Xuất xứ, sự hình thành và chủ trương căn bản của các đảng phái chính trị đương đại - Dân Làm Báo

Xuất xứ, sự hình thành và chủ trương căn bản của các đảng phái chính trị đương đại


Tổng quan:

Từ năm 2020, cộng đồng người Việt trong lẫn ngoài nước bị chia rẽ không nhiều thì ít vì cuộc bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ giữa 2 phe Dân Chủ và Cộng Hòa.

Các chính đảng tại các quốc gia như Hoa Kỳ hay Âu Châu là những định chế nền tảng của nền dân chủ tại các quốc gia này. Một sự hiểu biết tương đối chính xác và khách quan về xuất xứ, sự hình thành và những chủ trương căn bản của các chính đảng trong môi trường chính trị dân chủ Tây Phương sẽ giúp chúng ta nhận định khách quan hơn và hóa giải những xung đột không cần thiết, hầu mọi người có thể chung tay, góp sức, thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa Việt Nam, thay vì tranh cãi vô bổ.

I. Nguyên nhân của sự chia rẽ trong cộng đồng người Việt hải ngoại và tại quốc hội này phát xuất từ 3 sự kiện căn bản:

1. Sự kiện thứ nhất là chúng ta quên rằng mục tiêu tối hậu của chúng ta là phụng sự cho tổ quốc Việt Nam và tất cả những xung đột đảng phái tại các quốc gia dân chủ đa nguyên chỉ là những hiện tượng đoản kỳ. Chúng ta cần phải học hỏi kinh nghiêm từ những hiện tượng đoản kỳ này để phục vụ cho tổ quốc Việt Nam, thay vì đánh mất bản thân mình trong những hiện tượng đoản kỳ này.

2. Sự kiện thứ nhì là chúng ta thiếu hiểu biết nghiêm túc về bản chất và sự vận hành của các chế chính trị dân chủ đương đại.

3. Sự kiện thứ ba là chúng ta thiếu sự hiểu biết khách quan về xuất xứ, sự hình thành, chủ trương của các chính đảng đương đại.

II. Yếu tố đa nguyên của một nền dân chủ chân chính:

Một cách tổng quát, chúng ta có thể định nghĩa rằng một nền dân chủ chân chánh phải bao gồm 3 yếu tố nền tảng.

Đó là hiến định (được quy định trong một bản hiến pháp là bộ luật nền tảng), pháp trị (thượng tôn luật pháp) và đa nguyên (quyền lực chính trị phát xuất từ nhiều tụ điểm khác nhau).

Chúng ta cũng cần lưu ý rằng trong khi 2 yếu tố hiến định và pháp trị mang tính củng cố cho ý niệm dân chủ, thì yếu tố đa nguyên lại chính là bản chất của ý niệm dân chủ. Lý do đơn giản là vì nếu chỉ nhất nguyên (quyền lực chính trị phát xuất từ một tụ điểm duy nhất) thì chúng ta sẽ có các hình thức độc tài chính trị khác nhau mà thôi, như quân chủ chuyên chế, độc tài đảng trị, độc tài cá nhân trị, quân phiệt, giáo phiệt v.v… và môi trường chính trị sẽ vắng bóng chế độ dân chủ.

Tuy bản chất của ý niệm dân chủ là đa nguyên (pluralism), nhưng sự vận hành của ý niệm dân chủ trong chính trị thực tế lại thông thường mang yếu tố lưỡng đảng (two-party system).

Điều này thông thường xảy ra khi chính trường có sự hiện diện của nhiều chính đảng hay chính trị gia dân cử, nhưng sau một cuộc bầu cử đa nguyên đa đảng thì các cá nhân và phe nhóm khác nhau lại có khuynh hướng tái phối trí các lực lượng chính trị (realignment of political forces) chia làm 2 thế lực: một là một chính đảng hay một liên minh thành lập chính quyền (Quốc hội chế) hoặc đứng về phía chính quyền (tổng thống chế), hai là một chính đảng hay một liên minh đứng về phía đối lập.

Một cách nghiêm túc mà nói, sự chia rẽ này không nhất thiết phát xuất từ sự khác biệt giữa 2 chính đảng rường cột của môi trường chính trị Hoa Kỳ là các đảng Cộng Hòa và Dân Chủ.

Chúng ta có thể tưởng tượng môi trường chính trị dân chủ đương đại như một hàm phổ chính trị (political spectrum) bao gồm từ các quan điểm bảo thủ (conservative values) nhất đến các quan điểm cấp tiến (progressive values) nhất, tương tự như một hàm phổ âm nhạc (musical spectrum) bao gồm từ những cung bậc trầm ổn nhất (low pitch) đến những cung bậc cao bổng nhất (high pitch).

III. Hai khuynh hướng chính trị nền tảng của nền dân chủ Tây Phương là Khuynh hữu (Bảo thủ) và khuynh tả (Cấp tiến):

Vì hoàn cảnh lịch sử, như sẽ trình bày trong tài liệu này, các khuynh hướng chính trị bảo thủ (khuynh hữu) Tây Phương thường chủ trương thiên về tư bản chủ nghĩa và các khuynh hướng chính trị cấp tiến (khuynh tả) thường thiên về khuynh hướng xã hội chủ nghĩa.

Khái niệm khuynh hữu hay khuynh tả nguyên thủy phát xuất từ chính trường Pháp khi những dân biểu ủng hộ chế độ vương quyền ngồi bên phải quốc hội (bảo thủ) và các dân biểu ủng hộ chế độ cộng hòa ngồi bên trái quốc hội (cấp tiến).

Sự khác biệt giữa tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa tuy phức tạp, nhưng có thể tóm lược như sau:

1. Tư bản chủ nghĩa có khuynh hướng tập trung tư bản vào tay một số cá nhân hay tập thể với động lực sáng tạo của cải (wealth creation).

2. Trong khi đó xã hội chủ nghĩa chủ trương công bằng xã hội và hậu quả là nhu cầu tái phân phối của cải (wealth redistribution) là ưu tiên đối với họ.

Các đảng phái chính trị, tùy theo chủ trương của mình, sẽ có chỗ đứng đích thực trong hàm phổ chính trị đó, cũng như những cung bậc khác nhau của những bản nhạc có chỗ đứng đích thực trong hàm phổ âm nhạc vậy.

Nền chính trị dân chủ chân chính vận hành như một bản đại hòa tấu trong đó sự tương tác, cộng sinh hài hòa là yếu tố quan trọng.

Những nốt nhạc trầm không thể loại bỏ những nốt nhạc bổng và ngược lại trong một bản đại hòa tấu. Tương tự, các khuynh hướng chính trị bảo thủ không thể loại bỏ các khuynh hướng cấp tiến hoặc ngược lại, trong một nền dân chủ chân chính.

IV. Xuất xứ, hình thành và chủ trương các chính đảng tại Hoa Kỳ:

Hoa Kỳ đại diện các quốc gia theo tổng thống chế.

Nếu chúng ta có thể nêu ra hai vấn nạn quan trọng nhất của tiến trình dân chủ hóa Hoa Kỳ thì có lẽ sẽ là:

a. Chọn lựa giữa củng cố quyền lực cho liên bang (Federalism) hay các tiểu bang (Anti-Federalism hay States’ rights)

b. Tương quan sắc tộc (racial relations) phát xuất từ chế độ nô lệ (slavery) xa xưa.


Sự hình thành các chính đảng tại Hoa Kỳ qua các giai đoạn sau đây:

Đoạn này sẽ phân tích sự thành lập 2 chính đảng thống trị môi trường chính trị Hoa Kỳ và hoàn cảnh đưa đến hai khuynh hướng chính trị bảo thủ và cấp tiến.

1. Hệ thống đảng phái đầu tiên 1792- 1824:

Có 2 chính đảng. Một là đảng Liên Bang (Federalist Party) do Alexander Hamilton thành lập, chủ trương củng cố quyền lực cho chính phủ liên bang và một chính quyền trung ương mạnh. Hai là đảng Dân Chủ Cộng Hòa (Democratic-Republican Party), gọi tắc là đảng Cộng Hòa (Republican) có khuynh hướng chống Liên Bang (Anti-Federalist) do Thomas Jefferson va James Madison thành lập chủ trương chính quyền liên bang giảm thiểu và củng cố vị thế các tiểu bang. Đảng Federalist vượt trội đến năm 1800 và sau đó đảng Cộng Hòa thống lĩnh chính trường từ năm 1800 về sau.

Đảng Federalists được sự ủng hộ của giới tư bản (business), trong khi đó đảng Cộng Hòa được sự ủng hộ của các điền chủ (planters) và nông dân (farmers)

2. Hệ thống đảng phái thứ nhì- Giai đoạn đảng Dân Chủ theo trường phái Andrew Jackson (Jacksonian Democrats) 1824-1860:

Andrew Jackson là tổng thống thứ 7 của Hoa Kỳ (1829- 1837). Ông chủ trương mở rộng dân chủ đến cá nhân mỗi công dân. Trong giai đoạn này đảng Dân Chủ Cộng Hòa của Thomas Jefferson bị chia làm 2. Những thành phần ủng hộ Andrew Jackson thành lập đảng Dân Chủ bây giờ. Phe chống lại Jackson trở thành đảng Whigs. Đảng Cộng Hòa (Republican Party) được thành lập sau này, năm 1854 với sự cộng tác của Đảng Whigs và những thành phần chống chế độ nô lệ như Abraham Lincoln.

Ghi nhận 2 chủ trương rường cột của Andrew Jackson:

Kinh tế Laissez-Faire: kinh tế tự do không có sự can thiệp của chính quyền. Chính quyền chỉ kiểm soát giới hạn hầu bảo vệ quyền tư hữu.

Trên bình diện pháp lý họ chủ trương “strict constructionalism” có nghĩa là tòa án không có quyền diễn giải quá rộng rãi luật pháp và hiến pháp (có nghĩa là chủ trương bảo thủ về pháp lý).

3. Thời kỳ Vàng Son (The Golden Age) 1860- 1937:

Giai đoạn này có 2 hiện tượng quan trọng. Một là sự bùng nổ dân số do hằng triệu di dân từ Âu Châu sang và hai là sự phát triển kinh tế và kỹ nghệ vượt bực, vượt lên trên Âu Châu và dĩ nhiên phần còn lại của thế giới.

Đây là giai đoạn bao gồm hệ thống đảng phái thứ ba và thứ tư.

3.1 Hệ thống chính đảng thứ ba (third party system) 1854- 1896:

Đây là giai đoạn đảng Cộng Hòa thống lĩnh chính trường. Đảng CH chiến thắng trong cuộc nội chiến, dưới sự lãnh đạo của TT Abraham Lincoln và giữ vững giềng mối của Liên Bang, hủy bỏ chế độ nô lệ, phát triển kinh tế, hiện đại hóa hạ tầng cơ sở, tăng thuế, chi phí xã hội gia tăng. Đảng Dân Chủ đối lập chỉ thắng 2 cuộc bầu cử tổng thống 1884 và 1892. Đảng CH thống trị các tiểu bang miền Bắc và Tây. Đảng DC các tiểu bang miền Nam.

3.2 Hệ thống chính đảng thứ tư 1896- 1932

Giai đoạn này cũng do đảng CH thống trị chỉ trừ 8 năm của đảng DC tại Nhà Trắng bắt đầu từ 1912. Giai đoạn này được các sử gia gọi là giai đoạn cấp tiến, bao gồm Thế Chiến thứ Nhất và cuộc Đại Khủng Hoảng (Great Depression) tàn phá thế giới. Giai đoạn này về ngoại vận cũng bao gồm cuộc chiến giữa Hoa Kỳ- Tây Ban Nha, Đế Quốc Chủ Nghĩa, cuộc cách mạng Mexico và League of Nations.

Về nội bộ bao gồm vai trò của nghiệp đoàn, thuế nhập khâu, quyền bầu cử của phụ nữ, phân chia chủng tộc (racial segregation)…

4. Giai đoạn hệ thống chính đảng hiện đại 1932- hôm nay:

Hai chính đảng CH và DC thay phiên nhau thống lĩnh chính trường.

Đảng DC có khuynh hướng cấp tiến ủng hộ cho giới thợ thuyền, công nhân và các chính sách xã hội. Đảng CH khuynh hướng bảo thủ, chủ trương kinh tế tự do (economic liberalism), ngân sách bảo thủ và bảo thủ xã hội (social conservatism)

Theo Website https://www.diffen.com/difference/Democrat_vs_Republican, thì chúng ta có thể so sánh lập trường chính trị của 2 đảng như sau:

So sánh Dân Chủ vs Cộng Hòa

Lập trường chính trị

(1). Chủ thuyết chính trị

(DC) Cấp tiến, khuynh tả vs (CH) Bảo thủ, khuynh hữu

(2). Quan niệm kinh tế

(DC) Quy định lương tối thiểu và thuế lũy tiến, tức lương cao thì thuế sẽ cao theo. Phát xuất từ khái niệm Anti-federalist nhưng chuyển hóa theo thời gian thành ủng hộ nhiều can thiệp của chính quyền vs (CH) Chủ trương không tăng thuế dù cho những người lợi tức cao và lương bổng phải do thị trường quyết định

(3). Những khái niệm về con người và xã hội

(DC) Đặt nền tảng trên cộng đồng và trách nhiệm xã hội vs (CH) Đặt nền tảng trên quyền cá nhân và công lý

(4). Lập trường về quân sự

(DC) Giảm chi phí quân sự vs (CH) Tăng chi phí quân sự

(5). Lập trường về hôn nhân đồng tính

(DC) Ủng hộ (nhiều người Dân Chủ không chấp nhận) vs (CH) Chống đối (Nhiều người Cộng Hòa ủng hộ)

(6). Lập trường về phá thai

(DC) Tiếp tục được coi là hợp pháp, ủng hộ phán quyết Roe vs Wade của Tối Cao Pháp Viện vs (CH) Không thể coi là hợp pháp (trừ một số trường hợp ngoại lệ), chống lại phán quyết Roe vs Wade của TCPV

(7). Lập trường về án tử hình

(DC) Khuynh hướng ủng hộ mạnh, nhưng khuynh hướng chống tại hạ tầng cũng rất cao vs (CH) Đại đa số đảng CH ủng hộ án tử hình

(8). Lập trường về thuế

(DC) Thuế lũy tiến. Người lợi tức cao phải đóng thuế tỷ lệ cao hơn. Thông thường không phản đối tăng thuế để tài trợ chính quyền vs (CH) Khuynh hướng ủng hộ áp dụng chỉ một tỷ lệ thuế bất chấp lợi tức thấp hay cao. Thông thường chống lại việc tăng thuế.

(9). Lập trường về sự kiểm soát của chính quyền

(DC) Sự kiểm soát của chính quyền cần thiết để bảo vệ người tiêu dung vs (CH) Cho rằng sự kiểm soát của chính quyền chỉ cản trở thị trường tự do của tư bản chủ nghĩa và sự phát triển của công ăn việc làm

(10). Chính sách chăm sóc sức khỏe

(DC) Ủng hộ chăm sóc sức khỏe hoàn vũ, ủng hộ mạnh sự can thiệp của chính quyền vào chăm sóc sức khỏe kể cả Medicare và Medicaid. Tổng quát ủng hộ Obamacare vs (CH) Chủ trương các doanh nghiệp tư nhân có thể cung cấp các dịch vụ hiệu năng hơn chính phủ. Chống lại Obamacare như (1) quy định cá nhân phải mua bảo hiểm sức khỏe hoặc đóng phạt (2) Đòi hỏi bao gồm ngừa thai.

(11). Lập trường về di trú

(DC) Tổng quát ủng hộ sách lược ân huệ cho việc trục xuất hay cho con đường trở thành công dân cho một số di dân không đủ giấy tờ như những cá nhân không có tiền án hình sự đã sống tại Hoa Kỳ trên 5 năm vs (CH) Chủ trương chống lại ân huệ cho những di dân không giáy tờ. Chống lại Lệnh hành pháp của TT Obama ân huệ cho một số công nhân. Chủ trương tài trợ nhiều hơn cho các biện pháp tại các biên giới.

(12). Các tiểu bang truyền thống mạnh Đảng Dân Chủ vs Đảng Cộng Hòa

(DC) California, Massachusetts, New York vs (CH) Oklahoma, Kansas, Texas

V. Xuất xứ, hình thành và chủ trương các chính đảng tại Vương Quốc Thống Nhất Anh (United Kingdom hay UK):

Nếu chúng ta có thể nêu ra hai vấn nạn quan trọng nhất của tiến trình dân chủ hóa UK thì có lẽ sẽ là:

a. Nên chọn quyền lực cho vương quyền (monarchy) hay quốc hội (parliament)

b. Sau khi đã chọn quốc hội rồi thì nên trao quyền lực cho thượng viện (house of Lords) hay hạ viện (House of commons)

UK là quốc gia tiêu biểu đại diện cho Quốc Hội Chế (Parliamentary system, Cabinet System, Westminster system).

Sự phát triển các đảng phái tại Anh Quốc (Great Britain) cũng rất quan trọng và chúng ta cần nghiên cứu.

Đoạn này cũng giải thích sự hình thành các đảng phái và phân chia 2 khuynh hướng bảo thủ và cấp tiến.

Anh Quốc hay chính xác hơn là Vương Quốc Thống Nhất Anh (United Kingdom) là một quốc gia theo thể chế quân chủ lập hiến (constitutional monarchy). Thể chế tại Anh Quốc còn đại diện cho một hệ thống chính trị dân chủ chân chính nhưng đối diện với Hoa Kỳ.

Thật vậy Anh Quốc theo Quốc Hội Chế (parliamentary system) thay vì Tổng Thống Chế (presidential system) như tại Hoa Kỳ.

Tuy cả hai hệ thống đều là những nền dân chủ chân chánh, nhưng có sự khác biệt nền tảng:

Tổng thống chế căn bản trên:

1. Tam quyền phân lập (hành pháp, Lập pháp và tư pháp) của triết gia người Pháp là Montesquieu

2. Mỗi định chế như hành pháp, lập pháp và tư pháp đều ngang nhau, độc lập với nhau

3. Nhân dân bầu cử tổng thống và quốc hội riêng biệt

Quốc hội chế căn bản trên:

1. Quốc hội là tối cao và quyền lực chính trị phát xuất từ quốc hội

2. Từ quốc hội khai sinh ra hành pháp (Cabinet & government)

3. Chỉ có nhị quyền phân lập (một bên là quốc hội và chính quyền, bên kia là tư pháp độc lập)

4. Nhân dân chỉ bầu cử quốc hội mà thôi.

Tình trạng của Vương Quốc Thống Nhất Anh hay United Kingdom (UK) là một sự kết hợp chính trị (political union) bao gồm các thực thể sau đây:

1. England (Anh)

2. Scotland (Tô Cách Lan)

3. Wales

4. Northern Ireland (Bắc Ái Nhĩ Lan)

Sự phát triển các đảng phái chính trị tại UK có thể tóm lược như sau theo Wikipedia:

Chính đảng đầu tiên tại UK và cũng có thể là chính đảng đầu tiên trên thế giới là đảng Whigs. Từ các thập niên 1680 đến 1850, đảng này cạnh tranh với đảng Tories để nắm quyền tại UK.

Đến năm 1850 thì đảng Whigs sát nhập với đảng Tự Do (Liberal Party). Tuy nhiên có một số thành viên thuộc giới quý tộc bỏ đảng Tự Do năm 1885 để gia nhập đảng Tự Do Kết Hợp (Liberal Unionist Party). Sau đó chính đảng này lại sát nhập với đối thủ của đảng Tự Do là đảng Bảo Thủ (Conservative Party) hiện đại vào năm 1912. Đảng Whigs này nguyên thủy chủ trương quân chủ lập hiến (constitutional monarchism) thay vì quân chủ chuyên chế (absolute monarchy) và họ chủ trương quốc hội chế (Parliamentary system).

Trước 1850 thì chính trường UK có sự thống trị của 2 chính đảng: Whigs và Tories. Các đảng này chưa phải là những chính đảng hiện đại mà là những phe nhóm hay liên hiệp các cá nhân hoặc nhóm lợi ích. Đảng Whigs gồm những giòng họ quý tộc khuynh hướng Truyền Thừa Tin Lành, kỹ nghệ gia và tư bản. Trong khi đó đảng Tories gồm các địa chủ, Giáo Hội Anh Giáo và Giáo Hội Tô Cách Lan.

Sau 1850 thì đảng Tories đã chuyển thành đảng Bảo Thủ và đảng Whigs chuyển thành đảng Tự Do. Vào cuối thế kỷ 19, đảng Tự Do nghiên về phe tả. Đảng Tự Do Kết Hợp (Liberal Unionist party) tách khỏi đảng Tự Do và tiến gần đảng Bảo Thủ.

Hai đảng Tự Do và Bảo Thủ thống trị chính trường UK cho đến thập niên 1920 khi đảng Tự Do bị suy thoái và bị thay thế bỡi đảng Lao Động như là đảng đối lập với đảng Bảo Thủ. Đảng Lao Động là một sự kết hợp giữa phong trào lao động, các nghiệp đoàn và các hiệp hội mang tính xã hội chủ nghĩa.

Từ năm 1920, hai đảng Bảo Thủ và Lao Động thống lĩnh chính trường UK. Tuy nhiên UK không phải chỉ có 2 đảng này. Cho đến năm 2015 thì đảng Tự Do Dân Chủ (chủ trương hỗn hợp liberalism và social democracy) là đảng lớn thứ 3, nhưng từ đó bị đảng Quốc Gia Tô Cách Lan (Scottish National Party) soán ngôi (nếu tính số ghế trong quốc hội) và đảng Độc Lập Vương Quốc Thống Nhất Anh (UK Independence Party) (nếu tính số phiếu bầu).

Hiện giờ đảng Bảo Thủ đang nắm quyền tại UK với thủ tướng Boris Johnson.

VI. Xuất xứ, hình thành và chủ trương các chính đảng tại Pháp:

Xuất xứ của các chính đảng tại Pháp quá phức tạp và vượt ra ngoài phạm vi của tài liệu này.

Nếu chúng ta có thể nêu ra hai vấn nạn quan trọng nhất của tiến trình dân chủ hóa Pháp quốc thì có lẽ sẽ là:

a. Chọn lựa giữa chế độ quân chủ (monarchy) và nền cộng hòa (The republic)

b. Sau khi chọn lực nền cộng hòa thì chọn lựa giữa tổng thống chế (presidential system) hay quốc hội chế (parliamentary system)

Đương đại, Pháp theo một thể chế chính trị dân chủ dung hòa giữa Tổng Thống Chế và Quốc Hội Chế.

Tuy nhiên khi nghiên cứu kỹ, các đảng phái vẫn theo định luật chung là phân chia ra bảo thủ và cấp tiến một cách tổng quát.

Pháp là một quốc gia theo chế độ quân chủ chuyên chế cho đến cuộc cách mạng Pháp năm 1789.

Pháp là nơi sản sinh những tư tưởng gia vĩ đại về dân chủ như Voltaire (tự do cá thể), Jean Jacques Rousseau (Khế Ước Xã Hội) và nhất là Montesquieu (Tam Quyền Phân Lập qua cuốn sách lừng danh “Vạn Pháp Tinh Lý”). Những tư tưởng gia này là nguồn cảm hứng cho các vị cha đẻ của hiến pháp Hoa Kỳ được khai sinh năm 1787, quốc hội phê chuẩn năm 1788 và có hiệu lực từ năm 1789.

Tuy nhiên những tác nhân của cuộc cách mạng Pháp (French Revolution) lừng danh này lại học hỏi rất nhiều từ Hoa Kỳ và Anh Quốc về các khía cạnh thực tế dân chủ vì cuộc cách mạng Hoa Kỳ (1765 đến 1783) đã xảy ra và hoàn tất trước thời điểm đó. UK đã bắt đầu giới hạn quyền của các vì vua với Đại Khế Ước (Magna Carta) từ năm 1215 và dần dần biến Anh Quốc và UK thành nền quân chủ lập hiến (constitutional monarchy) chân chính.

Hiện đại các chính đảng tại Pháp có thể được xếp hạng như sau, theo https://about-france.com/political-parties.htm:

1. Khuynh Hữu tức bảo thủ:

a. Liên Hiệp cho một Phong Trào Quần Chúng (Union pour un Movement Populaire hay UMP) gọi tắc là người Cộng Hòa (Les Republicains) chủ trương tương đương với các đảng Bao Thủ tại UK và đảng Cộng Hòa tại Hoa Kỳ. Đây là Chính Đảng có thực lực nhất phe bảo thủ. Cựu Tổng Thống Sarcozy thuộc đảng này.

b. UDI (Union of Democrats and Independents) bao gồm các đảng khuynh hữu như Radical Party hay Nouveau Centre.

c. Phong Trào Dân Chủ (Mouvement Democratique) chủ trương Trung Hữu.

2. Khuynh Hướng Cực Hữu:

a. Tập Hợp Quốc Gia (Rassemblement National) trước đây là Mặt Trận Quốc Gia (Front National) do Jean Marie Le Pen thành lập và hiện giờ dưới sự lãnh đạo của con gái Ông là Marine Le Pen. Chủ trương Luật Lệ và Trật Tự Xã Hội cũng như chống di dân.

b. Phong Trào vì Pháp Quốc (Mouvement pour La France) MPF. Chủ trương như Tập Hợp Quốc Gia.

c. Nước Pháp Đứng Thẳng (Debout La France) chủ trương chủ quyền quốc gia.

3. Khuynh hướng Trung Điểm (The Centre Ground):

a. Nền Cộng Hòa Tiến Bước (La Republique En Marche). Đương kim tổng thống Emmanuel Macron là người sáng lập ra chính đảng này. Ông vốn là bộ trưởng kinh tế dưới thời của Tổng Thống đảng Xã Hội Francois Hollande. Tuy nhiên Ông chủ trương trung điểm giữa các khuynh hướng hữu khuynh và tả khuynh và đắc cử chức vụ tổng thống năm 2017 mà không cần một đảng phái chính thức nào ngoài một phong trào bán chính thức gọi là Tiến Bước (En Marche). Cũng trong năm 2017, sau khi đắc cử, ông đã khai sinh chính đảng Nền Cộng Hòa Tiến Bước và trong cuộc bầu cử quốc hội Pháp, đảng này đã chiếm được đa số ghế trong quốc hội.

b. Vì Phong Trào Dân Chủ (Mouvement Democratique) chủ trương Trung Hữu (như nêu trên) nên đôi khi cũng được xếp hạng là thuộc khuynh hướngTrung Điểm.

c. Liên Minh Trung Điểm (Alliance Centriste)

4. Khuynh Tả tức Cấp Tiến:

a. Đảng khuynh tả lớn nhất là Đảng Xã Hội (Parti Socialiste) được thành lập năm 1969 qua sự kết hợp các lực lượng khuynh tả không cộng sản và đảng Xã Hội là một chính đảng tương đương với đảng Lao Động Anh Quốc. Tuy nhiên đảng Xã Hội ngày càng giảm uy tín vì không chịu canh tân cải tổ như đảng Lao Động Anh quốc hoặc các đảng dân chủ xã hội khác tại Âu Châu.

b. Đảng Cộng Sản Pháp (Parti Communiste). Đảng này cũng từ chối canh tân cải tổ, ngày càng suy giảm và chỉ còn 10 ghế trong quốc hội và mức ủng hộ của quần chúng chỉ khoảng dưới 5%.

c. Đảng Xanh (Europe Ecologie Les Verts) (The Green Party)

5. Khuynh hướng cực tả chủ trương chống tư bản và đấu tranh giai cấp:

a. Thợ Thuyền Tranh Đấu (Lutte Ouvriere)

b. Liên Minh Cách Mạng Cộng Sản (The Revolutionary Communist League)

c. Đảng Tả Khuynh (Parti de Gauche)

d. Tân Đảng Chống Tư Bản (Nouveau Parti Anticapitaliste)

e. Mặt Trận Tả Khuynh (Front De Gauche)

f. Nước Pháp Bất Khuất (La France Insoumise)

VII. Khuynh hướng chính trị tả khuynh và sự ly khai giữa chủ trương dân chủ xã hội và cộng sản chuyên chính:

Khi chúng ta nói đến Cộng Sản Chủ Nghĩa và Tư Bản Chủ Nghĩa, chúng ta hiểu rằng Cộng Sản Chủ Nghĩa do Karl Marx khai sinh, như vậy Tư Bản Chủ Nghĩa do một người hay nhiều người chủ trương khác với Karl Marx khai sinh.

Sự thật không phải như thế. Tư Bản Chủ Nghĩa là một khái niệm cũng xuất phát từ Karl Marx đểu miêu tả một giai đoạn trong tiến trình phát triển kinh tế của nhân loại. Giai đoạn này nhiều bất công, bóc lột người lao động, xung đột giai cấp và sẽ bị hủy diệt để sau đó xã hội chủ nghĩa lên ngôi, chấm dứt mọi xung đột giai cấp và thiên đường cộng sản chủ nghĩa sẽ vĩnh viễn trị vì.

Những quốc gia tự do và tư bản ngày hôm nay thật sự không phải là những quốc gia tư bản theo nghĩa của Karl Marx mà thực sự là những nền dân chủ Tự Do (Liberal democracies) theo chủ thuyết Tự Do (Liberalism).

Như vậy ai khai trương chủ thuyết Tự Do này và chủ thuyết này gồm các yếu tố nào?

Thật sự không có một cá nhân nào là người khai sáng ra chủ thuyết Tự Do cả. Có thể Triết Gia Người Anh là John Locke (1632-1704) là người tổng hợp thuyết này thành một lý thuyết chính thức.

Một cách tổng quát, Liberalism không phải là một ý thức hệ giáo điều mà là một quan điểm chính trị bao gồm các yếu tố chính như sau:

1. Khế ước xã hội (social contract): chính quyền nghiêm chỉnh phải có sự đồng thuận của người dân.

2. Quyền sống (right to life)

3. Quyền tự do (right to liberty)

4. Quyền tư sản (right to private property)

Từ các quyền trên các quốc gia tự do chủ trương dân chủ đa nguyên, chấp nhận đối lập, các nhân quyền căn bản và tư sản.

Chính vì thế muốn hiểu tường tận về các tư tưởng nền tảng của các chính đảng đương đại, đối lập với chủ thuyết Liberalism này, chúng ta phải hiểu sâu về xã hội chủ nghĩa và từ đó đánh giá sự du nhập của những luồng tư tưởng khác nhau vào cấu trúc các đảng chính trị liên hệ.

Muốn tìm hiểu nguồn gốc các đảng chính trị khuynh hướng dân chủ xã hội và các đảng CS, chúng ta cần phải hiểu rõ về các phong trào chính trị sau đây:

1. Đệ nhất quốc tế, Đệ Nhị Quốc Tế, Đệ Tam Quốc tế và Đệ Tứ Quốc Tế.

Theo các tài liệu trên Wikipedia:

1.1 Đệ Nhất Quốc Tế từ năm 1864 đến 1876 có tên là International Working Men’s Association (Hội Người Lao Động Quốc Tế):

Được các tổ chức và chính đảng đại diện cho giới thợ thuyền tại Âu Châu thành lập tại Luân Đôn, Anh Quốc. Các phe nhóm bao gồm xã hội chủ nghĩa (socialists), cộng sản (communists), hỗn loạn chính trị (anarchists) và các nghiệp đoàn (trade-unions). Karl Marx và Engels là những nhà lãnh đạo hàng đầu của phong trào này. Châm ngôn hành động của họ là lời hô hào của Karl Marx “Workers of the world, unite”. Karl Marx cũng là người viết lên tuyên ngôn cũng như nội quy cương lĩnh cho phong trào này và trở thành người lãnh đạo của nó.

Đệ Nhất Quốc Tế cáo chung vào năm 1876 vì sự chia rẽ và xung đột giữa 2 khuynh hướng. Một là khuynh hướng tôn trọng nhà nước (statism) và hai là khuynh hướng hỗn loạn chính trị (anarchism).

Tuy cáo chung 1876 nhưng phong trào Đệ Nhất Quốc Tế chính là xuất xứ cho tất cả các đảng CS hiện nay.

1.2 Đệ Nhị Quốc Tế:

Tuy Đệ Nhất Quốc Tế cáo chung nhưng các chính đảng đại diện cho thợ thuyền vẫn phát triển theo đà tiến của kỹ nghệ hóa. Đệ Nhị Quốc Tế được thành lập tại Paris, Pháp năm 1889 như là một liên minh các đảng Xã Hội và Lao Động. Họ tiếp tục chương trình chính trị của Đệ Nhất Quốc Tế. Tuy nhiên đến năm 1916 thì coi như cáo chung vì khi Đệ Nhất Thế Chiến (1914-1918) diễn ra, thay vì đồng loạt chống lại chiến tranh, mỗi chính đảng lại quay về ủng hộ cho quốc gia của mình.

Đến năm 1917, cuộc cách mạng Bolshevik tại Nga, dưới sự lãnh đạo của Lê Nin thành công và cướp được chính quyền. Sau đó Đệ Tam Quốc Tế dưới sự lãnh đạo của Đảng CSLX được thành lập năm 1919 như là tiếp nối một khía cạnh của Đệ Nhị Quốc Tế.

Đến năm 1922, thì một số thành phần trong Đệ Nhị Quốc Tế thành lập nên Quốc Tế Lao Động và Xã Hội Chủ Nghĩa (Labour and Socialist International (1922- 1940) là tiền thân của phong trào Quốc Tế Xã Hội Chủ Nghĩa (Socialist International (1951- present) bao gồm các đảng Lao Động, Dân Chủ Xã Hội và các khuynh hướng cấp tiến. George Papandreou cựu thủ tướng Hy Lạp là đương kim chủ tịch Quốc Tế Xã Hội Chủ Nghĩa.

1.3 Đệ Tam Quốc Tế và Quốc Tế Xã Hội Chủ Nghĩa tuy cùng phát xuất từ Đệ Nhị Quốc Tế nhưng chủ trương đối nghịch nhau.

Đệ Tam Quốc Tế (Third International) hay Quốc Tế Cộng Sản (Communist International- Comintern) (1919-1943) được thành lập dưới sự lãnh đạo của Lê Nin và đảng CSLX.

Đệ Tam Quốc Tế chỉ chấp nhận các đảng CS theo đường lối của Đảng CSLX bao gồm một tổ chức đảng sắc máu và “chủ trương đấu tranh bằng mọi phương tiên, kể cả quân sự, lật đổ giai cấp tư bản quốc tế hầu kiến tạo một cộng hòa xô viết quốc tế như một giai đoạn chuyển tiếp hầu hủy diệt nhà nước toàn diện” như khắc ghi trong quyết nghị Đại Hội thứ nhì của phong trào.

Đệ Tam Quốc Tế này là cha đẻ của các đảng CS hiện đại, kể các đảng CSTQ và đảng CSVN.

Năm 1943, vì áp lực của phe Đồng Minh, Stalin tuyên bố sự cáo chung của Đệ Tam Quốc Tế. Tuy nhiên, sự cộng tác giữa các đảng CS phát xuất từ phong trào này vẫn tiếp diễn cho đến khi có sự xung đột Nga Hoa (1961) và sự cáo chung của Liên Bang Xô Viết (1991).

1.4 Đệ Tứ Quốc Tế (1938)

Tại Liên Bang Xô Viết, sau khi Lê Nin qua đời thì Trotsky bị Stalin đánh bại trong cuộc tương tranh quyền lực. Trotsky vốn là một tư tưởng gia cộng sản uy tín chỉ sau Lê Nin.

Với sự lên ngôi của Stalin tại Nga Sô và Trotsky lưu vong tại Nam Mỹ thì Đảng CS tại Nga Sô trở nên độc tài, tôn sung lãnh tụ và thay vì chủ trương xây dựng CS chủ nghĩa quốc tế lại cổ võ cho xây dựng CS chủ nghĩa tại LX trước.

Trotsky và những đồ đệ coi đây là một sự phản bội và thành lập Đệ Tứ Quốc Tế với chủ trương: đấu tranh xây dựng xã hội chủ nghĩa trên toàn thế giới cùng với chủ trương chống lại độc tài với câu châm ngôn không thể có xã hội chủ nghĩa nếu không có dân chủ và họ chủ trương một cuộc cách mạng liên tục “permanent revolution”.

Tuy nhiên Đệ Tứ Quốc Tế thất bại vì một mặt họ bị mật vụ Liên Xô đàn áp và mặt khác cũng bị chính quyền các quốc gia dân chủ làm khó dễ. Trotsky bị Stalin ám sát năm 1940 tại Mexico.

Ngày hôm nay Đệ Tứ Quốc Tế hầu như không còn hiện hữu.

VIII. Sự Thất bại của Hệ thống chính trị Mác Lê và Phong Trào Cộng Sản Đệ Tam Quốc Tế:

Sự thất bại mang tính ngông cuồng và ngu xuẩn của các tư tưởng gia và chính trị gia cộng sản, từ Karl Marx, Engel, Lenin, Stalin, Trotsky đến Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Lê Duẫn, Trường Chinh, Nguyễn Phú Trọng là sự tin tưởng rằng thiên đường xã hội chủ nghĩa sẽ thành hiện thực, nơi đó đấu tranh giai cấp sẽ chấm dứt, các đảng CS sẽ triệt tiêu, mọi cá nhân sẽ làm việc theo khả năng và hưởng thụ theo nhu cầu.

Lý do sự thất bại này là niềm tin của họ đặt nền tảng trên 2 điều kiện vô cùng hoang tưởng:

1. Học thuyết Mác Lê đã bao trùm sự hiểu biết toàn diện về bản chất khách quan của vũ trụ.

2. Sự vận hành của lịch sử nhân loại sẽ hoàn toàn dừng lại trước ngưỡng cửa của học thuyết Mác Lê “huy hoàng”.

Thật ra, sự phát triển vượt bực của khoa học, tin học nhất là 2 khoa Vật Lý Vũ Trụ (Astro-physics) và Vật Lý Lượng Tử (Quantum-physics) đã chứng minh tính giới hạn và ấu trĩ của học thuyết Mác Lê.

Nhất là các thuyết tương đối của Einstein (relativity theories) và nguyên tắc Bất Định (Heisenberg’s uncertainty principle) của Vật Lý Lượng Tử, đã phủ nhận tính khẳng định của các ý thức hệ giáo điều, trong đó có ý thức hệ Mác Lê.

Thật ra, tại Đông Á, chúng ta không cần chờ đến những khám phá hiện đại nhất của khoa học. Từ ngàn xưa triết học Đông Phương với các khái niệm “vũ trụ vô thủy vô chung”, “tam thiên đại thiên thế giới”, “hằng và chuyển” (Phật giáo), “vô cực” (Lão Giáo) và Dịch lý (Khổng giáo) cũng đều phủ nhận tính khẳng định ngây thơ của ý thức hệ Mác Lê này.

Sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết và khối CS Đông Âu, sự biến thái của CSTQ, CSVN và các đảng CS còn sót lại, nhất là tương quan hài hòa giữa các lực lượng lao động và tư bản tại các quốc gia dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên trên thế giới, đã chứng tỏ rằng, lịch sử đã vứt ý thức hệ Mác Lê vào thùng phân thối tha bên lề đường và lịch sử vẫn tiếp tục vận hành khách quan sau cái chết của ý thức hệ ngu xuẩn này.

IX. Kết luận:

Sau khi nghiên cứu xuất xứ, sự hình thành và chủ trương căn bản của các đảng phái chính trị đương đại tại Hoa Kỳ (tổng thống chế), Vương Quốc Thống Nhất Anh (UK) (quốc hội chế) và Pháp (hỗn hợp giữa 2 mô hình) chúng ta có thể mường tượng những tiến trình và vấn nạn tương tự tại các quốc gia dân chủ Tây Phương và các quốc gia khác.

Tuy phần lớn các quốc gia dân chủ theo thể chế đa đảng, nhưng khuynh hướng lưỡng cực (bảo thủ vs cấp tiến, hữu khuynh vs tả khuynh) hầu như là quy luật chính trị chung cho mọi quốc gia dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên. Ngay cả Hoa Kỳ là một nền dân chủ tiên tiến, đi trước cả cuộc cách mạng Pháp (1789) và trên nhiều phương diện, đi trước cả quốc gia chủ nhân thuộc địa của mình là Anh Quốc, cũng theo quy luật này.

Chúng ta nên lưu ý rằng lưỡng cực (bi-polar) không nhất thiết là lưỡng đảng (two-party system). Tuy nhiên chính trường vẫn có thể do 2 đảng lớn nhất thao túng.

Sau Đệ Nhị Thế Chiến các phe nhóm cực hữu (chủ trương kỳ thị chủng tộc, Da trắng thượng đẳng, Tân Quốc Xã- Neo-Nazi…) thường gia nhập và núp bóng các chính đảng khuynh hữu.

Trong khi đó, các nhóm cực tả (chủ trương đấu tranh giai cấp, xã hội chủ nghĩa, khuynh hướng cộng sản, Đệ Tứ Quốc Tế…) thường gia nhập và núp bóng các chính đảng khuynh tả.

Trong tiến trình đấu tranh dành phiếu, khi đến mùa bầu cử, trong một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính như Hoa Kỳ và Úc Đại Lợi, các đảng phái bảo thủ và cấp tiến thông thường tung ra những xảo thuật sau đây để tranh thắng trong các cuộc bầu cử:

a. Các chính đảng khuynh hướng bảo thủ tung tin tố cáo đối lập của mình là dung túng cho các thành phần xã hội chủ nghĩa và cộng sản trá hình.

b. Ngược lại các chính đảng khuynh hướng cấp tiến lại tố cáo đối lập của mình là bao che cho các nhóm ký thị chủng tộc, da trắng thượng đẳng, Tân Quốc Xã…

c. Đại khối cử tri tin vào chính đảng nào thì chính đảng đó có xác suất thắng cao hơn. Dĩ nhiên còn nhiều yếu tố khác quyết định cuộc bầu cử.

Sau khi hiểu được bản chất của những nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên đương đại như thế, chúng ta mới rút được bài học nghiêm chỉnh, hầu xây dựng cho đất nước và dân tộc Việt Nam, thay vì đánh mất bản thân và lý tưởng đấu tranh cho dân tộc trong những tranh luận và tranh chấp đảng phái vô bổ tại các quốc gia này.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo