360luatphap – Các phóng viên báo chí được chứng kiến việc kiểm phiếu. Thế nhưng, từ 22/5/2011 – ngày bầu cử xong ĐBQH và đại biểu HĐND 3 cấp – cho đến nay, cử tri cả nước chưa thấy các hình ảnh về việc đếm phiếu, kiểm phiếu “kê toa, bốc thuốc” cho các ứng cử viên ĐBQH và đại biểu HĐND ở các đơn vị bầu cử ?
Điều 55 Luật bầu cử Hội đồng nhân dân (HĐND) và Điều 64 Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đều có quy định: Việc kiểm phiếu phải được tiến hành tại phòng bỏ phiếu ngay sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc. Trước khi mở hòm phiếu, Tổ bầu cử phải thống kê, lập biên bản, niêm phong số phiếu (bầu) không sử dụng đến và phải mời hai cử tri không phải là người ứng cử chứng kiến việc kiểm phiếu.
Người ứng cử, đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị (thôn, tổ dân phố) giới thiệu người ứng cử hoặc người được ủy nhiệm có quyền chứng kiến việc kiểm phiếu và khiếu nại về việc kiểm phiếu. Các phóng viên báo chí được chứng kiến việc kiểm phiếu. (hết trích).
Thế nhưng, từ 22/5/2011 – ngày bầu cử xong ĐBQH và đại biểu HĐND 3 cấp – cho đến nay, cử tri cả nước chưa thấy các hình ảnh về việc đếm phiếu, kiểm phiếu đối với các ứng cử viên ĐBQH và đại biểu HĐND ở các đơn vị bầu cử được “gạch, xóa” ra sao, không thấy các cơ quan truyền thông phát đi các hình ảnh sinh động ấy trên các kênh truyền hình quốc gia để cử tri cả nước theo dõi, giám sát (?!)
Mặt khác, cử tri cả nước cũng chưa thể biết rõ việc niêm phong “số phiếu (bầu) không sử dụng đến” hoặc “số phiếu bầu có sử dụng đến” được “bốc thuốc” thêm bớt vào “toa thuốc” như thế nào cho phù hợp với các thành phần (hay phần tử?) ĐBQH và đại biểu HĐND đã được “đảng cử, dân bầu”? Đồng thời, đại bộ phận cử tri cả nước cũng chưa thể biết rõ khi nào Ủy ban bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND công bố kết quả bầu cử?
Căn cứ vào quy định tại Điều 67 Luật bầu cử Đại biểu Hội đồng nhân dân, thì: Ủy ban bầu cử công bố kết quả bầu cử, chậm nhất là:
a, Năm ngày sau ngày bầu cử đối với cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn;
b, Bảy ngày sau ngày bầu cử đối với cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân huyện miền xuôi, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;
c, Mười ngày sau ngày bầu cử đối với cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân huyện miền núi và hải đảo, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; mười lăm ngày đối với các tỉnh miền núi.
Trong khi đó, Điều 77 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, không quy định thời gian công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử ĐBQH một cách cụ thể, mà chỉ quy định chung có nội dung mơ hồ, rằng: “Hội đồng bầu cử căn cứ vào biên bản tổng kết cuộc bầu cử trong cả nước công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội”.
Quy định theo Điều 77 nói trên, không lượng hóa về thời gian, hay nói các khác việc kiểm phiếu cho đến ngày công bố kết quả bầu cử ĐBQH là rất “cao su – co giản, tùy tiện” không được luật hóa cụ thể; thêm vào đó không có sự giám sát của các cơ quan (tổ chức độc lập, chứ chưa nói là đối lập) thì liệu việc “kê toa, bốc thuốc” cho các thành phần trúng cử có được khách quan; và hệ lụy của một số đại biểu (các loại) trong số họ, liệu có thật sự xứng đáng là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân ???