Lúng túng trong kinh tế, CSVN “dò đá qua sông” - Dân Làm Báo

Lúng túng trong kinh tế, CSVN “dò đá qua sông”

Trần Nguyên Thao (Danlambao)
- Tháng Ba vừa qua, dân cư Đà Nẵng bày tỏ lo lắng về việc trên thị trường xuất hiện rất nhiều tiền mới, dẫn đến nguy cơ khả năng lạm phát cao. Dân Đà Nẵng yêu cầu Nhà Nước quan tâm xem xét vấn đề này [1]. Đến nay hiện tượng “nhiều tiền mới” chẳng những không giảm mà hôm 06/6, báo Nhà đầu Tư xác nhận, từ đầu năm đến nay Nhà Nước bơm ra thị trường 420,000 ngàn tỷ đồng. Sự kiện này được giải thích bằng ngôn ngữ chuyên nghiệp rằng, để giúp hệ thống Ngân Hàng Thương Mại (NHTM) có thêm thanh khoản; làm hạ nhiệt mặt bằng lãi suất. Nhưng công chúng thì lo ngại, in thêm tiền sẽ tăng lạm phát, đơn giản chỉ vì Việt nam có giao thương với nhiều nền kinh tế khác vật giá cũng đang leo thang. Hơn thế nữa, nhiều mặt hàng quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế đang tăng giá chóng mặt ngay trong nước.

Bắc Kinh, nơi CSVN lệ thuộc khá lớn về kinh tế, cũng đang có vấn đề riêng về lạm phát mà cách giải quyết của xứ cộng sản khổng lồ này có thể sẽ tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế và giá cả trên toàn cầu. Riêng Việt Nam sẽ chịu hậu quả chưa thể lường được. Thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung cộng, chỉ mới đầu năm, đã lên tới mức kỷ lục là 17,6 tỷ Mỹ kim. Điều này được báo Vietnamnet diễn tả là “Việt Nam nhập siêu cực lớn từ Trung cộng, tăng 665% chỉ trong vòng 2 năm”.


Về thị trường nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm nay, Trung cộng vẫn là “ông chủ” đặt để giá cả hàng hóa ngay trên nước Việt Nam khi Việt Nam mua đến 43,3 tỷ Mỹ kim, tăng 52,8% so với cùng kỳ năm trước [2].

Chỉ nói riêng ngành da giầy, dệt may cũng cho thấy Việt Nam phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung nguyên liệu từ Hoa Lục thì công nhân Việt Nam mới có việc làm.

Các ngành thiệt hại lớn nhất là bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy, xây dựng, công nghiệp chế biến, chế tạo. Riêng ngành ráp ô-tô của Việt Nam có nguồn nhân lực chất lượng cao, giá nhân công thấp. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam gặp khó khăn để phát triển do sản lượng nhỏ; Công nghiệp vật liệu chất lượng cao chưa có nên nguyên liệu phải nhập cảng. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế về mặt kinh nghiệm và năng lực quản trị sản xuất. Do đó, chi phí sản xuất linh kiện của Việt Nam cao hơn đến 2-3 lần so với các nước trong khu vực" [3].

Báo Nhà nước dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê ngày 02/6 cho hay, gần 60.000 doanh nghiệp trên cả nước đã đóng cửa, tạm dừng hoạt động hoặc giải thể chỉ trong 05 tháng đầu năm 2021, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020.

Doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng ngưng hoạt động nhiều nhất với 90,9%, quy mô 10-20 tỷ là 5%, và doanh nghiệp quy mô 50-100 tỷ đồng là gần 1%. Ngoài ra, gần 200 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng cũng tạm ngừng kinh doanh, tăng 44,3% so với năm 2020.

Khu vực đầu tư công, thường dung nạp khá nhiều công nhân, trong ngắn hạn cũng đang gặp khó khăn do giá thép và vật liệu xây dựng trên đà tăng phi mã tới hơn 40%.


Về trung hạn và dài hạn, khu vực đầu tư công đầy tai tiếng chưa khai trương đã hư hỏng – nơi tham quan bòn rút của công. Mới đây chính phủ đã cắt giảm khoảng 1000 dự án, và còn cắt thêm ít nhất 500 dự án trên toàn quốc. Biến chuyển này cho thấy Ngân sách Nhà Nước phải chi tiêu nhiều trong thời đai dịch, nên tiền đang cạn. Viễn ảnh tương lai “mật ít, ruồi nhiều” sẽ tạo ra cảnh đấu đá tranh ăn nhấp nhô đó đây khắp nước.

Theo Cục Công nghiệp, ngành chế biến chế tạo vẫn đang phụ thuộc lớn vào các doanh nghiệp FDI, công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa thực sự phát triển. Do đó, nguồn cung cho các doanh nghiệp FDI cũng phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu.

Thực trạng này được Ngân hàng Thế Giới coi là điểm nghẽn "nền kinh tế kép" của Việt Nam, các doanh nghiệp FDI không tận dụng được nguồn cung trong nước để cắt giảm chi phí sản xuất. Ngược lại các doanh nghiệp trong nước lại chưa đủ khả năng tận dụng được sự hiện diện của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nghịch lý là 32 triệu dân thất nghiệp, 60 ngàn doanh nghiệp đóng cửa, nhiều ngành dịch vụ chuyên chở như taxi, xe đò, hàng không, xe hỏa... số hành khách giảm từ 80%-90%. Đến như lãnh vực “ruột” của Việt Nam là xuất cảng gạo cũng bị đe dọa buộc phải giảm sản lượng, vì Phi Luật tân mới loan báo hôm 07/06 sẽ mua gạo của Ấn Độ với giá rẻ hơn thay cho gạo Việt Nam.

Thực trạng và viễn ảnh tương lai không sáng sủa, nhưng Tổng Cục Thuế vẫn khoe là số thuế thu được rất lạc quan, chỉ trong tháng 5/2021 cơ quan Thuế công bố, thu được 73.000 tỷ đồng, bằng 6,5% so với dự toán, vượt 20,1% so với cùng kỳ năm 2020 [4].

Ngược lại với tin lạc quan vừa dẫn, Tạp Chí Tài Chính hôm 11/05 loan tin tình trạng thuế, phí đang thất thu: ngay tại Thủ Đô Hà Nội có đến 2026 người bị bêu tên cùng với nhiều công ty lớn và 530 đơn vị thiếu Nhà Nước số thuế lên đến 638,469 tỷ đồng [5].

Trong bản tường trình mang tên “Cập Nhật Kinh Tế Vỹ Mô Việt Nam”, World Bank cho biết rằng, dòng vốn FDI vào VN giảm, Việt Nam thu hút 2,2 tỷ Mỹ kim vốn FDI trong tháng 04/ 2021, thấp hơn 53% so với tháng trước và thấp hơn 42% so với cùng kỳ năm ngoái.[6]

Theo báo Nikkei Asia, do đại dịch Covid, các quốc gia vẫn mướn lao động Việt Nam có khuynh hướng cắt giảm. Vì vậy, số 4 tỷ Mỹ Kim mỗi năm từ kiều hối do lao động Việt Nam chuyển về nước đang đứng trước nguy cơ tụt dốc.

Thị Trường Chứng Khoán (TTCK) Việt Nam đang “nở hoa” ngay vào lúc hậu quả đại dịch CoVid khiến doanh nghiệp đua nhau đóng cửa, phá sản; các ngành dịch vụ suy giảm đến 90% nạn thất nghiệp cao... Hiện tượng nóng trong chứng khoán, theo Tiến Sỹ Phạm Thế Anh, “là biểu hiện của thị trường đầu cơ, ngắn hạn, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào”.


Bất chấp đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại 39 Tỉnh Thành (07/06), tín dụng vẫn tăng trưởng ào ạt. Đến cuối tháng 5, dư nợ tín dụng cả hệ thống NHTM đã vượt 9,6 triệu tỷ đồng.

Tính đến ngày 19/3, tăng trưởng huy động vốn mới chỉ đạt 0,54% trong khi tăng trưởng tín dụng đã đạt 1,47%. Nhưng đến tháng 5/2021, trong họp báo thường kỳ của Chính phủ cho biết, tín dụng vọt hẳn lên cao, đạt tới 4,67%, tăng trên 300% so với gần 2 tháng trước.

Báo Người Lao Động hôm 11/6 loan tin, số lượng nhà đầu tư cá nhận tiếp tục tăng chóng mặt trên TTCK tới 113.500 tài khoản mở mới trong tháng 5. Vào lúc đó, vốn vay ký quỹ vượt mức kỷ lục 112.000 tỷ và nhiều công ty chứng khoán đã đạt mức trần cho vay, do đó nhiều công ty đã lên kế hoạch tăng vốn trong quý 3.

Mặc cho Doanh nghiệp ngưng sản xuất, NHNN vẫn bơm tiền ra TTCK như nước để cho vay dễ dãi. Vay được tiền với lãi xuất thấp, các nhà đầu tư tay mơ (F0) được cò mồi dẫn mối đổ tiền vào TTCK để kiếm lời, tạo ra sức nóng trên TTCK là hiện tượng dễ nhận ra. Khi lãi suất được nâng lên và giá trị các cổ phiếu đã quá cao so với định giá thực, cổ phiếu sẽ chững lại hoặc đảo chiều.

Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) hay nói rõ hơn là Tân Nội Các Phạm Minh Chính còn như người đang “dò đá qua sông”, do dự, chưa biết làm thế nào để đối phó vào lúc thị trường Tiền Tệ và điều hành chính sách chao nghiêng trong lằn ranh nhạy cảm.

Diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid đợt 4 từ 27/04, khiến mức cầu tín dụng gia tăng. Quy mô giao dịch vay mượn giữa các NHTM cũng tăng đột biến. Trung bình tuần đầu tháng 5, mỗi ngày các tổ chức tín dụng vay mượn nhau tới hơn 147.000 tỷ đồng, tăng gần 15.000 tỷ đồng mỗi ngày, tương đương tăng 14% so với tuần trước. Thậm chí nếu so sánh với cùng kỳ năm ngoái, giá trị bình quân mỗi phiên đã tăng gấp đôi.

Báo Nhà đầu Tư hôm 06/6 loan tin, tính từ đầu năm đến nay, ước tính hơn 420.000 tỷ đồng đã được hệ thống tổ chức tín dụng bơm ra nền kinh tế. Riêng từ tháng 5 cũng đã có hơn 120.000 tỷ đồng được bơm ra thị trường.

Như thế, sự kiện nêu trên đến sớm hơn dự tính hồi tháng 03 vừa qua (?). Theo đó, mùa Hè này, NHNN mới bơm ra thị trường 157.000 tỷ đồng để mua vào 7 tỷ Mỹ Kim [7].


Nhiều năm gần đây Nhà Nước chi tiêu theo kiểu “bóc ngắn cắn dài” bội chi trung bình trên 200 ngàn tỷ mỗi năm, nhưng năm nay lên đến gần 344.000 tỷ đồng. Hôm mùng 08/6, chính phủ loan báo kế hoạch vay nợ năm 2021, ngân khoản lên đến 624.221 tỷ đồng. Trong đó, vay trong nước 527.357 tỷ đồng và vay nước ngoài 96.864 tỷ đồng. [8]

Đến đây thì những âu lo của cư dân Đà Nẵng hồi tháng 03, nay trở thành mối lo cả nước đang thực sư hiển hiện trong đời sống trước 2 sự việc:

- Nhà Nước công bố là dự trữ ngoại tệ của Việt Nam lên đến 100 tỷ Mỹ kim, sẽ mua vào thêm 7 tỷ Mỹ Kim nữa. Nay cần tiền mua vaccine dùng cho toàn dân chỉ tốn khoảng 1 tỷ Mỹ Kim, sao phải chạy vạy, kêu gọi khắp đó đây đóng góp?

- 420.000 tỷ đồng mà báo Nhà Đầu Tư nói đến ở trên đúng là tiền mới in (?) được bơm ra thị trường. Có phải vì vậy mà vật giá tăng cao như hiện nay?

June 11-2021

Tham khảo:











Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo