Trần Nguyên Thao (Danlambao) - Nhà Nước “bóc ngắn cắn dài”, thiếu tiêu lấy vào Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội (BHXH) 324.000 tỷ đồng, dùng trái phiếu chính phủ để “trừ nợ” với tiền lời thấp hơn lạm phát - Dân lao động kém hưởng ứng Quỹ BHXH là bước đầu đi đến phá sản chính sách - In tiền thêm thì lạm phát, siết chặt tín dụng thì đình đốn sản xuất, thu thuế không được.
*
Áp lực lạm phát, bể bong bóng bất động sản, Ngân Sách năm nay bội chi 344.000 tỷ đồng, Nhà nước không có tiền hoàn lại Quỹ BHXH 324 ngàn tỷ, phải trả bằng trái phiếu khiến giới lao động mất lòng tin, đòi rút hết tiền bảo hiểm một lần... Dân nghèo tại nhiều Tỉnh không có gạo ăn; trong lúc đại dịch Covid-19 đợt 4 có đến 65% người mang bệnh không có triệu chứng... Tất cả đang như “bóng ma” chập chờn ẩn hiện đe dọa phát tán ở gần một nửa lãnh thổ Việt Nam, kể cả những nơi chưa có dịch cũng không an toàn, khiến Ba Đình phải huy động mọi nguồn lực vật vã đối phó... Bối cảnh vừa dẫn là bức tranh phủ đầy màu xám trên “mục tiêu kép” cùng lúc chống dịch và phát triển Kinh Tế đạt tăng trưởng 6.5% GDP cho năm đầu tiên - 2021 của Nội Các Phạm minh Chính là một “thách thức rất lớn”.
Nhiều năm gần đây Nhà Nước chi tiêu theo kiểu “bóc ngắn cắn dài” bội chi trung bình trên 200 ngàn tỷ mỗi năm, nhưng năm nay lên đến gần 344.000 tỷ đồng.
Từ nhiều năm trước, do Ngân Sách thiếu hụt, Nhà Nước lấy từ Quỹ BHXH số tiền lên đến 324.000 tỷ đồng [1]. Thay vì trả lại đủ tiền cho Quỹ BHXH, Nhà Nước đã phủi tay bằng những tấm “trái phiếu chính phủ” (TPCP) với phân lời trên 3%, thấp hơn mức lạm phát được Nhà Nước nói là 4%. Thực tế vật giá đang tăng cao chóng mặt, gây điêu đứng cho hàng chục triệu dân thất nghiệp.
Sự thật phũ phàng này đưa giới lao động đến chỗ do dự không muốn đóng tiền vào Quỹ BHXH. Nhiều người đòi rút hết tiền BHXH (1) lần khi có điều kiện. Người lao động Việt Nam rất thực tế, họ cân đo hơn thiệt “rất người” để có lý do âu lo, Quỹ BHXH sẽ hết tiền trong tương lai. Vì vậy, người lao động không mấy mặn mà với BHXH. Sự thể này diễn tả chính sách dân sinh qua BHXH của CSVN đang lâm vào bước đầu phá sản.
Từ đầu năm 2020 khi có đại dịch COVID-19, số người lao động ồ ạt rút tiền khỏi Quỹ BHXH ngay một lần gia tăng “rất đáng lo ngại”. Theo thống kê của Quỹ BHXH, chỉ tính riêng ba tháng đầu năm 2021 có đến 226.503 người muốn rút tiền một lần, tăng 20.5% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng năm 2020, có 1 triệu người tham gia BHXH nhưng có tới 880.000 người đòi nhận BHXH một lần. (RFA 2021-05-10)
Để cứu Quỹ BHXH, đang có đề nghị nâng mức hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện từ 30% lên 50% đối với người hoàn cảnh nghèo, từ 25% lên 30% đối với gia đình cận nghèo và từ 10% lên 20% đối với các đối tượng còn lại.
Năm nay Nhà Nước dự chi 1,687 triệu tỷ đồng, nhưng lại ít có hy vọng thu được 1,343 triệu tỷ đồng thuế như dự tính. Bởi vì cả trăm ngàn công ty phá sản, hàng chục triệu người thất nghiệp sẽ không có tiền nộp thuế. Ngay tai Thủ Đô Hà Nội cũng có 2.026 người thiếu thuế, khiến Cục Thuế Hà-nội phải áp dụng cách bêu tên công khai, như kiểu “đấu tố”. Hàng ngàn người cùng với nhiều công ty lớn và 530 đơn vị ở Hà-nội thiếu Nhà Nước số thuế lên đến 6.387.468 triệu đồng.
Cứ đà này thiếu thuế này lan rộng, Nhà Nước phải bán thêm nhiều công ty quốc doanh và phát hành trái phiếu hơn nữa mới bù đắp phần nào thiếu hụt Ngân sách. Tính đến đầu tháng 5/2021, thị trường trái phiếu chính phủ đã huy động hơn 65.514 tỷ đồng. Năm ngoái (2020) Nhà Nước đã bán trái phiếu thu về 323.952 tỷ đồng.[2]
Hai khoản phải tiêu đáng chú ý là trả nợ lãi 110.065 tỷ đồng và trả nợ gốc 264.899 tỷ đồng. Hai khoản này là bằng chứng “bóc ngắn cắn dài”, nay phải trả vốn lẫn lời, một số tiền hàng năm vẫn gia tăng, vì chưa bao giờ ngưng vay nợ.
Đầu tư phát triển 477.300 tỷ cũng là một ngân khoản to lớn cho các dự án kéo dài tiến độ cả chục năm. Nhiều dự án chưa xử dụng đã hư hỏng và tăng vốn thực hiện ít nhất là 50% trở lên. Tăng vốn là một cách “đục khoét” hợp pháp nhất của các quan đỏ.
Số liệu chính thức của Nhà Nước vẫn nói, lạm phát được kiểm soát trong khoảng 4%. Nhưng từ 11/11/ 2020, 7 tháng qua, giá xăng E5 tăng hơn 4.500 đồng mỗi lít, xăng A95 tăng hơn 4.800 đồng mỗi lít. Xăng E5 tăng 24.4%, xăng A95 tăng 24.6% [3].
Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết, sắt, thép chiếm khoảng 20% tỷ trọng xây dựng nhưng giá bán lại đang “đội” lên tới 45% khiến các doanh nghiệp xây dựng “vỡ trận” phá sản. Nhiều đơn vị đã phải tạm giãn tiến độ thi công để “nghe ngóng” thị trường.
VACC dẫn chứng, không riêng thép Việt Mỹ mà tất cả các thương hiệu thép đều đồng loạt tăng giá từ 30-40% từ tháng 10 năm trước [4]
Theo đài VOA, tính đến 17/05 Việt Nam có 37 trường hợp tử vong vì Covid và 4,298 ca nhiễm chủng mới từ Ấn Độ đang điều trị tại hơn 50 cơ sở y tế trên cả nước. Trong đó, gần 65% bệnh nhân không có biểu hiện lâm sàng; 29% có triệu chứng nhẹ. Thời gian ủ bệnh của Covid chủng mới kéo dài đến 21 ngày, thay vì 14 ngày như cũ.
Mẩu tin rất ngắn vừa dẫn xuất hiện trên Truyền Thông Quốc Tế hôm 14 tháng 05, đủ cho thấy từ hôm 27/04 Việt Nam đã bước vào đợt 4 chống dịch khá gay go. Đến ngày 15/5, cả nước mới có 22.512 người được tiêm đủ hai mũi vaccine, một tỷ lệ quá khiêm tốn so với dân số gần 100 triệu người. Chưa biết khi nào mới có đủ thuốc chủng ngừa để ngăn đại dịch.
Dịch Covid-19 chủng mới đang đe dọa 27 Tỉnh, Thành gồm cả những nơi người lao động đông đúc, tranh sống trong môi trường nghèo khó “cọ sát tất bật, đầu xuống trôn lên mới đủ hai tay vày lỗ miệng”. Nhiều khu Công Nghệ phía Bắc đã có lệnh đóng cửa “chạy giặc Covid” lây lan, khiến dân thêm thất nghiệp. Nhiều Tỉnh có số dân đói phải xin Nhà Nước giúp gạo sống qua ngày.
Tháng 4/2021, Tổng cục Dự trữ Nhà Nước, đã trợ cấp 52.000 tấn gạo và bổ sung 1.137 tấn gạo cho 7 tỉnh gồm Bà Rịa - Vùng Tàu, Lâm Đồng, Sơn La, Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng và Lạng Sơn. Xuất 34.700 tấn gạo hỗ trợ học sinh học kỳ II năm học 2020-2021.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 4 tháng đầu năm 2021, có tới 51.496 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2020 [5]. Mới tính đến đầu tháng Giêng, cả nước đã có 32 triệu dân thất nghiệp.
Đai Học Kinh Tế Quốc Dân vừa có một cuộc khảo sát (Survey) tại 510 doanh nghiệp nếu đại dịch kéo dài hết Quý III/ năm 2021 [6], thì 93,9% đánh giá dịch Covid-19 có tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ, 20,2% ước tính doanh thu sẽ sụt giảm từ 80% trở lên; 28,4% nói là sẽ mất doanh thu 50 - 80%.
Bên cạnh việc thất thu lợi nhuận, doanh nghiệp vẫn phải chi phí nhân công lao động là gánh nặng lớn nhất của 34,5% doanh nghiệp dưới tác động của dịch Covid-19. Tiếp theo lần lượt là khoản chi trả lãi vay ngân hàng, chi phí hoạt động thường xuyên và thuê cơ sở.
Trung bình một doanh nghiệp có 25 lao động thì trong hai tháng nữa sẽ có thêm khoảng 400 nghìn lao động bị ảnh hưởng do các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh. Ước tính số lao động bị giảm giờ làm hoặc mất việc khoảng 440.000 - 880.000 người. Nếu dịch kéo dài đến cuối năm, số lao động bị giảm giờ làm hoặc gia nhập thêm vào hàng ngũ thất nghiệp khoảng 880.000 - 1,32 triệu người.
Trong trường hợp lãi xuất tín dụng đang có chiều hướng gia tăng như truyền thông báo động thì sản xuất, kinh doanh sẽ đi vào tuyệt lộ, kinh tế sẽ suy trầm nghiêm trọng.
Báo chí Nhà nước tô vẽ mầu hồng trong bức tranh xuất siêu. Nhưng phân tích số liệu xuất siêu cho từng loại cụ thể thì thành tích xuất siêu hoàn toàn thuộc về khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), kể cả dầu thô, với 34,6 tỷ Mỹ kim, còn khối doanh nghiệp trong nước vẫn nhập siêu tới 15,5 tỷ Mỹ kim [7]. Tiền lời từ xuất cảng thuộc doanh nghiệp FDI, sẽ được chuyển về nước họ. Như thế, GDP của Việt Nam có tăng trên danh nghĩa, nhưng không phản ảnh đúng thực trạng nền kinh tế trong nước. Doanh nghiệp tư nhân trong nước cần được nâng đỡ để khi khuối FDI vì lý do gì họ ra đi, thì Viêt Nam dễ xoay xở hơn.
Trong thực tế, phần lớn tín dụng dồn vào khu vực Thị Trường Chứng khoán và Bất Động Sản lợi cho người giàu sang quyền thế. Sư thể này cho thấy “sử dụng vốn không hiệu quả” hay vòng quay của đồng tiền chậm đi vào sản xuất sẽ tạo áp lực dài hạn lên lạm phát là mối âu lo không tránh được.
Theo số liệu từ Uỷ Ban Chứng Khoán, đến cuối năm 2020, tổng dư nợ giao dịch ký quỹ tại các công ty chứng khoán là 80,9 nghìn tỷ đồng, tăng 26 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 48% so với cuối năm 2019.
SSI Research đã công bố bản điều nghiên hôm 07/03 về thị trường Trái Phiếu Doanh Nghiệp, theo đó trong năm 2020, riêng các Doanh Nghiệp BĐS phát hành tổng cộng 182,6 ngàn tỷ đồng, chiếm 40,1% tổng phát hành toàn thị trường – tăng so với tỷ trọng 39,6% năm 2019 và là nhóm phát hành nhiều nhất trong 2 năm gần đây.
Trong hoàn cảnh Kinh Tế hiện nay, CSVN đứng trước hai lựa chọn (i) In thêm tiền như từ năm 2017 thì thời gian đã đủ dài để nền Kinh Tế “ngấm độc” lạm phát sẽ tăng nhanh. (ii) Tăng lãi suất ngân hàng để kiềm chế lạm phát, thì sản xuất đình đốn, thêm công ty phá sản, thất nghiệp tăng; Nhà Nước sẽ thất thu nhiều khoản thuế. Tuy nhiên CSVN vẫn còn một cái may: Ngân Hàng Thế Giới trong báo cáo tháng 5 cho biết, năm 2020 Việt Nam nhận đến 17,2 tỷ Mỹ kim kiều hối, bằng 5% GDP [8]. Theo đà này năm 2021, Việt Nam vẫn là một trong 10 nước trên thế giới nhận kiều hối cao nhất.
Do những yếu tố thượng dẫn, Bộ Kế Hoạch, Đầu Tư thú nhận, mục tiêu tăng trưởng 6,5% GDP cho cả năm là thách thức gần như “đội đá vá trời” của tân Nội Các Phạm minh Chính.
Hôm 16/05, trong một bài viết được truyền thông Nhà Nước đăng tải, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng công nhận chủ nghĩa tư bản có “những thành tựu” và “giá trị văn minh” song ông vẫn khẳng định Việt Nam “kiên định, kiên trì theo đuổi” chủ nghĩa xã hội [9].
Đáp lại, Giáo sư Nguyễn Đình Cống, từng giảng dạy tại Đại học Xây dựng Hà Nội, bỏ đảng cộng sản từ 5 năm trước nói với VOA rằng, lời nhận định trên của TBT Trọng là “một sự áp đặt” vì “chưa bao giờ toàn dân Việt Nam muốn theo chủ nghĩa xã hội”.
18 May 2021
Tham khảo:
[8] https://vietnambiz.vn/hon-17-ty-usd-kieu-hoi-ve-viet-nam-dung-top-9-the-gioi-20210513144424303.htm