S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao) – Có lẽ không người ngoại quốc nào đã để lại ấn tượng sâu đậm nơi nước Việt, như bác Lê Nin. Chỉ riêng bức tượng của Người tại Hà Nội (thôi) cũng đủ khiến cho lắm người thắc mắc: Ông Lênin ở nước Nga/ Cớ sao ông đến vườn hoa nước này?
Cớ sao ư? Báo Nhân Dân, số ra ngày 23 tháng 04 năm 2010, nêu rõ: “Sự gặp gỡ của Nguyễn Ái Quốc với chủ nghĩa Lê-nin là một cuộc gặp lịch sử… Chủ tịch Hồ Chí Minh hồi tưởng: Luận cương của Lê-nin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao. Tôi vui mừng đến phát khóc lên.”
Sau đó, sau khi “phát khóc” và lau nước mắt/nước mũi xong, bác Hồ liền thỉnh ngay bác Lê về thờ nên mới có Suối Lê Nin (với Núi Các Mác) cùng hình ảnh – cũng như tượng đài – của cả hai ông trưng bầy khắp mọi nơi, để lập ra một tôn giáo mới, thay thế cho Phật/Chúa/Thánh Thần/Ông Bà/Tiên Tổ ... các thứ.
Ngoài Lenin và Karl Marx, bác Hồ còn “nhập khẩu” nhiều vỹ nhân khác nữa (Engels, Stalin, Mao Zedong…) và tất cả đều được “mạ đồng/mạ kền” sáng chói khiến không ít người dân Việt đã hết lòng sùng kính :
“Năm ấy anh mười tám tuổi. Cả làng đói lăn chiêng. Ai cũng lo đi kiếm miếng ăn hàng ngày. Thế mà bỗng nhiên anh đi biền biệt suốt nửa tháng trời, đêm không ngủ ở nhà. Thỉnh thoảng anh mới về nhà lấy cái quần cái áo, rồi lại đi ngay…
Có một lần nhà vắng người, anh rút trong người ra một cuốn sổ to bằng bàn tay, dày chừng một trăm trang, rồi bảo tôi ngồi ngay ngắn trên ghế đẩu, đưa cuốn sổ cho tôi xem. Anh không cho tôi sờ tay vào, mà tự tay anh giở từng trang.
Tôi hồi hộp dán mắt vào: Chà, thích quá, toàn ảnh, trang nào cũng dán vài tấm ảnh. Những tấm ảnh thiêng liêng: Các Mác, Ăng- ghen, Lê-nin, Mao Trạch Đông, Sta-lin…" (Võ Văn Trực. Cọng Rêu Dưới Đáy Ao. NXB Hội Nhà Văn: Hà Nội, 2007. Bản điện tử do talawas thực hiện).
Cái đám “cầm lái vỹ đại” này chỉ hết “thiêng liêng” sau khi bào huynh của tác giả – Võ Quang Hiền – tham gia vào Chiến Dịch Cải Cách Ruộng Đất (1953 – 1956) ngay tại làng quê của mình. Từ đó, ông “tự diễn biến/tự chuyển hóa” rất nhiều và cũng rất nhanh:
“Con đường tham gia công tác xã hội của anh xuống từng nấc thang: sĩ quan quân đội, cải cách ruộng đất, cán bộ thông tin xóm, Đảng viên trơn… và cuối cùng là phó thường dân! Tưởng là ‘dứt bỏ đường công danh’, vui thú điền viên tham gia việc làng việc xóm cho vui, đến bây giờ anh mới nhận thức ra rằng việc làng việc xóm cũng là việc xã hội, mà làm ‘việc xã hội’ là thế nào cũng bị va chạm, xô xát.
Anh hoàn toàn dành thì giờ lo việc gia đình nhưng vẫn bị Đảng uỷ để ý, cho là ‘phần tử bất mãn’, là ‘cố ý chống đối’… Thì ra cái ‘cọng rêu dưới đáy ao’ mà anh tưởng là ‘yên thân’ như các nhà nho ngày trước, có ngờ đâu cái cọng rêu ấy trong thời buổi này cũng phải đối mặt với mọi biến động của xã hội...”
Chung cuộc, kẻ “bất mãn” và “cố ý chống đối” bị các đồng chí của mình… “hành” cho đến chết luôn :
“Tôi đặt lên ngôi mộ tấm ảnh của anh – không phải tấm ảnh gày gò của ông lão sáu mươi, mà là tấm ảnh người thanh niên cường tráng những năm tháng hào hùng ở Việt Bắc: mặc áo trấn thủ, đội mũ lưới đính quân hiệu. Hàng trăm cặp mắt chăm chăm nhìn vào tấm ảnh, chợt thức dậy trong tiềm thức của họ những kỷ niệm về anh và về làng xóm thuở Cách mạng sơ khai.”
Nhà văn Võ Văn Trực quả là khéo nói (hay khéo lách) chớ cách mạng thì bao giờ mà chả thế – bất kể “sơ khai” hoặc “thoái trào” – và lúc nào mà không “chuyên chính” với những kẻ đi trật đường ray Cộng Sản.
Vi Đức Hồi – nguyên trưởng ban tuyên giáo, giám đốc trường đảng, thường vụ huyện ủy huyện Hữu Lũng tỉnh Lạng Sơn – là một nạn nhân tiêu biểu của Đảng và Nhà Nước VN, vào giai đoạn “thoái trào” này. Tuy thuộc thế hệ đến sau nhưng ông vẫn trưởng thành với niềm tin (hừng hực) không khác chi lớp tiên phong.
Hồi ký (Đối Mặt) của ông ghi lại không ít những câu chữ “sung sướng” đến ngất ngây: “Khi tôi đọc cương lĩnh đầu tiên của đảng năm 1930, tôi thật sung sướng vì đảng chỉ ra rằng: Khi cách mạng giải phóng dân tộc thành công, đảng đưa cả nước ta tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua tư bản chủ nghĩa. Xã hội mà đảng hướng tới là một xã hội đỉnh cao của sự văn minh nhân loại, ở đó sẽ không còn chế độ người bóc lột người, mọi người sống với nhau bình đẳng bác ái, nhà nước là của dân, do dân và vì dân…”
Nội dung Cương Lĩnh Đầu Tiên của Đảng (ta) e chỉ là bản copy Luận Cương Của Lenin thôi chớ không có chi khác cả, ngoài vài chỗ ngắt câu, và mấy dấu chấm phẩy. Bởi thế nên Vi Đức Hồi không “sung sướng” được luôn, và cũng chả được lâu. Những trang sau trong cuốn hồi ký Đối Mặt, không thiếu những cụm từ vô cùng cay đắng: “đảng nói không biết ngượng, đảng nói một đàng làm một nẻo, đảng nói như hát hay…”
Mỗi lúc ông một thêm xa lánh Đảng, rồi trở nên “đối mặt” với nó, và bị khai trừ. Sau đó – cũng như ông Võ Quang Hiền, hồi giữa thế kỷ trước – Vi Đức Hồi cũng quyết định biến mình thành một “cọng rêu dưới đáy ao,” nơi làng quê khốn khó của mình:
“Quê tôi, một trong những Xã nghèo nhất Nước ta, là một trong 9 Xã của Tỉnh Lạng sơn và là một trong hai Xã duy nhất của Huyện Hữu lũng chưa có bóng dáng điện lưới quốc gia; là Xã vùng sâu,vùng xa, Xã đặc biệt khó khăn ...
Tôi mua được một chục cặp lợn con, giúp cho 10 hộ nghèo nhất ở làng tôi để họ chăn nuôi, khi nào lợn xuất chuồng bán thì hoàn trả gốc cho tôi, để tôi chuyển cho hộ khác. Nhiều người phấn khởi, nhận lợn và cảm ơn.
Tin này Xã báo cáo Huyện... Thường trực Huyện uỷ triệu tập cuộc họp cán bộ chủ chốt ở xã Tân lập (quê tôi) để nghe cơ sở báo cáo tình hình. Huyện uỷ quán triệt: đây là một trong những âm mưu rất nguy hiểm của các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta, hơn lúc nào hết, chúng ta phải nêu cao cảnh giác cách mạng, chặn đứng mọi hành động nhằm lôi kéo quần chúng nhân dân, gây mất ổn định an ninh chính trị…”
Thế là thay vì trở thành một cọng rêu để có thể được nằm yên dưới đáy ao, Vi Đức Hồi phải nằm trong lòng nhà tù cách mạng.
Câu chuyện của các bác Mác/Lê qua hai thế hệ người Việt thượng dẫn (tưởng) cũng đã đủ ê chề nhưng chưa hết. Cuối tháng 9 năm 2021, báo đài Nhà Nước đều đồng loạt và hớn hở loan tin:
- Cậu bé 10 tuổi quyết tâm đọc toàn bộ Lê Nin toàn tập
- CẬU BÉ 10 TUỔI ĐỌC LÊNIN TOÀN TẬP
- Cậu bé 10 tuổi đam mê khám phá lịch sử, từ nhỏ đã đọc bộ Lê Nin
Con cái nhà ai mà quá đã (và quá đáng) vậy, Trời? Thiệt là vô phúc. Cũng tại NÓ hết trơn chớ còn ai vô đây nữa!