Có lạ lắm không? - Dân Làm Báo

Có lạ lắm không?

Thanh Thản Nhiên (Danlambao) - Sau ngày đất phương Nam "được" giải phóng thường nảy sanh ra lắm chuyện lạ lùng. Từ chữ Quốc ngữ in trong sách, phát hành trên báo bao đời ổn định đã đi vào văn học sử, một sớm mai nào đó có người thích "cải tiến" chữ Việt khiến "con chữ" bỗng lạ lùng, khó hiểu. Nhưng sẽ có người bênh vực "không thành vấn đề, trước lạ sau quen".

Kẻ phát minh ra "sáng kiến" này rất xa lạ với tôi vì ngài thuộc tầm cỡ "đỉnh cao..." là PGSTS Bùi Hiền. Khi ông trình bộ chữ mới này ra tôi và mọi người hết còn lạ mặt ông nữa. Ông nói "về đề xuất cải tiến tiếng Việt bị 'ném đá'. Họ dùng chính chữ của tôi để chửi tôi chứng tỏ chữ này rất nhạy, rất nhanh vào đầu. Đây là sự cải tiến chứ không phải cải cách". Cách viết này như ông trình bày sẽ giúp tiết kiệm được thời gian và giấy mực. Có người phê bình nếu cải tiến chữ Quốc ngữ theo đề xuất này thì các học giả sẽ trở thành người vừa đọc vừa đánh vần. Viết sai chánh tả phải đi học lại từ đầu. Tất cả các tài liệu khoa học sẽ thành văn bản cổ. Chỉ các nhà nghiên cứu về chữ cổ mới có thể đọc được.

Trên đây là chữ viết khó đọc. Sang qua câu nói lạ tai khó nghe. Tháng rồi TT Nguyễn Xuân Phúc có phát ngôn hơi... ẩu tả - "thực tại bây giờ nếu cột đèn ở Mỹ biết đi thì sẽ về Việt nam". Thật hay! Câu nói đáng lưu truyền vào bia đá sử xanh. Nhưng có người thắc mắc phải chăng trước khi làm Thủ Tướng có thể ông làm Chủ tịch công ty nhà đèn nên rành về trụ đèn, cột điện? Nhớ Hòn ngọc Viễn Đông nên ông lại "hồ hởi phấn khởi" đi so sánh nữa "Trong tương lai gần đây là siêu đô thị TPHCM và 7 tỉnh còn lại sẽ là "bát giác kim cương, mục tiêu đến năm 2030 trở thành vùng hùng cường". Có người tiết kiệm chữ nghĩa không nói TT phát biểu mà gọi tắt "TT Nguyễn Xuân Phúc nổ!"

Tôi nhớ về biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa có dính dáng đến thân phận ngư dân Miền Trung và thuyền chài đánh bắt cá bị tàu lạ uy hiếp nhận chìm. Ngoài chuyện trời nổi phong ba làm dậy sóng, dân chài còn phải đối phó với nạn "tàu lạ, người lạ" hống hách theo kiểu cá lớn nuốt cá bé. Chữ "lạ" không ai còn lạ nữa, trái lại rất thân quen, thắm thiết vì họ là bọn Tàu chệt. Họ từng tuyên bố hai nước luôn có tình hữu nghị anh em thắm thiết, bền vững, lâu dài...

Không nhắc tới ngài Tổng Bí Tịch nhà mình là một thiếu sót lớn vì ngài có nhiều lời tuyên bố tiền hậu bất nhất hơi lẩm cẩm, lạ lẫm. Ông ta nói "chức Bí thư kiêm Chủ tịch thì to quá ai kiểm soát". Thế mà khi ông Trần Đại Quang vừa khuất núi sau đồi, ông vội nhảy lên ngồi hai ghế luôn. Còn giữ thêm chức vụ "Người nhóm lò" dù tuổi già sức cạn cũng không ngại ngồi gánh vác. Có bà Nguyễn Xuân Thắng (chắc là cò mồi) một cử tri từ Quận Hoàn Kiếm hôm 24/6 được truyền thông tại Việt Nam dẫn lời nói rằng "cử tri rất hoan nghênh TBT, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong việc đi đầu kiên quyết chống tham nhũng, theo đó tìm ra nhiều vụ tham nhũng lớn". Cuối cùng bà nói "đất nước đang còn nhiều khó khăn, mong TBT, CT Nguyễn Phú Trọng tiếp tục tham gia nhiệm kỳ tới để chèo lái con thuyền đất nước đi đến đích cuối cùng".

Người thứ 3 trong nhóm tam trụ là nữ Chủ tịch cuốc hội Nguyễn thị Kim Ngân cũng phát thanh nhiều câu nói để đời nào là ví von "Ngân sách nhà nước đã cạn như dòng Cửu Long đã cạn". Mới đây bà lên tiếng vụ "ăn dày". Tôi còn lạ tai nhưng các quan chức, cán bộ trong đảng quá quen hai tiếng này. Bảo đảm ai cũng có "ăn" không dày thì mỏng rồi. Bà bảo người khác "ăn dày" xin đừng lầm với "ăn giày, ăn dép" mà bà có ăn không? Hỏi tức đã có trả lời. Mượn lời nhà hoạt động Trần Bang tại Sài Gòn cho rằng "Bà ấy vô tình, vô ý nhưng bà ấy nói thật. Bà ấy đã từng làm theo hệ thống nhưng chắc ngày xưa không "ăn dày"như vậy, ăn mỏng ăn nhiều lần, ăn trong nhiều năm. Từ hồi bà làm cán bộ đến nay chắc ăn mỏng nhiều lắm. Nói lên sự thật của chế độ độc đảng. Vào đảng để tham nhũng quyền lực, tham nhũng tài sản... Sau thời gian người ta trơ lỳ với tham nhũng, trơ lỳ với những người làm hành vi tham nhũng và trơ lỳ với những người nghe chửi tham nhũng. Có ai ngờ người lãnh đạo cao nhất cũng có dấu hiệu trơ lỳ như vậy".

Bàn về thuốc men bệnh tật, trong nhà thương, thân nhân người bệnh cũng không quên cho y sĩ trưởng "ăn dày" để ông no mà chữa trị người bệnh chu đáo. Cấp trên, cấp dưới nói theo tiếng lạ là "một bộ phận không nhỏ" lúc nào cũng ghiền ăn, thèm ăn. 

Các thiết bị y tế nhập về trong mùa dịch bệnh cũng bị "ăn". Tóm lại nhìn đâu cũng thấy các ông bà ăn hết. Như vậy còn đâu để chừa cho dân nghèo húp chút cơm thừa canh cặn?

Đó là những cái "lạ tai gai mắt" dân đã tập nghe cho quen. Còn báo chí đưa tin Bí thư và Chủ tịch tỉnh Quãng Ngãi "trả chức" hoặc là "thôi giữ chức vụ" sau khi bị kỷ luật. Họ nói "từ chức" là hiện tượng các cán bộ lãnh đạo "tự nguyện rời bỏ chức vụ, quyền hạn"...

Chắc chắn sẽ còn 1001 chuyện "lạ" khác chúng ta sẽ thấy, khoan nóng vội! 

30.06.2020




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo