S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao) – FB Phạm Minh Vũ đặt những tấm ảnh chụp Hội Nghị Thượng Đỉnh G7 tại Cornwall (Anh Quốc) cạnh hình buổi họp đảng bộ xã Hợp Tiến (huyện Mỹ Đức -Hà Nội) rồi so sánh: “Một cuộc gặp của những người ảnh hưởng nhất thế giới mà nội thất tối giản nhất có thể… Còn một bên, cuộc gặp cấp xã chia ghế thôi, mà phải nói hết sức rườm rà, hoè hoẹt…”
FB Thảo Dân tức tốc bàn ra: “Thứ hoa hòe hoa sói khẩu hiệu ảnh ót vớ vẩn là ở một đẳng cấp khác, không cùng tầng bậc. Nhọc công so sánh để làm gì.”
Tôi trộm nghĩ hơi khác: hòe hoẹt, lòe loẹt, mầu mè, và nặng phần trình diễn (nói chung) vốn là nét văn hóa đặc thù của nhà nước CHXHCNVN. Thiên hạ thấy hoài nên cũng trở thành quen mắt, không mấy ai còn lấy đó làm điều. Dân Việt, tuy thế, xem chừng vẫn chưa quen tai với những lời phát biểu ồn ào (và lố bịch) của giới lãnh đạo ở xứ sở này.
Hai năm trước, chính xác là vào hôm 16 tháng 4 năm 2019, cựu Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc lớn tiếng tự hào:
“Sự thần tốc trong việc xây dựng Nhà máy ôtô VinFast cho thấy một khát vọng lớn và cháy bỏng ngọn lửa nhiệt huyết trong những con người đã chung tay góp trí làm nên một dự án có thể gọi là kỳ tích của ngành ôtô Việt Nam cũng như trên thế giới… kỳ tích này làm cho chúng ta nhớ lại cách đây đúng 230 năm vào Xuân Kỷ Dậu 1789, hàng vạn chiến binh áo vải cờ đào của nghĩa quân Tây Sơn đã tiến hành cuộc hành quân thần tốc ra kinh thành Thăng Long đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược.”
Cả nước còn chưa hết băn khoăn, chả hiểu giữa sự “thần tốc trong việc xây dựng Nhà máy ôtô VinFast” và cuộc hành quân thần tốc vào Xuân Kỷ Dậu 1789” thì có liên quan chi (với nhau) đâu thì hôm rồi lại có thêm chuyện nữa. Vị TT kế nhiệm – ông Phạm Minh Chính – vừa có lời phát biểu không kém phần đình đám, sau một trận banh: “Chiến thắng này là kết quả của tinh thần đoàn kết, đấu pháp, chiến thuật hợp lý, trình độ kỹ thuật cá nhân, bản lĩnh, ý chí, nghị lực và tinh thần thể thao cao thượng, được hun đúc từ nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc...”
FB Lưu Trọng Văn càm ràm: “Câu ‘được hun đúc từ nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc...’ thật là câu nổ quá ngớ ngẩn mà không biết mình là ai, không biết mình đang ở đâu?”
Có lẽ Lưu Trọng Văn chả mấy khi xem bóng đá (hoặc khi xem thì luôn luôn tắt tiếng) nên không quen với ngôn ngữ truyền thống – vốn rất hoa hoè và mầu mè – của môn bóng đá ở xứ sở mình. Ông cũng không chịu đặt câu nói của T.T Phạm Minh Chính vào cái “văn cảnh của văn hoá túc cầu” ở nước Việt hiện nay nên mới than phiền rằng đương kim T.T đã “nổ” (quá lớn) khiến nhiều người bị ù tai!
Tôi thì không can chi cả nhờ đã có lần tình cờ được xem trận đấu giữa U 23 Việt Nam vs U 23 Nam Hàn hồi năm 2018 rồi. Dù không mặn mà gì lắm với chuyện thể dục thể thao, tôi cũng ngồi trước màn hình đến phút cuối cùng luôn vì bữa đó trời mưa xối xả, và tôi thì đang nằm kẹt trong một cái khách sạn tồi tàn (không restaurant cũng không bar rượu) giữa thủ đô Bangkok.
Đây là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy những cầu thủ đồng hương tranh tài trên sân cỏ ở xứ người. Không có gì để có thể phàn nàn cả. Các em chơi tới nơi tới chốn, thiệt hết mình, và rất đáng ngợi khen.
Đây cũng là lần đầu tiên nơi xứ lạ mà tôi được nghe những lời bình về một trận bóng bằng tiếng mẹ đẻ nhưng nghe hơi trúc trắc: xử lý tình huống, quật khởi, nỗ lực kiên cường, phương cách đá, tham gia lấy bóng, khoảng cách lợi thế, sự tiếp cận, sự thay người, toả sáng…
Đến phút thứ 69, cầu thủ Minh Vương sút một quả banh tuyệt đẹp vào lưới đối phương, và bình luận viên mô tả đây là… một “siêu phẩm” của bóng đá!
Một siêu phẩm bóng đá? Tôi chết được chứ chả bỡn đâu, Giời ạ! Nhờ đã từng có lần “chết đi sống lại” như thế nên tôi không còn bị dị ứng với thứ ngôn ngữ thậm xưng, cường điệu, và rối rắm của những ông bình luận viên bóng đá ở đất nước mình.
Nhiều người, tiếc thay, không có được sự “trải nghiệm” tương tự nên hơi… quạu cọ:
- Tôn-Thất Long: Ngượng! Ngồi coi đá banh mà nghe chúng nó hét, không vào nó cũng hét, đá hụt nó cũng hét, đá không vô nó cũng hét. Đá vô rồi thì nó ca, nó ca như là tuyệt phẩm có một trên hai trên quả đất này... Nhưng chỉ có chúng xem đó là sứ mạng của dân tộc trong khi các quốc gia khác trên thế giới chỉ cho đó là một thứ giải trí nhưng không thuộc về sức mạnh tinh thần hay sứ mạng cho cả dân tộc. Nhưng chúng thì không, chúng không hề biết ngượng khi tung hê, cổ vũ và tự hào về những cái nhất thời để yên tâm ngủ quên những gì cấp thiết đang xảy ra và cần phải lo hơn!
- Trịnh Cung: Họ ‘cà kê dê ngỗng’ quá nhiều làm giảm ‘tiết tấu’ của cuộc tường thuật một trận banh đang hào hứng. Họ la lên ‘hào hứng, sôi nổi’ mà không thấy sôi nổi như trên sân banh.
Trong khi, vào thời đó chưa có truyền hình, ông Huyền Vũ chỉ có tiếng nói qua ‘làn sóng điện’ chứ không có hình, vậy mà nghe ông, thính giả cứ tưởng như đang được coi một trận đấu thực thụ đang diễn ra từng pha bóng trước mặt mình…
Cũng như Bà Huyện Thanh Quan, ông Trịnh Cung – rõ ràng – là một người… hoài cổ. Khuynh hướng này, xem chừng, vẫn đang hừng hực (hay bàng bạc) trong tâm cảm của rất nhiều người:
- Nhà báo Văn Quang: Ông Huyền Vũ đã trở thành một thứ không thể thiếu của tất cả những trận đá banh của Sài Gòn những năm trước 1975… Đến nay, sau hơn ba mươi năm rồi mà tôi còn nhớ như in hai chữ “quả da” mà ông dùng thay cho quả banh, và “mũi tên vàng Nguyễn Văn Tư bên cánh trái đang lao xuống… lao xuống, đi tới… tới nữa và… sút“. Tim tôi muốn nhảy dựng lên với giọng nói truyền cảm kỳ lạ của ông. (Văn Quang. Sài Gòn, Người Muôn Năm Cũ. Tiếng Quê Hương: Virginia, 2020).
- Nhà văn Lê Văn Nghĩa: Bây giờ, dù có xem đá banh qua màn ảnh truyền hình, nghe vài bình luận viên tường thuật mà đôi lúc mong họ đừng nói thì hay hơn, tôi ước muốn được nghe lại giọng nói của ông Huyền Vũ, để ông truyền cảm hứng của một thời “coi” đá banh qua trực tiếp truyền thanh với giọng nói không quên của một bình luận viên huyền thoại.
Sau khi Sài Gòn mất tên thì dân miền Nam cũng bị tước luôn cái hồn của những trận túc cầu. Môn thể thao này không chỉ bị chính trị hoá bởi chế độ hiện hành mà còn trở nên dung tục vì những lời bình (“thừa thãi, sai lệch, thông tin, thiếu khách quan…”) của những nhà bình luận không chuyên – theo như nhận định của blogger Phan Ngọc, đọc được trên trang BBC vào hôm 14/06/2021 vừa qua.
FB Thao Le góp ý: Lần sau chỉ nên coi đá banh thôi, chứ đừng nghe. Hôm trước xem Việt Nam và Indonesia đá, tôi để ‘chế độ’ câm cho đỡ tức.
Thực ra thì cũng chả có gì để tức. Theo như cách nói của nhà văn Huy Phương thì đây chỉ là giai đoạn “rối bời chữ nghĩa” trong buổi giao thời. Hiện tượng này tuy đã kéo dài hơi lâu nhưng sẽ không thể tồn tại mãi.
Nhiều hạn từ đã từng tràn lan trên khắp phương tiện truyền thông, và cũng đã len lách vào mọi hang cùng ngõ hẻm (phấn khởi, hồ hởi, bồi dưỡng, đại trà, đăng ký, quản lý, khẩn trương, đề xuất, đột xuất, quân hàm, nhất trí, quản lý, sự cố, tham quan, xử lý ..) hiện đang dần thưa thớt, và sẽ bị đào thải trong tương lai gần.
Ngôn ngữ cũng có đời sống và sinh mệnh riêng của nó. Thời gian sẽ gạn đục khơi trong. Nếu tiếng Việt thật sự nền nã, trong sáng và thuần hậu thì những từ ngữ sống sượng/thô lỗ đều sẽ yểu tử thôi!