Cơ quan chức năng “đánh lận Quyền sử dụng đất” của người dân - Dân Làm Báo

Cơ quan chức năng “đánh lận Quyền sử dụng đất” của người dân

Trúc Lâm (Thanh tra) - Thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, một số hộ dân tổ 62, phường 3, quận Gò Vấp đã ký “Hợp đồng đo vẽ địa chính” với Văn phòng đăng ký Quyền sử dụng đất (VPĐKQSDĐ) quận Gò Vấp để tiến hành thủ tục cấp Giấy chứng nhận (GCN) Quyền sở hữu nhà ở và đất ở. Tuy nhiên, sau khi ký hợp đồng và “thu tiền ứng trước” đối với người dân, cơ quan chức năng đã không thực hiện. Điều đáng nói, lý do từ chối thủ tục “sổ đỏ” nhà đất của cơ quan chức năng quận Gò Vấp đưa ra là trên cơ sở “đánh lận” các văn bản liên quan, trái Kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Đơn khiếu nại (KN) của bà Phan Thị Bích Thuận (cũng như một số người dân khác) thuộc khu vực 49 hộ dân đường Nguyễn Thái Sơn thuộc tổ 62 phường 3 quận Gò Vấp phản ánh, ngày 04/01/2012 bà đã ký “Hợp đồng đo vẽ địa chính” và nộp tiền ứng trước với VPĐKQSDĐ quận Gò Vấp. Theo Điều 3 của bản Hợp đồng đã ký, sau 10 ngày bà sẽ nhận được bản vẽ địa chính thửa đất đang sử dụng để UBND quận Gò Vấp tiếp tục thủ tục cấp GCN quyền sử dụng nhà ở và đất ở cho gia đình. 

Vậy nhưng, từ ngày 14/01/2012 khi tới VPĐKQSDĐ quận Gò Vấp nhận bản vẽ, bà Thuận bị nhân viên hạch sách “không coi hợp đồng à”, và trước chứng cứ do bà Thuận đưa ra cơ quan này đã hẹn bà từ 2 đến 4 ngày nữa. Ngày 20/01/2012, bà Thuận bất ngờ khi nhân viên VPĐKQSDĐ quận đưa ra văn bản đề ngày 18/1/2012 về “hủy Hợp đồng đo đạc bản đồ”. 

Tiếp đến 2 ngày sau, tất cả những hộ đã ký Hợp đồng đo vẽ đều nhận được văn bản từ chối từ phía VPĐKQSDĐ quận Gò Vấp. Vậy là, dù đã có hộ khẩu ổn định và nhà đất tạo lập hợp pháp từ trước ngày 15/10/1993 theo quy định của Luật Đất đai, nhưng đến nay hàng chục hộ dân trên địa bàn vẫn chưa được chính quyền địa phương cấp GCN quyền sử dụng nhà ở và đất ở

Lý do cơ quan chức năng của UBND quận Gò Vấp đưa ra là, các căn nhà đã ký hợp đồng đo vẽ với VPĐKQSDĐ quận “thuộc khu cây xanh” theo quy hoạch chi tiết đô thị phường 3 tại Quyết định 759/QĐ-UBND ngày 04/3/2010, và “đường Nguyễn Thái Sơn” theo dự án đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (TSN-BL-VĐN) tại Quyết định 1601/QĐ-UBND ngày 10/7/2007. Chưa bàn cơ sở pháp lý của việc từ chối là đúng hay sai, nhưng ngoài những Quyết định vừa nêu không thấy dẫn cơ quan ban hành, các văn bản hủy Hợp đồng đo đạc của VPĐKQSDĐ quận “mỗi ngày một phách”. Chẳng hạn, cùng nêu “đường Nguyễn Thái Sơn” liên quan dự án đường TSN-BL-VĐN, nhưng văn bản gửi bà Thuận ngày 18/01/2012 VPĐKQSDĐ quận Gò Vấp đề là “theo Quyết định ngày 10/10/2007”, còn tại văn bản ngày 20/01/2012 gửi các hộ dân khác cơ quan chức năng này ghi “theo Quyết định 1601/QĐ ngày 10/7/2007”. 

Trước những văn bản vừa nêu, đại diện 49 hộ dân đường Nguyễn Thái Sơn, ông Mạc Nguyên Chung cho rằng, cơ quan chức năng của chính quyền quận Gò Vấp đã “cố tình mập mờ đánh lận” nhằm tiếp tục cản trở quyền đăng ký nhà đất đối với người dân. Theo ông Chung, trước đó người dân lên quận làm “sổ đỏ”, UBND quận Gò Vấp cũng bảo “vướng” khu cây xanh theo quyết định từ năm 1997 và đường TSN-BL-VĐN bởi quyết định năm 2006. 

Tài liệu chúng tôi có được cho thấy, ngày 04/3/2010, UBND quận Gò Vấp ban hành Quyết định 759/QĐ duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết đô thị khu dân cư phường 3. Tuy nhiên, theo KN của người dân, trong quá trình điều chỉnh quy hoạch, chính quyền quận Gò Vấp không lấy ý kiến của người dân, và làm trái Quyết định 1062/QĐ ngày 19/3/2007 của UBND TP. Hồ Chí Minh về duyệt quy hoạch chung quận Gò Vấp. 

Trong bố cục phân khu chức năng, Quyết định 759/QĐ chỉ nêu “tại địa bàn phường 3 có cây xanh ngoài đơn vị ở (là cây xanh của công viên Gia Định), quỹ đất cây xanh dự kiến bổ sung tại các khu quy hoạch đất hỗn hợp”. Trong khi đó, bằng các Quyết định 05/QĐ ngày 04/01/1995 và Quyết định 316/2004/QĐ ngày 24/12/2004 của UBND TP, khu vực 49 hộ dân đường Nguyễn Thái Sơn đang sinh sống là đất ở đô thị. Như vậy, nếu như Quyết định 759/QĐ về điều chỉnh quy hoạch khu dân cư phường 3, quận Gò Vấp không có nội dung thể hiện khu vực 49 hộ dân đường Nguyễn Thái Sơn nằm trong quy hoạch dự án cây xanh, thì tại sao VPĐKQSDĐ quận Gò Vấp lại áp các căn nhà của họ vào “khu cây xanh” theo quyết định vừa nêu (!?). 

Theo đơn tố cáo của người dân, đồ án kèm theo quyết định điều chỉnh quy hoạch vừa nêu của UBND quận Gò Vấp đã “vẽ nhà đất của 49 hộ dân” lấn vào Khu công viên Gia Định, là nhằm hợp thức hóa việc “bán đất lộ giới” đường Nguyễn Thái Sơn của ông Nguyễn Hồng - Chủ tịch UBND quận. Tại thời điểm ngày 10/7/2007 và ngày 10/10/2007, không có Quyết định nào mang số hiệu 1601/QĐ-UBND đề cập “đường Nguyễn Thái Sơn theo dự án đường nối TSN-BL-VĐN” như VPĐKQSDĐ quận Gò Vấp viện dẫn. 

Thực tế, ngày 10/10/2007 chỉ có Quyết định 4601/QĐ-UBND phê duyệt “ranh giải phóng mặt bằng” trên cơ sở Quyết định 3585/QĐ-UBND ngày 19/7/2005 của UBND TP. Hồ Chí Minh về điều chỉnh phương án tuyến đường nối TSN-BL-VĐN. Theo đó, đoạn qua khu vực 49 hộ dân tổ 62, phường 3, quận Gò Vấp là đường Nguyễn Thái Sơn đã được điều chỉnh từ 60m xuống 20m, trong khi lộ giới con đường hiện hữu này đã là 25m. 

Để hợp thức hóa việc thu hồi đất của các hộ dân, ngày 25/8/2008 UBND TP đã ban hành Quyết định 3659/QĐ-UBND về bổ sung nội dung “thu hồi đất để trồng cây xanh” vào Quyết định 19/QĐ ngày 04/01/2008 về “thu hồi đất để làm đường”, nhưng đến nay vẫn chưa có dự án trồng cây xanh nào trên địa bàn được phê duyệt. Vì thế, tại Kết luận số 158/KL-TTCP ngày 30/01/2011, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị UBND TP. Hồ Chí Minh “điều chỉnh việc thu hồi đất” vừa nêu ra khỏi Quyết định 19/QĐ ngày 04/01/2008 đối với 49 hộ dân đường Nguyễn Thái Sơn thuộc tổ 62, phường 3, quận Gò Vấp. 

Thực tế, không có Quyết định 1601/QĐ-UBND ngày 10/7/2007 về “đường Nguyễn Thái Sơn” như văn bản của VPĐKQSDĐ quận Gò Vấp viện dẫn. Chỉ có Quyết định 3585/QĐ-UBND ngày 19/7/2005 của UBND TP. Hồ Chí Minh về điều chỉnh tuyến TSN-BL-VĐN liên quan đến đường Nguyễn Thái Sơn, nơi 49 hộ dân đang sinh sống. 

Mặt khác, Quyết định 759/QĐ ngày 04/3/2010 về quy hoạch chi tiết đô thị phường 3 chỉ nêu một cách chung chung “khu cây xanh” là công viên Gia Định, không có nội dung thể hiện khu vực 49 hộ dân đường Nguyễn Thái Sơn nằm trong quy hoạch dự án cây xanh. Theo các Quyết định 05/QĐ ngày 04/01/1995 và Quyết định 316/2004/QĐ ngày 24/12/2004 của UBND TP trước đó, khu vực 49 hộ dân đường Nguyễn Thái Sơn đang sinh sống là đất ở đô thị. 

Thực hiện Kết luận của Thanh tra Chính phủ, và văn bản chỉ đạo 1753/VPCP-KNTN ngày 23/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 27/10/2011, UBND TP. Hồ Chí Minh cũng đã ban hành Quyết định 5166/QĐ điều chỉnh diện tích đất liên quan 49 hộ dân đường Nguyễn Thái Sơn ra khỏi Quyết định 19 về thu hồi đất làm đường và trồng cây xanh. 

Như vậy, việc VPĐKQSDĐ quận Gò Vấp đưa ra lý do các căn nhà trong khu vực 49 hộ dân vừa nêu “thuộc khu cây xanh” và “đường Nguyễn Thái Sơn” một cách mập mờ đánh lận, để từ chối quyền được làm thủ tục cấp “sổ đỏ” nhà đất đối với người dân là không phù hợp. 

Thiết nghĩ UBND TP. Hồ Chí Minh cần xem xét lại quyền được cấp GCN nhà ở và đất ở đối với 49 hộ dân đường Nguyễn Thái Sơn thuộc tổ 62 phường 3 quận Gò Vấp theo quy định của pháp luật, để người dân ổn định cuộc sống. 



*

Phường 7, quận 8, TP. Hồ Chí Minh: Cần xem xét cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho bà Tươi


Nam Hà (Thanh tra) - Đất có nguồn gốc rõ ràng, sử dụng ổn định từ trước năm 1975, đã kê khai theo Chỉ thị 299/TTg, tuy nhiên đến nay phần đất này của bà Nguyễn Thị Tươi (mua lại của chủ đất) vẫn chưa được chính quyền UBND quận 8 xem xét giải quyết cấp giấy CNQSD đất. 

Hậu quả là nhiều năm qua, gia đình bà Tươi phải sống trong cảnh tạm bợ, ngập úng; ngôi nhà tạm đã hơn một lần bị chính quyền địa phương cưỡng chế phá bỏ, vì kinh tế khó khăn và không có chỗ ở nào khác nên phải dựng lại một căn nhà tạm để sinh sống. Thời gian qua, Báo Thanh tra đã nhiều lần phản ánh vụ việc này, tuy nhiên UBND phường 7 cũng như UBND quận 8 vẫn chưa đưa ra những giải pháp cụ thể giúp đời sống gia đình bà Tươi thêm bớt khổ.

Thành phố, quận đều khẳng định, đất sử dụng ổn định từ trước năm 1975!

Bà Nguyễn Thị Tươi ngụ tại số 3019/17 Phạm Thế Hiển, phường 7, quận 8 hiện là chủ sử dụng mảnh đất trên, được mua từ bà Trần Thị Thơm vào năm 2000. Việc giao dịch giữa bà Tươi và bà Thơm chỉ thực hiện bằng giấy tay với nhau và không có xác nhận của UBND phường 7. Tuy nhiên, từ thời điểm đó đến nay giữa bà Tươi và bà Thơm không hề xảy ra tranh chấp. Nói cách khác, họ vẫn là những người hàng xóm tốt của nhau theo như những người dân địa phương ở đây phản ánh.

Trong Văn bản số 1089/CV-UB ngày 17/03/1999 của UBND quận 8 trích yếu giải quyết tranh chấp đất tại phường 7, quận 8 có nêu rõ kết quả thẩm tra và xác minh như sau: Đất mà bà Thơm sử dụng là đất ao thuộc một phần Bằng khoán 87 Chợ Lớn, Bình Đông, do ông Lê Văn Hạnh đứng bộ, mục đích sử dụng làm nghĩa trang gia tộc. Đến năm 1954, trên phần đất thuộc Bằng khoán 87 hình thành khu dân cư do người từ miền Bắc di cư vào và hình thành thêm nghĩa trang tôn giáo (giáo xứ Bình An) cạnh nghĩa trang của gia tộc ông Hạnh. Năm 1966, ông Hạnh mất, bà Võ Thị Nhung (vợ ông Hạnh) tiếp tục quản lý; nghĩa trang được chôn cất người trong gia tộc bà Nhung và cả người ngoài. Cạnh nghĩa trang, ông Trần Văn Phúc (chồng bà Trần Thị Thơm) đã đào ao nuôi cá, nhưng không phát sinh tranh chấp.

Năm 1976, bà Nhung lập giấy ủy quyền cho con là Lê Văn Xăng làm đại diện để thu thuế thổ cư trên phần đất nghĩa trang (có xác nhận của UBND Cách mạng Khóm 7, quận 7 nay là phường 15, quận 8). Năm 1983, toàn bộ khu đất nghĩa trang được nhà thờ Bình An đăng ký theo Chỉ thị 299/TTg bao gồm nghĩa trang ông Xăng quản lý, nghĩa trang của tôn giáo, đất ao của ông Phúc canh tác. Riêng đất thổ tập trung do các hộ đang sự dụng đăng ký, trong đó có hộ ông Phúc.

Năm 1983 ông Xăng chết, các phần đất trên vẫn được sử dụng theo nguyên trạng. Năm 1995, ông Phúc chết, bà Trần Thị Thơm tiếp tục sử dụng phần đất ao này. Đến năm 1997, bà Hà Thị Tám (vợ ông Xăng) và ông Lê Văn Minh (con ông Xăng) tranh chấp phần đất ao trên với bà Thơm. Tháng 12/1997, ao không sử dụng nuôi cá được và trở thành ao tù nên bà Thơm san lấp bán một phần cho người khác. Đôi bên không tự xử lý được nên phát sinh khiếu nại.

Cũng trong Văn bản số 1089 có nêu rõ: Tuy gia tộc ông Minh đứng bộ Bằng khoán có diện tích 1,0317 ha, nhưng trên thực tế chỉ lập nghĩa trang có diện tích 875m2, phần đất còn lại là đất nghĩa trang tôn giáo, khu dân cư và đất ao cạnh nghĩa trang (do bà Thơm sử dụng) đã được hình thành trước năm 1975. Từ những cơ sở trên, UBND quận 8 đã quyết định, việc ông Lê Văn Minh lấy danh nghĩa là người thừa kế để đòi lại phần đất ao do bà Trần Thị Thơm sử dụng là không có cơ sở giải quyết. Như vậy rõ ràng trong Văn bản số 1089 đã thừa nhận nguồn gốc đất của bà Thơm là có nguồn gốc và sử dụng ổn định từ trước năm 1975.

Ngoài ra, trong Quyết định giải quyết khiếu nại số 368/QĐ-TTr ngày 26/10/2000 của Thanh tra Thành phố cũng nêu rõ: Xét phần đất ao, mặc dù có nguồn gốc của ông Lê Văn Hạnh nhưng gia tộc đã không trực tiếp quản lý sử dụng mà do bà Trần Thị Thơm quản lý sử dụng từ trước giải phóng đến nay. Do đó, căn cứ luật đất đai, việc ông Lê Văn Minh (cháu nội ông Hạnh) đòi lại phần đất ao là không có cơ sở giải quyết. Một lần nữa Thanh tra Thành phố thừa nhận nguồn gốc phần đất ao là do bà Thơm quản lý sử dụng từ trước giải phóng đến nay và toàn bộ khiếu nại của ông Minh là không có cơ sở.

Nhân chứng lịch sử nói gì?

Ngày 13/02/2012, chúng tôi đã xuống làm việc với bà Tươi và xác minh lại toàn bộ thông tin từ những hộ dân sống xung quanh gia đình này. Bà Phạm Thị Bát, tổ trưởng tổ 31, khu phố 3 cho biết: “Tôi sống cách nhà bà Tươi mười mấy căn nhà và thường xuyên qua nhà chị Tươi chơi. Từ khi sinh ra là năm 1957 tôi đã sống tại đây, mảnh đất trước khi bà Tươi về đây sinh sống là của bà Thơm đã khai hóa và không hề tranh chấp với ai trong suốt quá trình sử dụng”.

Bà Phạm Thị Đào ngụ tại số 3019/1 Phạm Thế Hiển, sinh sống từ năm 1979 cho biết: “Bà Tươi về ở ổn định không hề tranh chấp với ai, ngoại trừ có ông Minh trước đây tranh chấp với bà Thơm nhưng chính quyền đã giải quyết xong rồi. Từ khi gia đình bà Thơm về đây đã ở ổn định, nuôi cá. Sau đó bà Thơm lấp ao đi và bán một phần đất cho bà Tươi sống đến bây giờ. Nhà bà Tươi là hộ gia đình khó khăn về nhà ở và tiền bạc. Trước đây căn nhà tạm của bà Tươi thường xuyên bị ngập nước 24/24”. 

Ông Lê Văn Phú ngụ tại số 3019/8 đối diện với hộ bà Tươi thì cho biết: “Tôi về đây ở từ khoảng năm 1975, khi đó miếng đất bà Tươi ở bây giờ là một cái ao do ông Phúc sử dụng để nuôi cá. Sau khi lấp ao cá đi thì ông Phúc bán cho một số người khác. Trong suốt quá trình ông Phúc sử dụng ao cá này thì không hề thấy có ai đến tranh chấp ao cá này. Sau khi bán một phần ao cho bà Tươi thì tôi cũng không thấy ai đến đây tranh chấp đất cả. Năm 1999 Nhà nước bắt đầu làm tờ kê khai, mấy năm sau khi Nhà nước làm đại trà có nghĩa là phường thông báo, ai lên thì làm, ai không lên thì không làm. Khi đó tôi lên kê khai thì người ta làm cho tôi giấy CNQSD đất”. 

Bà Trần Thị Thơm khi tiếp xúc với chúng tôi thì khẳng định: “Tôi sử dụng miếng đất ao này từ năm 1954 hồi còn ông Hạnh. Khi chồng tôi còn sống thì không ai nói gì cả. Khi đó miếng đất này toàn cỏ, không ai sử dụng. Chúng tôi trồng trọt ông Hạnh cũng không phản đối. Trong suốt quá trình đào ao nuôi cá thì chẳng ai có ý kiến gì cả và cũng không ai tranh chấp với gia đình tôi. Sau này khi chồng tôi chết thì tôi không nuôi cá được nữa nên tôi đổ đất lấp ao. Thời gian sau tôi bán một phần đất này cho chi Tươi và đã nhận tiền đầy đủ rồi…”.

Trong suốt quá trình tiếp xúc và làm việc với các hộ dân cũng như bà Thơm, tất cả các hộ dân ở đây đều khẳng định miếng đất mà bà Tươi mua của bà Thơm trước đây không hề có tranh chấp với ai cả và đã sử dụng ổn định từ rất lâu. Điều này có thể thấy những điều mà UBND quận 8 đã xác minh và làm rõ trước đây tại Văn bản số 1089 là hoàn toàn đúng và có cơ sở.

Như vậy có thể khẳng định, miếng đất của bà Tươi đang sử dụng là hoàn toàn hợp pháp, có nguồn gốc sử dụng từ trước năm 1975 và không hề lấn chiếm hay tranh chấp với ai. Duy chỉ có một điều mà đến nay hộ gia đình bà Tươi không thể xây dựng nhà kiên cố là vì mảnh đất này nằm trong đường dự phóng của một dự án “treo” đã nhiều năm. Vì thế UBND quận 8 không thể cấp giấy phép xây dựng cho bà Tươi được. 

Tuy nhiên, đối với trường hợp bà Tươi cần phân định rạch ròi 2 vấn đề: Nếu hộ gia đình bà Tươi đủ điều kiện để cấp giấy CNQSD đất thì UBND quận 8 cần xem xét cấp chủ quyền cho hộ này, còn việc đất bà Tươi nằm trong đường dự phóng không thể cấp phép xây dựng thì cần làm rõ khu vực này đã quy hoạch chi tiết đến mức nào? Con đường “dự phóng” ấy có khả thi hay không và “dự” đến bao giờ? Việc cấp chủ quyền đất (hợp lệ) cho người dân không thể vin vào hai chữ “dự phóng” mà ách lại, đẩy dân vào tình cảnh sống nheo nhóc tạm bợ, quanh năm ngập úng và hoàn toàn mất quyền định đoạt mảnh đất họ đã bỏ công sức ra mua và gầy dựng. 

Đề nghị UBND quận 8 sớm xem xét cấp giấy phép xây dựng tạm, tránh tình trạng người dân đang “ngay” thành “gian” khi cứ phải cạy cục xin xỏ cái quyền mà lẽ ra họ được hưởng; đồng thời có câu trả lời cụ thể về việc cấp giấy CNQSD đất cho bà Tươi để Báo Thanh tra phản ánh nhằm rộng đường dư luận. 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo