Phải chăng cuộc đối đầu Trung - Mỹ hiện nay là cuộc tranh hùng đông và tây - Dân Làm Báo

Phải chăng cuộc đối đầu Trung - Mỹ hiện nay là cuộc tranh hùng đông và tây

Chu chi Nam và Vũ văn Lâm (Danlambao)
Cuộc đối đầu giữa hai siêu cường hiện nay giữa Trung cộng và Hoa Kỳ không còn ở lãnh vực thương mại, kinh tế mà đã bước sang khoa học kỹ thuật, ý thức hệ, chính vì lẽ đó mà có người cho rằng đây là một cuộc tranh hùng văn hóa và văn minh.

Chúng ta hãy xét xem có phải đúng như vậy hay không?

Những người cho rằng đó là một cuộc tranh hùng Đông và Tây. Đông đại diện bởi Trung cộng; Tây bởi Hoa Kỳ:

Đây là cái nhìn có tính chất địa lý, vì Trung cộng và Việt Nam ở Phương đông, còn Âu châu, Hoa Kỳ ở phương tây.

Đó là trên phương diện địa lý, chúng ta nhìn thế giới trên bản đồ mặt phảng, cái gì ở bên phải chúng ta là phương đông, cái gì ở bên trái là phương tây; nhưng trên thực tế, hình học không gian, trái đất hình tròn, trái phải không rõ.

Hơn thế nữa, nếu chúng ta xét trên phương diện tư tưởng, văn hóa và văn minh, thì một câu hỏi đến với chúng ta: Phải chăng Trung cộng và Cộng sản Việt Nam hiện nay tiêu biểu và đại diện cho tư tưởng, văn hóa, văn minh Đông phương?

Đây là một vấn đề chúng ta cần phải xét thật kỹ.

Trung cộng và Cộng sản Việt Nam hiện nay không có một tý gì là đại diện, tiêu biểu cho tư tưởng, văn hóa, văn minh Đông phương.

Thật vậy, xét về Hiến Pháp, luật lệ căn bản của một quốc gia, nền tảng của một chế độ, thì hiến pháp hai xứ này ghi rõ: nền tảng của chế độ là tư tưởng Mác Lê, mà tư tưởng Mác Lê là tư tưởng Tây phương.

Điều này bắt đầu từ ngày thành lập đảng Cộng sản Tàu năm 1920 và Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930.

Hơn thế nữa, cả hai đảng là do Đệ Tam quốc tế thành lập.

Theo hai nhà sử gia, bà Jung Chang và ông Jon Halliday, trong quyển Mao, thì người của Đệ Tam quốc tế Cộng sản, tay em của Lénine, mang tên Maring, đã thành lập đảng Cộng sản Tàu vào năm 1920, chứ không phải vào năm 1921, ngày mà đảng này làm lễ kỷ niệm. Đây là ngày đảng này họp Đại hội lần thứ nhất ở Thượng hải.

Còn Đảng cộng sản Việt Nam thì được thành lập ở Hồng Kông cũng có bàn tay của Đệ Tam quốc tế Cộng sản.

Ngoài việc thành lập do bàn tay ngoại bang tiêu biểu cho phương tây, từ đó cho tới nay hai đảng này lúc nào cũng tự nhận và tự hãnh diện là đại diện cho tư tưởng của Marx, người sinh trưởng ở Đức, cho Lénine, người ở Nga, hoàn toàn tây phương, chẳng có gì là đông phương.

Từ ngày thành lập cho mãi tới ngày hôm nay, giới lãnh đạo cộng sản Tàu và Việt Nam không bao giờ nhận mình là đại diện cho văn hóa, văn minh Đông Phương, mà nhận mình theo tư tưởng của Marx.

Chính ông viết trong bản Tuyên ngôn thư Đảng Cộng sản:

“Không còn nữa những chân lý muôn thuở, như là tự do, công lý v.v…, nó là điểm chung của tất cả những chính thể xã hội trước đó. Bởi vậy, chủ nghĩa cộng sản bãi bỏ tất cả những chân lý muôn thuở; nó bãi bỏ tôn giáo, đạo đức thay vì cải tạo chúng, nó đi ngược lại tất cả những sự phát triển lịch sử trước nó.” (Karl Marx – Le manifeste du Parti communiste – trang 44 – Nhà xuất bản Union Générale d’Editions-Paris 1962.)

Vào Đại hội thứ 19 của Đảng Cộng sản tàu, Tập Cận Bình đưa ra tiêu chuẩn để lựa chọn những người vào Bộ Chính trị, nhất là Ban Thường vụ. Ông nói:

“Những người được chọn vào Ban thường vụ Bộ Chính trị phải là những nhà chính trị Mác Lê chuyên nghiệp.”

Nguyễn Phú Trọng của Việt Nam vào Đại hội thứ 12 của Việt Nam thì tuyên bố:

“Người được chọn vào chức Tổng bí thư phải là người có lý luận Mác Lê và phải là người Bắc Kỳ.”

Nếu chúng ta đi ngược về quá khứ thì cũng vậy:

Mao Trạch Đông không những không nhận mình là đi theo văn hóa Đông Phương, mà trái lại còn mạ lỵ. Ông đã ví: “Khổng tử chỉ là con chó giữ nhà cho chế độ phong kiến.”

Hồ Chí Minh thì tuyên bố:

“Tôi không có tư tưởng gì cả, tư tưởng của tôi đã có Staline và Mao nghĩ hộ.”

Nhân vật này, trước khi chết, viết di chúc, thì mơ ước đi gặp cụ Mác, cụ Lénine, chứ không gặp những anh hùng liệt sỹ của Việt Nam.

Vì vậy bảo rằng cuộc đối đầu Mỹ - Trung hiện nay là cuộc tranh hung giữa 2 nền văn minh Đông-Tây là không đúng. Hai nước cộng sản Việt Nam và Trung cộng hiện nay chỉ thể hiện cái gì là cặn bã của nền văn hóa và văn minh Tây Phương, nếu chúng ta xét kỹ về văn hóa văn minh Âu châu.

Lénine từng viết:

“Lý thuyết của Marx là tổng hợp của 3 nền văn hóa Âu châu: Tư tửng triết học của Đức; tư tưởng kinh tế của Anh và tư tưởng xã hội của Pháp.”

Chúng ta nghĩ gì?

Thực ra tư tưởng của Marx chỉ là cặn bã của văn hóa Âu châu.

Tinh thần triết học Đức không phải là thuyết duy vật, mà là tinh thần duy lý, trọng lẽ phải, trọng sự thật của Kant; tinh thần kinh tế Anh đó là tinh thần kinh tế thị trường, tôn trọng quyền tư hữu, tự do kinh tế, chứ không phải kinh tế tập trung, chỉ huy, như Marx suy nghĩ; tinh thần xã hội Pháp, đó chính là tinh thần "Tam quyền phân lập" của Montesquieu và tinh thần "Khế ước xã hội" của J.J. Rousseau, theo đó giữa người dân và chính quyền có một khế ước, người cầm quyền có nhiệm theo khế ước là lo an ninh, hạnh phúc của dân. Nếu không thực hiện được điều khế ước này thì người dân có quyền lật đổ chính quyền, chứ không phải độc tài vô sản hay độc tài đảng trị như Marx và Lénine chủ trương.

Chính những điều tinh hoa của văn hóa Âu Châu này đã được những nhà lập quốc Hoa Kỳ, từ Washington tới Jefferson, mang sang áp dụng ở Hoa Kỳ, qua Bản Tuyên ngôn độc lập và bản Hiến pháp.

Ngày hôm nay, Hoa Kỳ trở thành đệ nhất siêu cường không phải là một sự tình cờ, có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân chính, đó là kết tinh của những gì ưu việt của văn hóa, văn minh Âu châu.

Nhìn qua đông phương, truyền thống văn hóa, văn minh Á châu, từ Ấn độ qua Tàu, tới Việt Nam và nhiều nước Á châu còn lại, cũng khác hẳn với cái gì đang xẩy ra ở Trung cộng và Cộng sản Việt Nam.

Người Á châu lấy sự sống hài hòa giữ con người và trời đất, giữa con người và con người, qua câu nói “Âm dương tương hòa; cao thấp tương khuynh; dài ngắn tương hỉnh”, khác hẳn với tư tưởng Mao, nhập cảng tư tưởng đấu tranh giai cấp của Marx.

Mao làm bài thơ, hãnh diện vì mình đã “Chống trời, Chống đất và Chống con người.”

Còn Cộng sản Việt Nam, thì một nhà thơ nọ đã viết:

“Bàn tay lao động tuyệt vời, Gọi đất, đất dạ, chỉ trời, trời vâng. Thằng trời hãy ngồi đó chơi, để cho nông hội thay trời làm mưa.”

Bởi lẽ đó, ngày hôm nay có người nói cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung cộng là cuộc tranh hùng giữa 2 nần văn minh Đông và Tây là không đúng.

Đó là cuộc đối đầu giữa cái gì là tinh hoa của Âu châu là Hoa Kỳ và cái gì là cặn bã của Âu châu là Trung cộng.

Cái gì ưu việt sớm muộn sẽ thắng cái cặn bã.

Dân tộc Tàu và Việt Nam sớm muộn sẽ đứng lên, gột rửa cái cặn bã là lý thuyết Mác-Lê, trở về những cái gì tốt đẹp của truyền thống văn hóa, văn minh Á châu, rồi hội nhập với thế giới, như nước Nhật và Nam Hàn, biết gìn giữ cái hay cái đẹp cổ truyền, nhưng cũng sẵn sang thâu nhận những cái ưu việt từ nước ngoài. (1)

(1) Xin xem thêm những bài về lý thuyết Marx, tên https://chuchinam.pagesperso-orange.fr/ và https://chuvunam.worldpress.com

Paris ngày 8/11/2020


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo