Một góc nhìn khác về chiến tranh Việt Nam - Dân Làm Báo

Một góc nhìn khác về chiến tranh Việt Nam

Sơn Nghị (Danlambao)
- Vương Mộng Long (VML) là một người lính, một nhà văn. Những bài viết của VML nhan nhản trên mạng. Một trong những câu truyện ông viết có tên “Ông Thày Dạy Sử", trong đó ông kể lại một giáo sư chuyên dạy Sử tại một Đh. Cộng đồng, hiểu méo mó về cuộc chiến Việt Nam một cách thảm hại. Ông kiên nhẫn tìm cách giải thích cho vị giáo sư hiểu những nhận thức sai lạc về quân đội miền Nam. Chính VML là một người lính, ông hiểu rõ những hạn chế và trói buộc quân dân từ sau Hiệp định Ba-lê. Trong một điều kiện nghiệt ngã đến thế, vậy mà quân đội miền Nam vẫn giữ vững được sơn hà trong suốt 3 năm. Ai cũng hiểu, mất miền Nam chỉ là vấn đề thời gian, khi không còn đạn dược, quân trang quân dụng. Ván cờ Đông dương đã được Mỹ dàn xếp hiến không cho Tàu, với mục đích lấy lòng Mao, kéo Trung cộng về phía Hoa kỳ để chống lại Liên xô. Một khi nguồn tiếp tế viện trợ từ Mỹ không còn nữa, thì chuyện mất miền Nam nếu không xảy ra năm 75 thì chắc chắn phải xảy ra trong những năm sau đó.

Câu truyện "Ông Thày Dạy Sử" được miêu tả chi tiết dưới ngòi bút của VML. Phần kết làm cho ta sảng khoái, thở ra một hơi dài, chỉ vì khi đọc cảm thấy tức tối, khó chịu vì não trạng của đám trí thức Mỹ. Tác giả đã “mở mắt” cho vị giáo sư dạy Sử, người đã hiểu mù mờ về sự chiến đấu dũng cảm của quân dân miền Nam. Cuối cùng VML đã cảm hóa được vị giáo sư, và trong ngày lễ ra trường, chính vị giáo sư đã đứng dậy gọi tên tác giả và la lớn, “my soldier!”

Thật may, trong hàng ngũ trí thức Mỹ có (thêm) một người đứng về phía miền Nam, nhưng đa số còn lại đều mang nặng tư tưởng thiên tả, cấp tiến. Ngay chính con cháu của những người tỵ nạn – những thuyền nhân – thế hệ sinh ra và lớn lên tại Mỹ đều nhiễm tư tưởng này, yêu chuộng tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Cha mẹ chúng đã ghê tởm và chạy trốn cộng sản, thế tại sao con cháu họ lại ôm lấy thứ chủ nghĩa vô luân này vào lòng?

Sự thật làm ta choáng váng. Cứ vào thư viện các trường Đh. nổi tiếng, nhất là Ivy League ở miền Đông, gồm Princeton, Harvard, Columbia, Yale, U. of. Pennsylvania, Dartmouth, Brown, Cornell… lấy bất cứ cuốn sách nào trong section "chính trị" hay "lịch sử" người đọc sẽ thấy ngay tất cả đều chung một lối viết: PHẢN CHIẾN. Nếu con cái học tại hệ UC tại Cali, gồm các trường nổi tiếng như UCLA, UC Berkeley, UC Irvine, UC Santa Barbara, UC San Diego, UC Davis, UC Santa Cruz, UC Riverside, UC Merced, thì khi ra trường, 99% chúng mang tư tưởng phản chiến, yêu xã hội chủ nghĩa, chuộng cộng sản. Một lẽ đơn giản là vì các giáo sư thuộc hệ UC đều khuynh tả, thiên tả, đôi khi cực tả. Tuy nhiên, các trường Đh. Cộng đồng và hệ State thì ít nhiễm mùi cộng sản hơn, vì các giáo sư thường bảo thủ, hoặc có tư tưởng xã hội chung chung. Ông thày của VML là giáo sư ở một trường Đh. cộng đồng, nên tư tưởng có phần phóng khoáng và đã được VML giải độc về cuộc chiến Việt Nam.

Vì thế, nếu con cái vào học hệ State (kém hơn hệ UC) thì cũng đừng buồn, vì chúng ta biết chắc khi ra trường chúng vẫn là con cái của chúng ta. Vẫn còn hơn là sau khi con cái tốt nghiệp các trường Đh. danh tiếng, chúng lại có tư tưởng đối lập với cha mẹ. Nghĩ xem, cha mẹ trốn chạy cộng sản, tìm đường sống trong muôn vàn chết chóc để con cái có một tương lại xán lạn. Khi thành tài, chúng lại hết lòng “yêu mến” một chủ nghĩa tàn độc mà cha mẹ chúng đã bỏ lại sau lưng. Còn nỗi bất hạnh nào hơn?

Hồi tôi đi học ở San Francisco năm 1983, có học chung với một sinh viên Mỹ, tên Rick (không nhớ họ), hắn hết lòng ca ngợi Hồ chí Minh (HCM). Hắn không nói được một chữ tiếng Việt, thế mà phát âm tên của HCM lại rõ ràng cứ như một người Việt nói tiếng Việt. Hắn khen HCM không tiếc lời: nào là yêu nước nồng nàn, thương dân (hắn hoàn toàn không biết chuyện cải cách ruộng đất), tính giản dị v.v...

Đến khi tôi hỏi thế mày có biết tại sao tao có mặt tại đất Mỹ không? Hắn ngơ ngác lắc đầu. Tôi trả lời chính vì đám đàn em của HCM tước đoạt hết tất cả quyền làm người của dân miền Nam, nên tao mới chạy trốn. Hắn vẫn cố chấp bênh vực cộng sản, cho rằng đất nước thống nhất, Việt Nam sẽ trở thành cường quốc. Tôi bảo thêm, mày nên biết là cả triệu người kéo nhau chạy ùn ùn ra biển, chấp nhận chết trên biển chứ không chịu sống chung với việt cộng. Tao có thể ngu chạy ra biển, nhưng không lẽ cả triệu người đều ngu như tao. Rich vẫn cố tình không hiểu, và nói hắn không tin chính sách của việt cộng là lập ra các trại tù (như VML mô tả) để giết dần mòn binh lính miền Nam. Cuối cùng, tôi phải nói thẳng, nếu không có việt cộng, tao không bao giờ thèm đến đất nước này. Nói đến tận cùng như thế, mà hắn vẫn khư khư ôm lấy thần tượng HCM của hắn. Tiếc rằng, thời gian đó, vốn liếng tiếng Anh của tôi còn khiêm tốn, nên diễn tả không hết ý. Sau này, cứ mỗi lần nghĩ đến chuyện năm xưa, lòng tôi vẫn nuối tiếc là không gặp lại được Rick để nói rõ thêm cho hắn vỡ giấc mơ đại đồng.

Rick là ai? Hắn là tiêu biểu của cả một thế hệ sinh ra trong cuộc chiến Việt Nam, bị ảnh hưởng bởi phong trào phản chiến. Rick tượng trưng cho lớp người trẻ bị tẩy não qua sách vở của trường lớp Mỹ. Và cả đến hôm nay, thế kỷ 21, năm 2021, lớp người trẻ vẫn một lòng tôn sùng các lãnh tụ cộng sản, ngoại trừ Mao & Stalin, hai tên đại đồ tể nhuộm máu hàng triệu nạn nhân để thử nghiệm chủ nghĩa xã hội, thời kỳ quá độ để tiến lên thế giới đại đồng. Thiếu niên sinh ra từ thập niên 1960, đến nay đã 60 tuổi, đều mang trong tim “tình yêu giai cấp” của Mác, của Lênin (nghe lời ca trong bài Imagine của Lennon, giấc mơ về một thế giới đại đồng). Đó là lý do tại sao chủ nghĩa cộng sản không bao giờ bị phê phán. Thực tế cho thấy, chính sách và chủ trương của chủ nghĩa Phát-xít và cộng sản tuy khác nhau nhưng chiến thuật và chiến lược lại giống nhau. Một bên chủ trương dân tộc thượng đẳng, một bên thì gom tất cả vào tay nhà nước. Còn phương tiện để đạt được mục đích thì giống như hai giọt nước, với sự tàn bạo đặt lên hàng đầu. Tất cả đều tước đoạt (dần) quyền tự do của người dân, và nằm dưới sự khống chế của nhà nước. Thế mà cả thế giới hết lòng khinh bỉ Phát-xít, nhưng không hề đả động gì đến chủ nghĩa cộng sản. Tại Bá-linh, dấu vết của cộng sản trong thời Chiến tranh Lạnh chỉ còn sót lại một dãy tường dài 100m, và trạm Charlie nổi tiếng nằm trong khu vực American Sector. Tất cả dấu tích của cộng sản hầu như bị xóa sạch. Trong khi tội ác của Phát-xít lại được bảo tồn, và quảng bá rộng rãi, giúp các thế hệ sau này hiểu rõ tội ác của Hitler, thì tội ác của chủ nghĩa cộng sản hầu như không được nhắc tới. Nếu có, thì tác giả cố tình làm nhẹ đi sự khủng khiếp của tội ác qua những lời biện hộ trơ trẽn. Cuốn Hắc Thư về Chủ nghĩa Cộng sản (The Black Book of Communism) do các học giả và học viện Âu châu nghiên cứu và xuất bản năm 1997 nhằm phơi bày mọi hệ quả nghiêm trọng do chủ nghĩa này gây ra qua sự diệt chủng, trấn áp, sát nhân, tự tiện bắt bớ, giam cầm và giết người trong các trại lao động và nạn đói. Đến nay, đã gần một phần tư thế kỷ từ ngày cuốn Hắc Thư ra đời, thế mà thế giới vẫn ngoảnh mặt làm ngơ trước tội ác của cộng sản. Hơn 100 triệu sinh mạng đã hy sinh vô lý để thử nghiệm học thuyết cộng sản vẫn chưa đủ để lay động lương tâm của nhân loại. Chưa kể phần lớn các học giả tinh hoa ngày nay vẫn còn muốn thử nghiệm học thuyết này, với biện minh rằng những người đi trước – Mao & Stalin – kém hiểu biết nên xây dựng chủ nghĩa cộng sản sai lạc, dẫn đến hàng triệu sinh linh bị chết oan uổng. Những kẻ này không biết, hoặc không muốn biết, mục đích tối hậu của chủ nghĩa cộng sản là thâu tóm mọi quyền lực vào tay nhà nước, dẫn đến sự tước đoạt trắng trợn mọi quyền tự do của người dân. Một khi quyền lực nằm hẳn trong tay nhà nước, thì sinh mạng người dân không nghĩa lý gì nữa. Đơn giản chỉ có thế.

Theo tôi, tội ác của Mao & Stalin nặng hơn tội của Hitler. Các nhà khoa bảng trên thế giới cố tình lờ đi tội ác khủng khiếp của cộng sản và hết lòng ngưỡng mộ Mác & Lênin, xem cả hai là thiên tài của nhân loại; Mác là thiên tài về kinh tế, và Lênin là thiên tài về triết học. Sách vở hiện nay nằm đầy trong các thư viện đều xiển dương chủ nghĩa xã hội. Con cái chúng ta đã và đang bị đầu độc qua sách vở về tính nhân bản, nét tinh hoa và sự ưu việt của chủ nghĩa xã hội "độc đáo" và "độc nhất" này. Một chủ thuyết bắt đầu bằng chữ “độc”, và phải hiểu là “độc ác” nhất trong lịch sử nhân loại.

Mấy chục năm về trước, trong giới lưu vong lan truyền một chính sách về quyền lợi của nước Mỹ. Theo thuyết này, người Mỹ chỉ làm những gì có lợi (kinh tế) cho nước Mỹ mà thôi. Cũng theo thuyết này, nước Mỹ không có bạn bè lâu dài, và cũng chẳng có kẻ thù muôn kiếp. Tất cả chỉ là giai đoạn. Nếu có lợi, tôi với anh là bạn. Nếu bất lợi, tôi với anh có thể là kẻ thù. Như chuyện HCM viết thư cho TT Truman xin giúp Việt Nam giành lại độc lập từ thực dân Pháp ngay sau Thế chiến II. Đây là chuyện có thật. Theo ông thày dạy Sử, vì bị Truman từ chối, HCM quay về lại với khối cộng sản.

Chi tiết này không đúng. Thật ra, Hoa kỳ đã từng giúp Hồ ngay sau khi Thế chiến II chấm dứt. Nên nhớ, vào thời điểm Đức đầu hàng Đồng minh vào tháng 5/1945, và Nhật đầu hàng vào đầu tháng 9/1945, Mỹ đã tính chuyện hất cẳng Pháp và đưa bàn tay lông lá xen vào nội bộ Đông dương rồi. Lúc này Chiến tranh Lạnh chưa bắt đầu, nên cuộc đối đầu giữa Liên xô và Hoa kỳ (cộng sản và tự do) xem như không tính vào vai trò của Hoa kỳ tại Đông dương. Hồ sơ được bạch hóa cho biết nhóm OSS (tiền thân của CIA sau này) đã đến Tân Trào để huấn luyện cho Việt Minh vào tháng 8/1945, nhằm loại bỏ vai trò của Pháp khỏi Đông dương.

Thế chiến II vừa chấm dứt, Mỹ đã lường trước (chuẩn bị) 2 cuộc chiến tranh xảy ra tại vùng Đông dương. Lường trước hay là một phương cách để giải quyết số súng đạn dư thừa sau Thế chiến? Đó là chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), và chiến tranh Việt nam (1955-1975). Đầu tháng 9/1945, Nhật đầu hàng, thế mà OSS đã có mặt tại Việt nam từ tháng 8/1945. Như thế, Hoa kỳ phải có kế hoạch từ nhiều năm trước, chứ không thể ngang nhiên đưa các cố vấn OSS vào Việt nam. Thêm một lý do nữa, HCM đọc Tuyên Ngôn Độc Lập (TNĐL) tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945, đúng vào ngày Nhật tuyên bố đầu hàng Hoa kỳ. Nội dung bản TNĐL là một bản sao của bản TNĐL của Hoa kỳ. Điều này cho thấy, các cố vấn OSS đã giúp HCM soạn thảo bản TNĐL này.

Cuộc chiến VN phức tạp, và mảnh đất hình chữ S bị các cường quốc xâu xé tan nát. Tất cả đều nằm trong kế hoạch của giới tinh hoa quyền lực (power elite), hay đúng hơn là nhóm tài phiệt Hoa Kỳ. Bài viết sắp tới nhân kỷ niệm 46 năm ngày miền Nam sụp đổ sẽ trình bày chi tiết về âm mưu vĩ đại này. Thế lực tài phiệt khuynh loát nền chính trị Hoa kỳ, và với sự đồng lõa của các cơ quan quyền lực (CIA, NSA, NSC…) đã quyết định bộ mặt của thế giới từ sau Thế chiến II và kéo dài mãi đến bây giờ.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo