Dịch Vũ Hán làm chết hằng trăm ngàn người trên thế giới, cả dân Trung Quốc, cho thấy một sự thật không chối cãi là đảng cộng sản cơ bản là cái đảng giết người. Và Xi đúng là người đại gian đại ác. Lợi dụng trong lúc các nước đang lo đối phó với bệnh dịch, Xi cho củng cố thêm lực lượng ở Nam Hải, khủng bố Hồng Kông, hăm dọa Đài Loan, xác định quyền lợi của Trung Quốc theo tham vọng của Xi.

Nhưng có một sự thật hiển nhiên, qua vụ dịch Vũ Hán này, cần thấy rõ, đó là sự yếu kém của chế độ độc tài. Bởi chế độ độc tài không hề do nhân dân tín nhiệm.

8/05/2020



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo