Phạm Chí - Hôm nay đọc trang BBC Việt ngữ, tôi thấy có một bản tin ngắn hôm Chủ nhật, 16/01/2011, “Báo Pháp luật rút bài ca ngợi Thủ tướng”. Những thông tin chính của bản tin BBC Việt ngữ hoàn toàn dựa vào những phát hiện trong bài viết thứ nhất của ông Nguyễn Tôn Hiệt ngày 13/01/2011, còn sự kiện báo Pháp Luật Việt Nam rút bài ca ngợi TT thì BBC Việt ngữ dựa vào sự phát hiện trong bài viết thứ hai của ông Nguyễn Tôn Hiệt ngày 14/01/2011.
Hầu như ai cũng biết hai bài viết liên tiếp của ông Nguyễn Tôn Hiệt đã đưa ra những phát hiện đầu tiên với các bằng chứng cụ thể hoàn toàn chính xác về thực chất của tấn tuồng báo chí Việt Nam đánh bóng ông Nguyễn Tấn Dũng. Những phát hiện đó đã gây xôn xao dư luận suốt mấy ngày nay trên hàng trăm trang báo và blogs ở hải ngoại. Tuy nhiên bản tin của BBC Việt ngữ, mặc dù dựa vào hai bài ấy của ông Nguyễn Tôn Hiệt, lại không hề nhắc đến ông, trái lại họ nói mơ hồ là “một số nhà điều tra độc lập tìm hiểu, thì phát hiện ra”.
Điều này cho thấy nhóm BBC Việt ngữ chưa có phong cách làm báo chuyên nghiệp, chưa xứng đáng với uy tín của hãng thông tấn BBC quốc tế.
Nhưng bên cạnh khuyết điểm đó, bản tin của BBC Việt ngữ lại có cái hay là nêu ra một sự kiện khá hấp dẫn. Bản tin viết:
“Hôm 06/01/2011, tức chỉ chưa đầy một tuần trước khi Đại hội XI khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Nghị định Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí và xuất bản.
Theo quy định này, các hành vi như không viện dẫn nguồn tin, không ghi rõ tên họ thật hay bút danh tác giả; hoặc sử dụng tin bài nhưng không biết rõ tên thật, địa chỉ của tác giả… có thể bị phạt từ 1.000.000-3.000.000 đồng.”
Điều này cho thấy khi tung ra bài báo ca ngợi ông Nguyễn Tấn Dũng, báo Pháp luật Việt Nam của Bộ Tư pháp đã vi phạm chính các quy định do ông Dũng ký. Không biết rồi đây ông Dũng có xử lý nghiêm khắc tờ báo Pháp luật Việt Nam đã dám xé rào để ca ngợi ông hay không?
Nếu xét trên pháp luật thì tờ báo của Bộ Tư pháp này lại càng phạm pháp nặng nề vì đã ngang nhiên sử dụng các bằng chứng giả mạo để đánh lừa công luận. Có lẽ vì vậy nên báo Pháp luật Việt Nam đã vội vàng xoá bài báo ngay sau khi bị ông Nguyễn Tôn Hiệt phát hiện các hành vi gian dối.
Trở lại với bản tin BBC Việt ngữ, nếu thử lấy các quy định báo chí ở Việt Nam để áp dụng ngược lại cho bản tin này thì chính nhóm BBC Việt ngữ cũng đã “sử dụng tin bài” của ông Nguyễn Tôn Hiệt nhưng “không ghi rõ tên họ thật hay bút danh tác giả”. Kể cũng khá khôi hài.
http://tienve.org/home/activities/viewThaoLuan.do?action=viewArtwork&artworkId=11950