Lời người dịch: Vào tháng Sáu năm 1930 trong văn phòng của ông Arnoux, chánh mật thám Bắc Kỳ, tại Hỏa Lò, Hà Nội, phóng viên Pháp Louis Roubaud từ Paris đến đã phỏng vấn Ký Con, trưởng ban ám sát và kỷ luật của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Nhà báo Pháp tả về Ký Con như sau:
"Ông 22 tuổi người nhỏ con và gầy. Mặt ông giống như mặt con sóc và mắt ông sáng. Ông vẫn đứng thẳng và khi ông phấn khích, ông dường như quên ông là người tù. Hai cổ tay ông bị còng chéo chặt lại với nhau nên cử chỉ duy nhất ông có thể làm là giơ hai cánh tay lên về hướng quạt trần.
"Ký Con" cười nói vui vẻ, đôi vai ông rung lên, ông dường như trò chuyện thoải mái ở đây với một người thông minh sau những giờ dài đơn điệu trong xà lim."
Ông Arnoux nói tiếng Việt còn "giỏi hơn người bản xứ" đã thông dịch cho phóng viên Louis Roubaud trong cuộc phỏng vấn. Ở cuối chương về Ký Con, tức Đoàn Trần Nghiệp, Roubaud viết "Arnoux là kẻ thù tàn bạo nhất của họ, truy đuổi họ đến cùng, nhưng ông không bao giờ khinh miệt họ."
Họ ở đây không ai khác hơn chính là những liệt sĩ vô danh và hữu danh của Việt Nam Quốc Dân Đảng.
***
Bây giờ đến lượt tôi hỏi ông.
"Nếu ông không tin chắc vào thắng lợi, tại sao ông vẫn cứ tiếp tục làm?"
Ông đáp:
"Luôn luôn phải có người bắt đầu trước rồi người sau mới nối bước được. Hôm nay chúng tôi không thành công thì người sau tất sẽ thành công."
"Thành công điều gì?"
"Là đuổi người Pháp ra khỏi nước An Nam."
"Phải chăng ông sẽ đạt được mục tiêu ấy bằng cách sát hại đồng bào ông?"
"Tôi chỉ trừng phạt những kẻ phản bội. Nếu tôi giết ai thì đó cũng chỉ là vì cái lợi ích chung. Chẳng lẽ ông đã làm được cách mạng mà không cần giết người?"
"Và ông còn cướp cả hành khách nữa."
"Cách mạng cần tiền. Trên xe có nhiều thương gia người Tàu giàu có đi chợ để tích trữ lúa gạo. Tôi bảo với họ rằng tôi có nhiệm vụ lấy của người giàu chia cho người nghèo."
"Ông là cộng sản?"
"Tôi chỉ là người ủng hộ chính quyền cộng hòa như ông. Tôi mong muốn nước tôi những gì các ông đã đạt được cho nước các ông: một chính phủ dân chủ, phổ thông đầu phiếu, tự do báo chí, công nhận nhân quyền và quyền của công dân, và trước tiên là độc lập!"
Ông còn tuyên bố:
"Giá như người Pháp thương chúng tôi, họ sẽ thấy chúng tôi đau khổ!"
Rồi ông nói tiếp:
"Người đau khổ nhất là người già vì họ không còn nhìn thấy rõ nữa. Chúng tôi đang sống không có ánh sáng như người già. Chúng tôi là dân tộc đang sống trong bóng tối."
Nói xong, "Ký Con" bị giải về xà lim.
Nguồn:
Đoạn phỏng vấn trong tác phẩm tiếng Pháp tựa đề "Việt Nam" của phóng viên Louis Roubaud xuất bản vào năm 1931 tại Paris. Bản tiếng Anh của Robert Charles Dolan.
Người dịch: