Trần nguyên Thao (Danlambao) - Năm 2020, khối Bất Động Sản (BĐS) phát hành 182,6 nghìn tỷ trái phiếu, trong đó khoảng 63 ngàn tỷ không có tài sản đảm bảo, nguồn cơn đưa đến vỡ nợ.
- Doanh Nghiệp phát hành đợt trái phiếu mới, gom tiền trả trái phiếu đáo hạn, là đảo nợ tiềm ẩn vỡ nợ.
- Cơn sốt chứng khoán, BĐS năm 2021 có nhiều nét tương đồng với năm 2006, liệu thị trường BĐS có sắp gãy đổ như kịch bản cách đây 13 năm?.
Làn sóng vỡ nợ Trái Phiếu Doanh Nghiệp (TPDN) bên Hoa Lục đang tràn qua với sức mạnh vùi dập thị trường Doanh Nghiệp Việt Nam, khi mà lãnh vực Bất Động Sản (BĐS) và Ngân Hàng Thương Mại (NHTM) Việt Nam từ lâu tiềm ẩn nguy cơ xảy ra nợ xấu, rất xấu - yếu tố ảnh hưởng đến TPDN. Năm 2021, thời điểm nhiều TPDN đáo hạn, trong lúc các Doanh Nghiệp phát hành trái phiếu, không có dòng tiền vào để có thể trả nợ. Lời báo động được chính giới thẩm quyền CSVN đưa ra đúng vào lúc Trưởng Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ (USTR) bà Katherine Tai bày tỏ quan ngại về chính sách tiền tệ; khai thác gỗ bất hợp pháp; thương mại kỹ thuật số và nông nghiệp của Việt Nam... trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh, được hãng tin Reuters và cả Bloomberg loan đi ngày 1 tháng 4 mới đây. Nếu Việt Nam bị Hoa Kỳ áp thuế trên hàng hóa bán sang Mỹ, vì vi phạm các điều vừa dẫn, hậu quả sẽ tác động rất xấu đến nền Kinh Tế, Tài Chánh Việt Nam.
Chỉ tính tới tháng 9/ 2019, tổng giá trị các vụ vỡ nợ TPDN của Tầu cộng lên tới 78,4 tỷ CNY, bằng hơn 11 tỷ Mỹ kim, [1] tăng 51% so với cùng kỳ năm 2018. Trọn năm 2019, thị trường trái phiếu nội địa của Trung cộng vỡ nợ kỷ lục với tổng cộng đã có 113,9 tỷ nhân dân tệ trái phiếu không thanh toán đúng hạn, trong đó có 53 vụ vỡ nợ trái phiếu của công ty tư nhân và 82 vụ của công ty đã niêm yết.
Đến tháng 11/2020 số vụ vỡ nợ TPDN lan rộng thêm khắp Hoa Lục, tỷ lệ tăng 150% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 4 tỷ Mỹ kim. Tổng giá trị TPDN bị trì hoãn trả nợ hoặc bị hủy, mới đến tháng 11/2020 cũng lên tới hơn 200 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 30.5 tỷ Mỹ kim. Hai công ty tiêu biểu trong khối Doanh Nghiệp Nhà Nước (DNNN) lâm tình cảnh vỡ nợ trái phiếu được nêu tên: Công ty Tsinghua Unigroup kích hoạt điều khoản vi phạm chéo (cross defaults) đối với 2 tỷ Mỹ kim trái phiếu, và Peking University Founder Group đang có tổng số nợ lớn nhất lên tới 42,8 tỷ NDT bằng 6,57 tỷ Mỹ kim, đã tuyên bố “không thể trả nợ”, nên nộp đơn xin tái cấu trúc nợ. [2]
Các chuyển biến thị trường trái phiếu bân Tầu, tạo ra một thời câu chuyện “nóng bỏng” hàng ngày trong giới Tài Chánh là nỗi âu lo TPDN có thể vỡ nợ. Các chuyên gia tài chánh than phiền rằng, nguồn cơn vỡ nợ TPDN nằm trong thời “4 năm 63 ngày” làm Phó Thủ Tướng (1916-2020), ông Vương đình Huệ đã dùng phiên bản TPDN của Tầu cộng để áp dụng cho Doanh Nghiệp Việt Nam ồ ạt phát hành TPDN trong các năm trước.
Theo số liệu của Trung Tâm Phân Tích & Tư Vấn Đầu Tư SSI (SSI Research) thì, tổng số dư trái phiếu các tổ chức kinh tế mà 14 NHTM (với tổng dư nợ tín dụng chiếm khoảng 76% thị phần tín dụng toàn hệ thống - không tính Agribank) đầu tư tại 31/12/2020 là khoảng 185.000 tỷ đồng, tăng 47% so với cuối năm 2019. Tỷ trọng bình quân đầu tư TPDN trong tổng tín dụng của các NHTM này tăng từ 2,5% lên 3,2%. [3]
Các NHTM sở hữu lượng TPDN lớn nhất tại cuối năm 2020 là Techcombank, VPBank, MB. Loại trừ ngân hàng, các doanh nghiệp đã phát hành 324.000 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2020, tăng tới 72% so với năm 2019. Trọn năm 2020, tổng số TPDN trên thị trường khoảng 455,4 nghìn tỷ đồng.
Lượng trái phiếu các doanh nghiệp phi ngân hàng đang lưu hành ước khoảng 537.000 tỷ đồng, trong đó các NHTM sở hữu khoảng 35% - thấp hơn mức 37% tại cuối 2019. Tuy vậy, cho đến thời điểm này, số liệu chính thức TPDN đã phát hành tại Việt Nam chưa được công bố.
Hôm 07/03/2021, SSI Research đã công bố bản điều nghiên về thị trường TPDN năm 2020. [4] Theo đó, trong năm 2020, riêng các Doanh Nghiệp BĐS phát hành tổng cộng 182,6 ngàn tỷ đồng, chiếm 40,1% tổng phát hành toàn thị trường – tăng so với tỷ trọng 39,6% năm 2019 và là nhóm phát hành nhiều nhất trong 2 năm gần đây.
Vẫn theo SSI, trong năm 2020, lượng trái phiếu không có tài sản bảo đảm hoặc dựa vào cổ phiếu phát hành là gần 63 nghìn tỷ đồng, trong đó có gần 37 nghìn tỷ đồng chỉ dựa vào cổ phiếu chao nghiêng hàng ngày làm tài sản bảo đảm, thì riêng nhóm BĐS chiếm 27,1 nghìn tỷ đồng, bằng 73,2%.
Cơn sốt chứng khoán, BĐS năm 2021 có nhiều nét tương đồng với năm 2006, liệu thị trường BĐS và chứng khoán có sắp gãy đổ như kịch bản cách đây 13 năm (?). Như thế, TPDN nằm trong BĐS sẽ tan như mây khói... Các dấu hiệu và biến chuyển nhiều nét tương đồng đang lập lại.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn tín dụng. Các công ty nhỏ này xin làm công ty con của những doanh nghiệp lớn hơn, rồi nhờ tên tuổi công ty mẹ, họ phát hành TPDN với lãi xuất cao có khi gần 18%. Do lời dụ ngọt của các tổ chức và cá nhân “cò mồi” nhà đầu tư nhỏ lẻ ham lời nhiều bỏ tiền vào TPDN, do vậy các công ty nhỏ huy động vốn dễ dàng. Khi đại dịch quay lại nhiều đợt, nhiều công ty làm ăn không được bị phá sản, thì Trái Chủ chỉ còn cách cầm mớ giấy lộn đi thưa kiện để mong thu về phần nào vốn thôi!
Tính đến hết tháng 10/2020, theo báo cáo của VNDirect, tổng giá trị TPDN phát hành thành công đạt 350.883 tỷ đồng, tăng 68,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó giá trị trái phiếu phát hành riêng lẻ là 326.024 tỷ đồng. [4]
Lãi suất của TPDN tùy theo từng loại, Bất Động sản (BĐS) thường có tiền lời cao hơn, được xếp thành 3 nhóm: 82% khối lượng trái phiếu có lãi suất dưới 11% mỗi năm, 17% khối lượng có lãi suất từ 11-13% và 0,9% khối lượng trái phiếu có lãi suất trên 13% mỗi năm. Đáng lưu ý, sức hấp dẫn của cuộc đua phát hành trái phiếu lại đến từ cam kết lãi suất chi trả có khi lên đến 18% mỗi năm, như lô trái phiếu Happy18 Bond của Apec Group. Trong khi tiền gởi tiết kiệm bên các NHTM trung bình chỉ từ trên 3- trên 6% tùy theo ngân hàng và thời gian gởi.
Trong phiên họp cuối nhiệm kỳ 5 năm của Nội Các Nguyễn Xuân Phúc diễn ra hôm 31/03, Bộ Trưởng Kế Hoạch & Đầu Tư Nguyễn chí Dũng chỉ đích danh “thủ phạm” khiến TPDN báo động vỡ nợ nằm trong khu vực BĐS. Ông Dũng nói, “do lãi suất gởi tiền ở NHTM có mức thấp, dòng tiền đang chuyển sang đầu tư vào thị trường bất động sản, một phần do công tác quản lý đất đai, quy hoạch và việc "thổi giá" của đối tượng môi giới, tạo nên các cơn sốt đất, khiến giá bất động sản nhiều khu vực tăng mạnh trong những tháng đầu năm, bất chấp diễn biến của dịch bệnh”. Ông Dũng coi đây là nguồn vốn tập trung vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro hơn là để phục vụ mở rộng sản xuất, kinh doanh. [5]
Cuối năm 2020, thời điểm xuất hiện nhiều thương vụ phát hành hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, thì giới Tài Chánh đã cảnh báo vỡ nợ TPDN đang đến rất gần. Nhưng một số doanh nghiệp chọn khuynh hướng phát hành các đợt trái phiếu mới với lãi xuất cao hơn, để lấy tiền trang trải cho TPDN đáo hạn trong năm 2021. Trong trường hợp lượt phát hành sau không thành công; lúc này nguy cơ vỡ nợ là rất cao.
Các chuyên gia Tài Chánh chỉ đưa (1) trường hợp điển hình làm thí dụ, công ty CII kinh doanh BĐS tại Saigon, cuối tháng 03/2021 đã rao bán 5.9 triệu trái phiếu với mệnh giá 100,000 đồng mỗi trái phiếu. Tổng khối lượng vốn cần huy động là 590 tỷ đồng. Mục đích của CII huy động vốn nhằm thanh toán đúng thời điểm trái phiếu cũ đến kỳ trả nợ. Đây là hình thức đảo nợ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Cũng giống như bân Tầu, tình trạng vỡ nợ rất dễ xẩy ra, vì cho đến nay, Việt Nam cũng có khoảng 150 ngàn Doanh Nghiệp ngưng hoạt động hay phá sản. Tạp chí Tài Chính xác nhận, chỉ trong tháng Giêng 2021 mà đã có 25.752 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước [6]. Vào lúc thị trường gặp ba đào, sóng gió thì chính bản thân doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cũng như tổ chức tín dụng đều lâm hoàn cảnh khá mong manh. Các nhà đầu tư trái phiếu nhỏ lẻ nên rất thận trọng đừng vì ham lời cao, đi đến kết cuộc “lãi không có, vốn cũng mất luôn”.
Đối với đảng CSVN trước mối nguy bị Hoa Kỳ áp thuế vì Bộ Ngân khố Mỹ trong tháng 12/2020 đã dán nhãn Việt Nam là nước thao túng tiền tệ do thặng dư thương mại ngày càng tăng với Mỹ. Trong tháng 1/2021, United States Trade Representative (USTR) đã công bố kết quả điều tra từ năm ngoái theo mục 301 của Đạo luật thương mại năm 1974. Đây là Đạo luật mà chính quyền của Tổng thống Trump đã sử dụng để áp thuế quan đối với hàng tỷ Mỹ kim hàng nhập khẩu từ Trung cộng.
Trong hoàn cảnh ngân sách cạn dần, Hà-nội phải tăng thuế, phí giữa cơn bão lạm phát đe dọa quay lại cũng không chắc có đủ tiền chi tiêu, thì chỉ còn cách “bán nước” dưới hai hình thức; (i) liên doanh khai thác thương mại dầu khí với Bắc Kinh (các giếng dầu từng bị Bắc Kinh ép không cho Hà-nội liên doanh với nhiều nước khác trước đây). (ii) Luồn lách để người Tầu khai thác các Đặc Khu Kinh Tế. Hiện nay Vân Đồn và Phú Quốc là các dự án bị Dân cả nước chống đối mãnh liệt suốt tháng 6/2018; đang được Hà-nội ưu tiên xây dựng.
Gần đây Hà-nội gia tăng trấn áp dân chúng, bắt bớ thêm nhiều tiếng nói ôn hòa. Rất có thể Hà-nội đang dọn đường để chọn lựa thi hành từng cách kiếm tiền nuôi chế độ.
06 Apr. 2021
Tham khảo: