Ngàn Hương (Danlambao) - Pháp luật không thuần túy là công cụ để nhà nước quản lý xã hội, mà quan trọng hơn, pháp luật là chuẩn mực cho mọi hành vi trong xã hội; hay nói cho đúng bản chất, pháp luật đã và đang thể hiện đúng vai trò dẫn dắt, hỗ trợ và bảo vệ quyền công dân trong xã hội.
Ý nghĩa của pháp luật quan trọng như thế. Vậy mà ngay trong xã hội VN hiện nay, nơi được cho là xứ thiên đường, lại đang diễn ra một trường hợp hy hữu dở khóc dở cười. Trong trường hợp này, pháp luật bị cho ra rìa, pháp luật không được cho là chuẩn mực để bảo về quyền công dân.
Đó là trường hợp Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN), là cơ quan chủ quản của Trường Đại học Tôn Đức Thắng (ĐHTĐT), đã chà đạp lên pháp luật, khi họ dùng luật rừng để cách chức thầy Hiệu trưởng của trường này là ông Lê Vinh Danh.
Sau khi sự việc xảy ra, đã gây nên cuộc tranh luận nảy lửa trên báo chí và trong dư luận xã hội. Rằng việc TLĐLĐVN cách chức hiệu trưởng của Trường ĐHTĐT là đúng hay sai?
Sự việc căng thẳng và được đẩy lên đỉnh điểm, và đã “nhảy” vào Nghị trường QH, gây ra một cuộc tranh luận mà báo chí cho là “nảy lửa”.
Báo Tuổi Trẻ ra ngày 6/11/2020 có bài: “Tranh luận nảy lửa vụ kỷ luật hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng”.
Theo đó: “Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định việc xử lý kỷ luật hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng là sai nhưng trong trường hợp đặc biệt; còn đại biểu Quốc hội cho rằng cần phải xem xét lại và thực hiện đúng quy định Luật Giáo dục đại học”.
Tại cuộc họp sáng 6/11 này, ĐBQH Lê Thanh Vân đặt câu hỏi về việc TLĐLĐVN cách chức hiệu trưởng TĐHTĐT, là đúng hay sai về mặt thẩm quyền?
Khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đứng lên trả lời được vài ba câu, thì bà Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, vốn đã biết “tính nết” của ngài Phó Thủ tướng nói riêng, và các quan chức nói chung, khi trả lời chất vấn là hay dài dòng văn tự theo kiểu câu giờ, mà không đi vào nội dung câu hỏi, nên bà đã nhắc nhở rằng,bây giờ Phó Thủ tướng chỉ cần trả lời thẳng là việc này đúng hay không mà thôi.
Sau khi thừa nhận việc TLĐLĐVN cách chức Hiệu trưởng Trường ĐHTĐT, theo Luật Giáo dục là sai, thì ngài PTT đã để “lòi đuôi” ra, khi nói rằng, đây là trường hợp đặc thù, vì TĐHTĐT chưa có Hội đồng trường. Ngài PTT lý giả việc tại sao TĐHTĐT chưa có Hội đồng trường, là do những lý do chủ quan và khách quan.
Vậy có thể hiệu việc TLĐLĐVN không kiện toàn Hội đồng trường là thủ đoạn lươn lẹo, nhằm mục đích để cho TLĐLĐVN có lý do để cách chức Hiệu trưởng Trường ĐHTĐT.
Điều đáng khen của ngài PTT là đã thừa nhận Hội đồng trường là cơ quan quyền lực của trường. Các chức danh của trường là phải do Hội đồng trường quyết. Nhưng ngài PTT lại thêm cái đuôi rằng, đây là trường hợp đặc thù.
Sau khi PTT Vũ Đức Đam trả lời xong, và được bà CTQH xoa đầu khen tốt, thì ĐBQH Lê Thanh Vân lại lên tiếng và dồn ngài PTT vào “chân tường”.
Ở đây cũng cần phê bình ĐBQH Lê Thanh Vân là “vuốt mặt không nể mũi”, và phải “rút kinh nghiệm sâu sắc”. Vì ngài PTT Vũ Đức Đam chỉ có bằng TS Kinh tế, chứ không có bằng TS Luật như ông. Do đó khi bắt một người thợ chữa đồng hồ đi khám bệnh như một bác sĩ, thì làm sao tìm ra bệnh?
ĐBQH Lê Thanh Vân đã cho điểm câu trả lời của ngài PTT chỉ đúng một nửa. Là áp dụng theo Luật Giáo dục, thì việc TLĐLĐVN cách chức Hiệu trưởng TĐHTĐT là sai. TLĐLĐVN chỉ có quyền xử lý viên chức do mình quản lý. Còn chức danh Hiệu trưởng phải áp dụng theo Luật Giáo dục. Vậy khi TĐHTĐT chưa có Hội đồng trường thì chức danh Hiệu trưởng đó chưa bị mãi miện, chưa bị cách chức(1).
Vậy có thể hiểu “Trường hợp đặc biệt” theo ý ngài PTT là người ta có áp dụng luật để giải quyết mọi vấn đề hay không là tùy. Khi không thích thì người ta không áp dụng luật. Và cứ đổ cho là “Trường hợp đặc thù” là xong.
Thế mới biết đến một quan chức mang danh là Phó Thủ tướng Chính phủ, có bằng TS, mà còn ấm ớ về một vấn đề rất đơn giản, không dám tuyên bố thẳng thừng là sai toét tè loe ra rồi, lại cố tình lấp liếm và bao biện cho nhóm lợi ích, khi cho đây là trường hợp đặc thù.
Hèn chi mà ông Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trịnh Hồng Dương, khi bị các ĐBQH chất vấn về tình trạng oan sai trong nhiều vụ án dân sự xay ra tại VN, thì ngài Chánh án TANDTC đã phán một câu xanh rờn: “Pháp luật VN muốn xử kiểu gì cũng được”.
Hèn chi mà Luật sư Ngô Bá Thành, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Quốc hội các khoá VI, VII, VIII và X, nguyên Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, đã phải chua chát nói rằng: “Ở VN có một rừng luật, nhưng khi xét xử lại dùng luật rừng”.
Và việc TLĐLĐVN xử lý Hiệu trưởng Trường ĐHTĐT, theo ý của ngài PPT Vũ Đức Đam, là “Vừa sai vừa đúng”?
Có lẽ đã đến lúc nhà nước VN nên đưa danh hài Công Lý làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp, hoặc Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội thì hợp lý hơn.
Chú thích: