Cái làn - Dân Làm Báo

Cái làn


Những thuật ngữ “Đảng ta”, “Nhà nước ta”, “quân và dân ta”... chỉ là cách nói “với dụng ý đánh đồng các thành phần trong hệ thống chính trị của Đảng Cộng sản với toàn thể quốc dân và xã hội. Đây chỉ là “một phép nguỵ biện về lô-gích và một sự trâng tráo về hành xử. (La Thành)

Khi được hỏi về “đàn ông,” nhà văn Phạm Thị Hoài (cố nén một tiếng thở dài) đáp khẽ:

“Đàn ông Việt Nam thường thừa nhận đàn bà Việt Nam lắm đức hạnh, ít nhất là cái đức chịu khó chịu thương. Song họ quên rằng, phần lớn những cái đức đàn bà ấy, nhất là đức chịu khó và cả chịu thương nữa, chỉ là cái khôn của cảnh khó. Các nhân vật nữ của tôi bày tỏ rõ ràng khao khát được ít đức hạnh đi một chút, được chia đều đức hạnh cho đàn ông gánh bớt. Lắm đấng ông chồng vui vẻ xách làn đi chợ hộ vợ, thế là văn minh rồi, nhưng cáng cho vợ cái đức hay lam hay làm thì ít ông chịu.”

Ôi, tưởng gì chớ tật xấu của đàn ông (nói chung) và đàn ông Việt Nam (nói riêng) thì e đám đàn bà phải càm ràm cho tới... chết - hay ngược lại. Không mắc mớ gì mà tôi lại xía vô mấy chuyện lằng nhằng (và bà rằn) cỡ đó. Nhưng riêng hai chữ “cái làn” trong câu nói “Lắm đấng ông chồng vui vẻ xách làn đi chợ...” của Phạm Thị Hoài thì khiến tôi bần thần, cả buổi!

Năm 1954, cái làn (cùng nhiều cái khác: cái bàn là, cái bát, cái cốc, cái ô, cái môi, cái thìa...) đã theo chân mẹ tôi di cư từ Bắc vào Nam. Cuộc chung sống giữa cái bàn là với cái bàn ủi, cái bát với cái chén, cái cốc với cái ly, cái ô với cái dù, cái môi với cái vá, cái thìa với cái muỗm... tuy không toàn hảo nhưng (tương đối) thuận thảo và tốt đẹp.

1954-1975: thời gian, dù ngắn, đủ xoá nhoà mọi ngăn cách giữa những “cái” vừa kể. Rồi ra, ai cũng biết: cái mền là cái chăn, cái mùng còn gọi là cái màn, cái phong bì với với cái bao thư là một, cái bật lửa đã trở thành bựt lửa, cái hôn và cái hun cùng một nghĩa - như nhau.

Cái làn, tiếc thay, không có được sự hội nhập dễ dàng (và lẹ làng) tương tự. Bên cạnh cái giỏ ny lông mầu sắc, rắn chắc và tươi tắn, cái làn đan bằng mây hay bằng cói trông tội lắm: già nua, quê mùa, ọp ẹp, bẹp xẹp, xấu xí và (thường) hơi bẩn thỉu. Nó không thể sánh vai, chung bước với cuộc đời. Cái làn, do thế, rất ít khi đi ra khỏi cửa. Nó chỉ ở rịt trong nhà với mẹ tôi thôi.

Tôi thì khác. Tôi có số xa nhà.

Thiên hạ rời nhà là tắp ngay vào ngay khách sạn, hay phòng ngủ.

Tôi thì không.

Tôi hay la cà ở đầu đường xó chợ, và ngủ bờ ngủ bụi, nên thỉnh thoảng vẫn bị túm vào những nơi tập trung - có tên gọi bắt đầu bằng chữ “trại”: trại tù, trại bệnh, trại phục hồi nhân phẩm, trại cải tạo...

Đời sống ở tất cả những cái trại (thổ tả) này đều có một điểm chung bất biến là... thiếu thốn! Vì vậy, tôi đi đến đâu là mẹ già - cùng với cái làn - lại phải lẽo đẽo theo sau đến đó, để thăm nuôi. Cho đến khi thằng con lưu lạc đến những trại tị nạn xa lắc xa lơ, ngoài biên giới quốc gia, bà cụ với cái làn mới thôi xuất hiện.

Từ những góc bể chân trời xa lạ, mỗi khi ngoảnh nhìn về quê cũ, bao giờ tôi cũng chỉ thấy trời chiều ùn lên những khối mây trắng đục. Hình ảnh quen thuộc của mẹ già - còng lưng với cái làn thức ăn, nặng trĩu trên tay - cứ nhạt nhoà dần rồi... mất hẳn, không biết tự bao giờ.

Mẹ tôi qua đời đã lâu. Người đàn bà cuối cùng ở miền Nam - vào hậu bán Thế Kỷ XX - vẫn còn (thỉnh thoảng) xách làn đã mất. Mọi thứ liên quan đến bà, tưởng chừng, cũng đều đã trở thành hư ảo. Vậy mà chiều qua (chợt) nghe có người nhắc đến... cái làn. Sao không dưng mà bàng hoàng nhớ mẹ, nhớ nhà, và nhớ chốn cũ quê xưa đến rưng rưng nước mắt!

Đợt di cư thứ hai, từ Bắc vào Nam - khởi sự vào năm 1975 - ồn ào và lào xào hơn trước. Những thứ được mang theo, đến vùng đất mới, cũng linh tinh và lỉnh kỉnh hơn xưa: nón cối, dép râu, súng đạn, bác Hồ, tem phiếu, sổ gạo, cửa hàng ăn uống quốc doanh, bản khai lý lịch, mẫu đơn xin tình nguyện đi vùng kinh tế mới, trại cải tạo, ông công an phường, bà tổ trưởng dân phố, anh công an khu vực, chị hội trưởng hội phụ nữ, nghĩa vụ lao động, chiến dịch kiểm kê tài sản, chính sách cải tạo công thương nghiệp, Chủ Nghĩa Mác Xít Lê Nin Nít Bách Chiến Bách Thắng Vô Địch Muôn Năm...

Tất cả đều rất mới lạ, và (xem chừng) đe dọa. Chỉ riêng cái Tinh Thần Làm Chủ Tập Thể, được nhắc đến thường xuyên qua loa - đài là (nghe) có vẻ hiền hoà:

Đảng ta
Nhà nước ta
Xã hội ta
Nhân dân ta
Quốc hội ta
Bộ đội ta
Sứ quán ta
Người phát ngôn của Bộ Ngoại Giao ta...

So với cái tôi nhỏ bé, bình thường (cố hữu) của những người thuộc phe bại trận, cái ta - thoạt nghe - có vẻ vị tha, bao dung, và cao cả. Nó khiến người ta nghĩ ngay đến cái chung, đến sự liên đới, tính kết đoàn. Và “kết đoàn chúng ta là sức mạnh.”

Ý nghĩ tích cực này - tiếc thay - không ai giữ được luôn, và cũng chả ai giữ được lâu. Cuối cùng, nhà văn Đào Hiếu (qua BBC) đã lên tiếng như sau:

“Nếu cái đất nước giàu tài nguyên này, cái quê hương ‘rừng vàng biển bạc’ này là của nhân dân, sao nhân dân nghèo khổ đến vậy?”

“Sao những chàng trai nông thôn chân lấm tay bùn vẫn ở nhà tranh vách đất?”

“Sao những cô gái quê phải lên thành phố bán thân?”

“Sao bác phu xích lô vẫn còng lưng đạp mỗi ngày, sao lớp trẻ con nhà lao động phải nhễ nhại mồ hôi trong các khu chế xuất, các mỏ than, các nhà máy chế biến hải sản, lâm sản, nông sản...chỉ để kiếm chưa đến một trăm đô la mỗi tháng?”

“Sao nhân dân lao động vẫn phải chui rúc trong những căn nhà tồi tàn chật hẹp?”

“Nếu rừng là vàng, biển là bạc thì vàng ở đâu, bạc đi đâu, mà mỗi lần làm đường, xây cầu lại phải vay vốn ODA, vay vốn Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ Thế giới... để xảy ra những vụ tham nhũng nhục nhã như PMU18, như vụ cầu Văn Thánh, như vụ PCI Nhật Bản... và hàng ngàn vụ khác?”

“Nếu đất nước này là của nhân dân thì sao dầu mỏ khai thác nhiều như vậy mà dân không giàu? mà Đảng lại giàu?”

“Nếu đất nước là của nhân dân sao lại chỉ có một nhúm các tập đoan tài phiệt phất lên nhờ kinh doanh rừng, biển, đất đai và lúa gạo... trong khi nhân dân thì bị cướp đất, rừng thì bị phá, thóc lúa thì bị thương lái ép giá, đẩy nông dân vào kiếp sống bần cùng?”

Còn nhiều cái “sao” khác nữa mà Đào Hiếu không đủ thì giờ để giải bầy, một cách tường tận, bằng giấy bút (qua một bài báo ngắn) nhưng vẫn thường được dân Việt nói từ lâu - trong câu chuyện hàng ngày:

- Sao Đảng (ta) sinh hoạt cứ y như một chi bộ của Đảng Cộng sản Tầu vậy cà?

- Sao Quốc hội (ta) chỉ làm có mỗi một một việc là chuẩn phê mọi quyết định của Đảng (ta) chứ không bao giờ phản ảnh bất cứ nguyện vọng nào của nhân dân (ta) hết trơn hết trọi?

- Sao Bộ đội (ta) chả có phản ứng gì ráo trước tình trạng lãnh thổ bị xâm phạm trắng trợn như thế?

- Sao Sứ quán (ta) không có hoạt động gì khác ngoài chuyện chuyên buôn lậu, làm tiền kiều bào và làm điềm chỉ viên cho Nhà nước?

- Sao những Người Phát ngôn của Bộ Ngoại giao (ta) hễ cứ mở miệng ra là nói dối xoen xoét hay là chối ngay, chối bay, chối biến, chối phăng, chối phắt, chối nằng nặc, chối bai bải, chối đây đẩy, chối quầy quậy, chối tuốt luốt, và cực lực bác bỏ hết chuyện này đến chuyện nọ... như vậy?

Nói nóm lại là sao nhà nước ta, đảng ta, chế độ ta, nhân dân ta lúc nào cũng khốn nạn, đểu giả, bạc nhược, thối nát, nhếch nhác... đến thế? Những vấn nạn này hiện nay đã được đặt ra ở khắp mọi nơi, và đâu đâu cũng nhận được một câu trả lời (gọn lỏn) của nhà văn Hoàng Ngọc Hiến: Cái nước mình nó thế!

Thế nà thế lào? Nhà thơ Hoàng Hưng lý giải trên một bài viết (“Từ Cách Thưởng Hoa Đến Nhân Cách”) đọc được trên talawas thế này đây:

“Để bù đắp lại cái quyền tự nhiên của mình bị ngăn trở, cái tôi bèn tìm mọi cách trốn tránh trách nhiệm, và ‘nhanh mắt, nhanh tay’ ăn cắp, thậm chí ăn cướp mỗi khi ‘cái ta’ sơ hở; nhưng cách hay nhất, thực tế đã chứng tỏ hiệu quả nhất, là lẩn trốn trong bóng ‘cái ta’, núp ngay dưới danh nghĩa ‘cái ta’ mà ăn cắp, ăn cướp của chính ‘cái ta’ và của những ‘cái tôi khác’ yếu hơn mình (về thủ thuật này, nêu gương một cách xuất sắc chính là những vị có chức có quyền). 

Mức độ nhẹ hơn nhưng hết sức phổ biến từ trên xuống dưới: khi không có điều kiện hoặc chưa đủ tâm địa ăn cắp/ ăn cướp, người ta chọn lối sống ‘cha chung không ai khóc’, ‘mackeno’. Và một trong những hậu quả của việc ‘cái tôi’ phải ‘sống chui’ ấy là thói đạo đức giả lan tràn trong xã hội đến mức có lần trong một hội thảo khoa học, GS Phan Đình Diệu phải cay đắng nói rằng: sự giả dối đang trở thành ‘bản sắc dân tộc’!”

Nếu quả là cố giáo sư Phan Đình Diệu có nói như thế thì tôi e rằng ông đã nói trong một lúc hơi (bị) yếu lòng! Bản sắc dân tộc Việt ta không kém cỏi (đến) như thế, và cũng không phải lúc nào cũng ở tình trạng thụ động như vậy.

Thầm lặng và từ tốn, vô thức tập thể có thể đã làm cái công việc đãi lọc và chuyển đổi từ ta qua tôi (hoặc “mình”) từ bấy lâu nay. Sở hữu đại danh tự ta đang dần biến mất trong ngôn ngữ hàng ngày, ở Việt Nam. Nơi đây, người dân (thôi) không còn muốn nói đến nhà nước ta, đảng ta, chế độ ta, bộ đội ta, quốc hội ta... nữa. Cả nước đều... oải cái “ta” của “cách mạng” lắm rồi!

Ngôn ngữ có nhịp thở, và đời sống (cũng như tuổi thọ) riêng của nó. Cái cốc, cái màn, cái môi, cái thìa, cái bút, cái hôn... - sau khi vào Nam đã hội nhập và sống thuận hoà nơi vùng đất mới. Đôi dép râu, cái sổ gạo, cái cửa hàng ăn uống quốc doanh, cái Chủ Nghĩa Mác Xít Lê Nin Nít Bách Chiến Bách Thắng Vô Địch Muôn Năm thì lặng lẽ... đi vào nghĩa địa! Cái Tinh Thần Làm Chủ Tập Thể (nghe tử tế là thế) cũng cùng chung số phận. 

Những thuật ngữ “Đảng ta,” “Nhà nước ta,” “quân và dân ta”... chỉ là cách nói “với dụng ý đánh đồng các thành phần trong hệ thống chính trị của Đảng Cộng sản với toàn thể quốc dân và xã hội.” Đây chỉ là “một phép nguỵ biện về lô-gích và một sự trâng tráo về hành xử.” (La Thành. “Tính ‘Chính/ Ngụy’ Của Quyền Lực Nhà Nước” - talawas).

Sự ngụy biện, và cách hành xử trân tráo này, không còn được người Việt chấp nhận. Nước mình, dân tộc mình vẫn còn đó (và sẽ còn hoài) nhưng chế độ ta, đảng ta, quốc hội ta... thì e không còn (sống) được bao lâu nữa. Đó là qui luật của sự tiến hoá. Cũng như chuyện cái làn thì đã từ trần nhưng cái l.. thì vẫn sống vô tư, sống hồn nhiên, sống phây phây, và sống hây hây - mãi mãi.

09.06.2020




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo