Cách mạng Dân chủ dưới con mắt kẻ cơ hội (Phần 7) - Phân tích mô hình tổ chức cách mạng - Dân Làm Báo

Cách mạng Dân chủ dưới con mắt kẻ cơ hội (Phần 7) - Phân tích mô hình tổ chức cách mạng

Kẻ cơ hội (Danlambao) - Những năm đầu thế kỉ 20, phong trào công nhân và các phong trào xã hội khác diễn ra rộng khắp tại Châu Âu. Đi lên từ phong trào tự phát, các tổ chức đấu tranh trong đó có cả tổ chức Cộng Sản phát triển nhanh và ngày càng có qui mô lớn. Thực tế đó đòi hỏi phải phát triển các lí thuyết về tổ chức và phân tích mô hình tổ chức cách mạng. Các nghiên cứu về mảng này bắt đầu được giới trí thức phát triển đặc biệt là tại các nước có phong trào cải cách xã hội phát triển mạnh mẽ như Đức, Nga, Pháp... Mỗi tổ chức, mỗi phong trào và mỗi quốc gia đều nghiên cứu, lựa chọn cho mình một mô hình để tranh giành ảnh hưởng và quyền lợi chính trị. Sự lựa chọn mô hình khác nhau có thể dẫn dắt một phong trào đi theo hướng hoàn toàn khác biệt. 

Nói riêng về phong trào cộng sản - Những năm đó, mặc dù có tư tưởng phân biệt giai cấp một cách cực đoan, nhưng cùng với các phong trào cải cách khác, nó được coi là phong trào xã hội tiến bộ, đấu tranh cho quyền lợi của người lao động. Tại nước Pháp, mặc dù phong trào cộng sản phát triển khá mạnh, những người cộng sản Pháp đã cùng hòa vào trào lưu tiến bộ chung và dần dần, tính đối lập giai cấp cực đoan cũng bị loại bỏ. Đảng cộng sản Pháp đi theo con đường đúng nghĩa là một tổ chức đấu tranh vì tiến bộ xã hội và cùng với các phong trào khác góp phần tạo ra cơ sở quan trọng cho một thể chế dân chủ sau này.

Trong khi đó, tại nước Nga, mọi chuyện xảy ra theo hướng ngược lại. Trong thời kì đầu phát triển lên chuyên nghiệp, nội bộ tổ chức cộng sản Nga xung đột một cách ác liệt giữa hai phe phái trong việc lựa chon mô hình phát triển. Trong đó, phe Bonsevic đứng đầu là Lenin cổ vũ một cách cuồng nhiệt cho mô hình tập trung - “chuyên chính vô sản”. Đây là mô hình kiểu “trại lính”, tôn thờ tính kỉ luật và dùng “bạo lực cách mạng” một cách “không thương xót”. Mô hình tập trung, chuyên chính vốn là hệ quả của tư tưởng đối kháng cực đoan và đến lượt nó, đẩy sự phân biệt gai cấp lên nấc thang mới. Thật không may, bối cảnh xã hội nước Nga lúc đó tạo thuận lợi cho mô hình này chiếm ưu thế, và cuối cùng, phe Lenin cũng giành chiến thắng. Dưới bàn tay của Lenin, chủ nghĩa Cộng Sản càng biến thành một thứ tôn giáo sắt máu, tàn nhẫn và man rợ. Cộng sản Nga tiêu diệt tất cả các thành phần khác cho dù cùng là đang trên cùng một chiến tuyến. Mọi hành động nhân từ về giai cấp được cho là yếu đuối kiểu tiểu tư sản (nghe rất quen). Giá như phong trào cộng sản Nga cũng đi theo hướng như của nước Pháp hoặc là các phong trào dân chủ xã hội Nga phát triển đủ mạnh, thế giới có thể đã rất khác.

Thiết lập mô hình hoạt động là việc cần thiết đối với một tổ chức cách mạng. Không có mô hình phù hợp, tổ chức sẽ rất khó phát triển mở rộng. Phong trào cách mạng sẽ vẫn chỉ là phong trào “tự phát”, manh mún và dễ tan vỡ bởi sự đàn áp. Quan điểm cách mạng hiện đại coi mô hình hoạt động là yếu tố chính quyết định năng lực và triển vọng phát triển của một tổ chức thay vì các yếu tố chủ quan khác như đạo đức, hay uy tín cá nhân...

Cách mạng dân chủ và cách mạng lật đổ cũng thường cùng chung một hướng, nhưng không thực sự đi trên cùng một con đường. Các tổ chức có mục đích phát triển dân chủ, quyền con người... thường có cách thức hoạt động tương tự như phong trào con đường Việt Nam hiện nay. Trong khi các tổ chức coi lật đổ là nhiệm vụ cách mạng chính thì lại cần thêm những yêu cầu “đặc thù” riêng biệt trong phương thức và mô hình hoạt động.

Nhìn chung, cho dù được thiết lập theo cách thức nào, mô hình cách mạng dân chủ cũng phải đáp ứng được các yêu cầu sau:

- Phải có khả năng tự điều chỉnh, cải tiến. Điều này cũng giống như cá nhân con người. một con người hoàn hảo cũng không bằng một người biết nhìn nhận và sửa chữa sai lầm. Một mô hình hoàn hảo cũng không sánh được với mô hình có cơ chế tự điều chỉnh để khắc phục sai sót.

- Đảm bảo các nguyên tắc dân chủ, nhân quyền và tự do ngôn luận. Đây là tiêu chí “cứng” và không có sự nhân nhượng nào với bất cứ lí do gì.

- Tạo ra được cơ hội và lợi ích chính đáng, tương xứng cho tất cả các thành viên tham gia cũng như cộng đồng.

- Thuận lợi cho sự phát triển mở rộng và vận hành trên qui mô lớn.

Trong các cuộc cách mạng, tùy theo mục đích, phương pháp, và lý luận... các tổ chức có nhiều mô hình rất đa dạng. Nhưng phổ biến nhất thường có các loại mô hình sau:

1. Mô hình tập trung, hay còn gọi là mô hình kiểu trại lính:

Đây là mô hình mà Lenin và những người Bonsevic Nga sùng bái. Sau đó đảng cộng sản Trung Quốc rồi Việt Nam kế thừa và có “chế biến” thêm.

Đặc trưng thứ nhất của mô hình này là tập trung mọi quyền lực vào cơ quan trung ương. Các bộ phận cấp thấp hơn phải tuyệt đối thi hành mệnh lệnh của cấp trên và không có cơ chế phản hồi từ dưới lên. Các phân bổ lợi ích cũng theo cơ chế “xin-cho” từ trên xuống rất đặc thù.

Thứ hai là mô hình này hạn chế tối đa chủ nghĩa cá nhân và sự tự do của con người. Hành vi của các thành viên được kiểm soát thông qua qui chế xử phạt khắc nghiệt.

Đặc trưng thứ ba của mô hình tập trung là thiên về sử dụng phương thức bạo lực để đạt mục đích “cách mạng”.

Sơ đồ tương quan của mô hình tập trung.

Do có tính áp đặt hành động nên mô hình tập trung chỉ có thể vận hành dựa vào đạo đức, đức tin tôn giáo, hoặc chủ nghĩa dân tộc (Đây là nguyên nhân khiến cho chủ nghĩa dân tộc dễ trở thành con dao hai lưỡi và thực tế, ở nơi nào chủ nghĩa dân tộc tồn tại mạnh mẽ, nơi đó thường gặp khó khăn để phát triển dân chủ).

Mặc dù là mô hình đóng, không có khả năng cải tiến để phát triển, nó được cho là có hiệu quả trong cách mạng lật đổ (đặc biệt là cách mạng giải phóng). Trong lịch sử, mô hình tập trung được các “nhà cách mạng” sử dụng nhiều nhất đặc biệt từ năm 1980 trở về trước. Hiện nay, mô hình tập trung vẫn còn rất thịnh hành tại các khu vực có ảnh hưởng mạnh về tôn giáo, sắc tộc và công nghệ thông tin lạc hậu. Cho dù đứng dưới bất kì danh nghĩa gì, việc kêu gọi thực hiện mô hình tập trung và bạo lực luôn đi ngược lại các nguyên tắc tự do, dân chủ, không phù hợp với xu thế phát triển hiện nay và có thể được hiểu là một con đường thuận lợi để đi tới độc tài chắc chắn.

2. Mô hình hội nhóm:

Đây là mô hình có lịch sử rất lâu đời. Từ thời cổ đại, trong cộng đồng đã xuất hiện các hội, nhóm gồm các cá nhân có chung lợi ích, sở thích, tín ngưỡng... Do yêu cầu tổ chức đơn giản, tính cam kết của nó đối với các thành viên là rất thấp, nên mô hình này dễ vận hành, dễ hoạt động. Mặt khác, sự tương quan quyền hạn giữa các thành viên khá bình đẳng và rất phù hợp cho môi trường dân chủ phát triển. Chính vì vậy, trong các cuộc cách mạng dân chủ, các tổ chức theo mô hình hội nhóm chiếm số lượng đông đảo và có chức năng hỗ trợ cực kì quan trọng.

Mô hình hội nhóm chỉ thường hiệu quả trên qui mô nhỏ và rất khó để phát triển ở qui mô lớn. Do tính cam kết thấp, và các lợi ích mà tổ chức đem lại cho thành viên cũng thấp, mô hình này rất dễ tan vỡ khi gặp các điều kiện khó khăn khách quan. Do vậy, đây là mô hình không phù hợp cho một tổ chức có mục tiêu cách mạng lật đổ trực tiếp. Tuy nhiên, lật đổ độc tài cũng chỉ là một phần của cách mạng dân chủ, mô hình hội nhóm trên thực tế lại rất thích hợp để phát triển dân chủ một cách thực chất. Sự ra đời của hàng loạt các hội nhóm nhỏ trong cộng đồng tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường chính trị cạnh tranh, dân chủ. Khi các hội nhóm này liên kết để cùng hành động, các yếu điểm và hạn chế của nó cũng được khắc phục đáng kể. Thật là quá đúng đắn khi các nhà chiến lược đều coi sự phát triển số lượng các hội nhóm là hướng đi cần thiết của cách mạng. Điều này dựa trên giả thuyết được thừa nhận, rằng mô hình hay sự ưu việt của số ít tổ chức cũng không quan trọng bằng cơ chế cạnh tranh bình đẳng giữa nhiều tổ chức nhỏ khác nhau. Sự cạnh tranh lành mạnh sẽ là động lực để các tổ chức “nghiệp dư” cải cách, phát triển và cùng có cơ hội trên con đường cách mạng.

Các hội nhóm sơ khai cũng chính là tiền thân để xuất hiện những tổ chức chuyên nghiệp, khi mà một số hội nhóm phát triển mở rộng và xuất hiện nhu cầu áp dụng khoa học tổ chức. Rất nhiều tổ chức như vậy có bề ngoài vẫn mang tên kiểu hội nhóm, nhưng thực chất đã thiết lập một định chế quản lí với nhiều mức độ khác nhau và trên thực tế trở thành các tổ chức “trụ cột” của cách mạng. Điều đáng mừng là cách mạng Việt Nam đang bước đi một cách rất “bài bản” với sự hoạt động của hơn 20 tổ chức xã hội dân sự, một số hội nhóm nhỏ và các phong trào dân chủ xã hội khác. Đất nước ta sẽ cần có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn các hội nhóm như thế trước khi nói đến sự kết thúc của thể chế độc tài.

3. Mô hình tản quyền (hay mô hình tương đối):

Mặc dù có vai trò quan trọng trong các cuộc cách mạng dân chủ, khả năng điều hành cách mạng của mô hình hội nhóm không đủ để đáp ứng yêu cầu, khi mà cách mạng chuyển sang cao trào với sự đối kháng gia tăng mạnh mẽ.

Trong rất nhiều tình huống phức tạp, với áp lực đàn áp cao độ, rất nhiều các tổ chức với sự ràng buộc lỏng lẻo sẽ có thể tạm thời quyết định bỏ cuộc. Lúc này, chỉ những tổ chức chuyên nghiệp, với mô hình tạo ra tính cam kết mạnh mẽ của các thành viên mới có khả năng cao để duy trì bền bỉ cuộc tranh đấu theo chiến lược đã vạch sẵn. Đây được gọi là các “nhạc trưởng” của cách mạng. Các nhạc trưởng kiên trì giữ vững đội hình vào thời điểm can go sẽ giúp cho quá trình “tái nhập cuộc” của các cá nhân cộng đồng diễn ra nhanh chóng và rộng khắp. Đó là lí do cần phải có thêm một mô hình đủ mạnh bên cạnh mô hình hội nhóm vốn rất phổ biến.

Mô hình tản quyền là mô hình mới ra đời, trong đó, quyền hạn và lợi ích được phân chia theo các bộ phận chức năng độc lập. Các bộ phận chức năng theo kiểu chuyên môn hóa được quyền “tự trị” cao độ và bình đẳng tuyệt đối. Trong đó, quan trọng nhất là sự phân chia và mối tương quan bình đẳng giữa một bên có quyền hạn về quản lí hành chính, chuyên môn, bên còn lại chỉ có quyền hạn về tài chính. Cả hai bộ phận đều hoạt động theo qui ước chung do tổ chức thiết lập dựa trên sự đồng thuận.

Hình 2: Sơ đồ tương quan của mô hình tản quyền.

Trong nội bộ của một bộ phận chức năng, qui ước về quyền hạn, lợi ích, nghĩa vụ của thành viên cũng dựa trên chức danh tương xứng với mức độ đóng góp của thành viên đối với tổ chức. Đây là nguyên tắc phân chia lợi ích theo giá trị vốn là động lực của xã hội tự do và để đảm bảo các cá nhân không dùng quyền hạn của tổ chức vì mục đích cá nhân, quyền hạn thi hành kỉ luật đối với thành viên cũng được phân chia theo bộ phận chức năng, hoàn toàn độc lập và theo qui ước. Ví dụ: thành viên bộ phận tài chính có quyền phân bổ tài chính cho các chức danh tổ chức, nhưng vẫn chịu thi hành kỉ luật hành chính từ bộ phận điều hành nếu vi phạm qui ước quản lí.

Về sự bổ nhiệm chức danh của mô hình tản quyền. Theo cách thức cổ điển của các tổ chức dân chủ thì vẫn là bình bầu theo phổ thông đầu phiếu. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra quá phức tạp và tỏ ra có mức độ áp dụng thực tiễn thấp, nhất là khi cách mạng đang diễn ra căng thẳng và cần sự đồng thuận nội bộ nhiều hơn. Một lần nữa, sự bổ nhiệm chức danh theo qui ước được thiết lập dựa trên “giá trị” lại có hiệu quả áp dụng cao hơn hẳn. Nổi bật nhất là qui chế bổ nhiệm tương tự các công ty bán hàng đa cấp. Ví dụ: qui ước rằng bất kì một thành viên nào của tổ chức cũng sẽ được bổ nhiệm làm nhóm trưởng nếu kết nạp đủ 10 thành viên mới. Sẽ là trưởng phụ trách vùng nếu hệ thống phát triển đến 500 thành viên, và là trưởng phụ trách khu vực nếu có 1000 thành viên...

Qui chế phân bổ chức danh theo giá trị vốn rất hiệu quả đối với các tổ chức cần phát triển số lượng thành viên nhanh và rộng khắp. Tất nhiên, nó cũng phải gắn với các qui ước về phân bổ lợi ích khác nữa thì mới phát huy hiệu quả.

Trên đây là một số phân tích mô hình tổ chức cơ bản. Hi vọng các tổ chức sẽ có những đánh giá sâu hơn nhằm lựa chọn cho mình một mô hình hoạt động phù hợp với thực tiễn nhằm phát triển nhanh chóng và đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn.

Việt Nam ngày 03-07-2014.


__________________________________

Đã đăng:



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo