Có nhân quyền ở Việt Nam không? - Dân Làm Báo

Có nhân quyền ở Việt Nam không?

Phạm Trần (Danlambao)
- Nhưng nếu “thù địch” của đảng lại là “những kẻ nội thù, ong trong tay áo” thì sao. Bởi vì từ năm 1946, người thành lập đảng CSVN, ông Hồ Chí Minh, đã nói: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành…”. Đến nay, giấc mơ đời người của ông Hồ đã qua 75 năm mà “dân ta (đã) được hoàn toàn tự do” chưa? Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và dàn Lãnh đạo mới gồm Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Phạm Minh Chính hãy sờ lên gáy xem đến bao giờ những ham muốn của “Bác” cũng là của dân? 

*

“Nhân quyền (hay quyền con người; tiếng Anh: human rights) là những quyền tự nhiên của con người và không bị tước bỏ bởi bất cứ ai và bất cứ chính thể nào. Theo định nghĩa của Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc, nhân quyền là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những tự do cơ bản của con người.”

“Theo quan điểm của các nhà triết học thời đại khai sáng của thế kỷ 17 và 18 thì các quyền không thể tước bỏ được là các quyền tự nhiên do Tạo hóa ban cho họ. Các quyền này không bị phá hủy khi xã hội dân sự được thiết lập và không một xã hội hay một chính phủ nào có thể xóa bỏ hoặc "chuyển nhượng" các quyền này.”

“Các quyền không thể tước bỏ bao gồm quyền được sống, quyền tự do (các quyền tự do ngôn luận và thể hiện, quyền tự do tín ngưỡng và nhận thức, quyền tự do lập hội) quyền mưu cầu hạnh phúc và quyền được bảo vệ bình đẳng trước pháp luật.”

Đó là những nguyên tắc cơ bản về Quyền con người được khẳng định trên Bách khoa Toàn thư mở (BKTT). Nếu áp dụng vào trường hợp Việt Nam thì Nhân quyền không hề được tôn trọng bởi đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam.

Bằng chứng

Bằng chứng được thể hiện trong Hiến pháp 2013 và Luật Báo chí năm 2016.

Trong Hiến pháp, quyền tự quyết của dân đã bị xóa bỏ từ Khoản 1, Điều 4 viết rằng: "Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.”

Viết như vậy rõ ràng đảng duy nhất cầm quyền đã tự cho mình quyền đại diện và cai trị không cần hỏi ý của dân. Đồng thời người dân cũng không có quyền phản đối hoặc phủ nhận.

Chủ trương độc tài nói một đàng làm một nẻo còn thể hiện trong Điều 25 Hiến pháp. Điều này viết: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình.”, nhưng lại kèm theo giây thòng lọng “Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” để tiêu hủy hay hạn chế.

Bằng chứng Điều 4 trong Luật Báo chí năm 2016 đã quy định: "Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân.”

Tuy nói là “diễn đàn của Nhân dân”, nhưng dân phải viết hay nói trên báo, đài nhà nước và không được làm ngược với chủ trương và chính sách của đảng.

Đó là diễn đàn một chiều, vì tư nhân không được quyền ra báo ở Việt Nam.

Vì vậy, tính đặc thù của báo chí nhà nước là làm loa tuyên truyền cho đảng cho nên nhiệm vụ đã được quy định phải: "Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…” (khoản “b”, Điều 4)

Về các quyền “hội họp, lập hội, biểu tình”, nói chung dân chỉ được thi hành nếu có phép của nhà nước và phải phản ảnh ý muốn của đảng.

Tuy nhiên, nhà nước CSVN đã cấm hội họp có nội dung phản bác, hay trái chiều với chinh sách của đảng. Bộ Công an còn được lệnh kiểm soát an ninh và tư tưởng dân để không cho phép thành lập “tổ chức chính trị đồi lập” với đảng cầm quyền. Quyền biểu tình cũng không được tôn trọng ở Việt Nam vì nhà nước và Quốc hội đã tìm mọi cách trì hoãn đưa Dự thảo Luật ra thảo luận tại Quốc hội.

Vì vậy Nhà nước đã lợi dụng tình trạng chưa có Luật biểu tình để ngăn cản các cuộc tập hợp của dân trên đường phố, hay tại các đền đài kỷ niệm để chống âm mưu chiếm đóng biển, đảo Việt Nam của Trung Cộng ở Biển Đông.

Đảng cấm cả các cuộc biểu tình tự phát của dân chống Trung Cộng đản áp ngư dân Việt Nam đánh bắt ở Biển Đông, hay để tưởng niệm những người lính Việt Nam của hai miền Nam-Bắc Việt Nam đã hy sinh khi chống Tầu xâm lược tại Hoàng Sa (1974) và Trường Sa (1988). Thậm chí, đảng CSVN còn ngăn cấm và đàn áp dân khi họ tổ chức biểu tình, hội thảo về 10 năm chiến tranh biên giới Việt-Hoa 1979-1989, vì nhà nước sợ làm mất lòng Lãnh đạo Trung Cộng.

Đó là lý do mà Điều 25, Luật Báo chí, đã buộc các nhá báo phải có nghĩa vụ:

“a) Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân; phản ánh ý kiến, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân.

b) Bảo vệ quan Điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, tuyên truyền và bảo vệ nhân tố tích cực; đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm.

Nhưng thế nào là “lợi ích của đất nước và của Nhân dân”? Đây là điều mơ hồ. Chính phủ có thể diễn nghĩa tùy tiện để đàn áp, nếu không đồng ý với nội dung hay người viết.

Và khi báo chí đảng phải bênh vực “quan Điểm, đường lối, chủ trương của Đảng”, dù không phù hợp với nhân dân như khi nhà nước đã “nhượng bộ” Trung Cộng ở Biển Đông, thì báo chí đảng là “diễn đàn” của dân hay của đảng?

Trong trường hợp này, rõ ràng báo chí nhà nước đã trắng trợn tiếp tay đảng để chà đạp lên quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và vi phạm các nguyên tắc về quyền con người ở Việt Nam.

Nhân quyền ở đâu?

Đó là lý do tại sao các Tổ chức Bảo vệ Nhân quyền và các Quyền tự do trên Thế giới đã lên án tình hình nhân quyền ở Việt Nam mỗi ngày một tồi tệ hơn.

Trong Báo cáo tình hình Nhân quyền toàn cầu năm 2020, Tổ chức Human Rights Watch, nói rằng: "Vietnam continued to systematically violate basic civil and political rights in 2020. The government, under the one-party rule of the Communist Party of Vietnam, tightened restrictions on freedom of expression, association, peaceful assembly, movement, and religion.”

(Tạm dịch: "Việt Nam tiếp tục vi phạm có hệ thống các quyền dân sự và chính trị cơ bản trong năm 2020. Chính phủ, của một đảng cầm quyền Cộng sản Việt Nam, đã xiết chặt tự do tư tưởng, lập hội, hội họp ôn hòa, di chuyển và tôn giáo.”)

HRW còn nói: "Prohibitions remained on the formation or operation of independent unions and any other organizations or groups considered to be a threat to the Communist Party’s monopoly of power. Authorities blocked access to several websites and social media pages and pressured social media and telecommunications companies to remove or restrict content critical of the government or the ruling party.”

(Tạm dịch: "Ngăn cấm vẫn duy trì đối với việc thành lập hay hoạt động của các Nghiệp đoàn độc lập, của các tổ chức hay nhóm được xem như đe dọa quyền cai trị độc tôn của đảng Cộng sản. Nhà cấm quyền còn ngăn chặn một số websites và trang mạng xã hội dân sự, đồng thời áp lực một số Công ty viễn thông xóa đi hay ngăn chặn những nội dung chỉ trích chính phủ và đảng cấm quyền.”)

Cuối cùng, HRW lên án: ”Those who criticized the government or party faced police intimidation, harassment, restricted movement, physical assault, arbitrary arrest and detention, and imprisonment. Police detained political detainees for months without access to legal counsel and subjected them to abusive interrogations. Party-controlled courts sentenced bloggers and activists on fabricated national security charges.”

(Tạm dịch: "Những ai chỉ trích chính phủ hay đảng sẽ bị Công an khuấy nhiễu, đe dọa, ngăn cấm đi lại, tấn công bằng bạo lực, bị bắt, bị giữ và giam cầm tùy tiện. Công an cũng đã bắt giữ những người hoạt động chính trị trong nhiều tháng không được tiếp xúc với Luật sư, nhưng lại bị ngược đãi và tra tấn. Trong khi các Toà án do đảng kiểm soát đã kết án những Bloggers and những người hoạt động dân chủ, nhân quyền với lời buộc tội bịa đặt dính đến an ninh quốc gia.”)

Thấp trường kỳ

Mặt khác, Tổ chức Freedom House (Nhà Tự Do) cho biết trong Báo cáo năm 2020 rằng: "Internet freedom declined to an all time low in Vietnam, as the government continued to impose stringent controls over the country’s online environment. In an effort to scrub any trace of critical or “toxic” speech online, the state continued mandating companies to remove content, suspended online newspapers, and imposed draconian criminal sentences for online expression. A deliberate disruption to connectivity amid a violent land dispute, as well as a reported throttling of Facebook’s local servers by state-owned telecommunications companies, further constrained internet freedom.”

(Tạm dịch: "Tự do Internet đã suy thoái ở mức thấp nhất ở Việt Nam, trong khi Chính phủ tiếp tục tăng cường kiểm soát các hoạt động trên mạng. Trong cố gắng chận đứng những chỉ trích hay tuyên bố gây ô nhiễm trên mạng, nhà nước tiếp tục bắt buộc những công ty phải xóa bỏ nội dung, chấm dứt các báo mạng, và áp dụng những bản án nghiêm khắc đối với những phát biểu trên mạng. Sự cố ý phá sóng kết nối trong vụ bạo động về tranh chấp đất đai, và cố tình phá những trạm tiếp vận địa phương của Facebook, là bằng chứng kiểm soát quyền tự do trên Internet.”)

Freedom House dẫn chứng hành động chống tự do thông tin trên Internet của Chính phủ đã xẩy ra trong vụ tranh chấp đất ở xã Đồng Tâm (gần Hà Nội) trong hai ngày 01/06/2019 và ngày 31/5/2020.

Trong khi Cơ quan viễn thông của nhà nước đã can thiệp thô bạo bằng hành động nhiễu sóng và cắt đứt trong khoảng giữa tháng 2 và tháng Tư năm 2020 đối với hai Công ty Instagram và WhatsApp và buộc họ phải tháo gỡ những bái có nội dụng “chống nhà nước”.

(–Freedom House--) “Connectivity was disrupted, and Facebook and YouTube restricted content, amid a land dispute that involved security forces and residents of Đồng Tâm, a village on the outskirts of Hanoi, in January 2020; that dispute led to the killing of the village leader along with the deaths of three security officers.

State-owned telecommunications companies reportedly took Facebook’s local servers offline between February and April 2020, until the company allegedly agreed to remove “antistate” content; Facebook, Instagram, and WhatsApp services were significantly slowed for Vietnamese users in the interim.”

Vì những lý do trên, Tổ chức Ký giả không Biên giới (Reporters Without Borders) đã liệt Việt Nam vào hàng thứ 175/180 quốc gia “không có tư do”. Trong danh sách này, Việt Nam chỉ đứng trên Trung Cộng hạng 177 và Bắc Triều Tiên (Bắc Hàn) hạng chót 180.

Nhưng Việt Nam lại đứng sau Lào hạng 172 và Cao Miên đứng thứ 144.

Như vậy mà báo đảng CSVN dám cao rao rằng: "Những việc đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ ở Việt Nam đã chứng minh rằng Việt Nam không hề “đàn áp mạng xã hội” như cáo buộc của các thế lực thù địch, mà trái lại còn được Đảng, Nhà nước bảo đảm phát triển tự do. Mọi người dân đều được thực hiện quyền tự do Internet và mạng xã hội trong khuôn khổ pháp luật. Nhờ đó, an ninh mạng được đảm bảo, phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng mạng xã hội, Internet để vi phạm pháp luật Việt Nam.” (báo ĐCSVN, ngày 02/04/2021)

Để hậu thuẫn cho lời khoe khống này, báo ĐCSVN cho biết: "Ở Việt Nam, hiện có hàng trăm mạng xã hội khác nhau đăng ký hoạt động. Một số mạng xã hội phổ biến như Facebook, Zalo, Twitter, Instagram... Trong đó, Facebook là trang mạng xã hội phổ biến nhất với hơn 65 triệu người sử dụng. Với cơ chế hoạt động có tính chất tương tác cao, nhiều tính năng như chat, Email, chia sẻ file, hình ảnh, nhạc, listream, tin nhắn, trò chuyện nhóm, viết blog, chơi game, diễn đàn trực tuyến..., mạng xã hội ngày càng thu hút nhiều người tham gia.”

Việt Nam có ngót 100 triệu dân mà có tới 65 triệu người biết sử dụng internet để liên lạc và trao đổi là hiện tượng mừng, nhưng tại sao những phát biểu hay bài viết của những người bất đồng chính kiến với đảng lại bị đàn áp và ngăn chặn mọi nơi?

Chẳng lẽ tất cả 65 triệu con người chi biết chơi game, nói chuyện vui chơi giải trí hay trao đổi thương mại và học hành không hề màng đến những vấn đề sống còn của đất nước?

Nếu thật sự có tình trạng người dân đã quen sống thờ ơ vì mọi chuyện “đã có nhà nước lo” thì khi nước đến chân có nhảy được không?

Hãy thử dại dột hỏi: nếu ngày mai xảy ra cuộc xâm lăng mới của Trung Cộng đánh xuống Việt Nam thì nhân dân đã được nhà nước chuẩn bị sẵn sàng chưa, hay sẽ lại bị bất ngờ và khốn đốn hơn năm 1979?

Do đó, khi báo ĐCSVN nói bừa rằng "Có thể khẳng định, ở Việt Nam không hề có chuyện đàn áp mạng xã hội hay bắt người trái pháp luật đối với bất kỳ Facebooker, Blogger nào” thì con số 28 Nhà báo tự do bị bắt vào tù là “người nộm” hay sao?

Những con người bằng xương bằng thịt đang nằm trong nhà giam là những Nhá báo tự do. Họ đòi Đảng và nhà nước tôn trọng quyền làm người và các quyền tự do căn bản của họ. Do đó, trong báo cáo phổ biến ngày 13/01/2021, ông John Sifton, giám đốc vận động châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) đã tố cáo: "Trong suốt năm 2020, ngoài một số nhà bất đồng chính kiến trực ngôn, công an cũng bắt giam nhiều người khác vì đã nói lên chính kiến của mình và thực hành các quyền tự do ngôn luận cơ bản."

Trong số những người bị bắt, nổi bật có những người ai cũng biết vì tự do mà họ đã đấu tranh như Phạm Chí Dũng, Phạm Đoan Trang, Lê Hữu Minh Tuấn, Cấn Thị Thêu, Trần Đức Thạch, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, Đinh Thị Thu Thủy và Nguyễn Tường Thụy v.v...

Mới nhất, vào sáng ngày 7/4/2021, Công an Hà Nội đã bắt Nhà tranh đấu Bà Nguyễn Thúy Hạnh, 58 tuổi. Bà Hạnh được nhiều người biết và quý trọng vì Bà chỉ làm thiện nguyện giúp các gia đình Tù nhân Chính trị.

Bà Hạnh bị bắt khi chồng bà, Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh về thăm quê tại Quảng Nam. Ông Chênh viết trên Facebook cá nhân rằng: "Bắt Nguyễn Thúy Hạnh là tiếp nối chuỗi bắt bớ ráo riết những người hoạt động xã hội dân sự từ vài năm trở lại đây và càng ngày càng trở nên dồn dập".

Khi bắt những nhà đấu tranh, Công an chỉ biết vu khống họ đã “tuyên truyền” chống nhà nước hoặc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước”

Sau các cáo buộc vu oan này là hành động “gắp lửa bỏ bàn tay” của báo ĐCSVN viết rằng: "Rõ ràng đằng sau những thông tin bịa đặt đó là âm mưu chính trị của các thế lực thù địch nhằm kích động chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc và phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta.” (báo ĐCSVN, ngày 2/4/2021)

Nhưng “thù địch” của đảng CSVN là ai? Nếu biết rõ là "từ các tổ chức" và “các thế lực bên ngoài” như báo Công an tố cáo ngày 22/03/2021, thì sợ gì mà không nói ra?

Nhưng nếu “thù địch” của đảng lại là “những kẻ nội thù, ong trong tay áo” thì sao. Bởi vì từ năm 1946, người thành lập đảng CSVN, ông Hồ Chí Minh, đã nói: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành…”

Đến nay, giấc mơ đời người của ông Hồ đã qua 75 năm mà “dân ta (đã) được hoàn toàn tự do” chưa?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và dàn Lãnh đạo mới gồm Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Phạm Minh Chính hãy sờ lên gáy xem đến bao giờ những ham muốn của “Bác” cũng là của dân? -/-

(04/021)

Phạm Trần


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo