Ngàn Hương (Danlambao) - Vài hôm nay, dư luận xôn xao về việc một cô gái, là cựu học viên của “Học viện báo chí &Tuyên truyền”, khoe được tiêm vắc xin phòng vắc xin cúm Tàu, loại "xịn" mà không cần đăng ký.
Theo đó, tài khoản Facebook có tên Vũ Phương Anh đăng tải: “Dịch bệnh càng ngày càng đáng sợ, kể cả Astra cũng được, nhưng 2 vợ chồng cứ muốn chờ vắc xin Pfizer để tiêm. Đúng như sự mong đợi, tối hôm qua vừa đọc báo Hà Nội giãn cách thì ông ngoại gọi mai tiêm luôn nhé mà thở phào nhẹ nhõm.
Hoàn thành mũi 1, vậy là cũng có nhiều chút yên tâm giữa đại dịch càng ngày càng đáng sợ. Cảm ơn oba ngoại lúc nào cũng kịp thời lúc các con cần”.(ông ngoại là cách cô này gọi cho con, thực ra là bố cô này).
Dòng trạng thái kèm hình ảnh một cô gái đang tiêm vắc xin, cùng 2 tấm giấy xác nhận đã tiêm vắc xin phòng Covid-19, do Bệnh viện Hữu Nghị (Bộ Y tế) cấp.
Đáng chú ý, khi nhiều bạn bè vào bình luận, hỏi về thủ tục đăng ký thế nào để được tiêm vắc xin cúm Tàu thì Vũ Phương Anh trả lời: “Chị không đăng ký em ạ. Chờ đăng ký không biết đến bao giờ mới được tiêm”.
Trả lời một bình luận khác hỏi đăng ký tiêm ra làm sao, cô này viết: “Em không đăng ký chị ạ, chờ đăng ký cũng lâu ý chị ạ. Cái này chị có người quen hoặc như thế nào đó chị liên hệ xem ạ”.
Câu chuyện này khiến cộng đồng mạng phẫn nộ. Nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ “cô gái này là con cháu đồng chí nào” khi không cần đăng ký mà được tiêm vắc xin, trong khi nhiều người đang chờ đợi để tiêm.
Trao đổi với Thanh Niên, PGS-TS Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị, khẳng định không có chuyện tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại bệnh viện mà không cần đăng ký tiêm(1).
Trong bối cảnh nguồn cung vắc-xin eo hẹp, dịch bệnh ngày càng trở nên nguy hiểm, người dân ai cũng mong ngóng đến lượt được tiêm chủng. Những người đã được chích ngừa thì phải trải qua quá trình đăng ký và chờ đợi. Không ai được chọn chủng loại vắc-xin, thay vào đó thì buộc phải chấp nhận thứ được phân phát.
Vậy nên, thông tin về việc có người không cần phải đăng ký, không cần phải chờ đợi nhưng vẫn được tiêm chủng, đã thế lại được tiêm loại vắc-xin khan hiếm nhất và được biết đến là hiệu quả nhất, khiến dư luận xã hội dậy sóng.
Qua sự việc này, người dân biết thêm được một thông tin khác về loại vắc-xin quý hiếm, đắt tiền và hiệu quả cao, mà quan chức sử dụng.
Sự lươn lẹo và lấp liếm của ông giám đốc bệnh viện Hữu Nghị lập tức bị cộng đồng mạng phanh phui.
Theo chính cô Vũ Phương Anh khoe và khẳng định nhiều lần trên trang mạng Facebook, thì cô không đăng ký gì cả.
Thông tin cũng cho hay, Vũ Phương Anh không phải là phóng viên làm việc ở tờ báo nào cả mà chỉ học từ Học viện báo chí tuyên truyền, khoa Quan hệ công chúng mà thôi.
Nếu Vũ Phương Anh là phóng viên thì sẽ đăng ký tiêm theo danh sách ở đơn vị báo chí nơi cô này làm việc, chứ không thể lách tắt vào danh sách đang tiêm cho các nhóm ở tuyến đầu chống dịch. Càng không thể không đăng ký mà bố gọi điện hôm trước thì hôm sau tiêm luôn.
Danh sách tiêm vắc-xin đều được chuẩn bị và đăng ký trước từ lâu, chưa kể vắc-xin Pfizer rất được chờ đợi ở Việt Nam, cho đến nay chính phủ Mỹ mới gửi 96.000 liều Pfizer hỗ trợ VN chống dịch. Với số lượng ít ỏi như thế, loại này chỉ dành riêng cho các đối tượng đặc biệt mà thôi. Nếu thực có dư ra hai liều, thì phải gọi cho hai người tiếp theo trong danh sách chứ.
Theo Bộ Y tế: Ưu tiên tiêm chủng cho nhân viên y tế có nguy cơ phơi nhiễm cao trước, sau đó là người cao tuổi trước khi tiêm đại trà cho các đối tượng còn lại. Trong 11 nhóm đối tượng được ưu tiên thì Vũ Phương Anh không thuộc nhóm nào cả. Vậy VPA loại gì?
Hôm nay (21/7), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ Y tế và các cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra, làm rõ thông tin liên quan vụ việc "tiêm vaccine không cần đăng ký".
Đây cũng chỉ là động tác trấn an dư luận thôi. Nếu có sự việc như trên thì giám đốc đổ cho cấp dưới, và cấp dưới cũng chỉ bị “rút kinh nghiệm sâu sắc” là xong. Làm thiệt hại mấy chục tỉ mà cũng chỉ bị rút kinh nghiệm, thì vài liều vắc xin có nhằm nhò gì.
Sự khốn nạn và đáng lên án là, vét tiền từ trẻ nhỏ 5 tuổi đến cụ già gần trăm tuổi, để rồi khi vắc xin Mỹ tài trợ lại được dùng cho dùng tiêm cho nhau, từ quen biết đến họ hàng chúng.
Tác phẩm Trại Súc Vật dù được xuất bản năm 1945 của nhà văn người Anh, George Orwell, có đoạn: “Mọi con vật đều bình đẳng, nhưng một số con vật bình đẳng hơn những con khác”
Chú thích: