Cục Trẻ Em có thực tâm phòng chống đuối nước cho trẻ em hay không? - Dân Làm Báo

Cục Trẻ Em có thực tâm phòng chống đuối nước cho trẻ em hay không?

Mẹ Nấm (Danlambao) - Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ trẻ em chết đuối cao nhất trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần so với các nước phát triển. Theo số liệu thống kê trong năm 2019 của Bộ LĐ-TB-XH, mỗi năm có hơn 2.000 trẻ em bị chết đuối. Trong khi đó theo kết quả điều tra năm 2017 của Quỹ Nhi đồng LHQ tại Việt Nam thì số trẻ em chết đuối lên đến 7,000 ca. Năm nào đến hè cũng có tai nạn chết đuối nhưng tất cả chỉ dừng lại ở việc hô khẩu hiệu chống đuối nước trên truyền thông.

Biết bơi và không bị đuối nước là hai vấn đề khác nhau. Chính vì vậy mà việc dạy trẻ học bơi chỉ là cách giải quyết phần ngọn chứ không thể chống được tai nạn đuối nước là phần gốc của vấn đề. 

Biết bơi không bảo đảm tránh được đuối nước. Chúng ta đã từng có những ví dụ như vận động viên bơi lội đỉnh cao Francis Crippen đã chết đuối năm 2010 tại UAE. Hay đô vật Gaspard Shad một tay bơi khỏe cũng đã tử vong do dòng cuốn xa bờ năm 2020 ở Venice Beach, Hoa Kỳ. 

Điều này nhắc chúng ta nhớ rằng người biết bơi nếu không có kiến thức phòng chống đuối nước cũng sẽ bị chết đuối như thường. Nói vậy để thấy Bộ Giáo dục kêu gọi dạy trẻ học bơi để ngăn chặn tình trạng trẻ em tử vong vì đuối nước là cách tiếp cận sai phương pháp. 

Ông Phạm Anh Tuấn, một người tâm huyết với dự án phòng chống đuối nước cho trẻ em (E-Bơi) hơn 10 năm qua gửi thư gõ cửa khắp nơi từ thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Bộ trưởng Bộ GD & ĐT Nguyễn Thiện Nhân để đóng góp ý kiến, đưa kiến thức đến với trường học, trẻ em... nhưng câu trả lời từ những người có quyền lực là sự im lặng khó hiểu. 

Kết quả trẻ em Việt Nam vẫn chết đuối mỗi năm vì người ta quan tâm đến chuyện học bơi hơn là phòng chống đuối nước. 

Mỗi năm, con số trẻ tử vong do đuối nước tại Việt Nam vẫn duy trì ở mức độ cao so với thế giới. Và các quan chức ngoài việc hô khẩu hiệu, ra công văn, tuyên truyền trên mặt báo cho đến nay chưa có hành động thiết thực nào để chấm dứt tình trạng này. 

Quan chức có biết sự khác nhau giữa “học bơi” và “phòng chống đuối nước” hay không? 

Câu trả lời là có vì họ đã nhận được báo cáo, thư kiến nghị từ người có chuyên môn để giải thích về vấn đề này. Nhưng vì nhóm lợi ích trong môi trường giáo dục quá lớn khiến họ nhắm mắt làm ngơ với việc tiếp cận kiến thức phòng chống đuối nước từ chương trình E-bơi miễn phí để “kiên định” đi theo con đường tiếp tục học bơi. 

Nếu phát động phong trào dạy bơi cho học sinh thì việc xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng như hồ bơi, các mặt hàng liên quan và những hợp đồng béo bở hơn mới đem lại lợi nhuận có thể đi vào túi các quan chức. Điều này lý giải được vì sao dự án phòng chống đuối nước miễn phí như E-Bơi không có cơ hội được chia sẻ và lắng nghe từ những người có thể ra quyết định thay đổi tình trạng trẻ em tử vong vì đuối nước tại Việt Nam. 

Tai nạn đuối nước không thể phòng tránh được nếu người ta chỉ quan tâm đến việc học bơi mà không chú trọng đến việc trang bị kiến thức phòng chống đuối nước cho trẻ. Không thể đổ lỗi do địa hình sông suối, sự thiếu quan tâm của người lớn đối với trẻ em hay quy trách nhiệm quản lý về địa phương. 

Bộ GD-ĐT cũng đã ra công văn số 1715/BGDĐT-GDTC về việc “Tăng cường các giải pháp phòng, chống tai nạn đuối nước dịp hè năm 2020” nhưng phương án kế hoạch cụ thể là gì thì không ai có câu trả lời cho phụ huynh và học sinh. 

Hài hước hơn là hôm ngày 5/7/2020, Cục Trẻ Em sử dụng tin hệ thống tin nhắn qua điện thoại để nhắc nhở các phụ huynh rằng: “Hãy nhắc trẻ em hàng ngày về nguy cơ đuối nước. Cho trẻ em học bơi để phòng tránh đuối nước”. 


Cục Trẻ Em có thực tâm bảo vệ trẻ em tại Việt Nam hay không hãy nhìn vào tin nhắn “học bơi để phòng tránh đuối nước” của họ và có câu trả lời cho riêng mình.

Có thể ngăn chặn tình trạng đuối nước cho trẻ ở Việt Nam hay không?

Câu trả lời là có. Chính những người có quyền lực trong hệ thống giáo dục phải chấp nhận lắng nghe, thay đổi tư duy và từ bỏ miếng bánh lợi ích trong việc dạy bơi ở trường học để chung tay phổ cập kiến thức phòng chống đuối nước.

18.07.2020




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo