Ngàn Hương (Danlambao) - Mấy chục năm nay, người dân Việt Nam sống dưới thiên đường XHCN được giáo dục và học tập rằng: Sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật. Câu khẩu hiệu này cũng được treo nhan nhản khắp nơi, nhất là tại các công sở, tại các cơ quan bảo vệ pháp luật như Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an v.v...
Và ai cũng biết đến câu, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, và “Pháp luật bất vị thân”. Nghĩa là pháp luật không thiên vị người nào.
Thế nhưng sự thật lại không phải như thế.
Chỉ thị 15 do Bộ chính trị đưa ra vào ngày 7 tháng 7 năm 2007 về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan quan bảo vệ luật pháp trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ đảng.
Trước đây Chỉ thị này được cho là “bí mật quốc gia”, không được tiết lộ. Nghĩa là đảng đã giấu Chỉ thị 15 như “mèo dấu của bẩn”.
Tuy nhiên, chỉ sau khi thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, phát biểu tại Hội nghị tổng kết phòng chống tham nhũng, lãng phí năm 2015, nội dung của chỉ thị này mới được tiết lộ:
“Các cơ quan bảo vệ pháp luật khi phát hiện có dấu hiệu đảng viên vi phạm đều phải báo cáo bằng văn bản với tổ chức đảng, cấp ủy đảng quản lý trực tiếp đảng viên đó, khi được tổ chức đảng, cấp ủy đảng xem xét đồng ý cho điều tra, khởi tố, bắt... thì cơ quan bảo vệ pháp luật mới được tiến hành các biện pháp tố tụng.”
Nay người dân mới được thêm “sáng mắt sáng lòng,” khi được một vị tướng công an huỵch tẹt ra, khi giải thích về cách thực thi pháp luật của lực lượng chức năng.
Phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ chiều 10/11/2020, để góp ý các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Thiếu tướng Đào Thanh Hải (Phó Giám đốc Công an Hà Nội) nói:
“Nhiều trường hợp để bảo vệ được cán bộ thì phải… làm trái luật”
Theo đó: “Phó GĐCA Hà Nội cho biết: “ông được Ban tổ chức Trung ương mời tham gia xây dựng chỉ thị về việc bảo vệ cán bộ đảng viên, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp để bảo vệ được cán bộ thì phải… làm trái luật”(1).
Nên biết rằng đây là phát ngôn của một vị tướng của ngành công an. Mà ai cũng biết, ngành công an là “Thanh kiếm lá chắn” của chế độ, là “lực lượng còn đảng còn mình”.
Nghĩa là họ chỉ biết bảo vệ đảng, bảo vệ cán bộ, chứ không phải bảo vệ dân, người dân chỉ là công dân hạng hai mà thôi.
Nghĩa là họ coi pháp luật như cái giẻ lau chân, khi cán bộ đảng viên vi phạm pháp luật thì lấy nó để lau chùi cho sạch trước khi “cống hiến” tiếp.
Chỉ cần dẫn chứng một ít trường hợp sau đây để chứng minh câu nói của Thiếu tướng Đào Thanh Hải (Phó Giám đốc Công an Hà Nội) đã được áp dụng, và sẽ được áp dụng lâu dài tại Việt Nam.
Dư luận vừa chứng kiến trường hợp bắt người trái pháp luật của Công an Đắk Lắk. Để bảo vệ ông Bí thư Tỉnh ủy của mình, Công an đã bất ngờ bắt giữ tiến sĩ Phạm Đình Quý, giảng viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng, vì ông này tố cáo Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Phạm Văn Cường đạo văn và gian dối trong học thuật. Lẽ ra nếu ông Phạm Văn Cường bị ông Phạm Đình Quý vu khống, thì phải kiện ra tòa để phân xử, để làm rõ trắng đen. Nhưng ở đây ông Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk đã dùng luật rừng để bắt người trái phép gây hoang mang dư luận. Điều lạ lùng là: Vợ ông Quý, người bị bắt cùng với ông Quý trong đêm 24/9/2020, đến 4g sáng ngày 25/9/2020 thì được thả và bị buộc phải ký giấy cam kết là không được tiết lộ với người thứ ba về việc vây bắt này.
Tại Bạc Liêu: Biết có đơn tố cáo mình, lãnh đạo một ban quản lý ở Bạc Liêu chỉ đạo không chuyển đơn lên cấp trên, đòi trích xuất camera tìm người gửi đơn, kêu công an giám định chữ viết người nghi tố cáo.
Tại Hà Nội: Ông Lương Xuân Bình, Phó trưởng BQL Đường sắt đô thị Hà Nội, vì tố cáo tham nhũng,, bị hạ nhục bằng cách đuổi ra khỏi phòng họp, bị thuyên chuyển vị trí việc làm nhiều lần, bị cắt lương thưởng…như báo Nông nghiệp ra ngày 12/11/2020 phản ánh.
Chính ông Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đã thừa nhận điều này tại diễn đàn QH, khi ông nói: "Vẫn xảy ra hiện tượng trù dập, trả thù người tố cáo".
Mà chúng ta đều biết rằng, chỉ có những kẻ có chức quyền địa vị, nắm quyền lực và tiền bạc trong tay, mới có điều kiện tham nhũng. Nghĩa là những kẻ tham nhũng đều là cán bộ đảng viên. Chứ người dân không có chức quyền địa vị thì dù muốn tham cũng chịu.
Điều đó chứng tỏ rằng, những trường hợp cán bộ đương chức bị cho lên thớt như Nguyễn Đức Chung, Nguyễn Văn Bình, Hoàng Trung Hải v.v... chỉ là sự đấu đá nội bộ trong cuộc chiến giành ghế trước ĐH 13 mà thôi.
Còn những loại như Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, hay hàng loạt tướng công an và quân đội vị xử lý, chẳng qua là vì bọn này “ăn dày” mà không biết chia chác. Hoặc sự việc đã bị đổ bể, thối như hũ mắm vỡ. không thể bưng bít được nữa.
Điều này giải thích vì sao đại quan tham Lê Thanh Hải và Tất Thành Cang, kẻ đã gây ra biết bao tội ác với dân Thủ Thiêm, mà dư luận cho rằng, có xử bắn trăm lần cũng chưa đền hết tội. Tội lỗi của chúng đã bị Thanh tra Chính phủ, dù muốn bao che những cũng đã phơi bày một phần. Vậy mà hai kẻ này đến nay vẫn ung dung “bình chân như vại”.
Nghĩa là để bảo vệ cán bộ, kể cả những người đó có tội trạng tày trời đến đâu đi nữa, người ta có quyền chà đạp lên pháp luật để bảo vệ những kẻ tội lỗi này.
Chú thích: