Phải chăng đang có hiện tượng “trên bảo dưới không nghe”? - Dân Làm Báo

Phải chăng đang có hiện tượng “trên bảo dưới không nghe”?

Ngàn Hương (Danlambao)
- Công việc chống dịch cúm Tàu hiện nay đang rất quyết liệt, nhất là tại các tỉnh phía Nam. Nhà nước đã ban hành nhiều biện pháp mạnh nhằm đẩy lùi dịch bệnh, trong đó việc tăng cường tiêm vắc xin toàn dân để tạo miễn dịch cộng đồng.

Ngày 5/6/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định sớm tiêm vaccine miễn phí cho toàn dân.

Theo đó: “Thủ tướng nhấn mạnh Đảng và Nhà nước đặt mục tiêu sớm tiêm vaccine miễn phí cho toàn dân nhằm đạt được sự miễn nhiễm cộng đồng và việc này cần duy trì hàng năm”(1).

Tiếp đến là tại cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành và 7 quân khu trên toàn quốc vào ngày 10/7/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính tái khẳng định: “Đảm bảo mọi người tiếp cận công bằng, bình đẳng, miễn phí và đủ vắc-xin tiêm hàng năm”(1).

Trước đó, ngày 21/5/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị sử dụng 12,1 nghìn tỉ đồng từ nguồn tiết kiệm chi năm 2020 để mua vắc xin phòng dịch COVID-19(2).

Ngày 25/6/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: “Đến thời điểm này, Quỹ vắc xin đã nhận được hơn 8.000 tỉ đồng. Kỳ vọng quỹ sẽ tiếp nhận được 10.000-11.000 tỉ đồng, cùng với nguồn ngân sách nhà nước, để mua vắc xin tiêm cho toàn dân."(3)

Vậy là với hai lần phát biểu của thủ tướng chính phủ, với nghị quyết của UBTV QH, và khẳng định của bộ tài chính, đều hướng đến việc ngoài tiền người dân và các doanh nghiệp đóng góp, nhà nước sẽ bỏ tiền ngân sách để mua vắc xin về tiêm miễn phí cho nhân dân.

Vậy mà “Ông trời con” bộ y tế lại có chủ trương đi ngược lại chính phủ, quốc hội và bộ tài chính.

Ngày 27/7. Bộ Y tế đề nghị ngân sách sẽ không mua thêm vắc xin COVID-19, thực hiện tiêm “xã hội hóa”.

Theo đó: “Việt Nam đã đàm phán và được xác nhận được cung cấp 38,9 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19, đủ tiêm cho 19,4 triệu người thuộc đối tượng ưu tiên, do đó Bộ Y tế đề nghị không mua thêm vắc xin mà thực hiện "xã hội hóa"(4)

Có nghĩa là số người thuộc nhóm ưu tiên là 19,4 triệu với 38,9 triệu liều, còn lại là phải bỏ tiền ra thì mới được tiêm. Vậy số người không thuộc diện ưu tiên không phải người VN?

Và trong số nhóm ưu tiên ấy, có biết bao nhiều là “ông ngoại”, “ông anh”… chen ngang như đã xảy ra?

Bộ y tế xưa nay nổi tiếng là bị nhóm lợi ích thao túng. Thời bà Tiến kim tiêm thì có vụ bảo kê cho VN Pharma buôn thuốc ung thư giả, biến mình thành những con kền kền, làm giàu trên xác chết của những bệnh nhân nghèo.

Ngày 25/7 vừa qua, Bộ Y tế ban hành văn bản 5944/BYT-YDCT, công bố danh mục 12 thuốc cổ truyền được sử dụng để phòng và hỗ trợ điều trị COVID-19.

Trong số 12 loại thuốc YHCT này, đa số là thực phẩm chức năng, không phải là thuốc chữa bệnh. Và công văn số 5944/BYT-YDCT được cho là chỉ định thầu trái luật.

Vì vậy cái công văn vi phạm pháp luật này đã bị dư luận lên án dữ dội, và chỉ sống được 2 ngày đã phải khải tử. BBYT đã phải cuống cuồng rút công văn này(5).

Vì BYT đã dám cả gan cho sản phẩm đang thử nghiệm được phép lưu hành. Điều đáng nói là những sản phẩm này có mặt trong phụ lục công văn của Bộ Y tế. 5 ngày trước khi công văn 5944 ra đời, giá của sản phẩm tăng lên gấp hàng chục lần. Nghĩa là BYT cho phép sử dụng sản phẩm trước khi được phép lưu hành.

Nay BYT đề nghị không dùng tiền ngân sách mua vắc xin tiêm cho dân, mà phải bắt dân bỏ tiền ra.Nên biết rằng tiền ngân sách là mồ hôi nước mắt của dân đóng thuế, chứ không phải của riêng ông bà nào. Dùng tiền ngân sách cũng là hình thức dân bỏ tiền ra thông qua đồng tiền thuế mà thôi.

Hơn nữa từ 2 năm nay, vì dịch bệnh nên người dân sống lao đao, mất công ăn việc làm, nông sản không bán được. Nhất là tại các khu vực bị phong tỏa, người dân đang giãy dụa trong cơn tuyệt vọng.

Dân tranh giành nhau khi hàng tiếp tế do các tổ chức cộng đoàn Tôn giáo hỗ trợ. Những người nghèo đổ ra đường ngồi ăn xin. Họ là những người thường ngày sống nhờ bán vé số, bới rác tìm kiếm ve chai. Là những đứa trẻ khát sữa, vì mẹ đi cách ly.

Phải chăng BYT muốn dân bỏ tiền ra để hưởng lợi từ việc tiêu thụ vắc xin Tàu mà thế giới không thèm sử dụng?

Phải chăng bộ y tế coi chính phủ và quốc hội như cái giẻ rách, nên không thèm tuân lệnh sao?

Bộ Y tế đừng lo “chăm chút cho bộ lông của mình" nữa, đừng quay lưng với nỗi đau đồng loại nữa. Hãy vì dân mà phục vụ, để xứng đáng với câu truyền tụng ngàn đời của cha ông ta, là “Lương y như từ mẫu”.

Chú thích:









Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo